Sáng kiến lạ: Tuốt lá, tỉa cành lấy cây cao su làm trụ tiêu
Trước tình hình giá mủ cao su bất lợi, một số hộ dân trồng cao su tại tỉnh Đắk Nông đã có sáng kiến lạ: Thay vì chặt bỏ vườn cây, họ rong tỉa cành cây cao su để làm trụ sống trồng hồ tiêu.
Chắn rễ, hãm ngọn làm trụ sống
Ước tính, toàn tỉnh Đăk Nông hiện có 32.260 ha cao su, nhưng trước tình hình giá mủ bất lợi, nhiều vườn cho năng suất mủ thấp không đảm bảo được mức đầu tư, nhiều hộ gia đình đã nảy ra sáng kiến mới. Thay vì “trồng – chặt, chặt – trồng”, nhiều hộ đã thực hiện rong tỉa cành cao su để chuyển sang làm trụ trồng tiêu.
Ông Hoàng Văn Nam (xã Nghĩa Thắng, Đăk R’lấp, Đăk Nông) có hơn 3 ha cao su trong thời kỳ thu hoạch nhưng do giá mủ xuống thấp, không đủ bù chi phí khai thác nên ông Nam dự định bán lấy gỗ để chuyển sang trồng tiêu.
“Lúc đầu tôi định bán cây cao su để làm gỗ bao bì, nhưng với hơn 3 ha cao su mà thương lái chỉ trả có 27 triệu đồng. Tính tới tính lui thế nào cũng lỗ nặng nên tôi chọn cách dùng thân cây cao su để làm trụ tiêu thay vì chôn trụ bê tông. Trước đó, tôi cũng đã xuống giống vài trụ tiêu quanh gốc cao su, thấy cây phát triển bình thường nên tôi không ngần ngại trước việc chuyển đổi này”, ông Nam cho biết.
Tiên phong trong phong trào tận dụng gốc cây cao su để trồng hồ tiêu, hộ gia đình anh Quách Xuân Đương (xã Đăk R’Moan, TX Gia Nghĩa) đã rong tỉa cành, hãm ngọn để dùng thân cây cao su làm trụ sống cho hồ tiêu gần hai năm nay.
Được biết, gia đình anh có hơn 4.000 cây cao su gần 5 năm tuổi, chưa bước vào thời kỳ khai thác nhưng trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, anh đã nhanh nhạy chuyển hướng mới cho cây trồng.
Anh Đương chia sẻ: “Trước khi trồng, tôi cũng đã tìm hiểu kỹ thông tin ở một số địa phương và nhờ trạm bảo vệ thực vật địa phương tư vấn. Hiện tại tôi đã trồng được 500 trụ tiêu hai năm tuổi, cây sinh trưởng phát triển tốt, trong mùa mưa này tôi chuẩn bị xuống giống thêm 200 trụ nữa. Để đảm bảo cho cây tiêu phát triển tốt, người trồng cần cải tạo đất và chặt bỏ phần rễ phụ chỉ chừa lại rễ cọc để không làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây hồ tiêu”.
Cần thận trọng chuyển đổi diện tích
Hiện tại chưa có vườn hồ tiêu sử dụng cao su làm trụ sống cho kinh doanh, nhưng ở các khu vực trồng cây cao su kém hiệu quả như ở Đăk Song, Tuy Đức người dân đang ồ ạt chuẩn bị xuống giống hồ tiêu bên gốc cao su.
Một số bà con nông dân cho rằng, việc sử dụng cây cao su làm trụ cũng giúp các chủ vườn tiết kiệm được rất nhiều chi phí, khi giá thành trụ bê tông đang tăng cao tới 250.000 đồng/trụ.
Tại đây nhiều hộ dân đã tận dụng gốc cao su để trồng tiêu từ năm trước. Nhận thấy cây tiêu phát triển xanh tốt nên trong mùa mưa năm 2014, nhiều hộ cũng có ý định rong tỉa cành để chuẩn bị cho việc trồng tiêu”.
Theo nguyên lý, cây tiêu rất thích hợp với cách trồng tự nhiên, tức sử dụng các trụ cây sống để cây tiêu leo bám. Việc lớn tự nhiên, chiều cao từ 8 – 10 mét (thay vì trụ chết cao 4-5 mét) và có tán cây che bóng mát của các trụ sống cũng khiến cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn.
Vì vậy, ngoài các cây họ đậu, cây cao su cũng là một trong những cây thân gỗ có thể dùng làm trụ thay thế cho muồng đen, keo sản, anh đào, lồng mức…
Để đảm bảo tỉ lệ sống của cây hồ tiêu khi trồng vào cao su, ông Vượng cho biết thêm: “Trước khi trồng tiêu, bà con cần phải đào hố rộng quanh gốc cao su sau đó chắn hai phần ba số lượng rễ cây, sau đó xử lí đất bằng hỗn hợp vôi sống trước 3 tháng. Trước lúc trồng một tuần nên bón lót các loại phân hữu cơ có trộn thêm ít lân và kali.
Để đảm bảo ánh sáng cho cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, vào mùa mưa cần rong chặt 75% tán cây cao su, vào mùa hè chỉ cần tỉa thưa thêm khoảng 50% nữa là được. Đặc biệt trong quá trình chăm sóc, bà con nên sử dụng các loại phân sinh học để có lợi cho đất và hạn chế dịch bệnh”.
Hồ tiêu là cây trồng khó tính và chưa ai khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây cao su làm trụ, nhất là cao su đã đưa vào khai thác một vài năm. Nhưng với cái lợi trước mắt, người nông dân vẫn chấp nhận “đánh cược” và đang mong chờ một kết thúc có hậu từ sự kết hợp này.
18 phản hồi cho bài "Sáng kiến lạ: Tuốt lá, tỉa cành lấy cây cao su làm trụ tiêu"
Cây cao su nhiều rể sẽ ăn lấn tiêu
Cây cao su làm chai bề mặt đất nên tiêu khó phát triển.
Mủ cao su đắng không biết tiêu có chịu được ko?
Nếu trồng thử nghiệm nên trồng số lượng ít. ko nên trồng số lượng nhiều.
Theo tôi, không chỉ là sáng kiến lạ vì không ai dám làm mà còn liều nữa. Bà con không sợ rằng 4-5 năm sau phải làm lại từ đầu, trong khi còn để lại hậu quả tồn dư hóa học lên môi trường. Rất đáng lo ngại !
Lấy một vườn cà phê có trồng xen cao su mới được vài năm, thân còn nhỏ, để minh họa cho bài viết nghe chừng không hợp lý lắm. Có thể coi đây là vườn cây đa canh chứ không thể coi là vườn cao su.
Trước đây gia đình tôi cũng trồng cao su, nhưng nhận thấy không ăn thua nên nhà tôi cũng rong cành và trồng tiêu vào, tận dụng thân cao su làm trụ sống, đỡ tốn khối tiền đầu tư. Tiêu nhà tôi hiện đã phủ trụ và cây phát triển rất tốt, ít phải buộc như trồng bằng trụ cây gòn.
Như vậy đến khi nào bà con mình mới khá cho được chứ. Lúc trước cao su giá cao nhà nhà người người trồng cao su. Đua nhau chen lấn trồng. Trồng được 3 -5 năm chưa thu hoạch đã bỏ. Đua nhau trồng tiêu, nhà nhà người người trồng tiêu.không chừng 2 – 3 năm sau tiêu rớt thê thảm. Vừa mới trồng chưa thu hoạch lại bỏ nữa cứ tiếp diễn như thế thì khi nào mới giàu nổi đây hả trời. Việt Nam là vậy đua nhau theo phong trào. Chừng 5 năm nữa chặt hết cao su nó lại thiếu cao su rổi lại lên giá rồi lại bỏ tiêu trồng cao su cho mà xem.
Người nông dân đã quá quen với chuyển cây trồng khi giá rẻ và giờ đây cây cao su cung không phải là ngoại lệ. Dân mình lặp đi lặp lại như vậy thật không biết nói gì?
Thứ nhất: khi chuyển cây trồng mình lại tốn mất rất nhiều gian đầu tư, chăm sóc cho đến khi có thể thu hoạch đặc biệt là cây lâu năm.
Thứ hai: sự quản lí của nhà nước chưa thật tốt, khi cây trồng có giá trị lại khuyến khích trồng mà chưa có một quy hoạch tổng thể để phát triển lâu dài.
Thứ ba: như vừa qua có thể thấy khi Trung quốc hạn chế nhập khẩu cao su dẫn đến giá rớt thê thảm vì xuất khẩu cao su qua Trung quốc chiếm đến 40%. các doanh nghiệp cần tìm thị trường khác có thể đảm bảo làm ăn lâu dài, ổn định và giá cả phải phù hợp với công sức bỏ ra của người nông dân.
Thứ tư: khi phát triển cần xây dựng các vùng chuyên canh tránh trồng nhỏ lẻ. Nhà nước-doanh nghiệp cùng với nông dân xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản từ đó tạo thương hiệu tránh bị ép giá.
Chào bà con và cộng đồng giatieu.com.
Việc lựa chọn cây cao su để làm trụ sống cho tiêu leo sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi lẽ:
-Cây dòn, dễ gãy đổ khi gặp gió lớn, lá cây có chất độc hại với các loại cây trồng, cây không có khả năng chịu đựng việc rong tỉa cành thường xuyên.
-Nghiêm trọng nhất là cây cao su thuộc loại dễ bị nhiễm các bệnh phấn trắng, nấm hồng, xì mủ, thối thân, thối rễ… do tuyến trùng và nấm Phytopththora gây ra. Đây là điều đáng sợ nhất đối với cây hồ tiêu. Gộp hai cây trồng có chung đối tượng gây bệnh làm nguy cơ mắc bệnh trở thành cấp số nhân.
Hậu quả sẽ trở nên rõ ràng khi cây tiêu đi vào kinh doanh.
Bà con nên chọn những loại cây trồng phổ biến hiện nay để làm trụ sống cho tiêu, đặc biệt là cây họ đậu như keo dậu, muồng đen, núc nác…
Đôi lời chia sẻ, mong cộng đồng lưu tâm.
Thân
Đúng như chú nói, đây là 1 nguy cơ rất lớn.
Như nhà cháu trồng cây xoan làm trụ sống, sau 1 năm cây xoan lớn quá mức con tiêu thì không lên nổi phải đào bỏ trồng cây khác. Đến nay vẫn lao đao vì tìm trụ cho tiêu.
Vì vậy bà con mình nên tìm hiểu loại cây thích hợp cho vườn tiêu nhà mình.
1. Vườn cao su già cỗi, thanh lý bán gỗ, không áp dụng sáng kiến trên vì cây cao su đã quá to, rễ quá nhiều, đất kém dinh dưỡng.
2. Nếu muốn áp dụng sáng kiến này chỉ nên ở vườn cây cao su trồng 2-3 năm những nơi cây cao su cho rất ít mủ như vài nơi ở Đắc Nông, Gia Lai…
3. Cao su trồng nơi đất cát pha như Binh Dương, hoặc những nơi khác không thể trồng tiêu…, thì không áp dụng sáng kiến này (chỉ đất Bazan, đất xám sỏi cơm, đất dày mùn, dễ thoát nước mới phù hợp với cây tiêu)
4. Cây cao su bị đốn rễ, tỉa cành càng dễ gãy đổ, mau cỗi, rỗng mục gốc … khó làm trụ sống cho tiêu lâu dài; (chỉ đóng vai trò trụ tạm). Nếu bà con áp dụng sáng kiến trên, nên làm diện tích có giới hạn và mỗi trụ cao su nên trồng thêm trụ sống từ các cây khác như keo, lòng mức, gòn… để thay thế cây cao su sau này.
Chào anh Nguyễn Vịnh và bà con trồng tiêu.
Ở Định Quán tôi cách nay gần 20 năm đã trồng tiêu vào cây cao su rồi, khi đó giá mủ cao su cũng thê thảm như hiện nay. Chú tôi mua lại 2 héc ta cao su đang khai thác mủ dược 4 năm, ông mượn người cắt ngọn đều 6m sau đó đào hố trồng tiêu, tới nay vẫn cho năng suất ổn định. Vườn tôi cũng trồng thí nghiệm 2 cây từ năm 94, nay cây tiêu này rất đẹp cao độ 8m, vào đầu mưa tôi rong trụi hết cành nhánh để làm bông cho tiêu. Cây cũng ít bị bệnh hơn cây keo và cây anh đào nhiều. Nếu sau này mủ cao su có giá ta chỉ cần gỡ dây tiêu chỗ cần cạo ra để lấy mủ. Mong rằng bà con mình sẽ có lựa chọn hợp lý.
Thiếu gì cây để làm trụ sao lại chọn cây cao su để rồi sau này thêm cái khổ. Cạnh vườn nhà tôi trồng tiêu cũng như trên bài báo 7ha cao su làm nọc tiêu. Giờ thì thôi rồi, cao su không ra cao su, tiêu không ra tiêu.
Cho hỏi có ai trong diễn đàn trồng cây Xoan Đào hay cây Hông làm trụ tiêu chưa ạ ?
Chào bạn Quang !
Nếu có điều kiện bạn nên sử dụng những loại cây thân xốp, rễ cọc ít rễ bàn, sử dụng những loại thân gỗ cây tiêu lên chậm hơn cây thân xốp, mềm.
Cho em hỏi, khi tiêu bắt đầu tượng hạt thì nên bón phân gì và xịt thuốc gì phòng nấm, tuyến trùng được ko ạ?
Bạn nhầm lẫn rồi. Chỉ xịt thuốc khi sâu bệnh bắt đầu xuất hiện gây hại. Muốn phòng bệnh lâu dài bạn phải áp dụng biện pháp chăm sóc tổng hợp và sử dụng các loại ví sinh vật đối kháng như Trichoderma và Pseudomonas. Dùng hóa học phòng ngừa sẽ tiêu diệt hết vi sinh vật hữu ích, chỉ được một thời gian ngắn và dễ bị nhờn thuốc, ô nhiễm môi trường…
Chào anh Nguyễn Vịnh! Trong phần trao đổi tháng 7 của anh có nhắc đến việc nông dân không nên trồng tiêu trên trụ cây cao su vì cây này thường bị nấm Phytopththora có thể lây sang tiêu, tuy nhiên tôi cũng đã trồng cây muồng đen làm trụ nhưng hiện tượng nấm loét thối thân khá phổ biến cũng có nguy cơ cao lây sang hồ tiêu. Để hạn chế tôi đã dùng thuốc Agrifos 400 và Ridomil quét chỗ vết thương nhưng không thấy tác dụng. Anh Châu Phong chỉ cho là pha thuốc gốc đồng để phun nhưng không rõ phun lên vết thương hay phun đại trà toàn bộ vườn cây và nếu như vậy có ảnh hưởng nhiều đến cây tiêu không vì tôi biết thuốc gốc đồng rất độc. Mong anh góp ý.
Chào @Hoang Dung
Cây sầu riêng, muồng đen cũng bị nấm Phytopththora gây bệnh xì mủ như cây sao su. Do trước đây muồng đen chỉ được trồng trên bờ lô và rải rác trong lô để chắn gió cho cây cà phê nên không đáng lo. Nhưng hiện nay muồng đen trồng dày đặc để cho tiêu leo và diện tích tiêu ngày càng nhiều nên nguy cơ nhiễm bệnh càng cao, mà đây là yếu tố không lường trước được vì sự chủ quan của người trồng tiêu.
Có lẽ anh nhầm chứ @Châu Phong chỉ khuyên bà con phun thuốc gốc đồng hay pha boocdo nồng độ 1% để rửa cây sau thu hoạch, không phun thuốc gốc đồng lên muồng với mục đích ngừa bệnh. Khi cây muồng đã bị loét xì mủ, dùng dao nhỏ cạo sạch chỗ loét rồi pha thuốc gốc đồng đậm đặc hay boocdo 5% quét lên chỗ cạo chứ không phun, vì nồng độ này rất độc.
Định kỳ bón nấm đối kháng trichoderma sẽ hạn chế được nhiều bệnh do các loại nấm hại gây ra.
Thân
Vâng, xin chân thành cảm ơn anh Vịnh