Bình Giã nguy cơ mất mùa tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 4

Hơn 1 tháng qua, nhiều vườn tiêu ở Bình Giã (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bỗng nhiên rụng nhiều bông hơn so với mọi năm, người trồng tiêu đang lo lắng về mùa tiêu có nguy cơ bị thất thu.

Ông Trương Đình An bên vườn tiêu bị rụng bông sớm.

70% vườn tiêu rụng bông

Ông Nguyễn Lưu Vương, cán bộ Ban nông nghiệp xã Bình Giã, huyện Châu Đức cho biết, xã Bình Giã có 418ha diện tích trồng tiêu, tuy nhiên hiện nay có đến hơn 70% diện tích vườn tiêu trên địa bàn xã bỗng nhiên bị rụng bông rất nhiều, cá biệt nhiều vườn có tỷ lệ rụng bông đến hơn 30%. “Nhiều chủ vườn đang rất lo lắng vì nguy cơ mất mùa”, ông Vương nói.

Ông Trương Đình An chủ vườn của hơn 4 sào tiêu ở ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã cho biết, năm nay vườn tiêu của ông ra bông không đều bằng các năm trước đã vậy, tiêu lại rụng bông rất nhiều, mặc dù ông đã sử dụng một số loại thuốc xịt để diệt các loại côn trùng chích hút, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Tương tự tại các vườn tiêu của ông Nguyễn Bảo Bình, Bạch Đình Cận tại ấp Vĩnh An, xã Bình Giã cũng bị rụng bông đến hơn 30%. Kỹ sư Tô Hữu Lộc, nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư nhận định, không chỉ riêng ở xã Bình Giã, mà năm nay hầu hết các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh đều rụng bông rất nhiều so với các năm trước.

Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Theo kỹ sư Lộc có nhiều nguyên nhân làm cho các vườn tiêu bị rụng bông, trong đó nguyên nhân hàng đầu là do thời tiết năm nay không được thuận lợi. Cụ thể là cơn bão số 1 vừa qua đã làm cho tiêu tại nhiều vườn bị kiệt sức, thêm vào đó thời tiết tại các đợt tiêu ra bông năm nay bị nắng gắt, mưa dập (nắng nhiều, mưa to) làm cho tiêu bị sốc. “Trong điều kiện tiêu vừa bị kiệt sức, vừa bị sốc thời tiết do đó bị rụng bông nhiều”, ông Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, trong trường hợp này người trồng tiêu cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý để cho tiêu có “đủ sức khỏe” – vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cần bón phân NPK theo tỷ lệ 16:16:21 để bổ sung đầy đủ lượng K giúp cho tiêu đậu trái hiệu quả hơn. Qua thực tế chuyển giao kỹ thuật ông Lộc đúc kết, hầu hết các chủ vườn tiêu thường bón phân theo tỷ lệ 16:16:8, cách bón phân như trên làm cho vườn tiêu xanh mướt nhưng kết quả đậu trái không cao.

Việc bón phân đợt 2 nên thực hiện sớm hơn ½ tháng (nhất là trong điều kiện cơn bão làm suy yếu vườn tiêu như năm nay) sẽ giúp cho các vườn tiêu kịp phục hồi có khả năng chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Người trồng tiêu nên sử dụng các loại thuốc như Co-Cyfos, comexyl, Cropcare… để diệt nấm và các côn trùng chích hút, đây cũng là những “thủ phạm” làm cho vườn tiêu rụng bông và trái.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
4 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. *Mất bò mới lo làm chuồng. Việt Nam là thế. Giờ tiêu nhà tôi nhiều bông quá mà không rụng bớt, không biết phải làm sao đây, khổ quá.

    *Dùng SaDa T chống rụng bông. Kiểm tra xem có bọ xít không mà xịt.
    Sau bão không chịu dùng DH phục hồi rễ giờ ở đó than. Lúc đó tiêu đã có bông đâu? Chẳng qua nó tổn thương rễ mà không chịu phục hồi thì giờ thấy hậu quả chứ sao.

  2. Do chăm sóc không đúng cách, nhất là khi thời tiết thất thường.
    Cũng không đơn giản như trong bài báo, cần phải học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm.

  3. Chào anh Vịnh: Xin anh nói cho bà con biết hai sản phẩm SaDa T và DH là của Cty nào, thuộc loại gì, và thành phần của từng loại để bà con tìm mua đúng sản phẩm hoặc loại tương đương. Cám ơn anh nhiều!

  4. Sada T là một loại phân bón lá bổ sung vi lượng, Vitamin C, Canxi, và các phụ gia khác. Chủ yếu là làm cho cây chắc khỏe tránh tháo khớp, rụng bông và trái non. Sản phẩm nhập khẩu từ Ấn độ. Còn DH phục hồi rễ chẳng qua là một loại phân đổ gốc làm cho rễ non phát triển mạnh đó mà, có thể dùng Amino hữu cơ sinh học đổ gốc thay thế cũng được. Sau bão cây thế nào cũng bị đứt rễ ta dùng cái đó là cây hồi phục. Vì lúc đó chưa có bông. Cây yếu thì làm so ra bông được, có ra cũng rụng thôi. Ráng để ý sang năm có bão nữa thì biết đường mà phòng.

Gửi phản hồi mới

(?)