Giải pháp phục hồi vườn tiêu bị suy yếu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 2

Để giúp bà con nông dân sớm hồi phục vườn tiêu bị suy yếu, Giatieu.com thân mời bà con tham khảo bài viết của KS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, công tác tại Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Phước.  

Đọc thêm: Thực trạng làm cho vườn tiêu Bình Phước bị suy yếu.

1. Tạo điều kiện tối ưu cho đất trồng tiêu:

– Tạo hệ thống thoát nước tốt cho vườn tiêu, đối với các vườn tiêu trồng trên vùng đất bằng phẳng, tránh để nước đọng trong gốc tiêu

– Áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu: không cày bừa, xới xáo nhiều trong vườn tiêu để giảm bớt sự xói mòn khi trồng tiêu trên đất dốc, giảm được sự xáo trộn, tổn thương bộ rễ tiêu vốn rất nhạy cảm với sự tấn công của sâu bệnh hại trong đất.

– Trồng lạc dại che phủ đất trong vườn tiêu: việc trồng cây lạc dại giúp cho việc làm đất tối thiểu được thuận lợi, hạn chế được sự phát triển của cỏ dại, thay thế việc tủ gốc tiêu trong mùa khô. Ngoài ra cây lạc dại còn làm giảm sự xói mòn rửa trôi và cung cấp thêm chất hữu cơ cho vườn tiêu làm tăng độ tơi xốp của đất, cải thiện được tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất, có khả năng cố định đạm giảm lượng phân đạm bón cho cây. Lạc dại còn giữ được nhiệt độ lớp đất mặt không tăng quá cao trong các tháng nắng nóng. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đã làm mô hình trình diễn trồng cây lạc dại trong vườn tiêu ở Phú Riềng, Bù Gia Mập và Lộc An, Lộc Ninh.

– Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma, Pseudomonas, mỗi năm 2-3 lần để làm giàu hệ vi sinh vật đối kháng các loại dịch hại nguy hiểm có trong đất, tăng khả năng đề kháng nấm bệnh cho vườn tiêu.

– Trồng tiêu trên trụ sống hoặc tạo bóng mát vừa phải trong vườn tiêu bằng cách trồng thêm cây che bóng trong các vườn trụ chết.

2. Quản lý tốt dinh dưỡng cho vườn tiêu:

– Ưu tiên bón phân hữu cơ: Phân hữu cơ có vai trò đặc biệt trong việc phục hồi các vườn tiêu bị suy kiệt.   Phân hữu cơ ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng còn cải thiện lý hóa tính đất, tăng khả năng thoát và giữ nước, tăng khả năng hấp thu phân hóa học, làm giàu thêm hệ vi sinh vật đất, hạn chế được sự phát triển của một số tuyến trùng và nấm bệnh trong đất thông qua việc thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật đối kháng.

Trong những năm qua, các mô hình trình diễn của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện trên cây tiêu đều hướng dẫn và khuyến cáo bà con sử dụng các loại phân hữu cơ hoai muc, phân hữu cơ vi sinh (Trichomix, phân gà, …) kết hợp sử dụng chế phẩm Trichoderma, tăng sức đề kháng sâu bệnh cho cây tiêu.

– Tăng cường sử dụng phân bón lá: Hồ tiêu là loại cây trồng có bộ rễ ít phát triển và dễ bị các loại nấm bệnh, tuyến trùng, rệp sáp gây tổn hại nên sử dụng phân bón lá hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Hơn nữa, phân bón lá ngoài cung cấp các chất đa lượng thì còn giúp vào việc cung cấp các chất vi lượng cho cây trồng rất có hiệu quả. Mỗi năm phun 3-5 lần phân bón lá cho hồ tiêu sẽ bổ sung được lượng nguyên tố vi lượng cây cần.

– Bón phân hóa học cân đối và hợp lý: Đối với tiêu mới trồng, năm 1 bón tối đa 200 g/trụ; năm 2 không quá 500 g/trụ, năm 3 dưới 1kg/trụ các loại phân hóa học trộn, hay NPK.

Đối với vườn tiêu cho thu hoạch, thâm canh cho năng suất cao: cũng chỉ bón khoảng 1,2 -1,5 kg/trụ/năm các loại phân hóa học trộn, hay NPK.

– Phương pháp bón phân: Hiện nay,phương pháp bón phân hóa học tốt nhất cho cây tiêu khuyến cáo là:  rải phân khi đất đủ ẩm, rải xung quanh tán, cách xa gốc tiêu 60-70cm xăm xới rất nhẹ lấp phân vào đất, tránh xới sâu làm tổn thương rễ. Nếu có sẳn hệ thống tưới trong vườn tiêu thì hòa phân vào nước tưới cho tiêu, hoặc sau khi rải phân không gặp mưa có thể tưới để phân ngấm vào đất, hạn chế mất phân do bay hơi.

3. Phát hiện, xử lý kịp thời các trụ tiêu bị sâu bệnh phá hoại, vệ sinh tốt

Đối với các trụ tiêu bị hại nhẹ, cây có biểu hiện sinh trưởng kém, vàng lá, cần xác định đúng loại sâu bệnh phá hoại để phòng trừ bằng thuốc hoá học. Bón thêm phân chuồng với lượng lớn cho các trụ tiêu này, 15-20kg phân chuồng hoai.

Tiêu hủy, đào bỏ các cây bị hại nặng, vệ sinh vườn thật tốt. Thu dọn tàn dư thực vật, chuyển tất cả các bộ phận bị sâu bệnh tấn công ra khỏi vườn và tiêu hủy để loại trừ nguồn bệnh. Nên đào lấy được rễ, thân ngầm của các cây tiêu bị bệnh lên càng nhiều càng tốt, đem ra khỏi vườn và tiêu hủy.

4. Trồng dặm cây chết

Không trồng dặm lại ngay sau khi nhổ bỏ các cây tiêu bị sâu bệnh dưới đất phá hoại, cần có thời gian cách ly để cắt đứt nguồn dịch hại trong đất. Thường thì sau 1-2 năm luân canh hay bỏ trống hố tiêu bị bệnh đã nhổ bỏ mới được trồng lại. Không nên dùng lại trụ tiêu chết, xử lý hố tiêu bằng vôi (0,3-0,5kg/gốc) và các loại thuốc trị tuyến trùng và nấm bệnh khi trồng dặm lại. Có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây:

– Thuốc trị tuyến trùng, rệp sáp: Marshal 5G, Nokaph, Mokaph, Ethoprophos, Maxfos 50EC, Carbosan 25 EC, Oncol 25 EC,…

– Thuốc trị nấm bệnh: Ridomil Gold, Aliette, Rovral, Mexyl MZ, Agrifos 400, Norshield + Phytocide 50WP…

Báo Giá cà phê qua điện thoại
2 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Các bác có ai đã sử dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho tiêu thì chia sẻ cho mọi người biết với nhé. Em đang tìm hiểu để áp dụng cho vườn nhà nhưng vẫn đang mơ hồ lắm.

Gửi phản hồi mới

(?)