VPA: Báo cáo khảo sát Hồ tiêu tại Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu – Bình Phước – Đăk Nông – Đăk Lăk – Gia Lai

Thực hiện nghị quyết của BCH, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức khảo sát Hồ tiêu trên diện rộng diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 từ 01-02/12/2020 trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đợt 2 từ ngày 15-18/12/2020 tại Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai. Đây là hai vùng trọng điểm có diện tích trồng tiêu chiếm hơn 90% diện tích Hồ tiêu cả nước.

1. Mục đích

Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đứng đầu về sản lượng sản xuất và xuất khẩu Hồ tiêu toàn cầu thì việc thực hiện khảo sát để đánh giá sản lượng và năng suất trước mùa vụ luôn là vấn đề quan tâm của giới chuyên môn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu Hồ tiêu cho chiến lược kinh doanh sắp tới của doanh nghiệp. Thông qua chuyến khảo sát, các yếu tố về quy trình canh tác, phương hướng phát triển, lượng hàng tồn, khả năng duy trì vườn tiêu và mức độ ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh và chăm sóc cũng được đánh giá tương đối. Từ đó giúp các doanh nghiệp tham gia khảo sát tìm kiếm cơ hội hợp tác với nông dân và đại lý cung ứng nguồn hàng chất lượng phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Thành phần đoàn công tác

– Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

– Đại diện của 14 doanh nghiệp kinh doanh Hồ tiêu tham gia trong đợt 1 và 13 đơn vị tham gia trong đợt 2.

3. Kết quả

Sau khi phỏng vấn một số nông hộ, đại lý và trực tiếp khảo sát các vườn trồng tiêu, kết quả đánh giá tình hình Hồ tiêu trên các địa bàn được khảo sát như sau:

Mô hình sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ

Đợt 1: Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu

So với huyện Xuyên Mộc, diện tích Hồ tiêu ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Châu Đức giảm nhiều do giá Hồ tiêu xuống quá thấp, nông dân hạn chế đầu tư chăm sóc các vườn tiêu, diện tích tiêu chết và già cỗi được thay thế bởi các loại cây trồng khác. Diện tích trồng mới chỉ được quan sát thấy ở khu vực Xuyên Mộc nhưng số lượng không đáng kể. Mô hình chăn nuôi lấy phân chuồng bón cho cây tiêu được thực hiện khá phổ biến ở khu vực Đồng Nai, do đó giúp nông dân tiết kiệm được chi phí và gia tăng thêm thu nhập. Chính nguồn thu nhập này đã giúp các nông hộ ở khu vực Đồng Nai ít bị áp lực về tài chính và dó đó hàng tồn trong kho của các hộ được khảo sát vẫn còn. Tuy nhiên, con số này khá khiêm tốn và thuộc những nông hộ canh tác vườn tiêu lâu năm với điều kiện kinh tế khá giả. Số đông còn lại được cho là đã bán hết cho các đại lý thu  mua.

Mối quan ngại lớn nhất đối với nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay là chi phí lao động cao. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến giá thành sản xuất và ảnh hưởng đến quyết định của nông dân trong việc duy trì vườn tiêu hoặc tái đầu tư hay không. Với giá Hồ tiêu hiện nay khoảng ± 54.000 đồng/kg trong khi chi phí lao động dao động từ 200.000-230.000 đồng/công/ngày thì người nông dân trồng tiêu vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Mặc dù diện tích giảm nhưng hầu hết các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu canh tác theo hướng sạch, bền vững, sử dụng phân chuồng và phân hữu cơ là chính, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV. Nguyên nhân một phần là do nông dân không đủ điều kiện đầu tư trong bối cảnh giá xuống thấp và hơn hết nhận thức của người dân được nâng cao. Do đó, Hồ tiêu được kỳ vọng đạt chất lượng tốt trong mùa vụ tới.

Theo đánh giá của các nông hộ địa phương, sản lượng Hồ tiêu niên vụ 20/21 có thể giảm 30-40% so với năm trước do nắng hạn đột ngột xảy ra vào thời điểm cây ra bông và sự thiếu đầu tư khiến chuỗi bị răng cưa và thưa trái. Tuy nhiên, đoàn khảo sát đánh giá sản lượng Hồ tiêu ở 2 tỉnh có thể giảm từ 20-25%. Hiện tại chưa thể đưa ra con số ước tính về sản lượng Hồ tiêu cụ thể của vùng Đông Nam Bộ khi phạm vi khảo sát chỉ mang tính đại diện và số liệu diện tích thống kê mới của toàn vùng vẫn chưa được báo cáo.

Ngoài đối tượng là nông dân, đoàn khảo sát cũng ghé thăm hai đại lý lớn và một hợp tác xã xuất khẩu Hồ tiêu thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả được ghi nhận lượng hàng tồn trong kho vẫn còn nhiều chưa kể lượng đã bán nhưng chưa xuất ra khỏi kho. Tình trạng giá cước cao và không có chỗ trên tàu khiến một lượng hàng tồn không thể giải phóng.

Nhiều vườn hồ tiêu đã bắt đầu xen canh nhiều loại cây trồng khác.

Đợt 2: Bình Phước – Đăk Nông – Đăk Lăk – Gia Lai

Bù Đốp – Bình Phước: Ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi số lượng vườn tiêu tiêu già chiếm phần lớn diện tích. Thêm vào đó, các nguyên nhân từ việc thiếu sự đầu tư, chăm sóc, dịch bệnh và thời tiết đang dần góp phần thu hẹp diện tích Hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Theo ông Bùi Quốc Hai – Chủ nhiệm HTX Hưng Phước – sản lượng thu hoạch trong mùa vụ 20/21 của HTX giảm so với vụ trước, cụ thể sản lượng năm 2021 HTX thu hoạch ước đạt 90-100 tấn, so với năm 2020 sản lượng đạt 300 tấn và năm 2019 đạt 400 tấn. Bên cạnh diện tích thu hoạch giảm do dịch bệnh và già cỗi, số còn lại mặc dù được chăm sóc nhưng cây vẫn thưa trái. Trong khi đó, diện tích trồng mới không được ghi nhận. Theo đánh giá của ông Hai, hàng tồn trong dân còn rất ít, chỉ nằm trong tay một số hộ có điều kiện kinh tế tốt. Riêng 5 ha Hồ tiêu của ông Hai, dù có được cộng tiền thưởng cho sản phẩm gần đạt hữu cơ như năm trước thì với mức giá hiện tại doanh thu mang về chỉ có thể bù đắp được 50% so với chi phí bỏ ra. Tuy vậy, 100% sản phẩm thu hoạch của HTX đều gần đạt hữu cơ cũng là điều đáng mừng trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu như châu Âu quy định ngày càng khắt khe hơn về mức dư lượng cho phép.

Đăk R’Lap, Đăk Song, Đăk Mil – Đăk Nông: Là vùng có diện tích Hồ tiêu lớn và năng suất cao nhất so với các vùng trồng tiêu khác trên cả nước. Phần lớn diện tích là vườn tiêu trẻ dưới 10 năm, đang trong giai đoạn cho năng suất tốt. Tuy nhiên, thời tiết cực đoan đã khiến các vườn tiêu ở Đăk Nông bị ảnh hưởng tương tự các vùng khác như chuỗi ngắn và răng cưa. Thậm chí một số vườn được quan sát cho thấy cây phát triển rất tốt nhưng không ra chuỗi. Qua thông tin khảo sát, năng suất Hồ tiêu vụ 20/21 giữa các huyện Tuy Đức, Đắk R’Lấp, Đăk Song và Đăk Mil giảm với mức độ khác nhau tuy nhiên con số giảm bình quân từ 15-20% của tỉnh Đăk Nông được đánh giá thấp nhất trên cả nước. Mất mùa, năng suất thấp trong mùa vụ tới khả năng sẽ đẩy chi phí công hái tăng cao là mối lo lắng của phần lớn nông dân trồng tiêu. Đồng quan điểm của các hộ nông dân được khảo sát, các đại lý cho biết sản lượng vụ 20/21 nhìn chung giảm và hiện tại lượng tồn của đại lý và nông dân không còn nhiều.

Cư Kuin, Tx Buôn Hồ – Đăk Lăk: Là bức tranh Hồ tiêu với 2 màu sắc khá khác biệt giữa huyện Cư Kuin và Buôn Hồ. Mặc dù năng suất Hồ tiêu tại huyện Cư Kuin được đánh giá giảm nhưng nhiều vườn tốt còn lại vẫn được tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Theo ông Nguyễn Mạnh Thế – Chi hội trưởng hội nông dân xã Ea Ning cho biết vụ 20/21 sản lượng Hồ tiêu trên địa bàn xã có thể giảm đến 30% do chuỗi thưa và răng cưa, diện tích trồng mới có nhưng không đáng kể, lượng hàng trong kho của 100 hội viên trong chi hội còn khoảng 20%. Tx Buôn Hồ cho thấy màu sắc ảm đạm hơn khi tỷ lệ tiêu chết không dưới 50%. Diện tích tiêu chết đã và đang dần được thay thế bởi cà phê và một số loại cây trồng khác.

Gia Lai: Các huyện Chư Sê, Đăk Đoa, Mang Yang đều ghi nhận diện tích thu hoạch sụt giảm mạnh khoảng 50% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2017. Chỉ tính riêng HTX Nam Yang, diện tích Hồ tiêu còn lại khoảng 20 ha trên tổng số gần 60 ha. 4 thôn của xã Hải Yang, Đăk Đoa chỉ còn lại thôn 3 gồm 20 hộ cho thấy cây tiêu còn được duy trì tốt, canh tác theo hướng hữu cơ. Diện tích Hồ tiêu của các thôn còn lại trong xã hầu như bị xóa sổ. Theo đó, sản lượng Hồ tiêu của Gia Lai vụ 20/21 được dự đoán có thể giảm 60% so với năm đỉnh điểm.

Những vườn hồ tiêu bị nhiễm sâu bệnh không thể cứu vãn.

4. Lời kết và kiến nghị

Sau khi tổng hợp ý kiến đoàn khảo sát đã thống nhất kết quả nhận định như sau:

Đợt 1: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu

Cùng với sự sụt giảm diện tích do thiếu chăm sóc, sản lượng Hồ tiêu vùng Đồng Nai có thể giảm 25% và BRVT giảm 20% trong niên vụ 20/21. Hàng tồn kho vẫn còn ở một số nông hộ có điều kiện kinh tế tốt, đại lý và giới đầu cơ. Phong trào sản xuất tiêu sạch và bền vững đã và đang được mở rộng. Tuy nhiên để tiếp tục duy trì sản xuất và tái đầu tư vườn tiêu thì yếu tố chi phí lao động được nông dân ưu tiên xem xét và cân nhắc.

Theo kiến nghị của một số DN xuất khẩu, đại lý thu mua cũng là đối tượng được các nhà xuất khẩu quan tâm để đánh giá lượng hàng tồn và qua đó bày tỏ mong muốn mở rộng pham vi khảo sát các đại lý trong lịch trình khảo sát sắp tới của Hiệp hội.

Đợt 2: Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai

Sản lượng Hồ tiêu tỉnh Bình Phước có thể giảm trên 50%; Đăk Nông giảm 20%; Gia Lai giảm 60% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2017. Riêng tỉnh Đăk Lăk chưa thể đánh giá tương đối vì khảo sát chỉ mang tính đại diện tại hai huyện Cư Kuin và Buôn Hồ và năng suất cho thấy sự khác biệt giữa các vùng. Tuy nhiên, sản lượng Hồ tiêu của tỉnh Đăk Lăk giảm 30% là hoàn toàn có khả năng. Tính trên cả nước, sản lượng Hồ tiêu Việt Nam 2021 có thể giảm từ 25-30% so với năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam: Năm 2020 cả nước xuất khẩu khoảng 286.000 tấn, với kim ngạch ước đạt 663 triệu USD, tăng 0,6% về lượng nhưng giảm 7,2% về giá trị so với năm 2019.

Kiến nghị của VPA: Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Cục, Vụ liên quan chỉ đạo Sở Nông nghiệp các địa phương thống kê đầy đủ thực tế về diện tích Hồ tiêu bị chết do sâu bệnh, cằn cỗi năng suất thấp chuyển đổi sang cây trồng khác và thực tế tổng diện tích Hồ tiêu hiện nay tại các tỉnh.

Nguồn VPA

7 phản hồi cho bài "VPA: Báo cáo khảo sát Hồ tiêu tại Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu – Bình Phước – Đăk Nông – Đăk Lăk – Gia Lai"

Thắng Lợi

Đăk Lăk hay bất kỳ ở đâu cũng vậy thôi !
Hồ tiêu là cây trồng khá nhạy cảm, thân leo chứ không phải thân gỗ, trong khi nhà vườn lạm dụng phân thuốc hóa chất lại còn bỏ bê không quan tâm vì giá cả thì mau chóng suy tàn…
Tôi dự đoán sản lượng tổng thể của vụ mùa này nằm dưới mức 200 ngàn tấn, nhưng sẽ không giảm nhiều như vậy đâu !

Ngô văn Cảnh

Chư Pưh có cả cty Olam sản xuất tiêu sạch nhưng không nghe nói gì

Ngok

Diện tích trồng này Olam tự sản tự tiêu, hầu như không liên quan đến thị trường !

Tieu cay

Sản lượng 2020 theo ước tính của bộ NN&PTNN là 240 ngàn tấn.
Nhập khẩu 2020 là 40 ngàn tấn.
Tiêu thụ nội địa 7 ngàn tấn.

Như vậy, trong năm 2020 lượng hàng tồn của các năm trước đã bắt đầu được tiêu thụ vơi đi trong năm 2020 là

240+40-7-286= -13 ngàn tấn.

Dự báo này phù hợp với việc giá tăng mạnh khi VN hết vụ vào tháng 5 đến tháng 11 (35k/kg tăng lên 60k/Kg, biên độ tăng 71%). Điều này cũng phần nào xác nhận con số sản lượng 240 ngàn tấn là tương đối chính xác.

Nếu xem tính toán sản lượng năm 2020 là 240 ngàn tấn, vậy, theo báo cáo của VPA, sản lượng dự kiến vụ 2021 giảm 25-30% thì sản lượng ước tính là 168-180 ngàn tấn. Nghĩa là lượng hàng tồn đọng nhiều năm sẽ phải được đem ra bán nhiều hơn trong năm 2021 mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong năm 2021. Trước mắt, chính áp lực bán ra của nông dân để thanh lý công nợ trước tết làm cho giá giảm. Phải đợi đến khi nông dân bán hết vụ thì giá mới tăng, dự kiến còn tăng mạnh hơn năm 2020 vì thiếu hụt trầm trọng hơn.

Dương Lâm

Sẵn sàng kho chào đón 50tấn tiêu đợi giá. Ai có tiền nhàn rỗi, tranh thủ mùa giá giảm, mua giấc này chờ 60k thì thừa sức rồi, dù 11/2021 giá 70k vẫn chờ được.

boymoirachoi

Phản hồi không hợp lệ !
Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *