Tiêu mất mốc 50.000 đồng/kg, nhưng sẽ tăng trở lại
Tuần qua, giá tiêu diễn biến theo hướng tiêu cực. Thực ra, xu hướng này đã xuất hiện từ tuần trước đó, khi giá tiêu mất mốc 50.000 đồng/kg tại Gia Lai và Đồng Nai.
Sau khi mất mốc 50.000 đồng/kg tại 2 tỉnh nói trên, trong tuần qua, giá tiêu ở các địa phương khác như Bình Phước, Đăk Lăk và Đắk Nông cũng xuống dưới mức này.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi luôn có giá tiêu cao nhất trong các vùng trồng trọng điểm, đến ngày 26/6, cũng đã xuống dưới mức 50.000 đồng/kg.
Theo nhận định của một số chuyên gia, giá tiêu liên tục giảm xuống trong thời gian qua và đã mất mốc 50.000 đồng/kg tại tất cả các vùng trồng trọng điểm, có nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên là có hiện tượng thương nhân Trung Quốc, sau khi tổ chức thu mua tiêu của Việt Nam từ trước đó, đã bán ngược lại tiêu cho một số doanh nghiệp Việt Nam đang cần gom đủ hàng để xuất khẩu. Một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hàng đầu, trước đây đã lỡ ký các hợp đồng giao xa với giá thấp.
Vừa rồi, khi giá tiêu liên tục tăng (có thời điểm vượt qua mốc 60.000 đồng/kg), những “ông lớn” này đã tìm mọi cách để kéo giá tiêu xuống như mang hàng tồn kho nhiều năm ra giao hay dùng truyền thông để dọa những người “ôm” hàng yếu bóng vía…
Tuy giá tiêu đã mất mốc 50.000 đồng/kg, nhưng nhiều khả năng giá tiêu sẽ không giảm xuống thấp, bởi với giá như hiện nay, người ta sẽ không bán tiêu ra nữa.
Trong khi đó, các thương nhân đến từ Trung Quốc, Mỹ, EU… đã bắt đầu chấp nhận giá mới, nhất là khi thông tin về việc sản lượng tiêu ở Việt Nam sẽ giảm mạnh trong niên vụ tới đang dần được phổ biến ra bên ngoài.
Sau khi tham gia chuyến đi khảo sát thực trạng ở các vùng trồng tiêu trọng điểm, từ Bà Rịa – Vũng Tàu tới Tây Nguyên, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho rằng, trong niên vụ 2020/2021, sản lượng tiêu sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Cụ thể, niên vụ 2019/2020, sản lượng tiêu Việt Nam ước khoảng 240 ngàn tấn, giảm mạnh so với 300 ngàn tấn của niên vụ 2018/2019. Dự tính niên vụ 2020/2021, sản lượng tiêu tiếp tục giảm 30%.
Theo ông Bính, tại hầu hết các vùng trồng tiêu trọng điểm ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Đăk Lăk… đa số các vườn tiêu đã xuống cấp nặng nề do nông dân không còn khả năng, không còn mấy quan tâm tới vườn tiêu sau 4 năm liên tục xuống giá, từ mức 200 ngàn đồng/kg xuống còn 35.000 đồng/kg (tháng 4/2020).
Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt trong năm nay cũng làm hỏng hàng loạt vườn tiêu. Đây là những nguyên nhân chính khiến cho năng suất, sản lượng tiêu đang có xu hướng giảm mạnh.
Là nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua, nên sản lượng tiêu Việt Nam ra sao trong niên vụ tới đang là mối bận tâm lớn của nhiều khách hàng nước ngoài, nhất là khi các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang không chào bán giao xa với số lượng lớn (có thể hiểu là do nguồn hàng không dồi dào).
Vì vậy, thông tin sản lượng tiêu Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh sẽ hỗ trợ giá tiêu trong thời gian tới.
Việc nhiều công ty nhỏ đã ký được hợp đồng xuất khẩu với giá mới, cũng sẽ ít nhiều có tác động tới giá tiêu.
Chính vì vậy, bất chấp những thông tin tiêu cực do một số doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tung ra nhằm ép giá tiêu xuống thấp, một số chuyên gia ngành hàng hồ tiêu cho rằng, giá tiêu sẽ sớm tăng trở lại. Nhiều khả năng, giá tiêu không chỉ lại vượt mốc 60.000 đồng/kg như hồi cuối tháng 5 vừa qua, mà có thể lên ở mức trên dưới 70.000 đồng/kg vào cuối năm nay.
45 phản hồi cho bài "Tiêu mất mốc 50.000 đồng/kg, nhưng sẽ tăng trở lại"
Thông thường, nếu mua được tiêu giá rẻ do nông dân sản xuất bán, các cty sẽ chào bán xuất khẩu giá thấp. Khi đáo hạn hợp đồng mà không có đủ hàng giao họ sẽ mua với giá cao để giao, hoặc đền hợp đồng … Vậy thôi !
Nhà báo rất giỏi, mình ít khi được đọc bài viết nào về thị trường tiêu mà lại có cái nhìn sâu sắc như vậy.
Hay quá, mong giá tiêu tiếp tục lên trong tuần này!
Theo dõi báo 5 năm rồi, năm nay em mới thấy các bài báo viết rõ, ít che giấu sự thật.
Phải cần những bài báo như này, để dân mới định hướng kế hoạch tương lai được.
Biết đâu, giá mới lại tái hiện trào lưu cũ của tháng 5.
Theo khảo sát của ông chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN sang năm 2020-2021 giảm 30% là còn ít, phải giảm 50%. Giá thấp quá dân bỏ mặc không chăm sóc. Cây chết, chuyển đổi cây trồng khác hết rồi.
Tôi mới đi thực địa (tự đi) 2 vùng là Buôn Ma Thuột và Đăk Nông.
Vùng trồng tiêu đường đi quốc lộ 14C qua đồn 8 tiêu bị bệnh chết gần hết.
Nhưng bên Đức Trọng nhiều vườn tiêu dự báo năm sau năng suất cao.
@ Quang, cám ơn bạn về thông tin, tôi chưa biết khu đó, tuần tới tôi sẽ mò vào xem.
Bà con nào biết khu vực nào còn tiêu tốt nên chia sẻ công khai để Dan Viet tìm hiểu và chia sẻ thông tin tổng hợp chính xác nhất cho bà con chứ không nên đưa tin một chiều. Thông tin chính xác mới có sức mạnh thật sự.
Tại tỉnh Gia Lai những vùng tiêu trọng điểm hiện nay cũng không còn bao nhiêu, cộng với năm thời tiết bất thường cho nên vụ mùa tới mất nặng (như huyện Chư Prông từ đầu mùa đến giờ mà mưa được hai trận), ngoài ra Gia lai đang có phong trào trông cây ăn trái rất nhiều.
Sản lượng giảm 30% so với niên vụ 2018/2019 hay niên vụ 2019/2020 ?
Tiêu nhà tôi năm nay mất mùa, sản lượng tụt giảm 50% so với năm trước.
Ở đâu không biết, hai huyện Châu Đức, Xuyên Mộc trọng điểm trồng tiêu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, niên vụ 2019 -2020 sản lượng giảm khoảng 40% tính chung cả tiêu lâu năm và tiêu mới thu hoạch. Riêng tiêu lâu năm (6-10 năm) sản lượng giảm 60%. Có vườn tiêu không thể kêu công thu hoạch vì không đủ trả tiên công.
Bỏ bê không chăm thì phải chịu thôi. Lấy đâu ra sản bán để trả công.
Nhiều vườn tiêu đi bên ngoài thấy xanh tốt, đi vào sâu bên trong thì thấy bông không nhiều.
Tuy bà con có chăm hơn nhờ giá cả khởi sắc nhưng tổng sản lượng vụ tới vẫn tiếp tục giảm !
Các bạn có thấy vai trò Hiệp hội tiêu VN ở đâu không ? Không làm được cái gì giúp nông dân cả.
Mời bạn vào xem trang của Hiệp hội Hồ tiêu để tìm hiểu cụ thể hơn…
http://peppervietnam.com/gioi-thieu/dieu-le-hiep-hoi-ho-tieu-viet-nam/
Tôi cũng mới đọc trên trang này lúc chiều
Cảm thấy số liệu lần này VPA đưa ra rất chính xác, không có ẩn ý gì ở đây cả. Riêng Đak Nông và Gia Lai thì đúng 100% như những gì tôi đã đi khảo sát thực tế cách đây mấy ngày, những vùng khác thì tôi chưa kịp đi.
Theo tôi biết, có hai việc:
1. Tỷ lệ chết phản ánh khá khách quan.
2. Đoàn khảo sát đưa ra kết luận chung là không nhận định về sản lượng của vụ 2021 vì chưa chưa có cơ sở (chưa ra bông). Vậy mà có ai đó ở VPA thêm vào trong báo cáo nhận định vụ tới 220 ngàn tấn. Nhận định đó rất hồ đồ, phản khoa học, có ý phục vụ cho mục đích dìm giá của những cty thiếu hàng nghiêm trọng.
Giá tiêu đã lấy lại được mốc 50 k. Chính xác như những gì nhà báo đã dự báo hai tháng trước đây, đây là phần 1.
Dan Viet có nhiều cơ sở để tin rằng phần 2 của dự báo sẽ lại tiếp tục đúng như phần 1 mà chúng ta đang chứng kiến.
@Dan Viet.
Những góp ý của a/c giúp mọi người hiểu biết nhiều hơn. Cảm ơn rất nhiều !
@Dan Viet
Bạn có mong đợi tăng giá sớm không ?
@Loay bakdash.
Dan Viet không mong đợi giá tăng sớm vì biết rằng rất khó.
Dịch bệnh vẫn chưa được không chế.
Lũ lụt vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc
Indonesia, Brazil đang thu hoạch.
Dan Viet nhận định giá sẽ khả quan từ tháng 10 trở đi
Mong @Dan Viet thường xuyên vào diễn đàn nhận định giá cả.
Tiếc rằng không có tiền 47.000đ/kg, buộc phải bán.
Giờ mọi người hãy chuẩn bị tinh thần,tầm tháng 10 chúng ta đồng lòng khởi nghĩa nhé. Khi thời cơ chín muồi Dan Viet sẽ có bài phân tích cụ thể.
8 tháng đầu năm 2020 Việt Nam xuất khẩu 204.000 tấn
Tháng 8 xuất được17.200 tấn
Sản lượng năm 2020: 240.000 tấn
Nhập khẩu dự kiến 20.000 tấn
Tiêu thụ nội địa 8.000 tấn
Vậy, lượng hàng tồn CỦA VỤ NÀY:
240+20-204-8=48 ngàn tấn
Từ giờ đến cuối năm, chỉ cần mỗi tháng XK được 48/4= 12 ngàn tấn là hết sạch lượng hàng làm ra trong năm nay, một chỉ tiêu quá nhẹ nhàng đạt được.
Ý nghĩa: chắc chắn không có việc hàng bị ế phải giảm giá để xổ vào cuối năm.
Việc giá có tăng được để bán thêm một ít hàng tồn từ các năm trước hay không thì hãy chờ hết tháng 9 sẽ rõ.
Giá tiêu FOB giữa các nước trồng tiêu hiện nay chênh lệch không đáng kể, trong khi cước tàu tăng một cách đáng kể, điều đó làm cho việc nhập khẩu giữa các nước trồng tiêu rất ít đúng như dự báo.
Do thời gian vận chuyển hàng từ Brazil về đến VN từ 2-2.5 tháng nên tra cứu được số lượng hàng từ Brazil xuất đi VN thì sẽ dự báo chính xác lượng hàng sẽ về đến VN thời điểm nào.
Tháng 6 xuất VN 788 tấn đến trong tháng 8
Tháng 7 xuất 2000 tấn, dự kiến cập cảng tháng 9
Tháng 8 xuất 1300 tấn, dự kiến sẽ cập cảng trong tháng 10.
2.000 tấn tiêu Brazil cập cảng trong tháng 9 chỉ đủ cho 4 ngày Việt Nam xuất khẩu và chỉ doạ được những ai thiếu hiểu biết.
Dự kiến hết tháng 9 này Indonesia sẽ kết thúc thu hoạch, họ không còn áp lực bán ra nữa và giá Indonesia sẽ bắt đầu cao hơn giá Việt Nam.
Brazil sẽ thu hoạch xong cỡ 75% cuối tháng 9, áp lực bán hàng của Brazil cũng sẽ giảm. Như vậy giá sẽ có cơ hội tăng từ tháng 10 trở đi.
Hàng tồn tại TQ đã vơi đi đáng kể. Giá tiêu tại chợ đầu mối Julin tăng lên 17.5 Yuan so với 17 Yuan của tháng 8. Tuần lễ vàng của TQ sẽ diễn ra từ 1-7 tháng 10. Dân TQ được nghỉ lễ một tuần để mừng quốc khánh. Hơn 1/2 dân số TQ đi du lịch, về quê vào dịp này (tương đương với tết âm lịch). Năm nay dịch nên tiêu thụ có thể không như mọi năm nhưng cũng làm cho hàng tồn của họ hết sạch.
Đầu năm đến hết tháng 8 họ mới nhập về có 39 ngàn tấn trong khi năm 2019 là 56 ngàn và 2018 là 46 ngàn tấn. Dự là sau tuần lễ vàng họ sẽ phải mua chuẩn bị cho tết âm lịch.
Có 2 kịch bản có thể xãy ra.
Kịch bản 1: họ chỉ mua vừa đủ dùng cho đến tết âm lịch và sẽ mua mạnh khi VN vào vụ năm 2021.
Kịch bản 2: họ để thiếu hụt trầm trọng và buộc phải mua mạnh ngay sau tuần lễ vàng.
Nói trước để mọi người yên tâm là hàng tồn của họ tại VN hiện nay không đáng kể nên khi họ mua tức là họ có nhu cầu thật sự chứ không có chuyện làm giá bán ngược như trước đâu.
Như vậy, ngay khi có tín hiệu giá tiêu Indonesia bắt đầu cao hơn giá tiêu VN và TQ bắt dầu mua hàng thì Dan Viet sẽ thông báo để mọi người cùng phối hợp hành động, yêu sách mỗi ngày tăng 200, nếu không tăng thì ngưng bán nhé! Dự kiến tầm giữa tháng 10 bà con nhé!
Cảm ơn những chia sẻ của anh @Dan Viet. Mức mốc như anh chia sẻ trước đây và phần hai của dự báo giống nhau. Tầm đó là mình hành động anh nhỉ…
anh @Dan Viet nói ra thế này lộ hết thiên cơ, họ bắt được bài của mình rồi họ lại ép kèo.
Một Yuan của Trung Quốc bằng 3.390 Đồng nhé bà con
Giá tiêu Indonesia và Brazil hiện nay đều cao hơn giá Việt Nam rồi.
Phong trào quốc tế kháng giá có vẻ đã được khởi động rồi.
Chúc cách mạng thành công !
Cảm ơn anh Dân Việt rất nhiều vì anh đã cung cấp những thông tin rất hữu ích cho bà con.
Có lẽ cơ hội đến hơi sớm hơn dự báo một chút, bà con thông cảm nhé.
Đã là dự báo thì sai số là không thể tránh khỏi.
Hy vọng thị trường sẽ có đợt mua mạnh cho nhu cầu tiêu thụ mùa đông năm nay !
@Dan Viet
Dự đoán của bạn là đúng. Bạn cho biết thị trường hồ tiêu Việt Nam sẽ tăng trong tháng 10 và có thể tăng nhanh trong tương lai.
Không nên đẩy mạnh quá như vừa rồi mà chỉ cần nhẹ nhàng nhưng bền bỉ và kiên trì, liên tục vì việc này cần sự tham gia của nhiều người và từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau: Việt Nam, Brazil, Indonesia, Ấn Độ…. Áp lực gia tăng từ từ tại Việt Nam sẽ giúp cho các nước bạn kịp nhận diện, tiếp thu và hưởng ứng. Tăng đột ngột quá, hàng từ nước khác sẽ dội về VN là phản tác dụng.
Cần tăng nhẹ để cân bằng với giá Indo, Brazil.
Khi TQ muốn mua tiếp, phải theo mặt bằng giá mới để mua, chứ để giá VN như này thì không tăng được bao nhiêu khi họ mua lại.
Quan trọng nhất là phải giữ vững tinh thần vì dân buôn TQ họ thừa hiểu dân VN vốn hay mua bán bầy đàn. Do đó khi cần mua nhiều họ hay giở những trò đánh tâm lý: ngưng mua vài hôm hoặc thậm chí bán ngược lại thị trường và tung tin đồn để những ai yếu bóng vía bán ra.
Để đối phó rất đơn giản, hễ giá tăng thì bán, giá giảm thì ngưng chứ đừng bán vì sợ mà mắc bẫy. Đối với những người trữ tiêu thì khi giá bằng hoặc cao hơn giá mua vào thì hãy bán, đừng bán lỗ vì sợ giá giảm.
Chỉ cần mỗi ngày tăng 500 thì 10 ngày đã được 5000. Tốc độ tăng chậm nhưng đều đặn mới là tín hiệu tốt, tăng một cách an toàn chứ không phải chiêu trò của TQ (đẩy giá tăng hỗn để bán ngược)
Mọi năm thì khi vào vụ lúc nào giá cũng giảm vì áp lực bán hàng nhưng sang năm rất có thể sẽ không theo quy luật đó nữa. Đơn giản là vì nguồn cung ít hơn nhu cầu và nhiều người thấy rõ điều đó.
– Các đại lý lỡ xách hàng gửi đem bán sẽ phải mua bù lại cho đầy kho
– Ai chưa kịp đầu cơ năm nay thì sang năm sẽ nhảy vào đầu cơ.
– Khách nước ngoài (bao gồm TQ) sẽ tranh thủ mua.
– Nông dân lỡ bán hết hàng trong vụ năm nay tiếc rẻ khi thấy giá tăng thì năm sau sẽ rút kinh nghiệm gồng lâu nhất có thể để chờ giá.
Chính vì tất cả các yếu tố trên, bác nào dự định đảo kho vào cuối năm (bán hàng ra, chờ vô vụ mua lại) nên cân nhắc kỹ, có khi bán xong phải mua lại giá cao hơn không chừng. Tốt nhất là đảo kho đúng nghĩa (bán xong mua lại ngay khi vào vụ mới).
Nếu anh Tung Cùa thông minh, đưa giá lên cao chút, hốt kha khá lượng hàng của VN lại, năm sau bán ngược lại 90-100 hốt bạc luôn
Vụ sắp tới hoa nhiều nhưng thưa hạt do thời tiết. Vậy mức giá có thể hơn lúc đầu mình dự đoán. Hay tới đó sẽ xảy ra hiện tượng tan băng như anh @Dan Viet đã nói.
@Dung nguyen.
Một khi tất cả mọi người, nông dân, đầu cơ, đại lý, nhà NK, XK… đều nhìn thấy vấn đề trong tương lai thì sẽ tự khắc tan băng. Ai cũng muốn sinh lời (lần này lời chắc cú luôn), 35-40k đã cam qua, thì còn gì đâu để mất, để xuống thêm nữa.
Cũng có khả năng xãy ra việc giá tăng đột biến nếu như mưa tháng 10,11 gây tác hại nghiêm trọng đến vụ sau và vài vụ sau nữa (rụng trái, chết nhanh chết chậm).
Tình hình như hiện nay mà vẫn giữ nguyên hiện trạng như vậy cho đến thu hoạch thì sẽ xãy ra tan băng mà thôi.
Như vậy cũng tạm chấp nhận được rồi mà! Một khi đã thiếu hụt thì việc thiếu hụt sẽ tiếp tục kéo dài trong ít nhất là 3 năm tiếp theo vì cây tiêu từ khi trồng cho đến khi thu hoạch là 3 năm. Trong 3 năm nữa thì những cây già vẫn sẽ tiếp tục chết thêm trong khi đó thì lại không có cây trẻ ngoi lên thay thế vì 3 năm qua tỷ lệ trồng mới rất thấp. Nói nôm na là tre già nhưng măng chưa kịp mọc.
Không hẳn chỉ 3 năm đâu bác, giờ muốn trồng tiêu khó hơn trồng cần, đất bệnh hết rồi!
Em mới vô nghề nên không hiểu về hiện tượng “tan băng” mà các bác nói đến. Xin được chỉ giáo thêm ạ.
@ Dong Hai
“Đóng băng” là từ hay được dùng trong lĩnh vực đầu cơ bất động sản được so sánh ví von để mô tả hiện tượng tương tự xãy ra trong ngành hồ tiêu. Hàng đóng băng có 3 đặc điểm:
1. Mua bằng vốn nhàn rỗi, không chịu lãi suất vay.
2. Mua khi giá cao và mua xong thì giá giảm, người đầu cơ ôm hàng luôn.
3. Người đầu cơ chỉ xuất kho bán hàng khi giá lên trở lại bằng hoặc cao hơn mức họ đã mua vào.
Theo dõi diễn biến giá 3 chu kỳ gần đây nhất thì Dan Viet nhận thấy khi giá tăng thoát khỏi đáy của nó ở mức gấp đôi mức đáy thì nó sẽ dừng lại một quãng thời gian từ 6 tháng đến một năm trước khi nó tăng thêm rất nhanh. Đây được xem là điểm tan băng, tại đây những người “đóng băng” hàng trước đó bắt đầu chấp nhận đem hàng đã ôm nhiều năm ra bán.
Vùng giá 35k như vừa qua được xem là mức giá đáy của chu kỳ này. Khi nguồn cung trong năm sau không đáp ứng được nhu cầu của năm sau thì giá dự kiến sẽ phải tăng lên đến điểm tan băng (gấp đôi giá đáy: 35 X 2 = 70k) để thu hút lượng hàng tồn lưu cữu mấy năm trước để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Số hàng tồn này bán hết rồi mà vẫn không có nguồn cung mới thay thế thì giá sẽ tăng rất mạnh.
Do hiện nay thông tin rất dồi dào nên việc hàng thiếu hụt vào năm sau (và nhiều năm sau nữa) được nhận diện sớm, nhiều nhà đầu cơ vốn mạnh đã bỏ tiền ra “đóng băng” thêm một lượng hàng đáng kể, chính vì vậy nên rất có thể hiện tượng “tan băng” (giá tăng lên 70k) sẽ xãy ra ngay trong năm nay.
Nhiều khả năng ba năm tới giá tiêu sẽ lên mức tốt, như Dân Việt đã chỉ ra một số nguyên nhân tác động ! Tôi dám chắc vì tiêu đang chết rất nhiều, chết quanh năm, không có cách gì và thuốc gì khống chế được. Nếu như con lợn bị dịch tả lợn châu Phi thì có các biện pháp khoanh vùng dập dịch ? Với cây tiêu thì không, bệnh vu vơ, chữa trị theo kiểu ăn may nên nhiều hộ nông dân trồng tiêu bây giờ tệ hơn ăn mày.
Tóm lại ! Tiêu sẽ tiếp tục chết nhiều, các biện pháp và thuốc để phòng trị vẫn c hưa chắc chắn ! Ai giữ được vượt qua kiếp nạn này thì sẽ được giống như những người nuôi lợn đang được hưởng.
Vui lòng đọc kỹ những nguyên tắc gửi phản hồi ! Cảm ơn.
@Trần Đại
Đánh bài tiến lên mà cầm 4 con heo và ba đôi thông thì không cần phải dấu bài mà cứ việc ngữa ra mà đánh.
https://laodong.vn/moi-truong/con-bao-nhieu-con-bao-nam-nay-tan-cong-vao-nhung-noi-nao-o-nuoc-ta-840811.ldo
Nếu mưa bão cuối năm dồn dập thì cây tiêu khó lòng các bác ạ!