Thị trường hạt tiêu: Cả thế giới xôn xao, Việt Nam “bình chân như vại”

Những ngày qua, biến động giá trên thị trường hạt tiêu Ấn Độ không chỉ làm cho cả thế giới “sững sờ” mà còn làm cho người sản xuất lẫn giới kinh doanh hạt tiêu Việt Nam gần như bị mất phương hướng.

Từ ngạc nhiên…

Nhu cầu hạt tiêu thế giới gia tăng bình quân 5% mỗi năm, nhưng sản lượng tại các nước trồng tiêu sụt giảm, nên đã khẳng định trong năm 2011 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 35.000-40.000 tấn hạt tiêu các loại.

Hội nghị quốc tế về hồ tiêu tại Bali Indonesia, do IPC tổ chức cuối năm vừa qua, tiếp tục khẳng định, năm 2012 thế giới tiếp tục thiếu hụt hạt tiêu mặc dù sản lượng dự kiến sẽ thu được 320.000 tấn so với 298.000 tấn của năm trước. Trong đó các nước sản xuất tiêu hàng đầu là Ấn Độ giảm 5.000 tấn xuống còn 43.000 tấn, Việt Namsẽ tăng 10% lên 110.000 tấn và Indonesia sẽ tăng 24% lên 35.000 tấn.

Thế mà, giá hạt tiêu kỳ hạn trên thị trường Kochi-Ấn Độ từ đầu năm đến nay chỉ thấy tăng, không hề giảm.

Còn nhớ, kỷ lục trên thị trường kỳ hạn thế giới đầu tiên còn ghi nhận là ngày 1/11/1999 với 265 Rupi/kg cho tiêu xô và 275 Rupi/kg cho tiêu chọn. Đến ngày 30/4/2011, nghĩa là sau hai năm rưỡi, thiết lập mốc kỷ lục mới ở 280 Rupi/kg cho tiêu xô và 290 Rupi/kg cho tiêu chọn. Các nhà quản lý thị trường khi ấy cho rằng, giá đang hướng tới mốc 300 Rupi/kg sẽ không còn xa khi mà chưa có năm nào thị trường hạt tiêu thế giới tăng nóng như năm 2011.

Không chỉ như vậy, giá tiêu thế giới đã lập đỉnh kỷ lục của năm 2011 vào ngày 21/9 khi tiêu chọn đạt 364 Rupi/kg và tiêu xô đạt 360 Rupi/kg, mức cao chưa hề có, và không một nhà kinh doanh hạt tiêu chuyên nghiệp nào dám nghĩ tới . Sau đó giá tiêu thế giới quay đầu giảm và dự báo hứa hẹn sẽ tăng cao trở lại khi các nước sản xuất chính hoàn tất mùa thu hoạch tiêu năm nay.

Cần khẳng định đến thời điểm này thu hái sớm như Ấn Độ mới chỉ được khoảng 3/4 sản lượng và Việt Nam, nước có sản lượng đứng đầu thế giới, cũng mới chỉ có 1/3 diện tích thu hoạch xong. Nhưng giá hạt tiêu thế giới đã vô cùng nóng. Kỷ lục mới, sớm được thiết lập ngày 7/3/2012 vừa qua, khi thị trường Ấn Độ có giá 400 Rupi/kg cho tiêu xô và 413 Rupi/kg cho tiêu chọn. Mức giá kỷ lục mà theo một nhà môi giới “có nằm mơ cũng không nghĩ đến”, còn các nhà phân tích thị trường hạt tiêu thế giới cũng chỉ biết lặp đi lặp lại mấy từ “tăng, tăng và tăng ; nóng, nóng và nóng ; cay, cay và cay”… để nói về thị trường hạt tiêu Ấn Độ lúc này.

Không chỉ các nhà kinh doanh hạt tiêu thế giới sững sờ ngạc nhiên mà những ai quan tâm đến thị trường hạt tiêu Việt Nam cũng ngạc nhiên không kém, vì “cả thế giới đang xôn xao mà Việt Nam bình chân như vại”…

Biểu đồ giá hạt tiêu thế giới

Biểu đồ cho thấy gần đây giá tiêu trên 2 sàn trái chiều nhau

…đến mất phương hướng

Khi có thông tin sàn SMX tại Singapore sẽ đưa hạt tiêu vào giao dịch kỳ hạn, nguồn hàng được lấy từ một kho ngoại quan ở Việt Nam, không chỉ làm cho nhà xuất khẩu mà cả nông dân nước ta đều vui mừng. Vì khoảng cách đến với người tiêu dùng được rút ngắn cũng đồng nghĩa là hạt tiêu nước ta bớt được những khâu trung gian và người sản xuất sẽ hưởng lợi. Và niềm vui nhân lên gấp bội khi trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 10/2/2012,  giá khởi điểm của loại tiêu 550 Gr/l, loại tiêu phổ biến ở các nước Đông Nam Á, được ấn định cho kỳ hạn giao tháng 3 là 6.050 USD/tấn.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi giá tiêu kỳ hạn tại sàn NCDEX (Ấn Độ) liên tục tăng nóng, thiết lập đỉnh mới với giá cao ngất ngưởng lên đến xấp xỉ 8.700 USD/tấn, thì tiêu kỳ hạn tại sàn SMX (Singapore) vẫn ì ạch, quanh quẩn mức giá 6.000-6.500 USD/tấn, chênh lệch hơn 2.000 USD/tấn, là không thể chấp nhận được.

Các thương lái trong nước những ngày đầu còn theo dõi giá trên sàn Sing để mua bán, rồi sau đó phải đợi giá từ nhà thu mua xuất khẩu. Nhưng đến khi hai sàn trái chiều nhau thì sự lúng túng lộ rõ ở tất cả mọi giới tại thị trường nội địa. Giá mua bán trong ngày phải chỉnh đi chỉnh lại vì không biết nên dựa theo sàn nào. Gần đây nhất, trong khi sàn Ấn diễn ra bình thường, với khối lượng giao dịch hàng ngày vẫn duy trì khoảng 5-6 ngàn tấn, thì sàn Sing không có một hợp đồng mở nào khiến nhà kinh doanh thực sự mất phương hướng.

Nhìn vào các sàn giao dịch hạt tiêu hiện nay, chợt nghĩ: Không biết các nhà quản lý nước ta nghĩ gì khi đã xây dựng sàn BEC (tại Buôn Ma Thuột) lại còn cho sàn hàng hóa Triệu Phong giao dịch cà phê, trong khi ý đồ xây dựng các sàn điều, tiêu là mặt hàng chiếm vị trí số 1 thế giới vẫn cứ bỏ ngỏ. Như vậy xuất khẩu nông sản các loại chiếm vị trí hàng đầu thực sự đã vững chắc hay vẫn còn nhiều phụ thuộc khác nữa?

Anh Văn

Nguồn TTVN/CafeF

9 phản hồi cho bài "Thị trường hạt tiêu: Cả thế giới xôn xao, Việt Nam “bình chân như vại”"

lê ngọc hồng

Tôi là người nông dân trồng tiêu tại Đồng Nai thường quan tâm và theo dõi thị trường nông sản qua mạng internet. Có một đều mà tôi không hiểu tại sao các nhà kinh doanh và Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam lại khoanh tay đứng nhìn, tất cả mua bán đều phụ thuộc vào sàn giao dịch SMX sigapore, trong khi đó giá hạt tiêu thế giới thì cao ngất ngưỡng mà giá tại sàn SMX không những lên mà lại xuống quá ngịch lý ,có phải chăng sàn giao dịch SMX đang vắt giá người trồng tiêu Việt Nam hay là có ý đồ nào khác… Đi sâu vào cuộc sống của những người nông, vô cùng là vất vả, làm ra hạt tiêu không phải là dễ, nào là thời tiết, phân bón công cán đều đổ vào, nhưng vẩn bị mất mùa … Cuối cùng nhìn thấy giá tiêu thế giới thì quá cao, còn tiêu của Việt Nam thì hởi ơi là giá bị vắt, xin Hiệp hội hồ tiêu và cũng như những người làm chương trình, giải thích cho những người nông chúng tôi trực tiếp làm ra hạt tiêu được biết lý do tại sao xin cảm ơn.

Nông Dân

Kính chào bà con Nông Dân và những người có liên quan, tôi xin mạn phép chia sẻ một số suy nghĩ cá nhân tôi mọi người như sau:

Làm sao mà lấy giá sàn giao dich SMX làm giá tham chiếu được? sàn này mới bắt đầu giao dịch tiêu cách đay chưa đầy 1 tháng, khối lượng giao dịch vô cùng ít ỏi so với sàn KoChi của Ấn Độ. Theo cá nhân tôi thì SMX rất có tiềm năng và sẽ vượt mặt sàn KoChi Ấn Độ về khối lượng giao dịch sản phẩm tiêu tương lai không xa, nhưng ít nhất không phải năm nay!

Việc giá tiêu Việt Nam không tăng như đáng được tăng là cơ hội cho các nhà đầu cơ tiêu thế giới gom hàng giá thấp của nông dân Việt Nam, khi gom được khối lượng lớn rồi, họ sẽ làm cho giá tiêu trên sàn tăng vô cùng nóng như bên sàn tiêu KoChi. (Dự kiến từ giữa tháng 3 trở đi)

Về phí Nông Dân: không nên nóng bán tiêu với giá thấp như hiện nay, giá sẽ đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch.

Về phía nhà cầm quyền, cơ quan chức năng cần xem lại trách nhiệm của mình

Nói thêm vể sàn giao dịch cafe Buôn Ma Thuột: Cần phát huy ưu thế của nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới. Muốn phát triển mạnh mẽ như các sàn của Anh, Mỹ, Ấn…ta sẽ cần thay đổi về cách quảng cáo tiếp thị ra thế giới, cần bỏ ngay luật phải ký quỹ bằng cafe vật chất trên sàn (quy định này gạt bỏ rất nhiều nhà đầu tư, đầu cơ… Chính những nhà đầu tư đầu cơ mới làm cho sàn phát triển mạnh)

Kính chúc bà con Nông Dân và mọi người sức khỏe và thành công

Châu Huế

Tại sao không lấy giá sàn SMX tham chiếu được ? Tại sao không phải năm nay? Giải thích thế nào khi sàn Ấn tăng 2.700$/tấn mà nội địa chỉ tăng 10.000 đ/kg ? Tại sao giá tiêu VN không tăng như đáng được tăng ? Tháng 9, 10 năm nào chẳng đạt đỉnh vì cuối vụ, cần gì dự kiến nữa.
Một mớ ý kiến mơ hồ và mâu thuẫn, như ném đá lên trời, chẳng giúp ích gì…!

Van Huong

Tại sao giá tại sàn SMX lại chênh lệch quá xa so với sàn KoChi như vậy (trên 2000 USD/tấn tương đương trên 30% giá bán)? Và tại sao các nhà thương lái trong nước lại chỉ lấy giá tham chiếu của sàn SMX để mua hàng của nông dân trong khi trước đây họ vấn lấy giá tham chiếu của sàn KoChi để mua bán? tại sao lại để người nông dân phải chịu thiệt thòi đến trên 40.000đ/kg?…; và chẳng lẽ hiện nay các nhà xuất khẩu trong nước lại chịu chỉ bán hàng với giá của sàn SMX hay sao? Sự thật của vấn đề này là thể nào? Tại sao không thấy các Bộ ngành chức năng và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam lên tiếng về việc này để bảo vệ quyền lợi cho nông dân và bảo vệ một mặt hàng nông sản, bảo vệ tài nguyên của đất nước?… Thật buồn thay!

tiêu lép

VPA cũng như Vicofa, là hiệp hội của những nhà KDXK. Họ là nhà KD nên nắm rõ thị trường hơn bạn. Họ không lên tiếng vì họ mua theo sàn SMX là mua rẻ của nông dân.
Với họ, lợi nhuận là tất cả. Bạn nói họ lên tiếng binh vực nông dân là bạn quá ảo tưởng rồi đó.

Van Huong

Tôi thật cảm thông với những người nông dân, họ quanh năm vất vả dãi dầu mưa nắng, chống chọi với dịch bệnh, khó khăn lắm mới làm ra được hạt tiêu, khi giá lên thì lại bị giới thương buôn ăn chặn quá dày mà không chút thương xót.
Nếu như mọi nông dân đều biết được điều này và cùng đồng lòng giữ tiêu lại không bán thì chắc chắn giới thương buôn sẽ phải điều chỉnh tăng giá mua nhưng tiếc rằng rất nhiều nông dân không biết được mức giá đang được giao dịch trên sàn mà chỉ biết bán theo giá của thương buôn chào mua; một số người lại do thiếu vốn và cần tiền để trang trải chi tiêu nên buộc phải chấp nhận bán rẻ.

Cáp tuấn

Một thông tin vô cùng quan trọng mà bấy lâu nay nông dân Việt Nam không hề biết! Thực sự chưa biết ra sao. Trước đây “giatieu” vẫn đưa những thông tin quốc tế về giá tiêu, nhưng vẫn không có tin nào nói về giá cả “nóng sốt” như bản tin này. Phải chăng nhờ vào nông dân Việt nam “găm” tiêu lại nên giờ mới “lật” mặt được nhóm lợi ích chăng ??? Tôi thất sự bối rối và mất phương hướng …

Tân GL

Nông dân không biết vì đa số nông dân không thèm đọc mà chỉ thích nghe đồn !
Số ít đọc thì lại không phân biệt được tin nào thật, tin nào thuộc loại hỏa mù dương đông kích tây. Nhưng đòi hỏi điều này với nông dân là không thể… Nhiều công ty thuê chuyên gia thị trường mà con chết lên chết xuống !

Anh Văn

Cám ơn bạn @ Cáp tuấn, @Tân GL và các bạn.
Thực sự bất ngờ khi bạn cho đọc lại bài tôi viết cho cafeF ngày 09/3/2012, ngẫu nhiên vừa tròn 6 năm.
Đã lâu rồi tôi không viết cho trang này và saigontimes nữa do quỹ thời gian hạn hẹp, để tập trung viết cho giacaphe.com về thị trường cà phê. Mỗi khi có thời gian rảnh thì viết một chút tin về thị trường tiêu, nhưng sàn Kochi Ấn Độ cũng hoạt động ì ạch do định chế của nước họ. Với lại, bài viết của tôi vô hình chung đã góp phần cổ vũ bà con gia tăng diện tích cây tiêu ở VN quá nhanh (là tôi tự nghĩ vậy). Nhưng không viết thì bà con không có tin tức đáng tin cậy. Biết sao giờ, thông tin thì đầy ra đó nhưng…
Bạn @ Tân GL nói chính xác ! Viết về thị trường hàng hóa nông sản không dễ tí nào. Thực sự có nhiều chuyện, thật giả khó lường…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *