Thu phí chứng nhận và tái chứng nhận VietGAP: Giá vô cùng, dân khốn khó

Theo quy chế của Bộ NN&PTNT thì khoản chi phí được trả cho việc chứng nhận VietGap là căn cứ vào “thỏa thuận” giữa bên đề nghị chứng nhận và tổ chức chứng nhận. Tuy nhiên, do không có quy định cụ thể nào về mức giá nên chi phí để cấp và tái cấp giấy chứng nhận ở mỗi nơi mỗi khác và vì thế những người nông dân đã và đang thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP phải oằn mình chịu trận.

Sản phẩm đã có chứng nhận VietGAP nhưng chưa được dán nhãn để phân biệt.

Phí lần đầu khá cao

Trao đổi với KTNT, ông Mai Văn Phú, Giám đốc Trung tâm điều hành Liên minh rau sạch tại TP.HCM cho biết, hiện nay việc cấp giấy chứng nhận ViêtGAP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản theo hướng an toàn chủ yếu được các Sở NN&PTNT phụ trách. Tại TP.HCM hiện Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp là đơn vị trực tiếp cấp giấy chứng nhận VietGAP cho bà con nông dân. Đơn vị này được sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước nên đã và đang tổ chức cấp chứng nhận cho bà con nông dân hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, bên cạnh Tổ chức này vẫn có những tổ chức khác được phép thực hiện cấp giấy chứng nhận ViêtGAP cho các nhà vườn, tổ chức, cá nhân và họ sẽ thu phí tùy theo thỏa thuận với bên đề nghị cấp giấy.

Theo ông Phú, hiện chi phí cấp giấy chứng nhận ViêtGAP nếu chỉ tính riêng phần phí khảo sát đánh giá và cấp giấy thì không quá cao (đối với sản xuất rau an toàn ViêtGAP là khoảng 15-20 triệu cho 1 trang trại 10 ha). Tuy nhiên, ngoài khoản phí này các đơn vị đề nghị cấp giấy còn phải bỏ ra nhiều chi phí khác để hoàn thiện quy trình sản xuất ViêtGAP theo đúng yêu cầu. Nặng nhất là các chi phí phân tích, đánh giá mẫu đất, nước, chi phí tư vấn, đào tạo nhân viên, xây dựng thêm các hạng mục sinh hoạt, tổ chưc hồ sơ giấy tờ,… Các chi phí này nếu cộng gộp lại thì để hoàn thiện và được cấp giấy có nơi phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước thì các đơn vị sản xuất nông sản như HTX, tổ hợp tác, trang trại không thể nào làm được.

Đồng quan điểm với ông Phú, Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng cho rằng việc cần làm ngay bây giờ là Nhà nước phải xem xét, chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận ViêtGAP và GlobalGAP. Vì theo bà Mai, hiện nay chi phí để thanh tra, cấp giấy chứng nhận ViêtGAP còn quá cao và không theo một quy định cụ thể nào. “Chỉ thanh tra 1-2 lần để lập dữ liệu cấp chứng nhận ViêtGAP cho 5ha bưởi mà các Tổ chức cấp giấy chứng nhận lấy tới 70 triệu đồng tiền phí thì quá đắt với nông dân. Nên có sự hộ trợ hợp lý từ phía Nhà nước thì mới có thể xem việc thực hiện, công nhận GAP là hướng sản xuất chính và nhằm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của nông dân”-bà Mai nói

TS Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cũng cho rằng, một số mô hình được chứng nhận GlobalGAP hay ViêtGAP chỉ được doanh nghiệp, chính quyền hỗ trợ lần đầu. Hết thời hạn một năm thì rất ít đơn vị tái chứng nhận vì chi phí quá cao, 70-80 triệu đồng. “Như vậy muốn mô hình GAP thành công thì phải tổ chức lại sản xuất. Nhà nước không chỉ đầu tư tiền bạc mà phải xây dựng lực lượng đội ngũ cán bộ có tâm huyết và sống chết với chương trình GAP này” – ông Hòa đề nghị.

“Trước đây chúng ta đã thực hiện tốt việc huấn luyện và chỉ đạo thực hiện IPM, giờ làm ViêtGAP phải được quan tâm chặt chẽ như vậy thì mới có thể mở rộng diện tích nông sản ViêtGAP và kích thích bà con nông dân tham gia làm nông nghiệp theo hướng an toàn cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và cho cả môi trường sinh thái”.(TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam)

Xã hội hóa sản xuất nông nghiệp GAP

Ông Mai Văn Phú cho biết, việc tính chi phí cấp giấy chứng nhận nông sản GAP cũng tùy vào từng trường hợp. Nếu cùng một đơn vị diện tích nhưng đơn vị đề nghị cấp giấy tổ chức được mô hình sản xuất tập trung thì số mẫu cần lấy để phân tích sẽ ít đi và chi phí theo đó cũng giảm, ngược lại nếu xé lẻ ra nhiều nơi thì chi phí sẽ đội cao lên.

Với tư cách một người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất rau sạch ViêtGAP ông Phú cho rằng khi bà con tổ chức thực hiện canh tác ViêtGAP thì cần tham khảo thật kỹ các mô hình đã được các nơi khác làm thành công. Làm sao để càng tổ chức sản xuất tập trung thì càng tốn ít chi phí để kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Nên tham khảo thật cụ thể các yêu cầu về xây dựng các hạng mục sinh hoạt như nhà vệ sinh, khu pha thuốc trừ sâu, tủ thuốc, quy cách chuồng trại… để làm 1 lần đầu chắc ăn. Các lần sau không phải tu sửa lại theo yêu cầu của Tổ chức chứng nhận.

Còn theo bà Võ Mai, để ViêtGAP có thể tồn tại và phát triển tốt thì bên cạnh việc tổ chức quản lý lại việc thu phí chứng nhận nông sản GAP, Bộ NN&PTNT và chính quyền các địa phương cần bám sát các chương trình xây dựng các HTX, tổ hợp tác ViêtGAP, GlobalGAP ở các khu vực thuộc địa bàn của mình. Cần đưa ra những chính sách hỗ trợ cụ thể. Không những chỉ là hỗ trợ về kinh phí cấp giấy chứng nhận mà còn xây dựng để hoàn thiện cả chuỗi cung ứng nông sản GAP. Theo đó, Bộ NN&PTNT phải tiến hành công bố sản phẩm đã được chứng nhận ViêtGAP nhãn sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết khi mua sắm, Sau đó phải tổ chức chợ hay khu vực bán nông sản đã được công nhận ViêtGAP ở từng địa phương để người sản xuất thực hiện ViêtGAP có chỗ bán sản phẩm của mình và người tiêu dùng biết chỗ để mua nông sản an toàn. Và điều quan trọng nhất là phải có chủ trương coi việc thực hiện và công nhận ViêtGAP là thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của nông dân. Vì thế phải đẩy nhanh xã hội hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP. “Trước đây chúng ta đã thực hiện tốt việc huấn luyện và chỉ đạo thực hiện IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp), giờ làm ViêtGAP cũng cần phải được quan tâm chặt chẽ như vậy thì mới có thể mở rộng diện tích nông sản ViêtGAP và kích thích bà con nông dân tham gia làm nông nghiệp theo hướng an toàn cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và cho cả môi trường sinh thái.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty CP chế biến nông sản Long Giang (Tiền Giang) là người đầu tiên dám bỏ ra 23.000 USD để chứng nhận GlobalGAP cho 50ha nhãn của gia đình ở tỉnh Vĩnh Long năm 2007, nhưng vừa qua ông chỉ tái chứng nhận GlobalGAP cho nhà máy chế biến, đã kết luận: “Một mình nông dân tự lo chứng nhận, tự lo đầu ra cho sản phẩm mình thì không ai làm nổi. Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí, phải mở rộng diện tích lớn và xây dựng thương hiệu. Nếu làm manh mún như hiện nay thì khách hàng nước ngoài không biết nên không thể bán giá cao được”.

Hà Minh

Nguồn Báo Kinh tế Nông thôn điện tử
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *