Đánh thức tiềm năng sản xuất nấm

, Nông sản, Gửi phản hồi

Nấm có tên trong danh mục sản phẩm quốc gia được ưu tiên đầu tư phát triển, nhưng đến nay, ngành sản xuất nấm vẫn chưa khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có.

 Có thể xuất khẩu 1 tỷ USD/năm

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nước ta hiện nuôi trồng khoảng 16 loại nấm, sản lượng hàng năm đạt khoảng 250.000 tấn nấm tươi. Kim ngạch xuất khẩu nấm năm 2009 là 60 triệu USD, đến năm 2011 đã tăng lên 90 triệu USD. Dự kiến đến năm 2020, sản xuất tiêu thụ nấm tăng lên 1 triệu tấn/năm, tạo thêm 1 triệu việc làm cho lao động nông thôn và đưa giá trị xuất khẩu lên 450-500 triệu USD/năm.

Hiện nay, bên cạnh việc phục vụ nhu cầu trong nước, nấm Việt Nam đã xuất khẩu tới 31 thị trường trên thế giới. Giá nấm xuất khẩu sang các thị trường ngày càng tăng. Với lợi thế là nước có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên Việt Nam thuận lợi cho việc phát triển nghề trồng nấm. Ở các tỉnh phía Bắc, mùa đông lạnh có thể phát triển trồng nấm mỡ, nấm hương, nấm sò. Riêng thời tiết ở khu vực phía Nam thời tiết nắng nóng quanh năm có thể phát triển mạnh nghề trồng nấm rơm, linh chi, bào ngư, nấm mèo… Đặc biệt, Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp nên lượng phế phẩm như rơm rạ, cùi bắp, mùn cưa… rất lớn, lên tới 40 triệu tấn/năm.

Mặc dù có nhiều lợi thế như vậy, nhưng theo đánh giá của Cục Trồng trọt, ngành xuất khẩu nấm của nước ta đang thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định với số lượng lớn. Hiện các công ty trồng và xuất khẩu nấm lớn cũng chỉ có trung bình tối đa 0,8 ha nguyên liệu, còn lại đa số chỉ 0,4 ha. Đặc biệt hiện nước ta chưa có nhà máy chế biến nấm đạt tiêu chuẩn nên việc xuất khẩu nấm vẫn còn hạn chế.

Khai thác chưa hiệu quả lợi thế

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, sản xuất nấm nước ta còn kém các nước trong khu vực và trên thế giới cả về công nghệ, năng suất, chất lượng và sự đa dạng về sản phẩm. Sản xuất nấm còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính thủ công là chính; chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ thị trường còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, năng suất chất lượng nấm thấp nhưng giá thành lại cao nên làm giảm khả năng cạnh tranh với một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc…

“Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng ngành sản xuất nấm theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô công nghiệp; từng bước ứng dụng công nghệ cao có sự gắn kết chặt chẽ nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu nấm Việt Nam trên trường quốc tế. Làm tốt những việc này, ngành sản xuất nấm sẽ góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn”- Thứ trưởng Bổng nhấn mạnh.

Hiện nay, Cục Trồng trọt và Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp) đang soạn thảo đề án phát triển nấm ăn và nấm dược liệu đến năm 2020. Đề án này đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch phát triển ngành nấm trên cả nước, tăng cường hệ thống nghiên cứu, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài, đáp ứng mục tiêu xây dựng nấm là sản phẩm quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Gửi phản hồi mới

(?)