Quảng Trị tập trung phòng chống dịch bệnh cho cây hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 2

Hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, được trồng lâu đời trên địa bàn Quảng Trị. Đến nay, toàn tỉnh có tổng diện tích hồ tiêu hơn 2.000 ha. Những năm gần đây, trên cây hồ tiêu có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại, đặc biệt là vào mùa mưa có thể gây chết hàng loạt vườn tiêu trong thời kỳ kinh doanh.

Chọn cây giống tốt, một trong những yếu tố phòng trừ dịch hại trên cây tiêu

Ở Quảng Trị vào mùa mưa có tổng lượng mưa tương đối lớn và mưa thường kéo dài trong nhiều ngày dễ gây ra ngập úng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng, trong đó có cây hồ tiêu. Trên cây hồ tiêu có nhiều loại đối tượng dịch hại nhưng nghiêm trọng nhất là các loại sâu bệnh gây hại ở rễ, gốc và các đoạn thân chính.

Trong thời gian qua, thời tiết diễn biến bất lợi đã tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát triển, gây hại trên cây hồ tiêu như bệnh thối gốc, chết nhanh phát triển mạnh và gây hại với diện tích nhiễm 583 ha, trong đó bệnh chết nhanh hơn 45 ha gây hại nặng ở các xã phía tây của huyện Gio Linh.

Triệu chứng của bệnh chết nhanh ban đầu là phần dây thân ở trên mặt đất có dấu hiệu bị héo, lá ngã sang màu vàng và rụng trong vòng 7- 14 ngày để lại cành khô trơ trụi, phần rễ và thân ngầm bị thối và sau đó tiêu sẽ chết. Bệnh lây lan rất nhanh qua đất và nước tưới.

Các gốc tiêu bị đọng nước và cỏ dại, bị các cây khác lấn át về ánh sáng dễ bị nhiễm bệnh hơn và bị bệnh trước, cả vườn tiêu có thể bị hại trong vài tuần hoặc vài tháng. Bệnh chết nhanh rất khó trị, vì khi thấy dây bị héo thì lúc đó nấm đã tấn công vào bộ rễ từ 1-2 tháng trước đó.

Bệnh tuyến trùng rễ hại tiêu cũng có nhiều loại, trong đó chủ yếu là loại nội ký sinh phát triển trong mùa mưa. Tuyến trùng chui vào rễ cây hút dịch tạo thành những u, bướu làm rễ suy yếu và nghẽn mạch rễ, giảm khả năng hút nước và dinh dưỡng. Cây tiêu vì thế trở nên còi cọc. Các vết thương do tuyến trùng rễ gây ra mở đường cho các loại nấm và vi sinh vật xâm nhập gây bệnh cho cây tiêu.

Thực tế trên địa bàn tỉnh, các loại bệnh này năm nào cũng xuất hiện và gây hại cho những vườn tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, gây thiệt hại rất lớn cho người trồng tiêu. Vì thế ngay từ đầu mùa mưa, nông dân cần chú ý chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh thường xuyên gây hại cho cây tiêu.

Cần tiến hành dọn vệ sinh vườn tiêu trước mùa mưa, dọn sạch cỏ dại, cây bụi trong vườn, tỉa bớt cành lá cây choái sống làm cho vườn tiêu thông thoáng có nhiều ánh sáng. Dọn sạch rác và tàn dư thực vật làm nguyên liệu tủ gốc trong mùa nắng. Đào rãnh thoát nước giữa 2 bên hàng tiêu, không để nước chảy tràn trong vườn tiêu. Cắt bỏ hết đoạn thân, rễ chớm bị bệnh và các lá bị vàng úa đem đốt. Đồng thời, tiến hành bón phân, vun gốc.

Cần lưu ý không bón phân hữu cơ chưa hoai mục, không bón phân sát gốc, không xới sâu quá, nhất là vùng quanh gốc dễ làm đứt rễ, không để gốc tiêu bị lõm dễ đọng nước trong mùa mưa. Đất trồng tiêu cần bón nhiều phân hữu cơ hoai mục vì trong phân hữu cơ hoai mục có nhiều vi sinh vật có khả năng tiêu diệt các mầm bệnh hại tiêu, do đó, cây tiêu càng bón nhiều phân hữu cơ càng ít bệnh, nhất là bệnh héo chết nhanh. Cần bón phân cân đối và đầy đủ các loại phân như lân, kali, đạm theo từng thời kỳ của cây tiêu. Trồng quanh gốc tiêu các cây vạn thọ để diệt tuyến trùng.

Theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh, trong thời gian tới các bệnh tuyến trùng, thối gốc rễ, chết nhanh… trên cây hồ tiêu sẽ tiếp tục phát triển và gây hại nặng trên những vườn đang bị bệnh, vùng ổ dịch, vùng thấp trũng… Nếu không có biện pháp phòng, trừ bệnh sớm và triệt để thì diện tích tiêu chết tiếp tục tăng.

Để hạn chế sâu bệnh phát sinh và gây hại, Chi cục BVTV tỉnh chỉ đạo cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, tập huấn kỹ thuật và chỉ đạo cho nông dân chăm sóc, làm cỏ, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, cành sát mặt đất, bón phân cân đối, đầy đủ, phun bổ sung phân qua lá nhằm hạn chế hiện tượng rụng quả.

Tùy theo mức độ bệnh chết nhanh cần tiến hành xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Ridomil God 68 WP, Vimon, các loại thuốc trừ tuyến trùng như Vifuran, Carbosulpha, Fungan, Agrifos 400…

Điều quan trọng nông dân cần chú ý là việc quy hoạch, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vườn tiêu phải được quan tâm đúng mức, tiến hành thường xuyên chứ không nên để đến khi bệnh gây hại nặng mới tiến hành xử lý thì hiệu quả trị bệnh mang lại không cao, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất tiêu.

Trần Thảo Hiền

2 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Cho mình hỏi. Khi cây hồ tiêu bắt đầu bị vàng lá do bệnh chết nhanh, chết chậm thì ta phát hiện sớm và đổ bao nhiêu lần thuốc để trị và phòng cho hiệu quả. Mình cám ơn nhiều.

    • Đổ+phun thuốc ít nhất 2-3 lần, mỗi lần cách 1 tuần… Cho tới khi thấy tiêu có dấu hiệu hồi phục thì tiến hành phun phân bón lá + đổ gốc các loại phân amino, đạm cá, bánh dầu hay biogel+biosol với liều cao cho tiêu mau lấy lại sức.
      Bắt đầu phát bệnh rồi thì lo đổ+phun thuốc để trị chứ còn phòng gì nữa ?!

Gửi phản hồi mới

(?)