Tan giấc mộng tỷ phú vì hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 25

Hơn 3.500 ha hồ tiêu chết rụi khiến hàng nghìn hộ nông dân Tây Nguyên lâm vào cảnh điêu đứng. Thảm trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhà chức trách không kiểm soát và khống chế được tình trạng dân tự phát trồng quá nhiều tiêu, phá vỡ nghiêm trọng quy hoạch sản xuất.

Người dân huyện Ia Grai (Gia Lai) chặt bỏ tiêu chết

Bất lực nhìn tiêu chết

Hàng nghìn hộ trồng tiêu khắp tỉnh Đắk Nông đang bất lực nhìn vườn cây chết dần chết mòn. Giấc mộng tỷ phú nhờ loại nông sản được mệnh danh là “vàng đen” tan tành, chỉ còn lại những khoản nợ tiền tỷ không biết lấy đâu ra để trả. Nhà ông Vũ Đăng Khoa (ở thôn 16, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) có gần 3 ha hồ tiêu, từ đầu tháng 12/2018 đến nay bỗng xuất hiện tình trạng tiêu chết với tốc độ chóng mặt. Sau 1 tháng, khoảng 2.700 gốc tiêu nhà ông bị chết rụi. Gia đình ông Khoa đứng ngồi không yên vì khoản vay ngân hàng sắp tới kỳ đáo hạn, trong khi vườn tiêu chỉ mới thu bói được 1 năm đã chết gần hết.

Tại xã Đắk N’Drung (huyện Đắk Song), nông dân cũng đang điêu đứng vì tiêu chết. Từ thời điểm tiêu có hiện tượng vàng lá đến khi chết khô chỉ chưa đầy một tuần khiến chủ vườn không kịp trở tay. Nhiều hộ tốn tới cả trăm triệu để mời thầy, mua thuốc trừ bệnh cho tiêu nhưng không hiệu quả. Trong năm 2018, riêng huyện Đắk Song có gần 1.700 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, hơn 200 ha hồ tiêu đã chết hoàn toàn.

Tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt cũng đã bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh Gia Lai với khoảng 1.000 ha tiêu bị chết. Nhiều hộ dân có vườn tiêu chết bị bể nợ, đời sống gặp muôn vàn khó khăn. Đi dọc con đường nhựa từ thôn 1 vào thôn 2, thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai), hai bên đường tiêu chết la liệt. Nhiều vườn chết trắng, cây khô còn bám nguyên trên trụ.

Gia đình ông Đoàn Quyết Thắng (thôn 2, thị trấn Ia Kha) có 0,5 ha hồ tiêu trồng năm 2016 bắt đầu cho thu bói, nhưng 85% số cây đã chết, số còn lại đang có biểu hiện chết tiếp. Những cây chết lá và thân khô khốc, quả non rụng đen mặt đất. “Tiêu đang xanh, sau vài cơn mưa lớn kéo dài thì thấy lá chuyển vàng từ ngọn rồi lan xuống gốc và bắt đầu chết khô. Gia đình tìm đủ cách nhưng không cứu được. Để trồng và chăm sóc vườn tiêu này, tôi đã bỏ ra hơn 700 triệu đồng, trong đó có 300 triệu đồng vay ngân hàng. Cứ nghĩ trồng tiêu sẽ có thu nhập cao, ai ngờ trắng tay, lại còn ôm đống nợ”, ông Thắng đau buồn nói.

Vườn tiêu của người dân huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) bị chết hàng loạt

Phá vỡ quy hoạch, nguy cơ dịch bệnh

Theo Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên – WASI, toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 92.992 ha hồ tiêu tập trung chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, trong đó diện tích tiêu đã đi vào kinh doanh cho thu hoạch 50.099 ha. Thống kê đến đến cuối tháng 12/2018, có hơn 3.500 ha hồ tiêu bị chết, gây thiệt hại cho nông dân hàng nghìn tỷ đồng. Hiện các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn gần 3.000 ha cây hồ tiêu đang nhiễm bệnh nên khả năng diện tích tiêu bị chết sẽ còn tăng lên.

Theo TS Trương Hồng – Viện trưởng WASI, một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do các nông hộ bất chấp khuyến cáo, ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu tăng lên gấp nhiều lần so với quy hoạch, mà các ngành chức năng không cản được. Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Đắk Lắk mới tăng lên mức 15.000 ha hồ tiêu, nhưng hiện đã thực trồng hơn 38.600 ha. Tỉnh Đắk Nông quy hoạch đến năm 2025 đưa diện tích tiêu tăng lên 13.000 ha, nhưng nay đã là 35.000 ha. Tỉnh Gia Lai quy hoạch đến năm 2020 là 6.000 ha, nay đã tăng lên gần 16.322 ha.

Ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, người dân tỉnh Đắk Nông đã trồng mới hơn mười nghìn ha hồ tiêu. Nhiều diện tích trồng mới không kiểm soát được chất lượng giống, xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng nên tiềm ẩn dịch bệnh lây lan làm nhiều vườn tiêu chết hàng loạt. Trong khi đó, việc phát triển sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh chưa bền vững, nông dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng để tăng năng suất, sản lượng.

Cùng với việc mở rộng diện tích một cách ồ ạt, việc kiểm soát chất lượng cây hồ tiêu giống tại Tây Nguyên cũng đang bị bỏ ngỏ. Ở những thời điểm tiêu sốt giá, đi dọc đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk hay ngay trước cổng WASI – nơi chuyên nghiên cứu sản xuất giống tiêu, chúng tôi thấy giống tiêu được bày bán tràn lan với mức giá chênh lệch có khi lên đến vài chục nghìn. Thông thường, giá 1 dây tiêu giống đạt chất lượng khoảng 25.000 đồng, nhưng có nơi chỉ bán 6.000 đồng. Hầu hết nông dân mua giống tiêu của các nông dân khác bán lại, hoặc tại các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ ở địa phương.

Trồng tiêu trên vùng đất không phù hợp

TS Trương Hồng cho biết: Nhiều nông dân Tây Nguyên đưa cây hồ tiêu vào trồng trên những vùng đất không thích hợp, thoát nước kém nên dễ xảy ra việc chết hàng loạt. Còn việc các nông dân sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc, đầu tư thâm canh quá mức, sử dụng phân hóa học quá liều lượng dẫn đến cây hồ tiêu bị ngộ độc. Khi giá tiêu hạt rơi xuống thấp, các nông hộ sản xuất tiêu ở Tây Nguyên không đầu tư chăm sóc đầy đủ làm cho cây hồ tiêu kém phát triển, bị suy kiệt dễ dẫn đến tình trạng vườn cây bị nhiễm sâu bệnh, cũng làm chết hàng loạt.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
25 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Chỉ có đặc sản mới có giá cao… Sản lượng hàng trăm nghìn tấn thì khó để làm giàu được. Tỷ phú này tỷ phú nọ chỉ là nhất thời, đột biến mà thôi.

  2. Ồ ! tiêu chết nhiều như vậy là do trồng ồ ạt quá nhiều thì nó phải chết… Ông Tiến Sĩ Viện Trưởng Viện WASI nói như vậy ! Thế viện không có nghiên cứu nào cho cách chống lại bệnh của tiêu ư ? Thế Viện ấy thành lập để làm gì ? Bằng tiến sĩ để làm gì ?
    À…, ông tiến sĩ suy luận : đông con là phải nghèo, là phải chết… Lạy các bố tiến sĩ thôi !
    Các hóa chất thì nhập, các phương pháp toàn do kinh nghiệm và các kỹ sư (?) phòng BVTV, phòng Khuyến nông huyện phổ biến… Chả thấy ông tiến sĩ nào nghiên cứu được phương pháp nào khả dĩ giúp cho dân trồng tiêu.

    • Bác trách cũng phải. Nhưng với cơ chế hiện nay không chỉ viện trưởng mà cả bộ trưởng cũng bó tay bác ạ !
      Quy trình trồng trọt bắt đầu từ giống, đất đai… chăm sóc phải có phân, thuốc bvtv… Nông dân? Địa phương? Ngành? … chồng chéo nhau mà không ai gỡ được, nói được, nghe được…
      Ai quy hoạch cho 90 triệu con người cần sống đây hả bác?!

  3. Nghe nói nhiều đại gia trồng tiêu thuê chuyên gia, kỹ sư, bác sĩ cây trồng, về tận vườn để ra tay chữa bệnh cho tiêu. Họ dùng đủ loại phân thuốc bvtv nhưng cũng đầu hàng chịu thua vì không có hiệu quả…

  4. Trồng tiêu theo phong trào, cứ cây gì có giá là trồng, đất trũng cũng trồng… Không có tiền thì đi vay để trồng ồ ạt, hậu quả là bệnh chết, xuống giá là đúng thôi.

  5. Ở đâu có khuyến cáo giúp cho dân đâu không thấy, vùng em khi tiêu có giá thì cán bộ khuyến nông tổ chức hội thảo về tiêu, nay lại hội thảo về sầu riêng… Thôi tự mình tìm hướng đi chứ đừng chờ cán bộ.

  6. Giờ lúc giá rớt tiêu bệnh thì lý do chỉ đổ lỗi cho nông dân, nhưng nguyên nhân trắng tay cũng một phần do phân thuốc kém chất lượng tràn lan… Trước đây cũng có các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có thương hiệu tốt, năm nay hầu như mất hết lòng tin của nông dân.
    Những năm giá tiêu cao ngân hàng cũng tạo điều kiện rất tốt cho nông dân mở rộng diện tích, có thể nói họ cho vay trồng tiêu là rất dễ. Cho nên hiện nay dân nợ trồng tiêu là rất lớn vì vốn đầu tư ban đầu cho một ha tiêu rất cao.
    Có thể nói khi mở rộng diện tích nhiều nông dân còn bỡ ngỡ về cây tiêu, chưa hiểu về cây tiêu mà chỉ làm theo phong trào. Không kể nền đất có phù hợp không cũng chẳng quan tâm, cứ liều để được ăn nhiều nay thì thấm. Năm nay thời tiết cũng phức tạp, mưa nhiều làm cây yếu và dễ nhiểm nhiều loại nấm bệnh tấn công. Kỹ sư cũng bó tay như người dân thôi.

  7. Không định hướng bền vững, vẫn canh tác lạm dụng hóa học, đành phải chấp nhận chứ không thể nào tránh được…

  8. Trong hoàn cảnh khó khăn này người trồng tiêu nên tự tìm cách cứu mình thôi trước khi trông chờ vào các cơ quan chức năng. Bởi một lẽ rất đơn giản rằng tiền của là do mình bỏ ra, chúng ta phải xót và tìm cách cứu lấy mình trước đã.
    Có câu: Nước xa không cứu được lửa gần. Hơn lúc nào hết, bà con trồng tiêu cố gắng cứu chữa, vớt vác được cái gì hay cái đó, đừng trông mong gì về các cơ quan chức năng nhảy vào cứu mình. Khi tiêu được mùa, được giá,… các cơ quan chức năng thay nhau kể lể, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn,… để báo cáo thành tích. Nhưng khi tiêu bị dịch hại chết, bệnh tật tấn công, mất mùa, rớt giá,…sao không thấy mấy anh í rầm rộ kéo đến nhỉ? Đi đâu mất tiêu hết rồi,…
    Còn về phía các nhà “Chú học” xin lỗi bác học chứ…đừng tin vào lời các bác nói vì các bác chỉ được cái nói thôi chứ có làm gì đâu, có thấy bác nào về tại vườn cùng làm việc với nông dân đâu? Đi xuống vườn tiêu mà sơ-vin đóng bộ, giày bóng loáng thì không biết đi đâu nữa? Còn các công ty bán phân thuốc thì sao? Đây là dịp để chứng minh sản phẩm của mình tốt số một, vượt trội, super đây mà, sao không thấy về cũng cứu chữa với nông dân?
    Ôi thôi… còn nhiều và nhiều quá những thứ cần nói… huhuhu

  9. Cách đây 8 năm, em là người sống tại tp Hồ Chí Minh. Khi đó chưa biết gì về nông nghiệp. Em bỏ ra 4,5 tỷ để mua 7,1 ha đất canh tác trồng tiêu có sẳn của 1 hộ dân. Bao nhiêu vốn liếng em đánh vào canh bạc ấy. Đó cũng là năm đầu tiên em bị thiệt hại toàn bộ 2300 cây tiêu cao 6m. Thuốc thì mua hết 160 triệu để chữa cho tiêu nhưng vẫn mất. Rất đau đầu vì mất mát quá nặng. Thay vì đợi họ cứu, em tự cứu vườn của em. Khi đó em tham khảo nhiều sách vở của nước ta. Nhưng vẫn không tìm ra cách, cuối cùng em tìm trên thế giới và lựa chọn con đường của Ấn Độ và Malaysia. Sau cùng em cứu được vườn của mình phát triển bền vững đến hôm nay.
    Một lời khuyên chân thành cho các chú và các bác là muốn cứu vườn tiêu của mình thì đi nông nghiệp sạch mới bền vững. Cho tiêu về đúng môi trường sống vốn có của nó trong tự nhiên mới thực sự bền vững. Nhân đây cũng cảm ơn chú Vịnh đã cho cháu nguồn cảm hứng lúc đầu để phát triển cây tiêu.
    Chúc các bác mau có lại vườn tiêu của mình bền vững hơn.

  10. Bạn đã đúng. Nông nghiệp bây giờ phải đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ sinh học. Nhưng đại đa số nông dân Việt Nam không nắm được kiến thức mà chỉ làm theo kinh nghiệm người nọ chỉ người kia, kể cả nghe mấy đại lý bán thuốc bvtv nói vanh vách nhưng họ có biết gì đâu nói sướng cả lổ tai chỉ khổ nông dân thôi…

  11. Thuốc bvtv toàn từ TQ. Tiêu bán ra cũng do người TQ đứng sau. Sinh học bền vững được không trong lòng mọi người đều rõ, trong khi giá thuốc sinh học đắt hơn mấy lần. Có hay không sinh học cũng từ TQ. Nó cho cái gì vào ai mà biết…

    • Nhận xét của bạn hết sức vỏ đoán, không có cơ sở.
      -Tiêu VN xuất khẩu với khoảng 20 DN nội lẫn ngoại. Thương lái TQ chỉ mua tiểu ngạch chiếm khoảng 10%.
      -Thuốc sinh học không đắt hơn hóa học, thậm chí một số còn rẻ hơn. Tất nhiên nếu bạn mua đúng hàng có chất lượng chứ không nghe quảng cáo bùi tai rồi mua các loại hàng núp bóng, hiệu quả không cao nhưng hậu quả thì trông thấy !
      -Muốn biết sinh học có toàn từ TQ hay không, bạn đến gặp chú Ri rồi chú chỉ cho…

  12. Rất nhiều người vẫn giữ quan niệm giá phân thuốc phải thật cao thì hàng mới chất lượng. Đây là cơ sở để mấy nhà buôn thổi giá nhiều mặt hàng cao ngất ngưởng…
    Tôi đã từng thấy phân kali đỏ đóng gói 1 kg bán tới 70-80 ngàn đồng, hay 1 can phân nước được cho là sinh học tổng hợp bán tới 3-4 triệu đồng mà vẫn rất nhiều người mua, vậy mới hay !

  13. Biết rằng sinh học là bền vững, nhưng ra đại lý phân thuốc giống như lọt vào ma trận, cơ quan chức năng cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu quá dễ dàng. Ai có tiền, có chức là xin phép được mà trong số đó lại quá ít người có tâm nên rồi chết người dân lao động thôi, biết sao đây…
    Giờ chỉ biết tin tưởng các bà con chia sẻ trên giatieu.com thôi.

    • Không hẳn dễ dàng như bạn nói đâu… Tôi ví dụ nhé:
      -Nếu bạn mua 1 sản phẩm cho ghi rõ ngoài bao bì hàng nhập khẩu từ Úc, hay từ Nhật… Bạn yêu cầu người bán cho xem chứng từ để chứng minh là hàng nhập khẩu thử xem, hoặc địa chỉ nhà sản xuất ở Úc, ở Nhật. Chắc chắn họ sẽ từ chối vì có đâu mà đưa. Nếu có đưa địa chỉ thì bạn cũng không thể tìm thấy !
      -Trên bao bì có ghi công nghệ Nhật, Úc, Đức, Mỹ… thì càng bó tay vì công nghệ là cái gì, đâu cua tai nheo ra sao, giấy tờ nào chứng minh ?
      Bạn nên nhớ, người bán chỉ biết bán và bao bì có ghi rõ NSX, thế thôi. Chỉ có QLTT mới có thể kiểm tra được, nhưng…
      Sự rối rắm, chồng chéo chỉ chết dân thôi. Như vụ này nè: http://doanhnghiepvn.vn/neu-khong-xu-ly-triet-de-vu-phan-bon-thuan-phong-se-la-tien-le-xau-cho-doanh-nghiep-d129794.html

  14. Tôi rất đồng tình và đánh giá cao chia sẻ có tâm của @Ngô Trí Nhân. Mong bạn chia sẻ nhiều hơn nữa (nếu có thể) để giúp bà con có thể thay đổi được phần nào cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

  15. Tiêu chết giá giảm mạnh, thua lỗ nặng, doanh nghiệp thu mua phá sản, chỗ tôi doanh nghiệp thu mua hạt tiêu bị phá sản nợ hơn 40 tỉ…

  16. Chẳng có ai kinh doanh mà lỗ tới mức đó, ngoại trừ mấy nhà đầu cơ…to thuyền thì to sóng.
    Muốn dỡ nhà người khác về làm chuồng heo không được thì người ta dỡ nhà nình về làm chuồng bò, thế thôi !

  17. Nông sản rất nghiệt ngã, đoán sai xu hướng là phá sản.

    Bên cạnh đó cũng có những đại lý giàu lên nhờ đoán đúng xu hướng giá.

    Thị trường luôn là một bức tranh đa sắc. Có chỗ tối, có chỗ sáng

  18. Cảm ơn các cô chú và các bạn đã quan tâm đến bài viết. Nhưng 1 phản hồi không thể bộc lộ tất cả nội dung cháu muốn nói. Cũng không thể kể hết những gì cháu trải qua. Cháu đi lên từ thất bại phải gầy dựng lại. Mục đích cháu hướng đến sự phát triển bền vững của vườn cháu hiện tại nhờ cân bằng vi sinh. Đa số nông dân canh tác theo quán tính mà không nghĩ tác dụng ngược của môi trường. Khi bón phân hóa học nhiều sẽ gây ngộ độc đất, làm giảm năng suất và chết cây do đất bị chai cứng rễ không phát triển… Cháu tuyệt nhiên không mua phân và thuốc không rõ nguồn gốc của nó. Việc chết cây hàng loạt còn do việc mua cây giống không lựa chọn tìm hiểu kỹ càng, lại gặp vườn ươm giống thiếu lương tâm sử dụng thuốc kích thích thì lãnh đủ…

  19. Đồng tình với phản hồi của chú @Thắng Lợi. Phá sản tới mức đó chỉ là do đầu cơ.
    Kinh doanh lời lỗ mỗi tấn 5-7 triệu hay tới 10 triệu là quá lắm rồi. Thua lỗ trên 10 triệu/tấn là do đầu cơ ngắn hạn không đúng hướng… Nói kinh doanh mà phá sản đến 40 tỷ là tôi cũng không nhất trí.
    Kệ họ, quan tâm nhà đầu cơ mần chi !

  20. Giá tiêu giảm sâu dưới giá trị thực lại đổ lỗi cho nông dân là chưa đúng hoàn toàn.
    – một phần lỗi cũng do các cấp từ 10 năm trước đã khuyến khích và đòi phấn đấu đạt tỉ đô đối với ngành hồ tiêu.
    Giá giảm sâu cũng đổ lỗi là do chất lượng kém + nhiễm phân thuốc lại là nói càng.
    – trong 2 năm gần đây giá tiêu giảm theo đà giảm chung cả thế giới chứ không riêng trong nước.
    Tiêu chết hàng loạt nông dân tiếp tục bị đổ lỗi lại càng không đúng hoàn toàn.
    – nếu như cả nước có nhiều loại cây cho kinh tế cao thì ngày ấy dân đã không ồ ạt trồng cây tiêu để mong đổi đời, để rồi dân trồng tràn lan mở rộng diện tích, trồng trên đất không phù hợp và thiếu kiến thức về loại cây khó tính này để rồi cây chết vì không có thuốc đặc trị.

  21. Giá nông sản trồi sụt thất thường là chuyện xưa nay. Nông dân thu nhập đủ sống bền vững cũng không dễ dàng gì, khá giá đã là khó, làm giàu chỉ là chuyện trong mộng… Mà đã là mộng thì tan hợp là chuyện tất nhiên… Hãy trở về sống với thực tế đi bà con ơi !

Gửi phản hồi mới

(?)