Tỷ phú nơi “vương quốc hồ tiêu”

Từ một nông dân chỉ với hai bàn tay trắng, gia đình anh Trần Quang Nghĩa (thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) đã vươn lên để trở thành một nông dân tiêu biểu và 3 năm liên tiếp gia đình anh được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.    

Chị Huế bên vườn tiêu ở Ia Blang, Chư Sê

Năm 1977, rời quê hương Phú Thượng (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Trần Quang Nghĩa theo chân gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Và nơi dừng chân của gia đình anh ngày ấy-bây giờ chính là mảnh đất Ia Blang, huyện Chư Sê.

Thời điểm đó, tình hình kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn và gia đình anh cũng không nằm ngoài hoàn cảnh ấy, sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, không có kiến thức khoa học kỹ thuật, tư liệu sản xuất còn lạc hậu… gia đình cứ quanh quẩn với ít hoa màu, lúc đói lúc no mà nuôi các con khôn lớn.

Đến năm 1989, Trần Quang Nghĩa lập gia đình và ra riêng. “Vì hai bên gia đình nội ngoại đều khó khăn nên khi tách ra sống riêng, chúng tôi chỉ dựng tạm một cái chòi để che nắng, che mưa chứ chẳng thể gọi đó là nhà”-chị Nguyễn Thị Phương Huế, vợ anh Nghĩa nhớ lại. Ban đầu, vợ chồng anh chị trồng hoa màu trên diện tích 2 sào đất cha mẹ cho khi ra sống tự lập.

Mùa nào thì trồng cây đó, thời gian rảnh vợ chồng lại đi làm thuê, làm mướn để có thêm nguồn thu nhập. Vốn xuất thân từ con nhà nông lại nghèo khó nên anh chị hiểu giá trị của đất đai, vì vậy khi có thêm đồng vốn, anh chị lại đầu tư vào mua đất để mở rộng diện tích canh tác.

Loay hoay mãi về vấn đề làm thế nào để phát triển kinh tế cho đến khi, anh tham gia sinh hoạt Hội Nông dân xã và được tuyên truyền, vận động về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hơn thế, bản thân anh cũng không ngừng nỗ lực, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và thông qua tài liệu, sách báo… Khi đã có kiến thức, anh bàn với vợ mạnh dạn vay vốn của ngân hàng để đầu tư mở rộng diện tích và bắt đầu trồng những cây công nghiệp dài ngày xen vào đó là cây hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài”.

Không nóng vội theo kiểu trồng ồ ạt, mỗi năm gia đình anh lại mở rộng thêm diện tích, có thời điểm anh chị kiên trì xách từng xô nước để tưới từng gốc hồ tiêu. Khó khăn là thế, nhưng đã xác định được mục tiêu cũng như con đường phía trước nên mọi khó khăn đều được anh chị khắc phục, giải quyết.

Đến nay, sau gần 20 năm kể từ khi ra ở riêng, gia đình anh đã trồng được gần 3.000 trụ tiêu, 0,5 ha cà phê cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Đặc biệt, thu nhập của gia đình anh năm sau luôn cao hơn năm trước. Anh Nghĩa cho biết, năm 2009, tổng thu nhập của gia đình từ hồ tiêu, cà phê là 1,4 tỷ đồng và mức thu nhập bình quân đầu người là 165 triệu đồng/năm. Năm 2010, tổng thu nhập của gia đình là trên 1,2 tỷ đồng (đã trừ chi phí) và bình quân đầu người là 211 triệu đồng/năm. Còn năm 2011 là trên 2,5 tỷ đồng, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 427 triệu đồng/năm.

Chị Huế đang cho nhím ăn

Không dừng lại ở việc trồng hồ tiêu, cà phê, năm 2011 anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi và 100 triệu đồng để mua 10 con nhím sinh sản. Giải thích cho sự lựa chọn việc nuôi nhím mà không phải là nuôi heo, nuôi bò hay gà, chị Nguyễn Thị Phương Huế, cười tươi: Nhím rất dễ nuôi, thức ăn lại dễ kiếm nhưng rất có hiệu quả. Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh chị, đàn nhím đã sinh sản thêm 2 nhím con. Đặc biệt, mô hình nuôi nhím của gia đình anh đã được nhiều nông dân trong xã tìm đến học hỏi và làm theo.

Bận rộn với chuyện làm giàu song anh chị cũng không quên việc nuôi dạy con cái. Hiện hai con lớn của anh chị đang theo học Đại học Khoa học Huế chuyên ngành Lý, Hóa; một đang theo học THPT và con út đang học THCS. Không chỉ giỏi làm giàu, anh chị còn giúp đỡ cho nhiều hội viên nông dân khác trong xã mỗi khi gặp khó khăn về giống và kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, hàng năm gia đình anh còn tạo điều kiện cho gần 10 lao động trong thôn có việc làm ổn định.

Khi nói về nông dân Trần Quang Nghĩa, ông Đặng Anh Phong- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, nhận xét rằng: “Anh Nghĩa đã từng là một hộ nông dân khó khăn song không đầu hàng số phận, gia đình anh đã nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Và khi kinh tế đã bớt khó khăn, gia đình anh còn phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho bà con, đặc biệt các phong trào ở địa phương gia đình anh tham gia rất đầy đủ”.

Phương Dung (Báo Gia Lai điện tử)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *