Ủy Ban Châu Âu tạm dừng xem xét vấn đề dư lượng Metalaxyl nhập khẩu vào EU tới năm 2018
Như tin đã đưa, sau khi dừng xem xét vấn đề dư lượng Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU tháng 10/2016, giữa tháng 12/2016 Uỷ ban Châu Âu lại tiếp tục đặt lại vấn đề và dự kiến nâng gấp đôi mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) của Metalaxyl tồn dư trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) ngày 22/2/2017 cho biết trước phản đối của Bộ NN&PTNT Việt Nam, Ban Gia vị của Chính phủ Ấn Độ (ISB) và Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA), Uỷ ban Châu Âu đã xem lại Dự thảo Qui định mới liên quan tới Metalaxyl trên hạt tiêu và quyết định sẽ tạm dừng xem xét và chờ kết quả cuộc họp của các chuyên gia CODEX đánh giá lại, dự kiến trong thời gian năm 2018.
EC cũng cho phép các nước trồng Hồ tiêu (Việt Nam là sản xuất nhiều nhất thế giới) có thể trình các thông tin, dữ liệu lên JMPR (Joint FAO/WTO Meeting on Pesticide Residues) để các chuyên gia Codex có thêm dữ liệu xem xét.
Đây là tin vui cho ngành Hồ tiêu, tuy nhiên về lâu dài vấn đề nghiêm ngặt đối với dư lượng các hoá chất BVTV trên hạt tiêu sẽ luôn được các thị trường nhập khẩu đặt ra và do vậy để ngành Hồ tiêu Việt Nam thực sự phát triển ổn định trong thời gian tới thì không còn con đường nào khác là phải quyết liệt hơn trong sản xuất, đặc biệt là người nông dân và các đầu mối thương lái, doanh nghiệp thu gom, tạm trữ v.v. phải cùng có trách nhiệm, quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng an toàn, chất lượng thì mới có thể tránh được rủi ro mất giá, không tiêu thụ được hàng hoá vì vấn đề chất lượng không đảm bảo.
Với Metalaxyl, nông dân có thể có khá nhiều lựa chọn các thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới có công dụng diệt trừ nấm bệnh tương tự như Metalaxyl. Nông dân cần chủ động nắm bắt thông tin thông qua hệ thống khuyến nông và các đại lý bán thuốc BVTV trong vùng .
16 phản hồi cho bài "Ủy Ban Châu Âu tạm dừng xem xét vấn đề dư lượng Metalaxyl nhập khẩu vào EU tới năm 2018"
Trích: “…nông dân có thể có khá nhiều lựa chọn các thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới có công dụng diệt trừ nấm bệnh tương tự như Metalaxyl.”
Thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới thì trừ được sâu rầy chứ sao lại trừ được bệnh ?
Thông tin này có giúp dược giá tiêu tăng trở lại sau mùa thu hoạch không ?
Giá tiêu sẽ chưa thể tăng. Gia hạn chỉ làm cho tâm lý lo lắng và sẽ là cớ đẩy giá tiêu xuống của nhà đầu cơ và giới kinh doanh.
Từ khi nhận được phản hồi của Ủy Ban Châu Âu cho đến khi VPA đăng bài viết trên là không đầy 4 tiếng. Dan Viet nhận tin đồng thời với họ.
Họ rất hiểu những tin xấu tác động rất tiêu cực lên giá tiêu nên khi có tin tốt giúp chặn đà rớt giá là họ khẩn trương đăng ngay lập tức.
Vẫn biết là dân mình vốn nghi kị lẫn nhau và rất khó thay đổi điều đó nhưng nếu làm được gì để dân mình tốt đẹp lên và bớt đi lòng nghi kị là Dan Viet làm, dù chỉ một chút rất ít.
Thông báo của EC đã làm cho âm mưu của mấy ông kẹ ém giá tiêu VN vụ mùa này bị phá sản, nhất là đám DLV trên phây thay nhau hô hào giá sẽ xuống 80k, nghe mắc cười…
Tốt nhất nông dân ta phải làm cho sản phẩm của ta sạch. Trước thu hoạch 3 tháng thì đừng bón phân, trước 4 tháng thì đừng phun thuốc BVTV và nên dùng thuốc có nguồn gốc từ sinh học.
Còn nữa… các nước nhập khẩu tiêu của Việt Nam muốn độc quyền phân phối cho thị trường tiêu thế giới đó mà. Giá thấp, thua lỗ thì không bán, họ sẽ không có hàng mà nhập cho thế giới, nếu không có tiêu Việt Nam.
Tốt nhất là sản xuất tiêu sạch đi bà con nông dân nhé… Tốt cho ta và các nhà xuất khẩu, phải hợp tác để cùng nhau chia sẽ giá trị hồ tiêu đi bà con ơi…
@Văn Công Quang
Cho mình hỏi: Mình bón phân Kali Canada trước thu hoạch 2 tháng.
Vậy như bạn nói, bón Kali thì có vấn đề dư lượng gì ?
Giá tiêu đi xuống ! Dân trồng tiêu có hoảng loạn như trong đám cháy không ? có như nhiều người mong đợi không ? Buồn thì có – nhưng hoảng loạn thì không !
6 – 7 năm nay, người có trước, người trồng sau đã xác định – đã chuẩn bị tâm lý ; đa số vẫn vững tâm. Không ai khác , chính ta đang cưỡi trên lưng ngựa – cho ngựa phi nước đại hay nước kiệu hay thong thả đều do ta. Giống như nhiều năm nay ta đã từng làm hiệu quả rất cao.
Thuốc BVTV không hề rẻ. Nhưng cái giá cho sức khoẻ của những người trực tiếp phun xịt còn cao hơn rất nhiều lần. Hãy sử dụng đúng, đủ, để bảo vệ sức khỏe – sản phẩm của ta là phải sạch.
Khi cơ quan chức năng khuyến cáo cần thận trọng, không phát triển diện tích ồ ạt mà phải theo qui hoạch, nhiều người lên tiếng phản đối cho rằng trồng cây gì, nuôi con gì là lựa chọn của nông dân, nhà nước không có quyền can thiệp…
Mấy ngày vừa qua giá tiêu lao dốc, giảm sút tới mức đã nhiều bà con lên diễn đàn bày tỏ lo ngại, có ý than trách nhà nước ở đâu mà không can thiệp, không tìm cách chặn đà giảm của giá tiêu lại cho bà con nhờ. Thậm chí có bạn đề nghị nhà nước thu mua hết để không cho giảm nữa, đợi khi nào giá cao sẽ tung ra bán…
Mình cũng hiểu sao nữa !
Theo tôi giá cả phụ thuộc thị trường. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Chúng ta là nông dân, thật khó để biết được ranh giới của nó phải không bà con.
Bác Ba. Ở Tây nguyên mình từ tháng 10 trớ đi, tôi thấy bà con mình ít phun thuốc trừ nấm rồi, cho tới lúc thu tháng 2. Tại sao dư lượng thuốc vẫn còn.
Giờ thuốc BVTV có nhiều công ty nhập khẩu và phân phối hàng thật giả lẫn lộn mong Nhà Nước quản lí về phân thuốc BVTV để nông dân sử dụng thuốc không ảnh hưởng sản phẩm, tránh được thiệt thòi. Khi giá xuống chỉ có người trồng thiệt thòi mà thôi.
Nhân Dân Việt Nam nắm bắt cái mới rất tốt nên mới có một sản lượng hồ tiêu hàng đầu thế giới. Mong những ngành công nghiệp Việt cũng làm được như nông nghiệp.
Thân chào NÔNG TIẾN !
Một số lần trên diễn đàn bác cũng đã chỉ ra 1 phần nguyên nhân tiêu còn dư lượng thuốc BVTV là do khâu trung gian. Thông thường – ta phơi, sấy tiêu độ ẩm thường âm vài độ để bảo quản được lâu. Khi bán vào tay trung gian, họ sẽ bù ẩm để vừa tăng trọng lượng vừa tăng zem ! Để chống mốc – họ pha Cacbendazim vào ; thuốc này không mùi, không lộ màu.
Cũng giống như người trực tiếp chăn nuôi- không ai dám bơm nước, bơm tạp chất vào vật nuôi của mình trước khi mang bán.
Cũng có những thông tin – loại thuốc sản xuất tại nước láng giềng – nó tồn dư rất lâu.
Thân chào !
Chú Ba nói đúng ! Nhưng chuyện thuốc men khá tế nhị. Cháu xin nêu 2 vấn đề cụ thể để chú suy ngẫm thêm :
1 Cùng 1 hoạt chất thuốc. Sản phẩm cty A sẽ phân hũy sau vài tuần, sản phẩm cty B cả năm vẫn còn dư lượng quá mức.
2. Cùng 1 sản phẩm, ở Đăc Lăc dư lượng trong mức độ cho phép, nhưng ở Gia Lai dư lượng rất cao.
Vậy là sao ?
Giá tiêu đang trong vùng giá lý tưởng. Đủ cao để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, nhưng cũng không quá cao để kích thích trồng mới ồ ạt phá vỡ cân bằng cung-cầu. Hy vọng giá sẽ ổn định ở mức này.
Ngoài hoạt chất Metalaxyl, còn nhiều hoạt chất phòng trừ bệnh rất tốt trên cây hồ tiêu. Nhưng vấn đề không chỉ là thuốc, mà bà con cần biết áp dụng quy trình IPM vào sản xuất cây hồ tiêu, không phải cái gì cũng nghĩ đến thuốc BVTV.
Ở Gia Lai tiêu chết nhanh rất nhiều do một nguyên nhân chính là đầu hố sâu trồng tiêu, đây là hố nuôi nấm trong mùa mưa nhưng người dân không nghe, không chịu thay đổi kỹ thuật canh tác của mình dẫn đến tiêu chết hàng loạt. Các công ty thuốc, phân bón cứ thay nhau tổ chức hội thảo làm cho nông dân bị ngộ độc kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào vườn tiêu cứ loạn xạ lên, không biết áp dụng như thế nào là đúng. Và điều này ai giúp cho người nông dân? Vì vậy cần phải có một quy trình trồng tiêu căn bản để cho nông dân áp dụng theo.