Bệnh chết nhanh chết chậm của tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 64

Nhằm giúp bà con nhận biết một số bệnh hại thường xảy ra với cây hồ tiêu, Giatieu.com sưu tầm những bài viết trên các trang mạng về đề tài này, mong bà con tham khảo để chăm sóc và bảo vệ tốt vườn tiêu của mình.

Bệnh tiêu chết nhanh

a. Tác nhân :
– Do nấm Phytophthora palmivora.
– Nấm P.palmivora có nguồn gốc thủy sinh nên chúng ưa thích và rất cần sự ẩm ướt để sinh sản, phát triển và gây hại. Bệnh phát triển, lây lan mạnh trong mùa mưa, nhiệt độ không khí trên dưới 30ºC.

b. Triệu chứng gây hại :
– Bệnh có thể xâm nhập và gây hại ở tất cả các bộ phận của cây từ thân, lá, hoa, trái cho đến cổ rễ và rễ. Nhưng nguy hiểm nhất và cho cây tiêu bị chết hàng loạt là khi tấn công vào phần cổ rễ và rễ.Triệu chứng là cây tiêu đang tươi tốt thì xuất hiện một ít lá bị vàng úa, sau đó các lá tiếp tục bị vàng, cây tiêu héo rũ rất nhanh, có khi lá héo rũ trên cây đến sáng sớm có thể thấy cây tiêu tươi trở lại do ướt sương vào ban đêm. Sau đó các đốt thân cũng biến màu thâm đen và rụng
– Hiện tượng rụng lá và đốt thường bắt đầu từ ngọn trở xuống. Bệnh xâm nhiễm vào cây tiêu bắt đầu ở vùng cổ (ngang mặt đất) hoặc phần bên dưới mặt đất làm thối cổ rễ và thối đen rễ, sau đó phần hư thối này lan dần lên trên và cây tiêu biểu hiện các triệu chứng đã nêu . Bênh tiến triển rất nhanh từ khi phát hiện thấy lá tiêu hơi rũ xuống cho đến khi lá rụng ào ạt có khi chỉ 5-7 ngày và đến khi tiêu chết hoàn toàn có thể trong vòng 1-2 tuần.

c. Phòng trừ :
– Kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ và sớm ngay từ khi thiết kế vườn, chuẩn bị cây giống, bởi vì nếu để đến lúc bệnh đã lan ra mới vội vã mua thuốc về xử lý thì không thể nào cứu chữa kịp.
– Không lấy giống ở những vườn tiêu đã bị bệnh. Chọn giống tiêu có khả năng kháng bệnh tốt (giống Lada Belantung có sức chống chịu cao với bệnh).
– Đất trồng tiêu nên chọn loại đất tơi xốp, đảm bảo ở độ sâu 50-60 cm không bị đọng nước. Thiết kế vườn, đào rãnh để vườn dễ thoát nước khi có mưa.
– Thường xuyên vệ sinh vườn tiêu, làm sạch cỏ dại, cắt bỏ bớt các lá già, các dây lươn ở gốc để cho gốc tiêu thông thoáng.
– Bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai (15-20 kg/gốc/năm) và cân đối N,P,K,Ca, Mg.
– Trong khi chăm sóc, làm cỏ, bón phân cố gắng tránh gây những vết thương cho gốc tiêu, rễ tiêu để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh gây hại.
– Các cây bị nặng cần đào bỏ, nhặt hết rễ tập trung tiêu hủy, rắc vôi 1 kg/hố để diệt mầm bệnh.
– Thường xuyên kiểm tra nhất là vào mùa mưa và đặc biệt ở những vườn đã từng bị bệnh hại trước đây để phòng trừ bằng thuốc Acrobat MZ 90/600 WP:
+ Phun ướt đều tán cây : 20-25 g/bình 8 lít
+ Tưới gốc và vùng cổ rễ : 20-25 g/8 lít nước, đầu mùa mưa tưới 14 ngày/lần, khi mưa già tưới 7 ngày/lần.

Bệnh tiêu chết chậm

a. Tác nhân :
– Do nấm Fusarium sp., nhưng trong nhiều trường hợp là sự kết hợp với các nấm khác như Lasiodiplodia, Pythium, Rhizoctonia cũng làm thối gốc gây hiện tượng chết chậm cây tiêu.
– Nấm tồn tại hàng năm ở trong đất, phát sinh phát triển trong đất bón ít phân hữu cơ, đất chua.

b. Triệu chứng gây hại :
– Cây tiêu có biểu hiện sinh trưởng chậm, lá úa vàng. Lá, hoa, các đốt và trái cũng rụng dần từ dưới gốc lên ngọn, chứ không rụng và héo từ đọt xuống như bệnh chết nhanh. Gốc thân cây bệnh có các vết nâu đen, dần dần vết bệnh lan rộng làm thối lớp vỏ gốc, bó mạch của thân cây hóa nâu. Khi bệnh nặng, toàn bộ gốc và rễ cây tiêu bị thâm đen, hư thối, sau đó cây chết khô.
– Thời gian từ khi có biểu hiện bị bệnh đến khi chết có thể kéo dài cả năm. Bệnh làm chết cả khóm hoặc chỉ chết 1-2 dây.

c. Phòng trừ :
– Áp dụng các biện pháp tổng hợp như bệnh chết nhanh.
– Phun thuốc ngừa nấm bệnh định kỳ một tháng một lần trong mùa mưa, dùng Polyram 80DF pha 40 g/bình 8 lít, phun kỹ toàn cây.
– Tưới gốc 3-4 lít dung dịch thuốc/gốc vào đầu và cuối mùa mưa :
+ Polyram 80DF + Oncol 20EC : 40 g + 40 ml/8 lít nước
+ Ridozeb 72WP + Oncol 20EC : 30 g + 40 ml/8 lít nước

Giatieu.com (St)

Báo Giá cà phê qua điện thoại
64 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Kính gởi anh Vịnh, tôi có biết một số giống tiêu như: sẻ Lộc Ninh, sẻ Phú Quốc, Vĩnh Linh, tiêu trâu, Ấn Độ và mới đây được biết thêm trâu Ấn độ. Còn giống tiêu Lada belantung tôi cố tìm trên mạng để xem hình ảnh mà tìm không thấy hoặc có thể đã thấy đâu đó mà không biết tên. Xin anh vui lòng cho xem hình ảnh và tên gọi của các giống tiêu. Rất cám ơn anh.

  2. @tieuphong thân.

    Theo tài liệu tôi có và tìm hiểu thực tế, các giống tiêu được trồng phổ biến hiện nay chủ yếu do nông dân chọn lọc từ giống địa phương rồi mang theo đến địa phương khác, vì thế giống thường mang tên địa phương có trồng nhiều hoặc địa phương xuất xứ. Do vậy có thể có một giống tiêu được mang nhiều tên khác nhau, hoặc nhiều giống tiêu khác nhau lại mang cùng một tên. Chỉ trừ giống Lada Belangtoeng có nguồn gốc Indonesia nhập từ 1947 và được trồng khảo nghiệm chính thức ở nhiều vùng trong nước, các giống khác chưa được quan tâm khảo sát đầy đủ.

    Nhìn chung, dựa trên hình thái cơ bản là kích cỡ lá, các giống tiêu trồng phổ biến hiện nay có thể chia thành ba nhóm:
    1) Tiêu lá nhỏ còn gọi là tiêu sẻ, gồm phần lớn các giống tiêu được trồng phổ biến ở nhiều địa phương, có thể kể các giống: Vĩnh Linh (Quảng Trị), Tiên Sơn (Gia Lai), Di Linh (Lâm Đồng), Sẻ Đất đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Nam Vang (nhập từ Campuchia).
    2) Tiêu lá trung bình gồm chủ yếu các giống tiêu nhập từ Madagascar, Ấn Độ và Indonesia như: Lada Belangtoeng, Karimunda, Panniyur và Kuching.
    3) Tiêu lá lớn còn gọi là tiêu trâu như các giống Trâu Quảng, Trâu Đất đỏ (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu).

    Trong số các giống trên, giống Lada Belangtoeng được trồng phổ biến nhất, đặc biệt là ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Có thể trong thực tế có một số giống tiêu có tên gọi khác nhau ở một số địa phương nhưng có nguồn gốc từ giống Lada Belangtoeng.
    Các giống như sẻ Lộc Ninh, sẻ Phú Quốc mà anh nói được gọi chung là sẻ Nam Vang, có nguồn gốc từ các giống Kamchay, Kep và Kampot của Campuchia.

    Xin được trao đổi cùng anh.

    • Xin chào anh Vịnh, tôi cũng đang tìm hiểu kinh nghiệm để trồng tiêu năm tới, qua những nguồn thông tin khác nhau tôi thấy việc chọn giống rất quan trọng. Vì vậy, Tôi cũng muốn tìm hiểu về giống Lada Belangtoeng nhưng không biết nơi nào bán và hình dạng của nó như thế nào. Anh có thể chỉ giúp được không. Số điện thoại của tôi 098 66 88 180 hoặc địa chỉ email: tinhto_lucky@yahoo.com. Cám ơn anh.

  3. Làm phiền anh quá, anh nói có lý “có thể có một giống tiêu được mang nhiều tên khác nhau, hoặc nhiều giống tiêu khác nhau lại mang cùng một tên”. Như thông tin anh cho biết tôi đã đoán ra giống Lada Belangtoeng, đó là giống mà địa phương tôi gọi là tiêu trâu lá to, ưu điểm là kháng bệnh cực kỳ, chịu hạn, hạt to tuổi thọ cao. Tôi có mấy cây trồng trên 20 năm mà vẫn tươi tốt, khuyết điểm là chuỗi tiêu thưa hạt hơn giống Vĩnh Linh và sẻ, về mặt năng suất thì không ổn định bằng tiêu sẻ tuy nhiên trồng giống tiêu này đỡ bị đau đầu lo lắng vì bệnh tật hơn các giống tiêu khác. Qua anh tôi được biết thêm nhiều điều về cây tiêu. Xin cám ơn anh.

  4. Kính gửi anh Vịnh
    Cho em hỏi anh giống tiêu Vĩnh Linh đọt tím và giống Vĩnh Linh đọt trắng là sao anh.
    Em cảm ơn.

  5. @ Nguyễn Võ Tuyết Nga!
    Tiêu Ấn độ mới có giống đọt tím và đọt trắng rõ rệt. Còn tiêu Vĩnh Linh là nó có một loại tím đậm và một loại tím nhạt. Loại tím nhạt thì cho trái nhiều hơn nhưng chuỗi ngắn và lá nhỏ. Còn loại tím đậm lá to hơn chuỗi dài hơn. Mắt tay thưa. Riêng tiêu Vĩnh Linh đặc thù của nó là lá hơi dài 1 tí. Nếu lấy gân lá làm tâm thì nó có 1 bên to bên nhỏ. Dựa vào hình thái lá bà con ta cũng thường gọi là Vĩnh Linh lá nhỏ hay Vĩnh Linh trâu. Ngoài ra để phân biệt giống người ta còn dựa vào một số yếu tố như lươn gốc, tay ác, kiểu lá, gân lá, màu sắc lá, dây hom, chuỗi, hạt, cách ra bông, thời gian trổ bông, biểu hiện sau thu hoạch…Hiện tại bà con trồng giống ở khắp nơi. Tuy nhiên nó vẫn có một vài đặc điểm để nhận dạng.
    Thân!

    • Kính gởi anh M.Vịnh !
      Em có vài điều không rõ trong quá trình tìm hiểu về trị bệnh trên tiêu mong anh giải đáp giúp.
      1 là khi xịt bào tử nấm đối kháng trico mình có cần tuân thủ nguyên tắc gì không, nên xịt tốt nhất lúc mưa hay nắng ?
      2. là trị tuyến trùng sao cho hiệu quả ?
      Một vài thắc mắc mong anh hồi đáp. Em xin chân thành cảm ơn

    • @ kiến thép!
      1. Chỉ cần đất đủ ẩm. Xịt lúc trời mát. Còn mưa hay nắng đều không tốt.
      2. Chủ đề này đã thảo luận nhiều ở diễn đàn chịu khó tìm lại. Vì trả lời rất dài
      Thân!

    • Bổ sung thêm :
      Có loại tiêu Ấn Độ đọt tím, Ấn Độ lá xoắn.
      Ấn Độ đọt tím năng suất thấp, ít nấm bệnh.
      Ân Độ lá xoắn năng suất rất cao, cành phát triển ngắn, lá xoăn, đọt trắng, tốc độ lớn nhanh. Dễ bị nấm bệnh tấn công.
      Hầu như mỗi loại tiêu cần chú ý đến 2 điểm là năng suất và kháng bệnh. Được cái này mất cái kia. Ai đủ bản lĩnh và vốn liếng thì trồng loại tiêu Sẽ mỡ và Ân Độ lá xoắn, năng suất cao hơn hẳn các loại khác và cho năng suất ổn định đều hàng năm…

  6. Bác ơi cho con hỏi nhà ba con có trồng tiêu dạo này nhiều cây bị chết khi nhỏ lên thấy thấy gốc thâm lại. Vậy là bệnh gì ạ. Bác cho con xin mail con gửi ảnh bác xem dùm ba con ạ

    • Chào @Duy Long.
      Gốc thâm lại có nghĩa là bệnh đã thâm nhập vào bên trong cây. Khả năng chữa lúc này là khó hiệu quả và rất tốn kém. Nhõ bỏ, gom lại để đem đốt sạch là biện pháp hay nhất, đào hố, xử lý đất trồng lại. Mail của bác có trên màn hình đó, phía dưới cùng ở bên trái.
      Bác chờ.

  7. Xin chào các bác cộng đồng giatieu.com.
    Cháu nghe nói xịt nấm Pseudomonas để phòng ngừa và trị nấm bệnh các loại cho tiêu tốt hơn xịt nấm Trichoderma, có phải vậy không các bác cộng đồng? Xin cho cháu ý kiến, cháu xin cám ơn.

    • Chào Cháu.
      Nấm Trichoderma và nấm Pseudomonas là 2 loài khác nhau, trong quá trình tồn tại chúng phải cạnh tranh với những loài nấm khác. Nhà khoa học đã dựa vào đặc tính này để khai thác chúng. Khả năng cạnh tranh của nấm Tricho rộng hơn nên nó thường sử dụng nhiều và được gọi là nấm đối kháng. Nấm Tricho có nhiều dòng và có nhiều chức năng khác nữa. Có tài liệu nước ngoài ước chừng 300 ngàn dòng.
      Nấm Pseud thì “hung hăng”, “nguy hiểm” hơn, chủ yếu là gây hại cho môi trường. Ghi nhận phổ biến nhất với người là bệnh “viêm mủ xanh”… Ngay cả với cây tiêu thì nó là thủ phạm gây bệnh rụng lóng, thối thân. Nhà khoa học đã tìm thấy một số dòng tích cực trong loại này và sử dụng làm nấm đối kháng để tiêu diệt các loài nấm gây hại khác trên cây tiêu. Nổi bật trong sự tìm tòi, phát hiện này là của TS Trần thị Thu Hà và cộng sự ở trường ĐH Nông Lâm Huế và nấm Pseud được dùng trong phòng chống bệnh cho tiêu như hiện nay.
      Khả năng đối kháng của Tricho rộng hơn nhưng với một số nấm hại trên tiêu thì Pseud có hiệu quả hơn, tuy nhiên cũng không đủ cơ sở để kết luận là loài nào hơn loài nào.
      Còn về trộn chung 2 loài nấm, theo tôi thì không nên, nhưng bà con mình thường ngại phải phun, tưới nhiều lần nên muốn trộn cho lợi công. Tôi thấy cũng tương tự như trộn thuốc BVTV với phân bón lá, lợi bất cập hại. Tốt nhất là nên sử dụng 2 loài này xen kẽ nhau để tránh xảy ra điều không mong muốn. Thân.

    • Chào cộng đồng giá tiêu, chào bác Vịnh ạ… Bác cho cháu hỏi khi bỏ luân phiên 2 loại nấm này thì thời gian cách ly để bỏ loại kia là bao lâu thì được hả bác… Nay trên thị trường có quảng cáo loại Nano Bạc để phòng, trị bệnh chết nhanh cháu đang muốn dùng thử… Bác có thể cho cháu xin ý kiến được không ạ.
      Cháu cảm ơn bác và mọi người nhiều ạ…

    • Chào cháu.
      -Đây là 1 loại nấm, 1 loại vi khuẩn nên sử dụng có thời gian cách ly là tốt nhất. Theo chú trong khoảng 1 chu trình phát triển của nấm là được (khoảng 10-12 ngày).

      -Nano bạc diệt khuẩn thì quá tuyệt vời. Vấn đề là tỷ lệ nano bạc có trong sản phẩm thuốc là bao nhiêu? rất khó kiểm chứng, và do đó giá cả hợp lí chưa? Viện Vật lí TPHCM kiểm chứng một số sản phẩm nano bạc mà chẳng thấy tí bạc nào hay có mà không đáng kể. Hơn nữa, nano bạc dễ bị mất khi gặp ánh sáng, nhiệt… nên mau hết tác dụng. Vấn đề nữa là nano bạc cũng diệt hết cả vi sinh vật hữu ích và có gây độc hại cho người không còn đang tranh cãi (số nano bạc ít thì hiệu quả thấp mà nhiều thì gây độc). Uy tín của nhà sản xuất cũng là một vấn đề ! Chú cũng chưa dùng loại này. Thân

    • Dạ… cháu hiểu rồi, cảm ơn bác nhiều ạ. Chúc bác luôn vui khỏe.

  8. Chào bác Vịnh !
    Cháu ở Đăknông, nhà cháu mới trồng tiêu được 3 tháng, nhưng tiêu bị rụng ngọn, lá vàng và lá bị héo, không biết là nguyên nhân gì.
    Trước cháu bỏ phân NPK Philippin sau đó bỏ yara vàng nhưng tiêu vẫn có biểu hiện như trên. Cháu không biết là bệnh gì ?
    Bác giúp cháu với. (Nguyên nhân, cách phòng và cách trị bệnh)
    Cảm ơn bác !

  9. Cháu cảm ơn bác Vịnh. Vậy tiêu nhà cháu có khắc phục được không bác.
    Bác cho cháu kinh nghiệm bỏ loại phân gì ?

    • Chào cháu. Tạm thời ngưng bón phân hóa học. Phục hồi bộ rễ cây bằng phân bón lá và đổ gốc. Kiểm tra độ pH để cải tạo lại đất. Nếu cây không có dấu hiệu hồi phục thì nghĩ đến việc xử lý nấm bệnh trong đất. Cháu sử dụng loại phân Ấn độ lúc này là hợp lí. Thân

    • Chào cháu. Nếu đã xác định được là tiêu con bị cháy rễ non, héo lá, cháu bỏ phân nữa thì tiêu lấy rễ đâu mà hút dinh dưỡng?
      Bón phân lân cũng kích thích cho tiêu tái sinh rễ mới, nhưng cháu cần xác định được độ pH của đất để mà bón. Nếu độ pH thấp (chua) thì cháu bón lân nung chảy như Văn Điển, độ pH cao (kiềm) thì bón Super lân. Lúc này cây đang yếu, phải xịt phân đa thành phần qua lá và phân đổ gốc amino cho cây hồi phục đã rồi tính.

    • Bạn xem nếu bộ rễ chưa hỏng thì bạn cứ bỏ, phân hữu cơ vi sinh thì quá tốt rồi. Còn bộ rễ bị hỏng rồi thì bạn phải tìm cách khác.

  10. Cháu chào chú và tất cả mọi người trên diễn đàn. Cho cháu hỏi một xíu, tiêu nhà cháu mới đôn dây được hai tháng, cháu quan sát thấy tiêu nhà cháu có vẻ hơi vàng lá, gân lá nổi, trên lá có một số đốm vàng nâu, lá cỏ vẻ hơi rũ xuống, rễ phụ trên trụ bị teo và khô. vậy là tiêu nhà cháu bị sao vậy ạ.

    • Theo bạn nói thì mình thấy biểu hiện bệnh chưa rõ ràng nhưng thiếu dinh dưỡng thì rõ hơn. Có vẻ như bạn xử lý đất và bón nền hữu cơ chưa đầy đủ để giúp hệ rễ phát triển thuận lợi. Bạn cần bổ sung ngay.
      Nếu còn băn khoăn thì bạn chụp hình và gửi qua email để nhờ chú Vịnh kiểm tra cho.

  11. Tiêu nhà mình có những biểu hiện trên còn bị cháy mép lá nữa nhưng không nhiều cho lắm. Theo bạn mình nên bỏ phân như thế nào là hợp lý. Mình mới vào nghề nên rất cần sự giúp đỡ. Cảm ơn bạn nhiều.

  12. Chào cộng đồng giatieu.com, cho cháu hỏi. Năm nay cháu mới trồng năm đầu tiên nên còn nhiều bỡ ngỡ và rất hoang mang khi thấy dây tiêu mới hạ được 1 tháng mà có cây chết từ trên xuống nhưng có cây lại chết từ gốc lên. Cháu nhổ lên đã thấy có rễ ra rồi mà vẫn bị chết. Vậy cho cháu hỏi tiêu nhà cháu là bị bệnh gì và chữa bằng thuốc gì. Đây là số đt của cháu 0972.961759. Cháu mong câu trả lời của cộng đồng trong thời gian nhanh nhất.
    Cháu cảm ơn!

    • Bạn chụp vài tấm hình tiêu bị bệnh thật rõ chi tiết, gửi qua email nhờ bác Vịnh chẩn đoán giúp. Bạn phản ánh mơ hồ quá nên bà con khó mà giúp được.
      Mùa này mưa nhiều, khả năng tiêu con chết vì ngập úng rất cao, bạn xem lại.

  13. Chào các cô chú anh chị. Cho cháu hỏi là, cháu trồng tiêu lươn giờ mới ra tay ác thì chừng nào đôn được vậy. Mong chú Vịnh và mọi người có kinh nghiệm chỉ dùm với ạ.

    • Bạn đợi cho tiêu ra khoảng 3, 4 tay ác rồi tiến hành đôn là vừa.
      Cần xem lại kỹ thuật đôn tiêu bạn nhé.

  14. Xin hỏi thăm thuốc đặc trị của bệnh tiêu chết nhanh, chậm. Cháu muốn tìm mua giống tiêu lươn sẻ ở đâu? Và cho biết tiêu nhà cháu trồng đc 10 năm vậy mà năm nào cũng chết.
    Cảm ơn nhiều

    • Năm nào cũng chết là do xử lý bệnh không dứt căn, vẫn còn tồn bào tử nấm bệnh trong đất. Khi môi trường thuận lợi, bào tử phát triển thành nấm và tiếp tục gây hại.
      Quan điểm chung hiện nay là dùng thuốc diệt nấm có hoạt chất Metalaxyl + Mancozeb và Agri-fos 400, đồng thời diệt trừ tuyến trùng đất, là trung gian gây ra lở loét ở rễ, bằng thuốc trừ sâu có hoạt chất Abamectin hay Carbosulfan. Kết hợp xử lý độ pH đất, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, chất tăng sinh cho cây.
      Một điều quan trọng nữa là thường xuyên dùng trichoderma và Pseudomonas để ngừa bệnh cho tiêu, đừng để bệnh bộc phát phải dùng hóa học gây hại lên môi trường.

  15. Cháu chào bác Vịnh,
    Bác cho cháu hỏi trong vườn nhà cháu có một số cây tiêu có triệu chứng vàng lá, héo, rụng như kiểu chết nhanh, chết chậm và một số cây chết – cháu cũng không rõ, theo cháu nghĩ là bị lây lan. Cháu không biết sẽ xử lí ra sao. Có phải mình phải đốn bỏ cây chết dùng PH để xem độ đất rồi dùng vôi đúng liều lượng rải vào gốc cây để ngăn chặn sang những cây khác (hay bỏ 1kg như bài nói trên) sau đó mình tiêu hủy cây đó đi bằng cách đốt; những cây còn lại mà có biểu hiện vàng thì sao bác nhỉ? ra vườn cứ thấy vàng lá là cháu thấy rối rồi bác cho cháu ý kiến được không ạ! Theo ba, mẹ cháu nói cứ qua trận mưa dầm cuối mùa là hay xảy ra tình trạng nói trên. Cháu cám ơn.

    • Cháu trị bệnh theo phác đồ bác Vịnh đưa ra, tìm trong các phản hồi. Trước mắt dùng thuốc trị nấm có hoạt chất Metalaxyl + Mancozeb phun và sục gốc…. Nhờ bác Vịnh hướng dẫn thêm cho cháu sau.

    • Chào chú, cháu ra hiệu thuốc BVTV hỏi thuốc có 2 hoạt chất này thì người bán đưa ra một đống thuốc Metaxyl, Ridomil,… tùm lum tên cháu không nhớ hết.
      Xin chú tư vấn tên loại thuốc nào đó dùng hiệu quả cho cháu và bà con dễ nhớ. Cháu cám ơn chú.

  16. Chào bác Vịnh và cộng đồng giatieu.com. Tiêu lươn nhà cháu mới đôn đầu mùa mưa bây giờ có dấu hiệu bị những lá vàng úa từ trong thân đó là bệnh gì vậy ạ.

  17. Bạn Châu Phong: “một điều quan trọng thường xuyên dùng tricho… mà trên lại dùng thuốc diệt nấm… Bạn nên nói rõ là nếu cây đã có triệu chứng bệnh thì dùng thuốc diệt nấm còn thường xuyên cần phải dùng tricho và pseud để phòng ngừa, vì chính 2 loại nấm này cũng diệt được nấm ác, không nói rõ sợ bà con cứ dùng thuốc diệt nấm rồi dùng luôn tricho (không thời gian cách ly) nhất là như trong phóng sự trên TV Đồng Nai mới đưa ra: “…trị bệnh cứ 10 ngày tôi lại đổ agrifos…”( ! )
    Nếu nông dân ta cứ lạm dụng phân thuốc HÓA HỌC đã lâu năm, thì hỏi đất “còn sống hay đã chết”
    Chỉ có cách để vươn tiêu bền vững hãy chuyển qua dùng sinh học mà thôi. Xin cảm ơn.

    • Chỉ vì cần bài để đưa theo chỉ tiêu nên đôi lúc nhiều đài báo cứ nói bừa, nói lấy được. Họ viết theo lời ông lang vườn nào đó nói, bà con nghe theo lỡ gây ra thiệt hại thì ai chịu ?!
      Lời nói gió bay mà bác.

  18. Chào bác Vịnh. Nhà cháu có làm bể biogaz, nước xả bể cháu cho vào 1 hố riêng. Cháu lấy máy bơm nước bơm tưới cho cafe thấy rất xanh tốt. Chú cho cháu hỏi tưới như vây cho sao ko, có cần phải xử lý gì ko ạ. Có ý kiến dùng nấm tricho bỏ vào hố phân xả 1 tuần sau rồi tưới. Như vậy nấm tricho có bị chết ko chú.

    • Tôi chưa thấy có nghiên cứu nào đánh giá một cách đầy đủ về việc sử dụng nước thải hầm biogas để tưới cây, trong khi có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc nên hay không nên dùng nước thải này để tưới cho cây trồng nông nghiệp. Theo tôi, bạn tưới cho cà phê mà thấy xanh hơn thì cứ sử dụng, còn tưới cho tiêu thì cần thận trọng vì tiêu rất mẫn cảm với các loại bệnh tật do vsv gây ra. Tôi cũng chưa nghĩ tới việc dùng nấm tricho để xử lý nước thải này.
      Mong cộng đồng cho thêm ý kiến.

    • Nước thải trong hầm biogaz nghèo dinh dưỡng ta chỉ nên tưới vào xác bã thực vật để tiến hành ủ như 1 phương pháp tiết kiệm nước vậy. Tricho ta cho vào đâu hay phun lên cây nó phải có thức ăn thì nó mới hoạt động mạnh. Cho tricho vào nước thải hầm biogaz cũng vậy. Nó lấy gì nó ăn mà hoạt động.

  19. Bác Vịnh cho em hỏi: rễ tiêu ở trên thân nó có vai trò là leo bám ngoài ra nó có thể hút chất dinh dưỡng và nước để nuôi cây không. Mong bác giải đáp giúp em, cảm ơn bác.

    • Rễ tiêu trên thân là loại rễ móc, chỉ có chức năng đeo bám mà không có chức năng nào khác. Nếu bạn chiết thì tiêu sẽ mọc ra rễ mới từ mắc thân của tiêu, rễ này mới có chức năng hút chất dinh dưỡng để nuôi cây.

  20. Bác Vịnh ơi thời điểm ươm tiêu thích hợp nhất là tháng mấy, nay tháng 4 dương lịch em cắt dây tiêu ươm có được không?

    • Chào hoàng luận
      Theo kinh nghiệm tôi thường cắt thì ta cắt vào mùa nào cũng đc. Để tránh tiêu bị điên trước khi cắt trước 20 ngày bạn nên cung cấp đầy đủ đa, trung và vi lương cho nó. Bạn nên cắt vào sáng. Tôi hay dùng phân sinh học đổ góc. Phân sinh học có tác động chậm nên tôi đổ gốc trước cả tháng. Mùa này nhiệt độ cao bón phân hóa học chỉ bốc hơi hết. Ko nên cắt vào những ngày mưa dầm, nắng gắt. Cắt cây nào xong bạn nên sát trùng dao kéo tới đó.
      Tôi có gợi ý nhỏ cách tôi hay làm đó là chiết. Nếu có số lượng ít mà bạn cần nhân giống nhiều. Bạn chỉ cần bó 2 dây lại thôi. Cách này giống cắt hom trồng trực tiếp ý mà. Nhưng tỉ lệ sống và tốc độ sinh trưởng nhanh hơn cắt hom trồng nhiều. Đây là cách tôi hay nhân giống chứ ít khi cắt hom lắm. 1 vài chia sẻ với bạn.

    • Bây giờ bạn ươm vẫn còn kịp đấy. Cắt hom, ngâm kích thích ra rễ, cho vào cát xây dựng hoặc đất, che đậy bằng tấm phủ, tưới giữ ẩm.

      Sau 3 tuần hom ra rễ rồi cho vào bầu. Khi cho vào bầu chọn những hom có rễ hoặc mắt cắt đã hình thành mô sẹo. Hom nào chưa ra rễ ta lấp vào đất lại, 7 đến 10 ngày sau kiểm tra lại chọn hom ra rễ hoặc có mô sẹo tiếp tục cho vào bầu. Làm vậy thì bầu tiêu rất đều. Tháng 6 đem trồng là đẹp.

  21. Anh Vịnh cùng cộng đồng cho mình hỏi, mình có một số trụ tiêu trồng năm 2014 bây giờ đã hạ (đôn) được chưa ? hay là để đến mùa mưa, mình thấy họ đôn vào mùa này không hiểu sao ? nếu đôn thì phải làm như thế nào? các bạn giúp mình qui trình đôn nhé (phương pháp, đào hố, phân bón vv…) mình trồng bầu dây lươn, nay đã có ác cao khoảng 1.8m, trụ bê tông và một số trụ cây keo. Mong các bạn giúp đỡ. Chân thành cảm ơn !
    Chào bạn Phạm thanh liêm : Mình chưa biết cách ghép tiêu bạn có thể hướng dẫn cụ thể cho mình cách ghép tiêu được không ? bạn cho mình sđt hoặc email mình liên lạc với bạn. Mình chờ sự chỉ dẫn của các bạn và cộng đồng, chào thân ái.

  22. Chào hien25
    Mình chưa ghép tiêu bao giờ nên mình ko chia sẻ cùng bạn được. Mình chỉ áp dụng bài viết chiết tiêu của chú Minh Vịnh vào cộng việc của mình thôi và đã có thành công.
    Bài viết chiết tiêu có trên giatieu.com bạn hãy tìm đọc nhé.

  23. Tiêu tôi bị bách bệnh vì không chăm sóc. Trồng được hơn 10 năm nhưng có một số cây vẫn tốt. Tôi chỉ bón phân khi bón cho cà phê vì tôi trồng sen canh. Các cây chết thường có đốm trên lá như bệnh táo đỏ, rệp sáp, tuyến trùng. Hình như cả chết chậm vì được hơn 1 năm mà nó không chết, chỉ rụng lá vào mùa khô. mùa mưa ra lá non lại. Xin các chuyên gia tư vấn giúp tôi với. Cảm ơn !

    • Tiêu xen canh trong cà phê thường khó ngăn chặn các loại sâu bệnh vì phải phòng trừ cho cả hai. Bệnh đốm lá do nấm, làm tiêu dễ bị suy dinh dưỡng, ít chuỗi và cà phê rụng quả non niều hơn. Có thể pha boocdo 1% phun cho cả tiêu+cà phê.

    • Những cây tiêu rụng lá, cây xơ xác thì có nên cắt ở gần gốc của tiêu để tiêu ra mới lại không bạn. Tiêu già rồi không biết có được không nữa.

  24. Chào bác Vịnh! Cháu muốn hỏi bác nhà cháu mới trồng tiêu bón loại phân gì tốt nhất cho tiêu con ạ. Cám ơn bác.

    • Tiêu con cần nhất là bón lót phân hữu cơ ủ hoai, càng nhiều càng tốt.
      Bón thêm không gì hơn là sinh học biogel đổ gốc để tiêu con bung rễ mạnh hơn.

  25. Các bác giúp cháu với ạ. Tiêu nhà cháu bây giờ có vài trụ có hiện tượng héo héo và vài lá trên cây tiêu bị cháu đen cuống . Ngoài ra cây không vàng. Cho cháu hỏi đây liệu có phải bệnh chết nhanh không ạ. Các bác giúp cháu với ạ. Cháu xin cảm ơn

  26. Cháu chào bác!
    Bác cho cháu hỏi là vườn tiêu cháu giờ bị bệnh vàng lá (vàng dần từ gốc, lá vàng dần từ đầu đến cuống)… lây ra gần như cả vườn. Cháu đọc trên mạng thì hình như là bệnh vàng lá chết chậm. Có rất nhiều loại thuốc nhưng cháu không biết loại thuốc nào mới thực sự hiệu quả. Bác có thể hướng dẫn và chẩn đoán giùm châu bệnh của cây và thuốc đặc trị không ạ… chác xin cảm ơn bác nhiều!

    • Bạn có thể sử dụng các thuốc gốc đồng, gốc nhôm hay các loại thuốc diệt nấm có 2 hoạt chất Mancozeb+Melataxyl phun và đổ gốc để trị bệnh vàng lá chết chậm, xử lý kép.
      Tuy nhiên, cần kiểm tra rễ xem có nốt sần của tuyến trùng làm tổ thì kết hợp xử lý luôn.
      Bạn cũng cần phun bón lá sinh học để trợ sức cho tiêu.
      Cảnh báo bạn không dùng các loại phân hóa học vào lúc này nhé !

    • Cám ơn Trung Anh nhiều nha! Mình sẽ áp dụng thử xem.

    • Cho mình hỏi thăm tiêu của bạn có dùng nấm đối kháng trichoderma để phòng bệnh không?
      Nếu có thì 1 năm bạn bón gốc mấy lần và xịt lên cây mấy lần? Cám ơn bạn.

    • Mình chưa dùng nấm trichoderma… ko biết tác dụng chính của nấm này có phải kháng khuẩn và diệt nấm ko nhỉ.

    • Vi nấm Trichoderma trong quá trình sinh trưởng sẽ tiết ra enzyme gây độc tiêu diệt các sinh vật khác nên được gọi là nấm đối kháng. Khoa học chỉ mới biết tricho có khoảng hơn 200 ngàn chủng khác nhau nhưng cũng ước định con số thực tế phải gấp hàng chục lần.
      Trồng tiêu mà không biết gì về vi nấm đối kháng tricho là một thiếu sót nghiêm trọng, rất đáng tiếc đấy bạn ạ.
      Mong bạn lên Net tìm đọc để nâng cao hiểu biết hơn nhé!

    • Tiêu là loại cây trồng đỏng đảnh, khó tính, mẫn cảm với sâu bệnh.
      Trồng tiêu mà không tự mình tìm hiểu những kiến thức nông nghiệp thì sẽ nhanh chóng ôm hận !

Gửi phản hồi mới

(?)