Tuyến trùng & nấm bệnh, cặp đôi gây hại hệ rễ cây trồng
Quá trình nghiên cứu – tư vấn cho nhà nông chăm sóc các loại cây ăn trái, cây lấy hạt, nhóm nghiên cứu đã rất thành công khi kết hợp cặp đôi tuyến trùng – nấm bệnh để xử lý, hồi phục nhiều vườn cây tưởng như không thể cứu vãn…
Bệnh do tuyến trùng:
Tuyến trùng ký sinh trên cây hồ tiêu gồm ngoại ký sinh và nội ký sinh. Chúng tấn công vào hệ rễ tạo nên những vết thương cơ học, để lại nhiều lỗ nhỏ trên rễ, là điều kiện thuận lợi cho nấm Fusarium sp, Phytophthora sp xâm nhập hệ rễ để gây ra bệnh chết nhanh và chết chậm ở cây hồ tiêu.
Qua quan sát rễ, dễ dàng nhận thấy tuyến trùng làm tổ đã tạo thành các khối u lớn (nốt sần) và làm thối đen rễ. Tuy nhiên các vết thương cơ học do tuyến trùng tạo ra gây thiệt hại không đáng kể mà thiệt hại phần lớn là do chúng bơm nước bọt chứa độc tố vào trong cây khi chích hút dịch tế bào làm cây còi cọc, suy kiệt dần.
Tuyến trùng luôn hiện diện ở vùng rễ hồ tiêu phân bố nhiều ở độ sâu từ 5-40 cm.
Trên hồ tiêu, tuyến trùng nốt sần Meloidogyme incognita gây nên bệnh bướu rễ (khối u ở rễ). Rễ có những bướu to lên và có những lỗ nhỏ, rễ bị thâm đen và lá cây vàng rực từ chân lên, cây sinh trưởng kém, hút nước kém cuối cùng chết khô cả cây, nhổ cây lên quan sát sẽ thấy bộ rễ, nhất là rễ tơ bị hư hỏng hoàn toàn.
Tuyến trùng nội ký sinh Rotylenchulus reniformic chủ yếu ký sinh trong rễ làm rễ bị thối đen, cây sinh trưởng còi cọc, lá vàng từ chân lên, hệ rễ bị thối đen nên cây không thể sống được nữa.
Rễ cây hồ tiêu đã bị tuyến trùng gây ra vết thương cơ học, nấm Fusarium và Phytophthora theo vết thương tấn công vào hệ rễ sẽ làm cho cây chết nhanh hơn
Bệnh vàng lá chết chậm do nấm Fusarium sp
Đôi khi bệnh là sự kết hợp của nhiều loại nấm khác như Pythium sp, Rhizoctonia cùng xâm nhập vào hệ rễ gây nên hiện tượng chết chậm. Khi đã bị tuyến trùng tấn công, sẽ là điều kiện tốt để các loại nấm nêu trên xâm nhập làm cho bộ rễ càng yếu, khả năng hút nước và chất dinh dưỡng để nuôi cây càng kém hơn.
Triệu chứng phổ biến là cây sinh trưởng chậm, lá nhỏ lại, lá chuyển sang màu vàng. Sau đó lá, chuỗi, đốt rụng dần (chết chậm) từ dưới lên chứ không rụng và héo rũ như chết nhanh từ đọt xuống, trong khi lá chưa kịp vàng.
Bệnh thối rễ, héo chết nhanh do nấm do nấm Phytophthora sp
Phytopthora sp là loại nấm thủy sinh sống trong đất, có thể tấn công một mình hoặc kết hợp với những loại nấm khác như Furarium sp, Rhizoctonia sp làm cho cây tiêu héo rũ, chết một cách nhanh chóng.
Quan sát hình minh họa
Nấm Phytophthora sp thường tấn công ở bốn vị trí như hình minh họa: Lá, chuỗi, cổ rễ và rễ. Vị trí nguy hiểm nhất là cổ rễ, nấm phá hủy hệ thống mạch dẫn cắt đứt đường dẫn truyền của nước và dinh dưỡng làm cây héo rũ và chết rất nhanh
Nấm Phytophthora còn được gọi là nấm thủy sinh – do bào tử nấm ngủ yên và nảy mầm mạnh, hệ sợi phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều. Nấm ngấm ngầm tấn công vào hệ rễ, khi thấy biểu hiện trên cây thì nấm đã tấn công từ rất lâu trước đó, đã làm bộ rễ hư hại nghiêm trọng. Khi vừa dứt mưa, cây hô hấp mạnh nên cây héo rũ chết hàng loạt. Bệnh chết nhanh rất khó trị vì dấu hiệu chỉ bộc lộ sau khi cây đã bị từ vài tháng trước đó nên bệnh này phòng có hiệu quả hơn trị. Nấm thủy sinh rất cần nước để bào tử nấm nảy mầm, nên vườn cây phải làm mương thoát nước, không để nước từ những vườn khác tràn vào.
Những nguyên nhân chính dẫn đến những bệnh do tuyến trùng, nấm gây nên:
- Mất cân bằng sinh học hệ vi sinh vật trong đất
- Hàm lượng chất hữu cơ trong đất đã suy kiệt, pH đất thấp, thoát nước chưa tốt
- Lạm dụng quá nhiều phân bón và thuốc BVTV
Những biện pháp phòng trị nấm và tuyến trùng:
- Biện pháp hóa học: Sử dụng những loại thuốc trị nấm và tuyến trùng trên thị trường, sau đó sử dụng phân bón hữu cơ để kích hệ rễ phát triển trở lại.
- Biện pháp sinh học: Cung cấp đầy đủ phân bón hữu cơ, coi trọng “sức khỏe của đất” tạo điều kiện tối ưu cho quá trình đấu tranh sinh học trong đất. Sử dụng các vi sinh vật đối kháng với nấm bệnh như: nấm Trichoderma .sp, vi khuẩn Bacillus .sp, vi khuẩn Pseudomonas .sp, xạ khuẩn Streptomyces .sp, nấm rễ cộng sinh Mycorrhiza… Lưu ý, những vi sinh vật đối kháng này sẽ phát huy hiệu quả rất cao chỉ khi trong đất có sẵn nguồn hợp chất hữu cơ dồi dào. Cho nên có thể kết hợp với các phân bón hữu cơ truyền thống, phân ủ hoai các loại như phân chuồng, vỏ cà phê hoặc các phụ phẩm nông nghiệp qua ủ, sau đó tưới những vi sinh vật này trên nền hữu cơ này.
Cơ chế hoạt động của Trichoderma .sp: Ký sinh lên nấm bệnh, tiết những chất tương tự “kháng sinh” để kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật gây hại, cạnh tranh dinh dưỡng, không gian sống với các loại nấm bệnh.
Cơ chế hoạt động của Bacillus .sp: Cơ chế Siderophere (Bacillus sp sẽ tiết ra hợp chất giữ sắt, sắt là nguồn năng lượng để vi sinh vật gây hại tăng sinh về số lượng), cơ chế ký sinh trên vi sinh vật gây bệnh , tiết ra những chất tương tự “kháng sinh” để diệt vi sinh vật gây hại.
Cơ chế hoạt động của Xạ Khuẩn Streptomyces .sp: Xạ khuẩn Streptomyces sp tiết ra lượng lớn Enzyme Chitinase, là Enzyme có chức năng phân hủy lớp màng tế bào của các loại nấm bệnh, cũng chính Enzyme này phân hủy lớp màng của trứng tuyến trùng và tuyến trùng. Cho nên xạ khuẩn Streptomyces sp có khả năng kiểm soát tuyến trùng và các loại nấm bệnh rất cao.
Sau khi kiểm soát tuyến trùng và các loại nấm bệnh, cần bón các loại phân bón hữu cơ để kích thích hệ rễ phát triển mạnh trở lại.
Đọc thêm: >> Phân bón Hữu Cơ Sinh Học – Vi Sinh của Công ty TNHH INNOLITE
Kết luận :
Trong quá trình canh tác các loại cây trồng nói chung, chúng ta phải chú ý: Cặp đôi tuyến trùng và nấm bệnh luôn song hành. Khi phòng trị tuyến trùng phải luôn kết hợp với việc phòng trị các loại nấm bệnh. Tuyến trùng làm cho khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng kém, tăng chi phí đầu tư phân bón và nhân công chăm sóc của nhà nông, tạo điều kiện để các loại nấm bệnh cơ hội tấn công hệ rễ. Nếu chỉ phòng trị nấm bệnh hoặc tuyến trùng đơn lẻ là nhà nông chỉ mới làm được một nửa công việc, nửa còn lại “bỏ bê” nhưng nguy cơ gây hại vẫn đang còn. Theo hình ảnh minh họa, việc phòng trị nấm Phytopthora sp nên chủ động thực hiện ở cả bốn vị trí lá, chuỗi, cổ rễ và rễ. Sau khi an tâm với mật độ nấm và tuyến trùng đã nằm trong sự kiểm soát, bước tiếp theo là phải tìm cách cho hệ rễ phát triển mạnh để hồ tiêu cũng như các loại cây trồng khác sinh trưởng bình thường trở lại, đủ sức hút dinh dưỡng nuôi trái, bung cành … đáp ứng năng suất như mong đợi và đặc biệt còn cho sản lượng cao ở các năm sau
Tất cả các cây trồng sinh trưởng trên đất, chủ yếu là các loại cây ăn trái, cây lấy hạt, đều là đối tượng gây hại của tuyến trùng – nấm bệnh. Nhà nông luôn phải quan tâm chăm sóc, bảo về tốt hệ rễ trong bối cảnh luôn bị cặp đôi này đe dọa tấn công, trong khi “sức khỏe của đất” đang yếu dần…
Bài viết là kết quả cộng tác chuyên môn của Công ty TNHH INNOLITE và trang giatieu.com. Mọi trích dẫn xin vui lòng ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nguyễn Vịnh và Cộng tác viên
35 phản hồi cho bài "Tuyến trùng & nấm bệnh, cặp đôi gây hại hệ rễ cây trồng"
Cho cháu hỏi, thời điểm nào trong năm thì mình xử lý cặp đôi này đạt hiệu quả cao ạ.
Cháu cám ơn !
Chào @Dai Van
Theo quan sát của tôi, tuyến trùng tập trung về rễ để chích hút, cạnh tranh dinh dưỡng với cây khi việc kiếm ăn bên ngoài không còn dễ dàng, nhất là vào mùa khô hạn. Tuy nhiên, tuyến trùng không làm cây chết mà cây sẽ bị kiệt sức, suy yếu từ từ.
Bệnh vàng lá chết chậm cũng bùng phát khi đất thiếu ẩm, bắt đầu mùa khô, mùa thu hoạch. Trái lại, bệnh héo chết nhanh bùng phát khi vào mùa mưa dầm, độ ẩm đất tăng cao, nhất là sau khi vườn bị ngập úng vì mưa quá nhiều hay nước tràn tới từ nơi khác.
Quan điểm của tôi là phòng ngừa, hơn là để thấy có hiện tượng mới bắt đầu chữa trị. Nhưng lại nảy sinh vấn đề là có nên dùng các loại hóa chất đổ thường xuyên trong vườn để phòng ngừa không mới là điều cần cân nhắc, lựa chọn.
Sai lầm lớn nhất là để tới khi hệ rễ bị hư hỏng, cây vàng rực (chết chậm) hoặc bắt đầu rụng lá ồ ạt, cây chết lác đác mới chữa trị thì hầu như đã quá muộn. Đây cũng là lý do nhiều người cho rằng bệnh không thể trị được (!).
Mong cháu cân nhắc và thận trọng…
Thân.
Cháu thắc mắc là vì sao nhiều người, kể cả những nông tiêu nổi tiếng cho rằng:
-Bệnh chết nhanh chết chậm không thể chữa được.
-Không nên tái canh hồ tiêu trên vùng đất đã nhiễm bệnh, cho dù đã cày đảo, dùng vôi và các loại thuốc bvtv xử lý nhiều lần.
Mong bác Nguyễn Vịnh và cộng tác viên cho biết ạ. Cháu cám ơn !
Chào cháu.
Nói bệnh chết nhanh chết chậm không chữa được là chỉ đúng một phần. Bởi vì đa số không được chữa trị ngay lập tức khi mới có biểu hiện. Chữa càng sớm hiệu quả càng cao, càng đỡ tốn kém. Để cho bệnh quá mức mới tìm cách chữa thì hiệu quả không cao, thậm chí phải bó tay khi rễ bắt đầu thối, rễ không lấy được dinh dưỡng để nuôi cây thì cây phải chết !
Trước đây chỉ có thuốc hóa học. Đến khi bệnh tràn lan, đổ quá nhiều làm thuốc bị lờn, không hiệu quả như ban đầu. Bà con còn gặp nạn thuốc nhái, thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng… thì càng chữa càng tốn tiền mà cây vẫn chết. Tôi biết có nhiều người quyết tâm bỏ ra thật nhiều tiền để chữa… nhưng cuối cùng đành tuyên bố bệnh không thể chữa được. Như một đại gia tiêu nổi tiếng ở Nâm n’jang đành thề “không đụng tới cây tiêu nữa”… Theo tôi, chỉ có 2 vấn đề: dùng thuốc chất lượng kém và để quá muộn.
Mong bà con đọc lại: https://giatieu.com/nguyen-tac-4-dung-trong-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat/6416/
Tôi cũng tư vấn bà con chữa trị bằng thuốc hóa học, đến mức… quá sợ !
Hiện nay dùng thuốc sinh học, với các loại vi nấm và nay là vi khuẩn kháng sinh, chủng xạ khuẩn streptomyces.
Lời khuyên chân thành là bà con hãy dùng thử nghiệm hoặc tìm hiểu qua những ai đã dùng. Chỉ bó tay khi bà con để quá muộn !
Về tái canh, bà con xử lý thuốc, diệt hết mầm bệnh trong đất rước khi cày đảo. Tuyệt đối không làm ngược lại, nhất là thuê máy đảo đất hết sức sai lầm…
Thân
Em vừa xuống giống, đất được xử lí vôi bột 3 tháng, nay em trồng thử 50 trụ giống tiêu lươn Vĩnh Linh. Nay được 1 tháng, dây tiêu dài tầm 30-50 cm rồi… Xin hỏi các bác đã bấm ngọn cho ra ác được chưa, hay là qua năm rồi đôn ạ.
Chúc mừng bác đã tái canh ban đầu với 50 trụ.
Nhưng không chắc đã sạch bào tử nấm bệnh khi chỉ dùng vôi xử lý.
Cây lên khoảng 30-45 cm là có thể bấm ngọn, bấm liên tục cho tới khi ra ác.
Cách xử lý của anh @Ducquangtri chỉ được trước mắt. Khi tiêu bắt đầu cho bông và nuôi trái lứa đầu mới bộc lộ rõ hậu quả cụ thể. Vì điều đó nên rất nhiều nhà nông giàu kinh nghiệm ở Tây nguyên khẳng định không thể tái canh trên đất đã chết vì nấm bệnh chết nhanh chết chậm !
Dù sao vẫn còn ngăn chận được nếu bổ sung xạ khuẩn streptomyces để phòng chống.
Thân
Cơ sở nào để chú cho rằng có thể ngăn chặn được?
Xin chú nói rõ hơn. Cháu cám ơn ạ !
Chào bạn. Cơ sở để ngăn chặn các bệnh nấm chết nhanh chết chậm là:
-Phải ra tay trước khi bệnh bùng phát. Theo dõi kỹ dấu hiệu ban đầu, khi rễ chuyển sang màu đen là đã quá muộn.
-Tìm kiếm thuốc có chất lượng, tin cậy… Không dễ với thuốc nhái, thuốc kém chất lượng tràn lan !
-Không dùng nhiều lần cùng 1 loại, dễ bị lờn thuốc.
-Phòng ngay khi vườn bên cạnh mới bị…
Đừng như có bạn hỏi, tôi đã tư vấn. Vài hôm sau, tôi hỏi đã xử lý thế nào rồi.
Bạn bảo chưa… vì còn bận công việc. Bó tay !
Em cảm ơn các bác đã tư vấn thêm cho em. Trước khi xuống giống em đã bổ sung phân chuồng cùng trico. Vườn đào lại, mương vun cao chống ngập rất tốt. Vườn em không dùng phân hóa học nên hy vọng cây sẽ phát đẹp vào tầm này năm sau ạ…
Xin hỏi các bác, nếu dùng xạ khuẩn để trừ bệnh cho cây cà phê thì sau thời gian bao lâu có thể bổ sung lại hệ vsv cho đất?!
Xạ khuẩn streptomyces trong Forge SP là dòng được NSX phân lập nên chỉ tiêu diệt các loại nấm độc và vsv có hại, nhưng không gây hại cho hệ vsv có lợi trong đất.
Đợi khoảng vài hôm cho xạ khuẩn phát huy hiệu quả rồi bạn bổ sung sau.
Xạ khuẩn streptomyces có tiêu diệt nấm đối kháng tricoderma không?bởi trong vườn tiêu trồng trụ sống,cây, cành lá sau khi rong rất nhiều,sử dụng nấm đối kháng để mau phân hủy cành nhánh trong vườn là không thể thiếu,nếu xạ khuẩn tiêu diệt nấm đối kháng, thì ta phải xử dụng như thế nào cho ổn.Chân thành cám ơn các quí vị.
Câu hỏi hay. Bạn cần nắm chắc dòng nấm tricho đó đối kháng với cái gì, với vsv nào ?
Xạ khuẩn strep đối kháng với các loại nấm bất lợi, còn có cả chức năng phân giải cellulose và các chất hữu cơ khác, nên dùng ủ phân rất tốt. Đã dùng strep rồi nên giảm bớt nấm đối kháng cho đỡ tốn kém !
Đọc kỹ bài viết, nhất là phần giới thiệu xạ khuẩn Streptomyces : https://giatieu.com/phan-bon-huu-co-sinh-hoc-vi-sinh-cua-cong-ty-tnhh-innolite/9571/
Bạn@ Thanh Hà, cám ơn bạn. Trong sản phẩm trichoderma trên thị trường đa số các dòng thường tích hợp. Cái tui cần là để phân hủy nhanh cành nhánh mình bỏ rải rác trên vườn, nông dân hay gọi là nấm đối kháng. Những năm trước xử dụng trichoderma phun cho cả vườn, những nơi cành nhánh nhiều phun đậm đà hơn tí. Kết quả cành nhánh mau mục hơn, đến lúc thu hoạch tiêu trải bạt ko bị vướng nhiều(do đã mục nát gần như hết đỡ tốn công dọn mà thêm hữu cơ).
Chỉ cần phân hủy thì dùng trichoderma cho rẻ. Streptomyces để dùng diệt các loại nấm bệnh và tuyến trùng tuy cũng phân hủy rất tốt.
Không rẻ đâu anh @Ngok ạ. Anh so sánh khối lượng ủ sẽ thấy cụ thể hơn !
Nhiều kỹ sư và lão nông giàu kinh nghiệm cho rằng không thể trị dứt điểm bệnh chết nhanh chết chậm ở cây hồ tiêu. Họ cũng khuyến cáo không nên tái canh ở những vùng đất đã bị nhiễm bệnh. Mong bác Nguyễn Vịnh và các ctv cho xin thêm ý kiến cụ thể hơn nữa. Xin cám ơn !
Xin trả lời chung cho @Khac Trieu và bà con
-Trước đây, xử lý bệnh chết nhanh chết chậm bằng thuốc hóa học. Kết quả là do xử lý không đúng cách, không triệt để, làm cây bị nhờn thuốc, lại còn gặp phải thuốc kém chất lượng… nên bệnh trở thành nan y, khiến nhiều người cho rằng không chữa được.
-Nay xử lý bằng thuốc sinh học, đó là xạ khuẩn streptomyces đã được giới thiệu trên giatieu.com. Cần phân biệt đây là 1 dòng vi khuẩn, được trích xuất ra hoạt chất kháng sinh streptomycin để chữa bệnh cho người, chứ không dùng hoạt chất. Sẽ không gây ra hiện tượng nhờn thuốc.
Nếu bà con chữa trị quá muộn, để cây chuyển sang giai đoạn thối rễ thì… chỉ có trời cứu !
Quan trọng nữa là phải kết hợp diệt tuyến trùng đất, tác nhân gây bệnh, tạo cơ hội cho nấm bệnh tấn công cây trồng. Bà con chỉ dùng 1 loại thuốc nhưng diệt cả 2 đối tượng, sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều. Tất nhiên, dùng để xử lý đất tái canh cần phải đúng cách mới đạt hiệu quả cao !
Thân
Xin cám ơn bác Nguyễn Vịnh đã chia sẻ.
Tôi sẽ dùng xạ khuẩn streptomyces để phòng ngừa dịch bệnh sau đợt mưa dầm này !
Lưu ý phác đồ: Nếu để trị các loại nấm bệnh thì phải phun liên tiếp 2 lần cách nhau 5-7 ngày và chỉ cần đổ gốc 1 lần. Kết hợp diệt tuyến trùng phải tăng lượng đổ gốc thêm 50% nữa (khoảng 6-8 lít/gốc) để diệt những con lang thang kiếm ăn ngoài tổ nữa nhé !
Chú ơi, cháu tên Tuấn , cho cháu hỏi là trong các phương pháp trên thì phương pháp nào là đạt hiệu quả nhất ạ, xin bác giúp dùm cháu ạ.
Mỗi biện pháp đều có ưu nhược điểm, tùy cháu lựa chọn phù hợp.
Thí dụ, cháu chọn hóa học nhưng mua nhằm thuốc nhái, thuốc kém chất lượng thì sao?
Chọn sinh học nhưng mua không đúng thuốc hay nghe theo lời quảng cáo sản phẩm “nổ như pháo” mà hiệu quả không tương ứng !
Chính cháu mới là người quyết định.
Còn theo tôi, chắc chắn tôi lựa chọn biện pháp an toàn bền vững như mục tiêu của trang web giatieu.com.
Chúc cháu sáng suốt !
Cảm ơn chú đã trả lời cháu. Cháu có 300 trụ tiêu 10 năm tuổi bị tuyến trùng và nấm bệnh tấn công khiến cây vàng lá và chết dây. Và Có 200 trụ tiêu ác mới trồng đc 6 tháng, có hiện tượng vàng lá, thối ngọn, rụng ngọn, đen mạch dẫn. Chú cho cháu lời khuyên nên sử dụng biện pháp sinh học nào hiệu quả để cứu vườn tiêu cháu với ạ. Cảm ơn chú và chúc gđ chú nhiều sức khỏe ạ.
Chào cháu. Chuyện không quá khó miễn là cháu cần tích cực đầu tư, chữa chạy.
Tiêu cháu trồng ở vùng nào? cháu nhắn số đt để chú trao đổi cụ thể hơn nhé !
Thân.
Cháu ra vườn chụp hình những trụ tiêu bị bệnh, những trụ cho là xấu, kể cả số mới trồng. Chụp thật gần, càng nhiều càng tốt, có thể nhìn thấy dấu vết trên lá bị sâu bệnh, rồi chuyển qua Zalo để chú xem xét nhé.
Thân
Xin chào cả nhà!
Cả nhà cho cháu hỏi với streptomyces có thể pha chung với phân bón lá để xịt không ạ.
Cháu xin cảm ơn, chúc sk cả nhà …
Pha chung với phân bón lá sinh học thì được, với phân bón lá hóa học hoặc hóa học đội lốt sinh học thì không. Pha xong xịt ngay, không để qua đêm !
Tôi đã sử dụng xạ khuẩn streptomyces kết hợp với phân sinh học hữu cơ đổ gốc để phòng nấm bệnh +tuyến trùng theo như bài viết đã khuyến cáo. Cho tôi hỏi, bao nhiêu lâu mới sử dụng nhắc lại để đạt hiệu quả cao. Tôi xin cám ơn !
Tôi sử dụng kết hợp Forge SP + Biogel theo liều lượng nhà phân phối tư vấn.
Theo tôi, bạn đã có sự lựa chọn hợp lý.
Tuyến trùng sống lang thang khắp trong đất để kiếm ăn. Chỉ khi đất đai khô hạn nó mới tập trung làm tổ trú ẩn tại rễ cây để chích hút, cạnh tranh dinh dưỡng. Bạn cần xử lý 2 lần/năm và lặp lại trong vài ba năm mới sạch, giúp cho cây khỏe được.
Chúc bạn thành công !
em ủ 3 khối phân bò cùng tricoderma được 1 tháng đã hoai,, giờ em muốn cắt thân lá cây bắp ép xanh bón cùng phân chuồng ,thêm tricoderma nữa liệu có ổn không,,ah,,,
Nên trộn cây bắp đã cắt nhỏ chung với phân đã ủ và bổ sung tricho càng tốt, sẽ giúp phân giải hơn !
Tiêu em được 1 năm tuổi, cao tầm trên 1,5 mét. Em muốn cắt lấy giống trồng có tốt không các bác. Nếu cắt được thì chừa lại phần gốc là bao nhiêu ạ! Em xin chân thành cảm ơn.
Anh không nói rõ đã có nhánh ác chưa mà đã vội lấy giống vậy.
Nếu cần thì cắt cũng được. Anh chừa lại phần gốc khoảng 40cm.
Em cảm ơn bác @Thắng Lợi…
Tiêu em đã ra ác nhiều vì em bấm ngọn sớm ạ !