Qui hoạch ngành hồ tiêu: Chỉ giữ lại 50.000 ha hồ tiêu
Ngành Nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt từ 1,2 – 1,3 tỷ USD.
>>TL tham khảo: Quyết định 1442/QĐ-BNN-TT
Bộ trưởng Bộ NNPTNT vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tăng năng suất và giá trị ngành hồ tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển hồ tiêu theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững.
Mục tiêu của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%.
Về cơ cấu sản phẩm: Tiêu đen 70% (trong đó tiêu nghiền bột 15%), tiêu trắng 30% (tiêu nghiền bột khoảng 25%) và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỷ USD.
Theo quy hoạch, các sở NNPTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng quy hoạch ngành hồ tiêu trên toàn quốc tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển hồ tiêu tại địa phương; tổ chức thực hiện phương án quy hoạch được duyệt.
Đối với diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa cần có kế hoạch trồng tái canh. Hồ tiêu trồng ở những nơi điều kiện sinh thái không thích hợp, hồ tiêu bị nhiễm các bệnh khó phòng trị và không nằm trong vùng quy hoạch được duyệt, cần khuyến khích chuyển sang trồng cây khác theo quy hoạch của địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu; ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo chứng chỉ chất lượng VietGAP, Global GAP…
Cùng với đó, các địa phương tập trung khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển các phương thức nông dân liên kết sản xuất hồ tiêu như tổ hợp tác, hợp tác xã, “vườn tiêu mẫu lớn;” phát triển mạng lưới đại lý thu mua nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tập trung phát triển các đầu mối xuất khẩu lớn, hạn chế dần các đầu mối xuất khẩu nhỏ lẻ, từng bước hình thành lên các doanh nghiệp mạnh trong chế biến, xuất khẩu hồ tiêu.
Mặt các, các địa phương có kế hoạch thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao theo quy hoạch được duyệt.
Trích quyết định 1442/QĐ-BNN-TT
2. Quy hoạch vùng trồng hồ tiêu:
– Vùng trồng hồ tiêu trọng điểm: Đến năm 2020, diện tích 41.500 ha chiếm 83% tổng diện tích hồ tiêu cả nước, gồm các địa phương Bình Phước: 10.000 ha, Đồng Nai: 7.000 ha, Bà Rịa-Vũng Tàu: 7.000 ha, Đắk Nông: 7.000 ha, Gia Lai: 5.500 ha, Đắk Lắk: 5.000 ha.
– Ngoài vùng trọng điểm: Đến năm 2020, diện tích 8.500 ha, chiếm 17% diện tích hồ tiêu cả nước, gồm các địa phương Quảng Trị: 2.200 ha, Bình Thuận: 1.900 ha, Quảng Bình: 1000 ha, Kiên Giang: 500 ha, Phú Yên: 400 ha, Tây Ninh: 400 ha, Bình Dương: 400 ha, Nghệ An: 300 ha, Quảng Nam: 300 ha, Bình Định: 300 ha, Thừa Thiên – Huế: 250 ha, Lâm Đồng: 200 ha, Quảng Ngãi: 100 ha, Kon Tum: 100 ha, TP. Hồ Chí Minh: 50 ha, TP. Đà Nẵng: 30 ha, Khánh Hòa: 30 ha, Hà Tĩnh: 20 ha, An Giang: 20 ha.
29 phản hồi cho bài "Qui hoạch ngành hồ tiêu: Chỉ giữ lại 50.000 ha hồ tiêu"
Nếu diện tích trồng tiêu của tôi nằm ngoài qui hoạch của Bộ NN thì xin Bộ vui lòng chỉ cho tôi trồng cây gì để đảm bảo thu nhập nuôi sống gia đình và các cháu được học hành đến nơi đến chốn.
Gia đình tôi vô cùng biết ơn Bộ NN.
Trân trọng !
Với vận tốc gia tăng diện tích như 2 năm nay, người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu, trồng tiêu trên tất cả các khoảng trống còn lại… thì cở 4 năm nữa, chắc gì tiêu đảm bảo cuộc sống cho gia đình bác! thiển ý, thiển ý!
Hiện nay ở Vũng Tàu quê tôi và các tỉnh, nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu, đất tốt chăm sóc kỹ, tất cả các loại đất, đa phần đất cao su đều được phá và chuyển qua trồng tiêu. Tiêu chết là chuyện nhỏ với người nông dân quê tôi vì, trăm cây bình quân nhiều lắm chỉ chết 1 cây chả thấm vào đâu. Giá tiêu cao, nông dân quê tôi trở nên giàu có rất nhiều, nói thật chứ nông dân quê tôi như muốn mua nhà thành phố từ 1- 2 tỉ là chuyện nhỏ. Thậm chí có nông dân còn phấn khởi bảo rằng cầu cho giá tiêu giữ như hiện nay khoảng vài ba năm, thì khi đó tiêu có chết hết hay rẽ như bèo thì đối họ cũng là quá đủ. Năng suất cao hơn nhiều so với năng suất bình quân của chuyên gia đưa ra là từ 2,7 – 3 tấn/ 1ha. Nhưng điều chúng tôi băn khoăn mà không tìm ra câu trả lời là : hạt tiêu chỉ dùng để ăn thôi hay là dùng làm việc gì mà giá cao đến vậy, nông dân quê tôi cho rằng ăn gì hết với sản lượng nhiều như vậy !… Có ai biết làm ơn đăng công dụng của tiêu, cũng như, làm gì là chủ yếu … Tôi hay tra mạng mà thực tình cũng chẳng rõ, và suy nghĩ cũng như nông dân quê tôi. Ai biết đăng lên mạng dùm, chân thành cảm ơn !
Nông dân trồng tiêu hỏi , xin bộ trưởng bộ NN & PTNT trả lời.
Tôi là nông dân trồng tiêu ở Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai, xin thưa:
Theo quy hoạch của bộ NN & PTNT do bộ trưởng Cao Đức Phát ký ngày 27/6/2014 dến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 chỉ giữ 50.000 ha hồ tiêu; trong đó 6 tỉnh trồng tiêu trọng điểm là 41.500 ha. Theo báo cáo của 6 sở NN & PTNT năm 2013, diện tích trồng tiêu đã có 53.400 ha, trong đó có khoảng gần 50.000 ha đang cho thu hoạch, còn lại là diện tích trồng mới. cụ thể:
Tỉnh / Quy hoạch của Bộ / Thực tế đã có / Thừa so với quy hoạch
Gia Lai / 5.500 ha / 9.500 ha / 4.000 ha
Đắc Lắc / 5.000 ha / 8.500 ha / 3.500 ha
Đắc Nông / 7.000 ha / 9.500 ha / 2.500 ha
Bình Phước / 10.000 ha / 10.000 ha / 0 ha
Đồng Nai / 7.000 ha / 7.300 ha / 300 ha
Bà Rịa-VT / 7.000 ha / 7.600 ha / 600 ha
Cộng / 41.500 ha / 53.400 ha / 11.300 ha
1/. Việt Nam trồng tiêu có đến 95% sản phẩm để xuất khẩu. Cân đối cung cầu trên phạm vi toàn cầu của nhiều thập niên đã và 10 năm gần đây nhất, sản lượng thu hoạch toàn thế giới tăng không đáng kể, (chỉ VN tăng, các nước không tăng mà còn giảm như Ấn Độ, Indonesia) trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng hàng năm 4-5 % vì thế giá tăng liên tục năm sau cao hơn trước.
2/. Chính sách ruộng đất của Chính phủ giao 5 quyền cho bà con nông dân, Nông dân VN rất cần cù thông minh sáng tạo, tiếp cận với công nghệ thông tin, với tiến bộ khoa học- công nghệ nông nghiệp khá thành thạo, hội nhập với kinh tế thị trường khá nhanh … (với cây tiêu nhiều nông dân đã là kỹ sư chân đất và mỗi nông dân là một doanh nghiệp…) Chúng tôi đã, đang và sẽ biết trồng tiêu như thế nào, biết giữ hàng bán lúc nào … có hiệu quả nhất, lúc đầu ít người biết nay phổ biến cho nhau nhiều người làm.
3/. Các tỉnh Tây nguyên đang còn tiềm ẩn nhiều lợi thế để phát triển cây hồ tiêu (đất bazan, lực lượng lao động dồi dào…) Theo quy hoạch của Bộ đến tận năm 2030 mà nay 3 tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông đã thừa trên 10.000 ha tiêu. Giả sử tiêu xuống 100.000 đ/kg thay vì hiện nay 170.000 đ/kg thì nông dân trồng tiêu vẫn thu siêu lợi nhuận. Mấy năm qua Ấn Độ quyết tâm rất cao cũng không làm cho cây tiêu phát triển, thời hoàng kim những thập niên 80-90, Ấn Độ đạt sản lượng gần 80.000-90.000 tấn/năm, nhưng nhiều năm qua chỉ 45.000-50.000 tấn – đủ ăn trong nước. Indonesia không tăng. Braxin, Malaysia ổn định. Chỉ có VN phát triển vượt lên hàng đầu, chi phối thị trường, dẫn dắt giá cả thế giới.
4/. Vậy bộ NN & PTNT căn cứ vào những cơ sở khoa học nào để quy hoạch ngành Hồ tiêu cách đây 10 năm 2005 tầm nhìn đến 2015 và nay tầm nhìn đến năm 2030 vẫn chỉ giữ 50.000 ha, trong khi thực tế sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu như một hiện tượng – phát triển rất phong phú và hiệu quả. Không hiểu Bộ tới đây chỉ đạo các tỉnh và phối hợp các bộ ngành liên quan giải quyết số tiêu vượt quy hoạch và ngoài vùng quy hoạch thế nào và có lời khuyên gì chỉ cho bà con phá bỏ cây tiêu để trồng cây gì hiệu quả hơn như bà con nông dân đang hỏi, xin bộ trưởng trả lời !
Trân trọng.
Ở đâu thì tôi không rõ, chứ ở Dak Lak và Dak Nong, số liệu diện tích trên quá lạc hậu rồi, ít nhất là đã gấp đôi! Ai từng hay đi trên đường 14 sẽ thấy choáng về sự tăng diện tích độc cây TIÊU này.
Đã có quy trình trồng hồ tiêu được cơ quan nhà nước chính thức ban hành chưa mà làm quy hoạch vùng trồng theo khí hậu thổ nhưỡng?
Mình cập nhật thông tin lạc hậu, nếu đã có quy trình thì xin các bạn cho mình tham khảo với.
Quê mình ở Tánh Linh, Bình Thuận là vùng trồng tiêu khá nhiều trước đây, giờ về thấy xơ xác quá, bà con cứ lo trồng cao su. Nên mình cũng trăn trở nhiều với cây tiêu.
Theo em biết thì có quy hoạch trồng cà phê ban hành đâu năm 2013 cũng giảm diện tích so với hiện tại nhiều, trong đó Đắk Nông là giảm nhiều nhất.
Có khi nào quy hoạch cây cà phê và cây tiêu trùng nhau không, vậy có thể Đắk Nông lại phát hiện cái mỏ gì đó giống boxit nữa thì sao.
Dan Viet luôn tìm hiểu các tác động của tin tức lên thị trường hồ tiêu, luôn đặt các câu hỏi và cố gắng tìm câu trả lời.
Tin này có tác động lên giá tiêu trong ngắn hạn không? – Không.
Tin này có làm mọi người trồng thêm tiêu hay chặt bỏ tiêu trong dài hạn không? – Không.
=> Trái đất vẫn quay đều dù có hay không có Quyết định 1442/QĐ-BNN-TT.
@ Anh Vịnh, tôi thường hay nêu ý kiến phản biện, tôi nghĩ chỉ tung hô 1 vấn đề, không thấy mặt trái của nó thì thật sự không hoàn hảo và không có gì mà không có mặt trái cả, nên diễn đàn không nên cắt các ý kiến của tôi, để mọi người cùng thảo luận, đấu tranh là phát triển mà!
Chào bạn @MUF
Tôi thực sự không hiểu bạn muốn nói gì qua phản hồi này?
-Với lại chê bai người này hay đả kích ý kiến của người khác thì không hẳn là đấu tranh… !
Chắc bạn rõ điều này mà.
@ chào Chú Nguyễn Vịnh, bác MUF. Không rõ bác MUF có ý kiến như thế nào vì không được đọc nhưng đoán có lẽ là bác phản đối bình luận của Dan Viet.
Thật ra, Dan Viet cũng không cổ vũ cho việc phát triển cây tiêu một cách vô tội vạ vì nó sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế cho người trồng và cho đất nước. Bác có thể đọc các ý kiến của Dan Viet tại đây:
http://www.giatieu.com/binh-phuoc-canh-bao-viec-trong-tieu-o/6474/
và tại đây: http://www.giatieu.com/thi-truong-tieu-gia-tieu-vuot-moc-7000-rupi-kg/6491/
Bình luận trên chỉ muốn nói rằng: sự can thiệp kiểu mệnh lệnh hành chính như trên chẳng có tác dụng gì vì không đúng cách và quá trễ. Cũng giống như BĐS hay cây cao su hiện nay vậy, nó chết ngắc rồi, mọi nỗ lực cứu nó đều vô nghĩa.
Chúng ta sẽ thấy hậu quả của việc phát triển cây tiêu vô tội vạ vào khoảng 2016-2017. Mọi can thiệp đáng lẽ phải diễn ra từ 2012 phải dùng các thống kê, truyền thông, và công cụ tài chính vĩ mô chứ không phải kiểu đó. Thiệt hại không phải là mơ hồ mà nó khá hiện thực và đang càng ngày càng đến gần.
Nội dung của quy hoạch không phải là bắt buộc người nông dân ngoài vùng quy hoạch không được trồng tiêu đâu, chỉ là ở địa phương nên khuyến cáo người dân không nên phát triển hồ tiêu trên những vùng không quy hoạch trồng tiêu thôi.
Mình nghĩ sẽ không có chuyện bắt buộc ở đây đâu, vì không có ai có thể khẳng định rằng làm theo quy hoạch của bộ là sẽ đảm bảo đời sống sung túc cho người nông dân cả. Giá tiêu thì tăng, có người giàu rất nhanh, còn người khác không được trồng, sao người dân chịu được. Nếu quy hoạch theo dạng bắt buộc sẽ làm mất lòng dân. Còn nếu người dân quyết tâm trồng tiêu trên vùng đất không phù hợp thì những thất bại sẽ làm họ chuyển đổi cây trồng khác. Cho nên mình nghĩ bộ chỉ quy hoạch với chủ trương khuyến khích chứ không bắt buộc ngoài vùng quy hoạch không được trồng tiêu. Tuy nhiên, không biết sau này ở địa phương thực hiện có đúng tính thần trên hay không.
Riêng mình nghĩ rằng với sản lượng trung bình 3 tấn/ha, đó là ưu thế cần phát huy của chúng ta so với các nước trồng hồ tiêu khác.
Thân chào các anh !
Quá vui, quá hay mà không tham gia thì thật uổng. Riêng việc be bé như quản lí phân bón cũng không làm nổi huống chi việc lớn như khống chế diện tích và sản lượng hồ tiêu (thật là một việc không tưởng), tất nhiên hiện tại tiêu có cái giá siêu lợi nhuận. Tất cả đều điên vì tiêu, thuốc nào trị bệnh đó, ai trị được bệnh đó, huống hồ lời nói gió bay. Giá như có biện pháp tích cực hơn, miễn là lợi nhà ích nước thì hay biết mấy. Vài năm trước đua nhau trồng cao su vì một lí rất đơn giản rằng : “giá cao su thiên nhiên sẽ đi theo giá đầu mỏ.” Có ai ngờ rằng nó sảy ra cơ sự như bây giờ.
Ta có tâm, nhưng đâu có tầm. Tầm cỡ như ông chủ Hoàng Anh Gia Lai cũng đang đắng lòng vì nhiều diện tích cao su ở nước ngoài, huống chi ta mỗi nhà có vài trăm đến vài ngàn trụ tiêu. Nhưng điều làm tôi kính nể nhất là người có tiêu Việt Nam rất giỏi và rất tỉnh táo, cũng vì vậy mà giá tiêu được như hiện nay.
Kính chào và chúc sức khỏe các anh
Sau khi bác MUF đọc ý kiến của Dan Viet mà bác vẫn nghĩ rằng cái quyết định kia có chút tác dụng gì trong việc điều phối tốc độ phát triển cây tiêu, trái ngược với những gì tôi nói thì xin bác có ý kiến. Dan Viet sẵn sàng nghe với thái độ cầu thị nhất và tiếp thu nếu ý kiến bác hợp logic và có cơ sở lý luận vững chắc.
Theo thống kê của chính quyền xã Nâm N’Jang năm 2013 xã đã có hơn 1500 ha tiêu, chỉ là 1 xã!
Chào mọi người,
Bộ NN đưa ra quy hoạch vào tháng 6/2014. Thời gan này hạt hồ tiêu đang sốt giá, theo cá nhân tôi thì có thể có mấy mục đích:
– Cảnh báo người dân để họ đừng trồng tiêu theo phong trào, tránh tình trạng như cây cao su hiện nay
– Lỡ đến những năm sau giá tiêu tuột dốc, thì trách nhiệm của bộ NN sẽ nhẹ đi một chút vì đã có quyết định…
Do vậy, việc Bộ thì Bộ cứ làm, việc của ta thì ta vẫn cứ làm, không ảnh hưởng gì nhau vào lúc này cả!
Hà lan, Bình thuận, Đaklak, đã phá hết cà phê để trồng tiêu.
Sang năm sau khi bán hết tiêu thì bán luôn vườn tiêu, ôm cục tiền làm việc khác có lẽ sẽ tránh được giai đoạn suy giảm của hồ tiêu.
Kính chào các bạn, chào cộng đồng.
Mấy ngày gần đây tôi có dịp đi vài nơi của Đăklăk tiêu bạt ngàn, đẹp như mơ nhưng có một điều làm tôi phát sốt vì hầu hết vườn rẫy tiêu không có hệ thống thoát nước bồn làm sâu để hứng nước. Kiểu này 3 năm tới gặp La Nina sẽ gặp tai họa lớn, giờ nói chẳng ai nghe. (tôi nói lấp bồn làm rãnh thoát nước họ cứ tưởng tôi là người ngoài hành tinh) Không cần ai, không cần giá xuống như cao su bây giờ, tình trạng này diện tích tiêu sẽ giảm quá nửa trong 3 năm tới vì chết nhanh chết chậm. Hại ở người trồng tiêu, lợi ở các công ty và cửa hàng bán thuốc BVTV.
Ai quan tâm, chương trình thời sự chào buổi sáng của VTV1 có phát chương trình nói về thuốc cho tiêu.
Thân chào !
Không sợ tiêu chết, chết trồng lại chả sao cả, chỉ sợ giá cả !
Miễn đảm bảo một số việc sau là tiêu rất khó chết:
– thứ nhất: không để cho nước mưa tạo thành dòng tràn qua gốc tiêu.
– thứ hai: đừng dùng phân hóa học nhiều quá, đặc biệt là không bón phân ngay sát gốc tiêu.
– thứ ba: dùng phân bò, dê,…, phân hữu cơ là tốt nhất.
Bón phải cách xa ít nhất 10 cm, thì tiêu khó chết lắm. Bón ngay gốc tiêu, phân nóng sẽ chết cây tiêu. Nông dân quê tôi trồng trồng tiêu giỏi lắm, thậm chí kỹ sư nông nghiệp cũng cần học hởi ở nông dân về kinh nghiệm.
Sáng nay VTV1 có phát chương trình thuốc trị bệnh tiêu giả làm chết hàng loạt rẫy tiêu. Tôi mới phun đồng đỏ nhưng sau khi phun không thấy trên lá tiêu còn đọng những chấm đồng như những năm trước ko biết có phải bị đồng giả ko? khi rửa tiêu anh Ba có hiện tượng này ko?
Tôi rất thích ý của anh Dân Việt, tôi không chờ thu xong nữa mà tôi muốn bán vườn tiêu ngay bây giờ, giá hữu nghị có khuyến mãi vài chục cây cảnh và phong lan các loại . Tiêu đang chuẩn bị ra bông lứa 2 rất sung. Cảnh quan vườn nhà đẹp nhất nhì Thị Trấn EaKnốp.
Chú Vịnh cho cháu hỏi, đất bôxít có trông tiêu có được ko vậy chú ? Cháu thấy nta trồng lên thấy đẹp lắm mà hậu về sau thì sao hả chú? Mong chú phản hồi giúp cháu.
Đất boxit trồng tiêu rất thích hợp. Nhưng cần hạn chế phân thuốc hóa học, sử dụng nhiều phân ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh và bổ sung đầy đủ các loại vi sinh vật hữu ích như vsv cố định đạm, vsv phân giải lân… tiêu sẽ rất đẹp và cho năng suất.
Chào bác @ Trịnh Văn Ba, Dan Viet đọc các bài viết của bác từ đầu đến giờ, nhận thấy là các ý kiến của bác đều nghiêm túc, nên nghĩ là ý kiến trên cũng nghiêm túc. Việc bán vườn tiêu và chuyển sang việc khác cần nhiều thời gian, do đó, nếu muốn thực hiện thì phải bắt đầu từ bây giờ là hợp lý.
Dan Viet đoán là bác sẽ chuyển sang kinh doanh phân bón và thuốc BVTV. Nếu đúng vậy thì theo ý riêng của Dan Viet, đó là một sự lựa chọn hoàn hảo. Với kiến thức, uy tín và kinh nghiệm thực tiễn, bác sẽ có những tư vấn hợp lý cho bà con, mà đây chính là chìa khóa then chốt để thành công trong công việc này, bác vẫn tiếp tục được sống cùng niềm đam mê của bác nhưng không phải chịu rủi ro của thị trường.
Chúc bác sức khỏe và thành công!
Thưa các anh , Chào cộng đồng !
Loạt phóng sự trên VTV1 đài THVN đã đến buổi thứ 3 quá hay quá đúng. Tôi biết trong cộng đồng và ngoài đang rất quan tâm. Trong bài phòng và trị bện chết nhanh chết chậm cho hồ tiêu, không thể thiếu agrifos-400, tôi rất buồn vì trên phóng sự cho thấy thứ đó bị hàng dởm nhiều nhất. Trực tếp hay gián tiếp tư vấn cho mọi người dù ở gần hay ở xa, tôi cũng nhắc đi nhắc lại là chỉ dùng agrifos-400 của Úc (riêng tôi cũng đã bị lừa = agrifos-500 sử dụng không có tác dụng phòng chống bệnh).
Loạt phóng sự hay bổ ích cho nông dân nói chung và người tròng tiêu nói riêng, cộng đồng chúng ta hãy ủng hộ chương trình khen ngợi những phóng viên dũng cảm của chương trình đã làm nên loạt phóng sự này bằng cách gửi thư điện tử, thư tay, gọi điện thoại đến chương trình, để cùng chương trình tạo nên dư luận xã hội giống như chuyện “Xăng và Sữa” cho các cơ quan chức năng vào cuộc để bắt những con sâu của thuốc sâu, hoạc ít nhất cũng ngăn chặn được phần nào để bà con nông dân chúng ta đỡ khổ vì những thứ như thuốc BVTV giả , phân giả, giống giả vv…
Hãy lên tiếng đi các bạn vì lợi ích của chính chúng ta.
Chào @Phạm Văn Chiêu.
Có nhiều loại thuốc BVTV tôi chưa bao giờ dùng, trong đó có đồng đỏ, không biết không dám nói, rất xin lỗi.
Chào anh @Dan Viet. Rất cảm ơn anh, riêng tôi chỉ mỗi việc lá cây bị sâu cắn tôi thấy đau, bị rầy chích hút cảm thấy cơ thể mình bị ngứa, nói vậy anh hiểu.
Kính chào anh !
Không thể duy ý chí để buộc người làm nông nước ta phải trồng cây gì, nuôi con gì…
Khi giá tăng ta cũng không thể ngăn cản các nước khác mở rộng diện tích. Khi giá hạ ta cũng không thể buộc người dân giữ vững diện tích hồ tiêu hiện có.
Với tình giá cả, sâu bệnh hồ tiêu trên diện rộng kéo dài vài năm vừa qua, nay lại thêm tiền phân thuốc cao ngất ngưởng, không cần nhà nước phải tốn công quy hoạch. Tôi thấy gần 1/3 diện tích hồ tiêu đã được trồng xen sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Chỉ vài năm nữa cây ăn trái lớn bà con sẽ tiển hồ tiêu ra đi, nhà nước đỡ phải can thiệp !