Tiêu Cùa: từ đặc sản quê thành thương hiệu nổi tiếng thế giới

Từ đặc sản của một vùng quê ở huyện Cam Lộ, Quảng Trị nhưng với mong muốn đưa loại cây truyền thống với sản phẩm có chất lượng cao tiếp cận thị trường rộng khắp, cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân, cách làm năng động của doanh nghiệp đã đưa hạt tiêu Cùa phát triển tốt ở thị trường trong nước và thế giới, mang về giải thưởng uy tín cho sản phẩm tiêu Cùa “Chất lượng Quốc tế thế kỷ” (Century Quality Era – CQE Award) – Hạng Vàng cho Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị với sản phẩm tiêu Cùa của tổ chức Business Initiative Directions (BID – Tây Ban Nha) trao tặng.

Mô hình trồng tiêu trên trụ gạch ở Cùa.
Mô hình trồng tiêu trên trụ gạch ở Cùa.

Quyết tâm phục hồi tiêu Cùa

Vùng Cùa có trên 3.000ha đất đỏ bazan, trong đó có trên 350ha được quy hoạch trồng cây hồ tiêu nhưng với sự biến động của giá cả gây bất lợi cho người trồng; nhiều diện tích hồ tiêu đã hết chu kỳ khai thác đang già cỗi xuống cấp; tình hình sâu bệnh xuất hiện gây thiệt hại ngày càng tăng… Do đó, đã kéo năng suất hồ tiêu đạt thấp làm cho diện tích hồ tiêu toàn vùng giảm mạnh chỉ còn gần 100 ha.

Trước nguyện vọng của nhân dân, mong muốn phục hồi và phát triển vườn tiêu vốn là cây trồng truyền thống của địa phương, huyện Cam Lộ xác định sự cấp bách cần thiết xây dựng quy hoạch vùng tiêu Cùa phát triển bền vững, hiệu quả.

Thời gian qua, huyện Cam Lộ đã triển khai đề án này giúp người trồng tiêu áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, đầu tư thâm canh theo hướng bền vững, hiệu quả.

Ông Nguyễn Công Phán, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho biết: “Muốn phục hồi tiêu Cùa cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa “4 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp).

Sau thời gian thực hiện khôi phục quy mô trồng cây hồ tiêu vùng Cùa đã được duy trì và phát triển, trở thành một cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Với những thành quả đạt được năm nay huyện tiếp tục phục hồi 30ha diện tích hồ tiêu. Hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn, kinh phí phát triển giống cây hồ tiêu tại địa phương”.

Từ đặc sản quê thành thương hiệu nổi tiếng thế giới

Giữ và phát triển thương hiệu tiêu Cùa xứng tầm giá trị vốn có cần những bước đi thiết thực để đặc sản của một vùng đất có chỗ đứng trên thị trường. Cần sự vào cuộc của 4 nhà giúp tiêu Cùa phát triển bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Chung niềm mong mỏi ấy, Cty Thương mại Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giúp xây dựng thương hiệu tiêu Cùa với việc bao tiêu sản phẩm đồng thời phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giống, phân bón, vốn vay… xây dựng các điển hình trồng cây hồ tiêu khác nhau để tăng năng suất.

Trong đó, mô hình trồng hồ tiêu trên trụ gạch xây của hộ gia đình bà Trần Thị Cúc, thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bước đầu đạt hiệu quả, bên cạnh những mô hình thí điểm khác.

Bà Trần Thị Cúc đầu tư mô hình cây hồ tiêu trên 4 sào, xây dựng 200 trụ gạch, mỗi trụ có chiều cao khoảng 3 m, đường kính đáy 1-1,2 m, đường kính ngọn 0,7-0,8m.

Bình quân mỗi trụ chi phí khoảng 1 triệu đồng, cộng với việc xây bể chứa nước, đường ống, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tự động… tổng kinh phí ban đầu gia đình bà đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Trong đó, Cty Thương mại Quảng Trị hỗ trợ vốn vay 150 triệu đồng, ngoài ra còn tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón cho gia đình.

Bà Trần Thị Cúc cho biết: “Khi sử dụng trụ gạch, trụ bê-tông hay cây sống để trồng tiêu, thì cây tiêu phát triển khá tốt chẳng thua kém trụ gỗ, lại ít xảy ra sâu bệnh và tuổi thọ của trụ cũng cao hơn nhiều so với trụ gỗ.

Thêm vào đó, trong quá trình chăm sóc cây tiêu, người nông dân đã phát hiện ra tại những vườn tiêu sử dụng trụ gỗ thường xuất hiện hiện tượng sâu bệnh phát triển khá nhiều, nhất là bệnh vàng lá, bệnh thối rễ, chết chậm, chết nhanh, dịch bệnh làm cây tiêu chết hàng loạt…

Đồng thời, việc sử dụng trụ bê-tông, trụ gạch để trồng tiêu đòi hỏi việc chăm sóc trong thời gian đầu có phần kỳ công hơn, việc tưới tiêu cũng cần phải kỹ lưỡng hơn, nhưng bù lại cây tiêu sẽ phát triển bền vững.

Ðến nay, vườn tiêu của gia đình mới bước sang năm thứ ba nhưng tốc độ phát triển của cây rất tốt, đặc biệt là không còn lo lắng dịch bệnh phá hoại cây”.

Sau khi đầu tư vào diện tích trồng hồ tiêu theo điển hình, Cty Thương mại Quảng Trị cam kết thua mua sản phẩm của người dân giúp các hộ trồng hồ tiêu an tâm và tin tưởng đầu tư vào cây trồng truyền thống của mình.

Cùng đó, Cty đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền chế biến hạt tiêu theo công nghệ hiện đại tại KCN nam Đông Hà, thu mua toàn bộ hạt tiêu tươi của người dân để chế biến, đóng gói, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng để cung cấp cho hệ thống siêu thị mà Cty đã có quan hệ đối tác.

Cty hợp tác với một số gia đình tìm cách phục hồi lại vườn tiêu, thuê chuyên gia kỹ thuật về địa phương hướng dẫn bà con thâm canh và trồng theo hướng sinh thái bền vững.

Trải qua quá trình xây dựng, gìn giữ phát huy thế mạnh thương hiệu. Vừa qua, tại Thụy Sĩ, tổ chức Business Initiative Directions (BID – Tây Ban Nha) vừa trao tặng giải thưởng “Chất lượng Quốc tế thế kỷ (Century Quality Era – CQE Award) – Hạng Vàng cho Cty Thương mại Quảng Trị với sản phẩm tiêu Cùa.

Đây là, giải thưởng Chất lượng Quốc tế Thế kỷ – CQE Award của Ban sáng kiến kinh doanh – BID được trao cho các Cty, tổ chức các nước trên thế giới có danh tiếng và vị thế trong lĩnh vực phát triển chất lượng.

Giải thưởng quốc tế này được tổ chức thường niên và việc thẩm định dựa trên các quy định của BID và tiêu chuẩn của mô hình Quản lý Chất lượng Toàn diện (Total Quality Management – TQM) QC100 với 3 nội dung: Phát triển bền vững, Thoả mãn nhu cầu khách hàng và Kinh doanh sáng tạo.

Nhận giải thưởng uy tín lần này, Cty Thương mại Quảng Trị càng khẳng định vị thế của mình trên thương trường, góp phần đưa sản phẩm tiêu Cùa có nhiều cơ hội tiêu thụ trên thị trường Châu Âu và các nước trên thế giới.

Theo Báo Xây Dựng điện tử

19 phản hồi cho bài "Tiêu Cùa: từ đặc sản quê thành thương hiệu nổi tiếng thế giới"

Hoàng Văn Lập

Cam Lộ- đã có kỳ nào tiêu chết không cứu được, do cty đầu tư – nay lại đến Cty Thương mại… với cam kết mua hết sản phẩm làm ra. Tiêu trên thị trường VN đâu có ế mà Cty phải cam kết. Tiêu mới có 3 năm thì chưa có gì để nói, nhưng về trụ gạch không biết rồi sẽ ra sao. Trong khi ở Đồng Nai đã phá bỏ hết rồi. Không biết Cty trồng theo hướng hóa học hay sinh học ? (không thấy nói). Sinh học thì bền vững nếu biết cách chăm sóc, còn hóa học thì hãy đợi đấy. Về xây bể chứa nước tưới nhỏ giọt, đã uổng phí và bất lợi : trong bể nước, thời gian sẽ rong rêu rất nhiều và làm tắc các ống dẫn. Sao không sử dung máy bơm trực tiếp luôn ? Nhưng cũng thật đáng mừng đã đươc trao tặng “hạng vàng chất lượng quốc tế” trong khi chưa có thu hoạch ! Các bạn nghi sao nhỉ .

Trung Anh

4 sào đất (sào trung bộ?) đầu tư 300 triệu để trồng tiêu, cũng ác chiến nhỉ.
Quê em đâu có nghèo, phải không bác Lập !…

Đỗ Nguyễn Tiến Huy

Chào anh Lập
Tôi có mấy ý kiến đối với nội dung trao đổi của Anh:
Thứ nhất: Tiêu sản xuất ra không ế, tuy nhiên không ai chịu khó làm thương hiệu; chỉ buôn bán dạng xô. Nếu như vậy mãi mãi thì tiêu Cùa cũng như bao loại tiêu không tên tuổi khác.
Thứ hai: hãy trân trọng người làm thương hiệu, bởi để tạo được thương hiệu phải mất thời gian và chi phí (gần 2 năm). Và thương hiệu là cho Tiêu Cùa, cho sản phẩm của đất nước chúng ta trên thị trường thế giới.
Thứ ba: Khi chưa có thông tin đầy đủ thì hãy khoan bàn đến những gì mà đang nằm trong chính suy nghĩ của bản thân mình.
Thứ 4: Hãy nên khen, đừng quá chú trọng vào chỉ trích; nên khích lệ động viên, góp ý chân thành.
Hãy cùng nhau vì Hồ tiêu Việt nam
Chúc anh sức khỏe

tiêu lép

Chào @Tiến Huy
Bạn phản đối ý kiến của bác Lập và bạn có nói “Khi chưa có thông tin đầy đủ…” có lẽ do bạn không đọc kỹ.
Bác Lập dựa trên kinh nghiệm trồng tiêu của mình và dựa trên chính những thông tin từ bài báo để góp ý.
1. Tấm hình minh họa làm tôi cũng ngạc nhiên không kém. Tiêu mới trồng, chưa phủ trụ thì lấy gì để minh họa cho việc xuất khẩu tiêu Cùa. Minh họa cho thương hiệu tiêu Cùa bằng một vườn tiêu chưa cho hạt ! Không lẽ ở đây không có vườn tiêu kinh doanh nào khả dĩ?
2. Trồng tiêu mới vài năm cũng chưa đủ để kết luận điều gì, trong khi dịch bệnh thường chỉ xảy ra khi tiêu đi vào kinh doanh.
3. Không có căn cứ nào để cho rằng dịch bệnh ít xảy ra khi trồng trụ gạch so với trên trụ gỗ khi mà mới trồng trụ gạch được vài năm, thậm chí chưa phủ trụ.
4. Trong khi ở Tây nguyên và Đông Nam bộ đã bỏ trụ gạch quay lại trồng trụ sống nhưng Quảng Trị lại xây dựng mô hình trụ gạch. Bác Lập phản đối vì bác sợ bà con thoát nghèo đâu chưa thấy mà càng nghèo thêm vì đầu tư rất lớn (300 triệu cho 4 sào chẳng hạn)… Cho nên có bạn cho rằng với mức đầu tư như vậy thì không thể cho rằng “quê hương đất cày sỏi đá” vẫn còn nghèo và chắc chắn sẽ thoát nghèo !
Như vậy, theo bạn, bác Lập chưa có thiện chí ?!
Riêng tôi, mong bạn đọc hết các phản hồi ở bài này và bài của @Châu Huế dẫn link thì bạn rõ hơn vì sao cộng đồng lên tiếng.
Bác Lập lên tiếng rất nhiều trên diễn đàn giatieu.com là vì cây Hồ tiêu Việt Nam nhưng bác không như cách của bạn !

văn dũng

Tiêu Cùa có từ lâu rất lâu rồi các bạn ạ, là loại tiêu ăn rất cay nồng và thơm ngon, chống chịu sâu bệnh tốt nhưng năng suất thấp,…

Nguyễn Vịnh

Muốn được khen để rồi phải trả với giá rất đắt cho một cách trồng mà nhiều nơi đã từ bỏ.
Đó mới là vì nông dân trồng tiêu và vì Hồ tiêu Việt Nam hay sao?!
Dù sao vẫn mong tiêu Cùa rút kinh nghiệm và hy vọng có nhiều biện pháp mới, hiệu quả.

Thanh Sơn

Cần nhìn thẳng vào sự thật để bảo ban nhau làm ăn. Đừng tô hồng, con hát mẹ khen hay, mà sẽ đến lúc phải ngậm đắng nuốt cay để trả giá. Hồ tiêu là loại cây đỏng đảnh, khó tính bật nhất chứ không phải như cây củ mì ! Cứ khen vào nên diện tích mới mở rộng, sâu bệnh dịch hại mới tràn lan…

nguyễn thanh sơn

Chào bạn Tiến Huy, như bác Lập nói không sai. Đồng Nai tôi trồng tiêu trên trụ gạch từ năm 1986 sau đó phải đập bỏ do dịch bệnh hoành hành, tiêu chết không thể cứu chữa. Thời đó dân ta chỉ có phân bò ủ hoai rồi bón, đây cũng là góp ý mà dân Đồng Nai đã làm.

Nguyễn Thuận

Vùng Cùa là nơi trồng tiêu từ bao đời nay, nhưng trồng trụ sống là chủ yếu. Trụ gạch thì chưa có ai xây. Nhà bà Cúc này ở cách nhà mình chưa đầy cây số. Dự án này là do huyện đầu tư. Mới trồng nên chưa thấy kết quả gì. Dù sao trồng tiêu trụ sống thì vẫn bền vững hơn. Mình là dân Cùa nên hiểu rõ đất ở đây. Nắng thì gắt, mưa thì tầm tã. Đất đỏ, trồng trụ gạch sợ nóng quá không chịu nỗi, về lâu dài thì chưa dám khẳng định là có hiệu quả đâu. Đây chỉ là mô hình thử nghiệm.

hienchau

Ở đất nước nầy có quá nhiều thứ được khen, được tặng,… nhưng không thật, đẩy những con thiêu thân vào chỗ chết.

Hoàng Văn Lập

Cách đây mấy ngày, tôi đi thăm những người đã trồng tiêu trên trụ gạch và có kinh nghiệm của họ : hầu như về mùa nắng tiêu đều tuột xuống gốc hoàn toàn, do trụ gạch quà nóng, rễ không bám vào trụ được. Nhiều người đã làm những cây gỗ cắm qua lỗ gạch làm điểm tựa cho tiêu, nhưng rồi vẫn không ổn. Mỗi ngày 2 lần, 8 giờ sáng và 4 giờ chiều tưới vẫn không giữ được.
Theo mình, các bạn tiêu Cùa hãy đắp trên trụ gạch những khối u bằng xi măng làm điểm tựa cho tiêu bám, đồng thời lắp đặt trên đỉnh trụ một vòi phun, phun khoảng từ lúc trụ gạch bắt đầu âm ấm, phun cách khoảng cho đến chiều mát. Có một loại vòi bé xíu áp lục nước nhẹ, vòng xoay của nước điều chỉnh chỉ bằng vÒng tròn của đỉnh trụ gạch, mục đích giữ cho trụ không quá nóng, nhưng cũng không quá nhiều nước làm úng gốc tiêu.
Sao các bạn không trồng cỏ lạc dại (?), nó sẽ giúp không khí trong vươn mát hơn, và sinh nhiều điều lợi bạn không ngờ được.
Anh Nguyễn tiến Huy ! Mình không chỉ trích đâu mà chỉ xây dựng thôi, nhưng vì giật mình vì mô hình, nên lời nói có điều thiếu tế nhị chăng, bạn bỏ qua nhé. Trên đây mình đưa ra vài ý tham khảo, các bạn có những sáng kiến xin góp ý. Lập Cây Gáo.

xuanson

Trên đầu trụ gạch nên đắp ít đất trồng cây cho ra tán mùa nắng cây sẽ có bóng mát. Dưới đất trồng lạc dại là ok

nguyenhoang

Chào xuanson!
Bạn có nghĩ làm như thế cũng khó áp dụng vào thưc tiễn không? Bạn đã thử chưa hay đó chỉ là suy nghĩ nếu là suy nghĩ thôi thì mình nghĩ nên xem lại. Tất nhiên là ai cũng đều muốn tốt cho vườn tiêu nhà mình tăng năng suất, chất lượng nhưng mình nghĩ đầu tư vào khoa học công nghệ để cái tiến năng suất thì tốt hơn.

hienchau

Có nhiều sai lầm, chưa dược khắt phục, được tô hồng và lặp lại, nguyên nhân chính là thiếu thông số kỹ thuật vì còn kém về cây tiêu, cần có thông số kỹ thuật để tránh tai họa trên, và dễ dàng thành lập một hệ thống công nghiệp trồng tiêu chính xác, tránh được lảng phí.

Xuân Lộc Đồng Nai

Góp ý thôi.
Không nên trồng trụ gạch
1 – trụ gạch mùa nắng rất nóng sẽ ảnh hưởng đến lá và làm khô dây
2- mùa nắng rất cần độ ẩm cho dây tiêu như trụ gạch ko làm đc (nên có cây tươi là tốt nhất) .
3- gạch là loại hút nước. Nên không tốt cho dây tiểu.
4- tuổi thọ dây tiêu sẽ giảm gần 1/2 số với trụ gạch và trụ cây tươi.
Nhà đã trồng 100 gốc từ năm 2003 tới giờ đã chuyển sang già và cỗi. Nhưng trồng bằng trụ gòn tới giờ vẫn cho trái nhiều hơn và xanh hơn. Vừa rồi mới đập bỏ đi trồng gòn vào.

duongtam

Đã đầu tư rồi thì đầu tư cho đúng mức. Mua lưới đen che trên trụ tiêu, che hết vườn, tưới nhỏ giọt, hệ thống phun sương tạo ẩm, thiết bị kiểm soát dinh dưỡng, độ ẩm, nhiêt độ… Cuối cùng tất cả hệ thống kết nối với nhau và được điều khiển trên máy vi tính.

Hoàng Văn Lập

Dương Tâm ơi – Bạn đang ở trên đất nước ISRAEL ? Tuần trước một cty Thái Lan ghé thăm, quảng cáo hệ thống tưới tiết kiêm có điều áp, có các tờ quảng cáo nhưng không đem theo hệ thống đó. Họ giải thích mình cũng không hiểu, hẹn qua tuần ông Giam đốc xuống và có đầy đủ cho xem – 1ha chừng 60 triệu! Xin chào thua – còn như bạn nói ước chừng bao nhiêu ?

hoàng tây

Theo tôi, Quảng Trị về mùa khô chịu ảnh hưởng của gió lào rất mạnh thời tiết khô hanh nếu trồng trụ gạch nó sẽ hấp thụ nhiệt rất mạnh làm cho rễ, thân tiêu nóng theo như vậy tiêu sẽ phát triển kém và ảnh hưởng tới nắng suất,
Quảng Trị trồng trụ sống sẽ tốt hơn, khi chọn trụ phải chọn những cây khỏe vì Quảng Trị cũng chịu nhiều bão về mùa mưa, nếu muốn phát triển thương hiệu tiêu Cùa thì bắt buộc đi theo hướng sinh học vì nếu khi xâm nhập vào thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu thì sẽ kiểm tra dư lượng thuốc BVTV phải ở dưới mức quy định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *