Tây Nguyên: Cần quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu

Tây nguyên phát triển cây hồ tiêu ồ ạt.

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT cần sớm tiến hành quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên.

Trong vài năm trở lại đây, giá hạt tiêu tăng cao, có lúc tăng lên trên 220.000 đồng/kg, nay giảm xuống chỉ còn trên 80.000 đồng/kg, lợi nhuận từ trồng tiêu gấp 2-3 lần so với trồng cà phê, điều… nên đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên tự phát ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nếu như năm 1986, các tỉnh Tây Nguyên chỉ có vài ngàn ha tiêu thì đến năm 2014 tăng lên trên 50.000ha và hiện nay đã có trên 71.000ha (thực tế còn cao hơn nhiều), vượt gấp nhiều lần so với quy hoạch năm 2020; trong đó, Đăk Lăk là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất, với trên 28.000ha, vượt trên 12.500ha, kế đến là Đăk Nông có gần 25.000ha, vượt 14.000ha, Gia Lai có 16.000ha, vượt 10.000ha…

Tuy nhiên, do bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng, tự phát trồng cây tiêu ồ ạt, chạy theo phong trào, không những làm phá vỡ quy hoạch cây trồng của từng địa phương vùng Tây Nguyên mà đồng bào còn không chú trọng đến việc cải tạo đất, đưa cây tiêu vào trồng ở những chân đất không thích hợp, sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là gây nên tình trạng cung vượt cầu, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu gây thiệt hại lớn cho đồng bào các dân tộc.

Theo báo cáo của ba tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu của Tây Nguyên là Đăk Lăk, Gia Lai và Đăk Nông, hàng năm, mỗi tỉnh đều có vài ngàn ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng rễ, rệp sáp. Tỉnh Gia Lai năm 2016 đã có trên 6.155ha tiêu bị nhiễm bệnh làm thiệt hại cho các gia đình trồng tiêu cả ngàn tỷ đồng…

Mặt khác, cũng chính do chạy theo phong trào, các gia đình trồng tiêu ở Tây Nguyên cũng không thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật thâm canh cây tiêu mà chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm truyền miệng học hỏi lẫn nhau từ khâu trồng đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển “nóng” cây hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua là vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Do vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT cần sớm tiến hành quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên cần phải quản lý chặt quy hoạch, định hình các vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, chỉ rõ những vùng đất điều kiện sinh thái không thích hợp với cây hồ tiêu vận động đồng bào các dân tộc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây nguyên cũng đề nghị các đơn vị chức năng sớm nghiên cứu để có bộ giống tốt, quy trình kỹ thuật thâm canh đồng bộ cũng như các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại phổ biến, hướng dẫn đến người trồng tiêu để áp dụng có hiệu quả.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, đơn vị trồng tiêu tổ chức liên kết sản xuất hình thành các nhóm hộ, nhóm hộ nông dân với các doanh nghiệp để đảm đảm bảo cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho từng vùng, từng địa phương nhằm góp phần phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên.

Nguồn Quang Huy (TTXVN)

18 phản hồi cho bài "Tây Nguyên: Cần quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu"

Văn Nam

Tôi cũng đang mong Bộ, Sở.., và cả báo chí nữa chỉ giúp để tôi và bà con chung quanh sớm chuyển đổi sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trồng cây hồ tiêu phải đầu tư nhiều mà giá cả hiện nay quá thấp, không có lợi nhuận !

Nam Hải

Giá tiêu nguy cơ rơi vào chu kỳ giảm kéo dài…
Bà con có vẻ muốn lơ là với cây hồ tiêu rồi đây !

Longhoang

Vì diện tích hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch tăng. Tuy nhiên chu kỳ thời tiết trong các năm tới sẽ lạnh ảnh hưởng đến cây hồ tiêu. Do đó theo nhu cầu thị trường thì 5 đến 7 năm nữa giá sẽ phục hồi mạnh.

NguyễnThanh Tuấn

Với giá hiện nay như vậy, theo bác 5 đến 7 năm nữa giá sẽ phục hồi. Vậy liệu ai có thể cầm cự được đến thời điểm đó, chưa nói là bệnh dịch lây lan cùng với phân bón và thuốc BVTV giả đang là vấn nạn của bà con. Theo tôi ở mỗi địa phương đều có kĩ sư NN, Trạm khuyến nông, thì các ngành chức năng này phải có biện pháp cũng như giải pháp hợp lí khi bà con ta chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì tình trang sản xuất ồ ạt như hiện nay mới có thể ngăn chặn được. Nhưng nói gì thì nói cũng mong bà con ta hãy bình tĩnh đừng quá nôn nóng mà ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Theo tôi giá tiêu có thể lên lại tuy không bằng những năm trước nhưng cũng có khả năng đủ sống. Bà con cứ tự tin, đừng có bi quan nhé, nhất là đừng để dư lượng thuốc BVTV là tốt rồi. Chúc bà con một mùa bội thu về sản lượng lẫn giá.

Văn Lê

Có vẻ như nhiều bà con không muốn hiểu.
Trồng cây gì, nuôi con gì, ai ngăn chặn được khi bà con muốn làm ?
Cơ quan chức năng có, nhưng chồng chéo, ai nói được ai… vì ai cũng có quyền, nhưng… không biết ai chịu trách nhiệm !
Sáng nay đi mua thuốc, cửa hàng gần nhà đóng cửa nghỉ. Qua thôn bên cạnh, đóng cửa.
Ra ngoài xã, cửa hàng thuốc ngoài đó cũng đóng cửa nghỉ. Quái lạ !
Về quán nước cạnh ngã ba, thấy 2 xe ô-tô đang đổ cạnh quán. Vào uống nước thì mới biết xe chở cán bộ đi kiểm tra thị trường phân thuốc… Thế là huề, đâu lại hoàn đấy !
Cách tốt nhất là bà con tự học hỏi nhau và tự lo…

Phucdo

Theo tôi chỉ có những người đi trước mới cầm cự được vì họ đã có của để dành rồi. Những người đi sau thì hàng đêm vắt tay lên trán nhấm tính lãi ngân hàng, thiếu vốn cộng giá giảm, năm nay mất mùa càng chán nản. Nếu vườn bị dịch thì khoanh tay đứng nhìn vườn ra đi là cái chắc. Gần nhà tôi có ông anh trồng được hai năm tiêu bắt đầu ra đi không chào tạm biệt, chán bỏ đi Sài Gòn làm thợ xây rồi…

Thắng Lợi

Đói ăn rau, đau uống thuốc ! Chứ sao lại khoanh tay đứng nhìn ?
Mình không tự cứu mình thì còn ai vào đây để cứu giúp mình…

NGUYEN ĐĂC NHÀN

Tôi thấy khi phát triển cây tiêu bà con thường không chú trọng đến chất lượng cây giống, không quan tâm nên cứ cố gắng trồng càng nhiều con số. Tôi đã từng nhắc người bạn có vườn tiêu đang đẹp và sạch bệnh, nên nhân giống trong vườn chọn cây khỏe trái tốt trồng hiệu quả. Anh không nghe cứ đi mua tiêu ở vườn ươm giá rẻ lại đẹp về trồng xen lẫn vườn tiêu đang xanh tốt. 3 tháng sau tiêu bắt đầu thi nhau ra đi không lời từ biệt. Thật đáng buồn.

Phucdo

@ Thắng Lợi, bạn nói phải. Đói ăn rau đau uống thuốc mà thuốc gì bệnh gì không biết, cứ xuống đại lý BVTV khai bệnh lung tung. Đại lý kê toa đoán bệnh, phán cho liệu trình phun đổ…càng đổ càng đi thế là khoanh tay đứng nhìn chứ biết làm gì nữa. Ở vùng tôi bà con mới chạy theo phong trào trồng tiêu từ năm 2013 đến nay thôi. Chưa có kinh nghiệm gì cả. Vườn nào cũng để nước chảy tràn lan từ cao su xuống cà phê tràn vào vườn tiêu thì thuốc nào chịu nổi. Cũng may cho tôi là có được cái điện thoại quẹt quẹt, mỗi tháng mất 200 k nộp mạng 3g, tốn một mà lợi mười…

Dan Viet

Trung Quốc đang mua tại Lộc Ninh.
Thật khó hiểu, họ vừa mua vừa bắc loa kêu mọi người bán. Thường thì ai cần mua cũng đều lặng lẽ mua, riêng họ thì vừa mua vưa la làng.

Dự là họ sẽ đẩy lên một đợt nữa để đạp ngược hàng lại cho bạn hàng VN.

Tôi thật sự ghét kiểu này, tuy nhiên điều đó có lợi cho nông dân nên báo cho bà con biết, chuẩn bị tranh thủ nhé…

Châu Huế

Thận trọng khi ôm hàng vào nếu giá lên quanh vùng 80-82…!

Dan Viet

Bạn hàng muốn tránh rủi ro đợt này thì cứ theo nguyên tắc “tiền trao-cháo múc” nhé.
Đừng nghe lời đường mật hứa mua số lượng rồi ôm hàng vô nhé.
Hic, khuyên vậy thôi chứ đợt này thế nào cũng có bạn hàng bán nhà vì bọn đó.

Đoàn Văn Diên

Thương lái Trung Quốc là vậy đó, luôn hại người Việt Nam…

Dan Viet

Nói chuyện với một bác ở Châu Đức có hơn 30 năm trong nghề buôn tiêu, trải qua nhiều đợt TQ làm giá, bác ấy vẫn bình an vô sự.
Nguyên tắc của bác khá đơn giản: khi ngửi thấy mùi TQ làm giá thì bác í không ôm hàng mà chỉ đứng ra làm trung gian ăn chênh lệch.

Vd: Đợt 1 TQ đẩy giá lên cao để mua, bác ấy bán hàng của mình để thu lời
Đợt 2, TQ đẩy giá cao hơn nữa để mua, bác í hết hàng nhưng biết bạn hàng X có hàng. Bác ý liên hệ bạn hàng X để thoả thuận giá và hoa hồng, sau đó bán cho bạn hàng TQ.
Nếu bạn hàng TQ xù, không nhận hàng thì bác í không có hoa hồng nhưng cũng không mất gì. Bạn hàng X không bán được hàng nhưng hàng vẫn còn đó nên không thể kiện bác ý được.
Nếu bạn hàng X xù thì bác ý xù lại bạn hàng TQ, vì không nhận cọc nên cũng chẳng bị đền gì.

Nói tóm lại là hiện nay bạn hàng TQ đang ôm một lượng hàng đáng kể, họ đã lỗ nặng nên đang tìm cách đẩy số lỗ đó cho bạn hàng VN. Dan Viet không khuyên các bác đừng tham (vì không thể) mà khuyên các bác hãy tham một cách thông minh.

Dan Viet

Nói thêm, nếu giao dịch thành công thì bác í có 1% bỏ túi mà không chịu bất kỳ rủi ro nào.

Dan Viet

Theo như những gì theo dõi từ 2014 đến nay thì bác Châu Huế cũng là bậc cao nhân trong nghề, mong được diện kiến để bình về thị trường và trao đổi thông tin.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *