Thị trường tiêu Ấn Độ: Giá nội địa ổn định, giá xuất khẩu gia tăng
(04/11) – Các hoạt động thị trường tiếp tục hạn chế do không có người bán trong khi người mua tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng, đặc biệt là hạt tiêu chất lượng cao, theo Business Line.
Hôm qua, thứ Ba ngày 03/11, trên thị trường giao ngay ghi nhận có 8 tấn tiêu đã được giao dịch với giá 685 Rupi/kg. Trong khi khách mua sẵn sàng mua tiêu có dung trọng cao số lượng lớn với giá 685 Rupi/kg, và tiêu vùng Rajkumari (huyện Idukki) thậm chí giá 690 Rupi/kg nhưng không có người bán.
Các đại lý ở địa phương cho biết người bán cũng rất hạn chế do đang ở vào giai đoạn gối vụ và nông dân các vùng trồng tiêu cũng chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ mùa mới.
Giá hạt tiêu giao ngay đã tăng thêm 400 Rupi so với ngày cuối tháng Mười vừa qua, lên mức 66.100 Rupi/tạ (tương đương 10.086 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 69.100 Rupi/tạ (tương đương 10.544 USD/tấn) cho loại tiêu đã sơ chế.
Trên Sàn của Hiệp hội Gia vị IPSTA, hợp đồng kỳ hạn tháng Mười Một, tháng Mười Hai và tháng Giêng đã tăng 1.000 Rupi lần lượt lên ở 71.000 Rupi/tạ, 69.000 Rupi/tạ và 65.500 Rupi/tạ (tương đương 10.834 USD/tấn, 10.528 USD/tấn và 9.994 USD/tấn).
Giá tiêu xuất khẩu Ấn Độ đang ở mức 11.050 USD/tấn (c&f) đối với châu Âu và mức 11.300 USD/tấn đi Mỹ, tăng 500 USD so với một tháng trước đó, và vẫn cao giá so với hạt tiêu có nguồn gốc xuất xứ khác.
Hạt tiêu Sri Lanka giao tại Kochi cũng được thông báo giá 9.650 USD/tấn cho loại 525 Gr/l và giá 9.700 – 9.800 USD/tấn cho loại 550 Gr/l.
*Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 10/2015 ước đạt 6 nghìn tấn, với giá trị đạt 62 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 10 tháng đầu năm 2015 lên 117 nghìn tấn với giá trị 1,11 tỷ USD, giảm 19,6% về khối lượng nhưng lại tăng 0,5% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2015 đạt 9.472 USD/tấn, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Singapore với 37,03% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (38,16%), Hàn Quốc (33,11%), Tây Ban Nha (29,37%) và Anh (23,95%).
*Tỷ giá: 1 USD = 65.5369 Rupi
17 phản hồi cho bài "Thị trường tiêu Ấn Độ: Giá nội địa ổn định, giá xuất khẩu gia tăng"
Hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tăng thêm 1.000 Rupi lên 71.000 Rupi/tạ.
Như vậy là giá tiêu năm nay vẫn còn cơ hội.
Mình dự kiến vào cuối tháng này, trước khi thị trường bắt đầu xuất hiện tiêu Ấn Độ
Các cty XNK đang nhập hàng Brazil và Indonesia về để tái xuất khẩu.
Thật khó phân định thắng – thua vào lúc này.
Đồng tiền các nước sản xuất tiêu như Rupi (Ấn Độ), Reais (Braxin), Ringit (Maxlai), Rupiah (Indo)…đang mất giá so với USD. Nên các nước này đang đẩy mạnh bán tiêu ra do họ thu về đồng nội tệ nhiều hơn. Chưa có gì đáng để lo vì cung vẫn chưa đủ cầu.
Công ty XNK nhập về để tái xuất là chuyện rất bình thường. Vì họ là nhà kinh doanh nên thấy đâu rẻ thì mua, thấy có lời thì bán. Có tái xuất là khách mua vẫn có nhu cầu.
Chọn thời điểm nào để bán là do bà con mình tự quyết định chứ không phải do họ !
Mọi người hy vọng sẽ bán số tiêu đang còn tồn trữ, trong khi vẫn còn bán nhỏ giọt của người dân. Trong khi giá tiêu thế giới tăng nhưng giá trong nước vẫn không mấy khả quan bằng trong giữa mùa
Em nghe nói giá tiêu tại thị trường nội địa Ấn Độ cao hơn giá tiêu ở các nước ngoài, như vậy thì làm sao để họ xuất khẩu được?
Có thể là nông dân không bị lỗ vì giá thành sản xuất thấp hơn giá bán nhiều nên không lo lắng và vẫn còn chần chừ giữ hàng.
Các đại lý vốn ôm hàng trữ để chờ giá (thường tăng vào tháng 9-10) bắt đầu xả hàng ra để cắt lỗ do lo sợ vào vụ mới giá sẽ giảm.
Tiêu Việt Nam dự báo là năm tới sẽ được mùa, trừ 2 vùng có năng xuất thấp là Đăk Nông và Bình Phước, còn lại đều được mùa.
Tôi nghe nói hiện đang nhập tiêu giá rẻ hơn từ Indo về đấu trộn với tiêu VN để xuất cho khách hàng đặt mua tiêu giá thấp, đúng vậy không các bác?
Đối với nhà kinh doanh, làm cách nào để thu được lợi nhuận một cách hợp pháp đều hợp lý cả. Còn với bà con nông dân trồng tiêu miễn sao bán được hàng, được giá là ok.
Tiêu VN có dung trọng cao nhiều khi rất khó bán, rất kén khách mua.
Nhiều nước chỉ thích nhập tiêu 500 Gr hay tiêu 450 – 470 Gr có giá thấp để dễ tiêu thụ hơn vì giá hiện nay cao quá…
Dan Viet không có ý khuyên bất kỳ ai “nên bán” hay “nên chờ” vì bản thân mình cũng không chắc 100%.
Tuy nhiên, theo nhận định riêng của Dan Viet thì giá thời điểm này khó mà giữ vững.
Giá Ấn Độ luôn cao hơn các nước khác do có thị trường tiêu thụ nội địa lớn với dân số 1,2 tỷ người và thói quen dùng nhiều gia vị. Tuy nhiên, giá Ấn Độ cao không ảnh hưởng đến thị trường thế giới vì hai lý do:
1. Ấn Độ chỉ đóng góp 20.000-25.000 tấn vào thị trường xuất khẩu thế giới.
2. Thuế nhập khẩu tiêu vào Ấn Độ đến 79% nên không thể nhập tiêu từ nước khác cho tiêu thụ nội địa nếu chênh lệch giá ít hơn 79%.
Vì vậy, khi nguồn cung ở Ấn yếu hơn cầu, Ấn độ trở nên cô lập so với thị trường thế giới, Ấn Độ bán, Ấn Độ mua, chả ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới.
20.000-25.000 tấn tương ứng 5% thị phần, họ là tép riu so với Việt Nam.
Quốc gia nhập khẩu: Ấn Độ
India
HS code ( Mã hang hóa) 0904.12.00 (tiêu đen)
MFN duty rate: (Thuế nhập khâu) 70%
Sales tax (Thuế bán buôn) No sales tax: 0%
Landing charges (1% CIF)
CESS (3% (Duty + CEX (Education & Higher Education CESS) + Countervailing duty))
Additional Countervailing Duty (4% (CIFD + Landing charges + Countervailing duty + CESS + CEX (Education & Higher Education CESS)))
Tổng cộng là 78%, Dan Viet nhầm 1%, xin cả nhà vì sự nhầm lẫn này.
http://www.dutycalculator.com/popular-import-items/import-duty-and-taxes-for-black-pepper/
Dan Viet muốn giải thích rõ hơn một chút về nhận định tại sao giá tiêu Việt Nam khó giữ vững để mọi người có thêm thông tin.
1. Do tiêu Việt Nam bị nhiễm dư lượng thuốc BVTV nên thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật hạn chế mua.
2. Indonesia, Brazil trúng mùa, thêm vào đó là việc phá giá đồng nội tệ nên tiêu của họ bán giá cạnh tranh hơn tiêu Việt Nam.
3. Khách hàng quen thuộc của Việt Nam là Trung Đông và Trung Quốc giảm nhu cầu mua.
Trung Đông: các bạn hàng nông sản bị thua lỗ trong việc đầu cơ gạo và đường dẫn đến mất khả năng thanh toán. Ngân hàng sết chặt việc cho vay nên họ không có tiền thanh toán cho những lô hàng mà các công ty XNK Việt Nam đã xuất cho họ. Hậu quả là các công ty XNK không mua hàng trong nước và phải kéo các containers đã xuất về nước.
Trung Quốc: do khủng hoảng kinh tế kéo dài khi bong bóng BĐS bị nổ, kinh tế Trung Quốc rất chật vật, tiêu thụ hàng hoá giảm nghiêm trọng, họ phá giá đồng NDT để hạn chế nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều nông sản của Việt Nam sản xuất cho thị trường TQ bị ế vì lực cầu giảm, ví dụ gần đây là chuối. Tiêu cũng không ngoại lệ.
4. Niên vụ 2016 tiêu Việt Nam nhìn chung là được mùa.
(1)+(2)+(3)+(4) => giá tiêu VN khó mà giữ vững.
Theo tôi nghĩ có khả năng tháng 12 đến tháng 1 năm 2016 có thể giá tiêu sẽ có hướng lên vì lúc này nhiều công ty cần hàng để làm gia vị phục vụ tết Nguyên đán.
Lúc này tiêu vụ mới cũng chưa có.
Tiêu thụ nội địa VN chỉ 6-7 ngàn tấn mỗi năm, bình quân là 500-600 tấn mỗ tháng. Cho dù tăng đột biến thì tối đa 1000 tấn vào dịp Tết, quá nhỏ so với lượng hàng mọi người đang giữ chờ giá hiên nay.
Vùng Đông Nam bộ, chủ yếu là tỉnh Đồng Nai, khoảng gần Noel sẽ bắt đầu thu tiêu vụ mới, giống tiêu Ấn Độ chín sớm.
Năm nay không biết ở các tỉnh khác thế nào chứ ở đất Đồng Nai khoảng qua Tết tiêu vẫn chưa có thu.
Giờ hạt vẫn toàn là nước không? Không biết giá gần Tết thế nào đây?
Theo diễn biến như hiện nay thì gần tết giá tiêu sẽ thấp hơn lúc này.