Thực trạng làm cho vườn tiêu Bình Phước bị suy yếu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 1

Giatieu.com thân mời bà con nông dân trồng tiêu tham khảo báo cáo sau đây của KS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, công tác tại Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Phước. Bài được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT Bình Phước.  

Theo số liệu thống kê năm 2010, diện tích tiêu của Bình Phước là 9.967 ha, sản lượng tiêu cả tỉnh đạt khoảng 26.155 tấn/9.181 ha tiêu đang cho thu hoạch. Với giá tiêu bình quân là 100.000 đồng/kg, nguồn thu nhập của nông dân trồng tiêu là rất lớn. Chính vì giá tiêu cao, bà con đầu tư ngày càng nhiều vào việc thâm canh tăng năng suất vườn tiêu, làm vườn tiêu rất dễ bị suy yếu. Nhiều vườn tiêu chỉ sau 3-4 năm cho thu hoạch bị suy yếu nhanh, bị dịch hại tấn công gây hại làm năng suất giảm trầm trọng thậm chí đi đến việc phải phá bỏ vườn tiêu. Bài viết này, sẽ tổng hợp lại các nguyên nhân làm suy yếu vườn tiêu của bà con, cụ thể như sau:

1. Chế độ canh tác, bón phân chưa hợp lý

Vườn tiêu không có bóng mát để điều tiết năng suất

Chưa có hệ thống thoát nước tốt trong vườn tiêu: Hệ thống thoát nước cần được thiết kế ngay khi lập vườn, đặc biệt là những vườn tiêu trồng trên đất bằng phẳng. Điều tiết nuớc không tốt, rễ tiêu bị tổn thương và nấm bệnh tấn công. Tập quán làm bồn sâu khi trồng để sử dụng bồn như là nơi chứa phân trong mùa mưa, chứa nước trong mùa khô khi tưới của nông dân trồng tiêu là điều kiện lý tưởng để sâu bệnh tấn công. Cây tiêu không cần lượng nước tưới nhiều trong mùa khô, mỗi lần tưới chỉ cần từ 100-120lít/trụ, do vậy không cần thiết phải làm bồn quá sâu, hạn chế điều kiện thoát nước trong các đợt mưa lớn dài ngày.

Việc tạo tỉa hợp lý cây tiêu, cây trụ sống và vệ sinh vườn chưa tốt: Vườn tiêu cần được tạo tỉa thông thoáng trong mùa mưa. Cắt bỏ các cành tiêu mọc sát đất và các dây thân vô hiệu mọc ra từ tán. Cây trụ sống cần được rong tỉa thật thoáng trong mùa mưa. Các bộ phận cây tiêu bị bệnh cần được dọn sạch khỏi vườn để tiêu hủy.

Bón phân chưa hợp lý: Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cây trồng luôn là vấn đề quan trọng để đảm bảo sinh trưởng, năng suất, ngoài ra còn giúp cây trồng chống đỡ được sâu bệnh và các điều kiện khắc nghiệt khác.

Qua thực tế phỏng vấn các hộ trồng tiêu ở một số nơi cho biết, bón phân cho tiêu tùy vào thời giá. Khi được giá cao, người nông dân đầu tư phân bón hóa học rất cao, từ 2-3 kg/trụ/năm, để cho năng suất cao. Sau vài năm cho năng suất cao vườn bị suy yếu và rất dễ bị bệnh tật xâm nhiễm. Việc sử dụng phân khoáng nhiều sẽ làm đất chai cứng, hóa chua…

Hiện nay, trong tỉnh ta cây tiêu được thâm canh cao và đạt năng suất rất cao, vì giá tiêu dao động từ 100-150 ngàn đồng/kg. Có vườn tiêu đạt năng suất bình quân 5 kg tiêu đen/trụ, thậm chí vườn tiêu ở gia đình của hộ anh Nguyễn Chiến Thắng ở ấp 5, Tân Lập, Đồng Phú có những nọc tiêu năng suất còn đạt 10kg tiêu đen/nọc. Nếu trồng với mật độ 1.600 trụ/ha thì năng suất tiêu/ha tương ứng là 8 tấn tiêu đen /ha. Với năng suất này cây tiêu phải huy động một lượng lớn chất dinh dưỡng từ đất và phân bón. Những năm giá tiêu thấp, thì bà con bỏ bê, không bón phân. Ngoài ra, còn có hộ bón phân cho tiêu theo cách, cứ 1 năm chỉ bón toàn phân hóa học, năm sau chỉ bón phân hữu cơ…

Hơn nữa, để đạt được năng suất cao như vậy tiêu thường được trồng trên cây trụ chết, được đầu tư cao về phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật. Trồng tiêu trong điều kiện không có bóng mát cho phép cây phân hoá mầm hoa triệt để và thường cho hoa quả rất sai. Tuy vậy cây lại luôn ở trong điều kiện hoạt động sinh lý mạnh nên dễ bị kiệt sức và khi cây bị kiệt sức thì dễ bị các loại sâu bệnh hại tấn công. Cũng cần nhớ rằng cây tiêu có nguồn gốc từ dưới tán rừng thưa ở Ấn Độ, nên ánh sáng tán xạ phù hợp với yêu cầu sinh lý của cây tiêu hơn là trực xạ. Bóng mát sẽ điều tiết sự ra hoa quả, làm cây không ra hoa quả quá độ, do vậy ổn định đuợc năng suất và duy trì được tuổi thọ của vườn cây.

 2. Sâu bệnh hại tấn công

Sâu bệnh hại trên cây tiêu là một vấn đề cực kỳ khó khăn mà người sản xuất phải đối đầu khi trồng tiêu. Một số loại sâu bệnh hại nguy hiểm có thể làm vườn tiêu suy kiệt nhanh chóng, thậm chí bị hủy diệt có thể kể đến là:

+ Rệp sáp hại rễ Pseudococcus citri : Rệp sáp hại rễ tiêu là loài gây hại nguy hiểm và khó phòng trị vì rệp tấn công phần rễ tiêu dưới mặt đất. Khi hại nặng, rệp sáp làm thành các măng xông dày chung quanh rễ tiêu và ẩn náu bên trong nên các loại thuốc hóa học khó thấm qua lớp măng xông này vào trong để diệt rệp sáp.

+ Bệnh vàng lá chết chậm do tuyến trùng : tuyến trùng sưng rễ Meloidogyne incognita kết hợp nấm Fusarium solani. Đây là một trong những bệnh hại nguy hiểm nhất của cây tiêu, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng ở các vùng trồng tiêu trên thế giới cũng như ở nước ta. Bệnh nguy hiểm vì nó sinh ra từ đất, hệ thống rễ bị tổn thương do sâu bệnh gây hại mất khả năng hút nước và dinh dưỡng làm cây vàng lá, rụng đốt, suy kiệt dần dần và có thể chết. Bệnh lây lan nhanh trong đất và tác nhân gây bệnh tồn tại lâu trong đất.

+ Bệnh do nấm Phytophthora capsici:  Nấm phát sinh phát triển mạnh trong mùa mưa và tấn công ở nhiều bộ phận của cây tiêu. Khi nấm tấn công dây thân ngầm ngay nơi tiếp giáp với mặt đất sẽ làm tắc mạch dẫn và chết nguyên cả dây tiêu rất nhanh nên người ta gọi là bệnh chết nhanh. Nấm cũng có thể tấn công vào cành lá, vào đoạn dây thân giữa trụ tiêu, vào chùm gié v.v….. đặc điểm dễ nhận diện là các bộ phận bị nấm tấn công bị thối đen.

+ Bệnh xoăn lùn do virus gây ra cũng đang phát triển và gây hại nhanh chóng các vườn tiêu trong các năm gần đây.

Nguyên nhân làm cây tiêu suy yếu, vàng lá, rụng lá, rụng đốt thường rất phức tạp. Trong nhiều trường hợp là sự gây hại tổng hợp của rệp sáp, tuyến trùng và nấm bệnh. Khi phát hiện thường đã chậm trễ để việc chữa trị có hiệu quả. Do vậy đối với các loại sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây tiêu nên thực hiện phương châm: “Phòng bệnh là chính, phát hiện sớm để chữa trị kịp thời”. Chỉ dùng đơn độc biện pháp hoá học (thuốc BVTV) thường ít hiệu quả, cần áp dụng tổng hợp đồng bộ các biện pháp như: biện pháp chọn giống, biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học để khống chế nguồn sâu bệnh hại dưới ngưỡng gây hại, bảo vệ được thiên địch, giữ cân bằng về mặt sinh học, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

1 Phản hồiGửi phản hồi mới

Gửi phản hồi mới

(?)