Tây Nguyên vẫn phát triển tự phát cây hồ tiêu
Hiện nay, mặc dù giá hồ tiêu xuống thấp, chỉ còn 61.000 đến 62.000 đồng/kg nhưng đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu là Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai… vẫn tiếp tục tự phát mở rộng diện tích cây hồ tiêu.
Chỉ riêng trong năm 2017, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đã trồng mới thêm trên 16.207 ha; trong đó, Đăk Lăk là địa phương có diện tích tiêu trồng mới nhiều nhất với trên 5.500 ha.
Theo nhiều nông dân cho biết, mặc dù giá tiêu hạt đang xuống thấp nhưng lợi nhuận từ trồng tiêu vẫn cao gấp nhiều lần so với một số loại cây công nghiệp dài ngày khác như cà phê, điều… nên đồng bào vẫn chuyển đổi một số diện tích cà phê và cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng cây tiêu.
Gia đình anh Lý Văn Sửu, ở xã vùng sâu Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) đã mạnh dạn chuyển hơn 2 ha cà phê hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém sang trồng hồ tiêu. Tuy mới thu bói vụ này (sau 3 năm), nhưng anh Lý Văn Sáu cho rằng, với giá cả hồ tiêu như hiện nay, cộng với công sức, vốn đầu tư cho cây tiêu thấp hơn nhiều lần so với cây cà phê nên anh kỳ vọng phát triển cây hồ tiêu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây cà phê.
Còn anh Tấn Hoàng cũng ở xã vùng sâu Ea Toh, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) chặt bỏ hơn 1 ha cà phê chuyển sang trồng cây tiêu cho rằng, 1 ha cà phê, mỗi niên vụ cho thu hoạch chưa đến 2 tấn cà phê nhân, với giá cả như hiện nay (36.000 đến 37.000 đồng/kg) chỉ thu hơn 72 đến 74 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí thì lãi chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, 1 ha tiêu, sau 4 năm đưa vào kinh doanh doanh, với năng suất bình quân 3 tấn/ha, với giá như hiện nay thì sau khi trừ các khoản chi phí cũng còn lãi gần 100 triệu đồng…
Thực tế, hiện nay, nhiều địa phương vùng Tây Nguyên, các hộ dân đã tự chuyển hàng loạt diện tích các loại cây trồng cạn sang trồng cây hồ tiêu nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn không kiểm soát được. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” cây hồ tiêu cũng dẫn đến nhiều hệ lụy cho các địa phương vùng Tây Nguyên, nhất là phá vỡ quy hoạch về cơ cấu cây trồng, bố trí trồng tiêu ở nhiều vùng đất không thích hợp, sử dụng nhiều giống tiêu không rõ nguồn gốc… nên mỗi năm các tỉnh Tây Nguyên có hàng ngàn hécta tiêu bị sâu bệnh hại, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm làm thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích tiêu hơn 85.249 ha; trong đó, Đăk Lăk là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất với trên 42.563 ha, kế đến là tỉnh Đăk Nông.
11 phản hồi cho bài "Tây Nguyên vẫn phát triển tự phát cây hồ tiêu"
Bài báo có nhiều thông tin thực sự bất ổn, cần phải xem lại… Không thể lấy việc chuyển đổi vườn cà phê già cỗi của một vài nông hộ để nói cả Tây nguyên vẫn tự phát mở rộng diện tích !
Tỉnh Đắc Lắc chiếm một nửa diện tích hồ tiêu của Tây Nguyên, có thật vậy không ?!
Tiếp tục trồng tiêu hay chuyển đổi qua cây trồng khác là lựa chọn của người dân. Người có ăn rồi thì than vản để người khác thôi trồng. Người đang trồng thì nghĩ nó đang rẻ thì càng phải trồng thể nào giá cũng lên. Giờ trồng thì 3 đến 5 năm nữa thể nào cũng lên 100k hay 200k. Lịch sử có thể lặp lại.
Vậy đó, người ta thích trồng thì kệ người ta. Nói nhiều nói mãi ai lo cho họ đây. Họ phải tự cứu lấy mình chứ biết trồng cái giống gì bây giờ.
Khi trồng thì chẳng ai hỗ trợ, không tự làm lấy thì chết từ lâu rồi. Phải tự phát thì mới mong cứu được mình. Chết cũng phải chấp nhận.
Bài báo có quá nhiều vấn đề và thông số cần phải xem lại. Rất mong nhà báo QH và các nhà báo khác chuẩn bị có bài viết mới thì nên xem xét cho kỹ thông tin, số liệu cũng như ngôn từ.
Trên giấy tờ viết lách thì vậy thôi, chứ khi trồng tiêu mới biết cực khổ và vất vả thế nào, phải mấy năm mới thu được. Nhiều năm mất mùa, sâu bệnh làm sao thu tiêu được 3T, mà thu được 3T với mức giá như hiện nay sao mà lời nổi, nếu huề vốn là may lắm rồi. Trồng tiêu cả năm mới thu 1 lần mà biết bao nhiêu là chi phí: Phân bón, thuốc sâu, thuốc rầy, tưới tiêu, chăm sóc, công hái,… sao mà lời được. Người Tây Nguyên vất vả làm nông quanh năm giờ không trồng tiêu biết trồng gì? Tội nghiệp người dân Tây Nguyên.
Trồng tiêu vất vả quanh năm… sao mà lời được. Nhưng vẫn cứ trồng là sao ?
Nhà nông lấy công làm lời, lời đó chứ đâu nữa !
Tôi thấy giá tiêu càng hạ thì diễn đàn giá tiêu càng rối, phản hồi toàn là chỉ trích lần nhau thôi. Chẳng có lời động viên hay giải pháp tháo gỡ lúc khó khăn để cùng nhau vượt qua những ngày khủng hoảng giá hồ tiêu này.
@ Phucdo nói đúng !
Có lẽ Giatieu.com cần siết chặt diễn đàn hơn nữa. Nhất là những ý kiến phản hồi không có cơ sở, không dẫn chứng cụ thể, dễ dẫn đến tranh cãi lẫn nhau không, thiết thực với cộng đồng.
Cám ơn bạn nhiều !
Đã đọc. Rất biết ơn bạn và mọi người !
Bài viết chưa nói rõ trồng hồ tiêu phải chịu rủi ro hơn các cây trồng khác rất nhiều, thậm chí dịch bệnh ghé thăm có thể mất trắng.