Người đem sức sống mới cho cây hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 43

Tây Nguyên, giữa những cơn mưa đầu mùa là những đợt nắng đến khô người kèm theo những cơn bụi đỏ. Nhưng khi bước vào vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Tình (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) lại thấy dễ chịu khác thường. Không chỉ là màu xanh của lá tiêu, khu vườn nhà ông còn có màu xanh của trụ tiêu được trồng bằng cây chùm ngây, sầu đâu, dưới đất là cây đậu dại phủ kín…

Muốn cắt bao nhiêu thì cắt

Hiện chỉ có 3.000 trụ tiêu, tương đương với diện tích 1,5ha nhưng quy trình sản xuất của ông Tình đang được Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê và các chuyên gia đánh giá cao vì yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường. Ông cũng chính là người đầu tiên của vùng tiêu Chư Sê trồng cây đậu dại che mặt đất, trồng cây sầu đâu, chùm ngây làm trụ cho cây tiêu leo bám thay vì trồng bằng trụ gỗ.

Nhiều vườn tiêu của vùng tiêu Chư Sê xin ông cây đậu dại về ươm trên mảnh vườn của mình. Có người đặt vấn đề mua đậu dại giống nhưng ông xua tay: “Muốn cắt bao nhiêu thì cắt. Cây này lớn nhanh lắm, chỉ cần vài tuần là phủ kín vườn đó mà. Có đáng gì đâu mà bán”.

Tháng 4-2010, cậu con trai đầu (hiện là sinh viên trường ĐH FPT) lên mạng, thấy được thông tin về cây đậu dại và in tài liệu này đưa cho cha xem. Khoảng một tháng sau, tình cờ đến thăm người bạn bên huyện EaH’Leo (Đắk Lắk), thấy cây đậu dại đang được ươm trong vườn, ông xin được ít giống đem về. Chỉ hai tuần sau, những cây đậu dại đã ra lá xanh um, bò lan mấy gốc tiêu. Ban đầu, ông không dám nhân rộng mà theo dõi tác động của cây đậu dại đến vấn đề dinh dưỡng của cây tiêu. “Sợ nó hút hết phân của cây tiêu nên không dám nhân rộng. Sau ba tháng, những gốc tiêu có trồng đậu dại không chỉ phát triển như những trụ tiêu khác mà lá còn xanh hơn, mặt đất ẩm hơn… Vậy là yên tâm”.

Ông nhân rộng giống đậu dại khắp cả vườn tiêu đang cho quả. Tuy không rõ lá đậu dại bổ sung dinh dưỡng cho đất như thế nào nhưng ông thấy loài cây này giúp mặt đất ẩm ướt khi trời nắng gắt, còn vào mùa mưa dầm hạn chế tình trạng xói mòn đất.

Ông Hoàng Phước Bính – Phó chủ tịch Hiệp hội tiêu Chư Sê đánh giá: “Không những không có hiện tượng xấu từ cây đậu dại mà còn có những tác động tích cực. Điều dễ thấy nhất là ông Tình đã tiết kiệm được chi phí tưới nước, làm cỏ. Chúng tôi đang vận động người dân phủ xanh vườn tiêu bằng giống cây dại này như ông Tình đã làm”.

Ông Tình với trụ tiêu sống bằng cây sầu đâu

Thích làm “nghiên cứu khoa học”

Cách đây hai năm, ông Tình mày mò tìm ra một giống cây khác cũng có những tính năng tương tự như cây chùm ngây nhưng có độ dẻo hơn, đó là cây sầu đâu. Ông cho biết: “Trong vòng đời của cây tiêu, nếu trồng trên trụ gỗ, trong vòng 10 năm đầu sẽ có năng suất cao hơn, còn nếu trồng trên cây sống năng suất thấp hơn. Nhưng tuổi thọ của tiêu trên cây sống sẽ dài hơn trụ gỗ ít nhất là 5 năm, cộng vào đó chi phí sản xuất thấp hơn. Tính ra, người trồng tiêu trên trụ bằng cây sống sẽ có lợi nhiều hơn”.

Ngoài việc trồng đậu dại để phủ xanh vườn tiêu và trồng trụ sống bằng sầu đâu, ông Tình còn là người đã nghiên cứu thành công “ghép tiêu với dây trầu”. Theo lời ông, trầu là loại dây leo chống được hạn, sâu bệnh, tuyến trùng và phát triển nhanh nên khi ghép với tiêu, sẽ có năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn vì chi phí sản xuất thấp. Ông thẳng thắn: “Tôi nghĩ sao thì làm vậy, nông dân mà. Vì chưa có kết quả cuối cùng nên không muốn ai biết, chỉ có trao đổi với anh em đam mê cây tiêu ở Hiệp hội tiêu Chư Sê để cùng tìm ra một điều mới mẻ gì đó cho cây tiêu”.

Ông thừa nhận nông dân trồng tiêu bây giờ được xếp vào hạng giàu nhưng “cây tiêu giống như con gái, đỏng đảnh và khó tính vô cùng”, chỉ cần một trận dịch là trắng tay chưa kể có lúc giá bán thấp hơn giá thành. Đã có nhiều chủ vườn phải bán đất trả nợ tiền mua phân, thuốc trừ sâu, xăng dầu… “Muốn sống cùng cây tiêu, tôi cho rằng phải theo phương thức sản xuất theo hướng bền vững”, ông Tình tâm sự. Giá trị bền vững, theo quan niệm của ông dễ hiểu: hạn chế những sản phẩm hóa học, ứng dụng các giải pháp sinh học… Bước đầu ông Tình đã làm được theo suy nghĩ rất riêng ấy, dù là một nông dân “không được học hành tử tế” như lời ông tự nhận.

43 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Kính gởi anh Nguyễn Vịnh.
    Theo yêu cầu của anh, tôi có tham khảo với mấy người mua bán tiêu và được biết cách tính giá tiêu ở Đồng Nai như sau;
    – Độ ẩm của tiêu được quy định là 15 độ và dung trọng là 500g/lít vina.
    – Ví dụ: đầu giá của cty thu mua 120.000đ/kg theo độ ẩm và dung lượng như trên. Nếu độ ẩm của tiêu đạt dưới 15 độ, thì mỗi độ được cộng thêm bằng 1% giá trị của sản phẩm (trường hợp tiêu 14 độ thì giá tiêu sẽ là; 120.000đ + 1.200đ = 121.200đ/kg).
    – Ngược lại, nếu tiêu có độ ẩm trên 15 độ thì mỗi độ bị trừ đi 1% giá trị của sản phẩm (tiêu 16 độ thì giá tiêu là:
    120.000đ – 1.200đ = 118.800đ/kg).
    Dung trọng cũng được tính như vậy (10g = 1 zem);
    – Tiêu có dung trọng là 510g/lít thì được cộng thêm 1 zem (120.000 + 1200 = 121.000đ/kg).
    -Tiêu có dung trọng 490g/lít thì bị trừ mất 1 zem (120.000 – 1.200 = 118.800đ/kg).
    Tôi biết tới đâu nói tới đó, rất mong sự đóng góp của các bạn.
    Chúc anh và gia đình sức khỏe, hạnh phúc.

  2. Cây đậu dại, còn gọi là cây lạc dại, được dùng để làm thảm thực vật trong các hoa viên và chống xói mòn, giữ ẩm, giảm bớt tưới, trong các vườn trồng cây đa niên. Ngoài các chức năng trên, nó còn góp phần cải tạo đất khi cung cấp cho đất lớp mùn thực vật giàu dinh dưỡng bởi thân và lá già hoai mục có chứa nhiều đạm, vì đây là cây họ đậu.
    Rất tốt để bà con trồng làm thảm cho vườn tiêu của mình.

  3. Xoan, xoan đâu, thầu đâu, sầu đâu, sầu đông… là một loại.
    Vỏ cây trị sán lãi, chốc đầu, ghẻ lở, sát trùng…(nên có chứa độc tố). Đông y gọi là “Khổ luyện căn bì”.
    Lá cây tươi hơ lửa cho mềm, giã lấy nước trị phong bạch điến, hay dùng để dấm (dú) trái cây, lót ổ cho gà ấp sẽ không bao giờ có mạt gà…
    Gỗ thuộc nhóm 5 khá đẹp, dùng làm đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất…
    Quả, trẻ con dùng ném nhau để chơi trò đánh trận…

  4. Theo kinh nghiệm của tôi thì cây sầu đâu/sầu đông làm cây trụ sống không tốt, vì cây này lá rất nóng, bộ rễ phá hủy đất làm chất đất ngày càng xấu đi, nếu bạn không tin thì sau 3 năm nữa xem vườn tiêu này sẽ trơ trụi.

    Cây trụ sống tốt nhất là cây lồng mức vì cây này rễ cọc, rễ ăn rất sâu nên không tranh chất dinh dưỡng với cây tiêu, và hơn nữa cây này chịu chặt tỉa vào đầu mùa mưa nên không gây ngã đổ cho tiêu khi gặp gió lớn và không che rợp bóng cho cây tiêu vào mùa nắng, đảm bảo che bóng cho tiêu ở mức độ 30% (đây là mức độ tán che cho tiêu tốt nhất).

  5. Nhưng cây lồng mức trồng cây con cho tới khi tiêu leo được thì lâu quá, trong khi đó nông dân trồng tiêu lại rất nóng lòng muốn ăn ngay cơ.

  6. Theo tôi được biết trồng nọc tiêu bằng: xoan (mùa nắng rụng lá hết,rất xấu đất),lồng mứt (lâu lớn, hạt bay đến đâu mọc đến đó, rất khó diệt, rễ cũng moc đươc cây con, cành rất khó giựt), cây anh đào (gió dễ đỗ ngã, rầy và rệp sáp nhiều), cây keo (nhanh lớn, trồng 1 năm đã trồng tiêu được, để lại một lượng đạm cho đất rất tốt, bạn thử nhổ rễ lên thấy nốt sần chứa đạm giống như rễ đậu nành, giựt lá làm phân rất tốt).
    Bạn muốn kiểm chứng thì nên tham quan từng vườn tiêu có các loại noc nêu trên rồi kết luận.

  7. Vườn lồng mứt là số 1, trồng lâu lớn nhưng không sợ bão, không phải neo cột, làm chồi rất đơn giản. Khi thu hoạch mang theo con dao rong thẳng lên chừa đọt lại, khi tiêu phủ trụ thì chồi không có cơ hội mọc, mỗi năm chỉ chặt 2-3 lần. Lá rất mau hoai mục và mát đất. Ít bệnh tật không sợ chết trụ. Tiêu leo lên là sung nhất.
    Gòn là số 2, trồng nhanh, mau lớn, làm chồi đơn giản, lá có thể tận dụng nuôi dê. Nhược điểm ăn phân nhiều, thường xuyên nạo và cột, thường xuyên giựt chồi.
    Trụ chết là số 3, không phải lo mấy cái vụ chồi bọng khỏe.
    Keo là thứ 4, tốt đất nhưng cũng là làm xấu đất vì loại cây này dân chăn nuôi dê rất khoái xin, một thời gian là làm xấu đất nhà mình thôi, cành lá xum xuê và giựt chồi hay dể lại cục lồi. Lồi đó kiến hay làm tổ, kiến nuôi rầy, rầy chích hút. Cố định đạm trong đất và không sợ bão.
    Bình linh giấy là số 5, gần giống lồng mứt nhưng ăn phân nhiều hơn và mau lớn. Làm chồi phải chặt chứ giựt không được.
    Anh đào là số 6, dễ trồng, cây lên không được đẹp, làm chồi khó, kiến, hay chết bất tử.
    Muồng là thứ 7, mau lớn, dể trồng, chồi nhiều, làm chồi cực.
    Cóc tía thứ 8, cây rừng, bà con ít biết đến không nên quan tâm làm gì, còn mấy thứ linh tinh kia là thứ 9.
    Chọn cây nào phù hợp với điều kiện vùng mình, điều kiện của mình là tốt nhất.

  8. Em không rành về trụ sống lắm nhưng em thấy ở Tây Nguyên nói chung chuộng muồng đen và keo hơn cả, lồng mức cũng có nhưng ít. Vài năm gần đây thấy cây hông nữa. Với tài liệu tìm được và theo hiểu biết của em thì em thấy cây hông là tốt hơn cả.

  9. Cây hông nghe nói hay chết bất tử lắm hả? Mua giống thì cao lúc bán gỗ ko có người mua. Người dân ở huyện Đắc-Hà tỉnh Kon Tum đang ân hận vì trồng cây này.

  10. Không biết cây mức có dễ sống không mấy bác? Em thuê người đánh rễ hàng trăm cây mà giờ không biết sao haa…

  11. Xin chào các bác!
    Thấy chủ đề có nói về cây trụ sống nên mình xin được hỏi tí xíu. Mình có một đám sầu đâu, người ta trồng lấy gỗ và sau đó bán rẫy cho mình. Cây sầu đâu đã lớn, có thể trồng tiêu được. Nhưng vấn đề là có nên để vậy để trồng tiêu luôn hay phá sầu đâu đi để trồng loại cây khác vì nghe nói cây sầu đâu không phù hợp để làm trụ sống cho hồ tiêu. Ai biết có thể giúp mình không. Cám ơn.

  12. Anh Minh Vịnh ơi ! Anh xếp chùm ngây vào số loại số 9 là tội lắm, bởi vườn nhà em trồng nhiều loại cây sống nên em biết : chùm ngây thân rất thẳng, đẹp, nhanh lớn, vỏ cây dày, nhám xù xì tiêu bám chắc không phải buộc, ít cành, lá thưa, không phải rong tỉa nhiều, tuổi thọ rất cao, ít rể ngang… rất tuyệt để làm trụ sống. Nếu vùng nào hợp với loại cây này thì nên trồng sẽ không phải hối tiếc. Rất tán thành ý kiến của anh: cây nào phù hợp với điều kiện vùng mình là nhất. Chào anh nhé.

    • Chào Giao!
      Tôi chỉ nói tới những cây trồng thông dụng vùng tôi thôi. Còn vùng bạn có cây gì phù hợp hơn thì vẫn tốt chứ. Tùy điều kiện ngoại cảnh thôi, thậm chí có người còn trồng chung với cao su, điều nữa cơ mà. Riêng vùng tôi thì chỉ có gòn và lồng mứt là chuộng. Gòn trồng nhanh, mấy cây khác hay bị xì mủ. Còn lồng mứt thì không sợ bão, thân nó cũng xù xì khỏi phải cột và chẳng sợ bệnh này bệnh nọ lây hồ tiêu. Rất ít khi chết nọc. Nhà tôi bị dịch vông 1 lần chết sạch trụ và cũng từng trồng cây không phải làm chồi như cây đọt nước nhưng tiêu leo cũng chết. Sau một thời gian trồng thì tôi thấy lồng mứt vẫn là tuyệt nhất. Có điều là nó rất lâu lớn và khó dưỡng chồi. Dưỡng không đúng cách cây sẽ không lớn. Làm gãy đọt cây cũng không lớn…

    • Đất nhà em ở Cẩm Mỹ – Đồng Nai, trồng cây trụ nào là được bác? Khi nào em mời bác xuống chơi nhà, tư vấn cho em giống tiêu, trụ cây và kỹ thuật nhé.

  13. Theo lời anh ThaiTuan là nên chặt bỏ thầu đâu và trồng lại cây khác mới được ah. Vậy là vườn tiêu của bác Tình ở Chư Sê coi như thất bại rồi nhỉ!

  14. Chào anh Vịnh, em cũng có trồng một ít lồng mứt nhưng hay bị gãy đọt, hèn chi nó không lớn nổi. Anh hướng dẫn giùm em cách dưỡng cây, dưỡng đọt nhé. Cảm ơn anh nhiều.

  15. Chào anh Vịnh! cây keo anh nhắc tới là cây keo dậu hay keo lại (keo tràm, keo tai tượng). Người ta nói keo lá nhỏ có phải là nói tới keo dậu không vậy anh?

  16. Em thấy ở xóm em và cả trong gia đình em nữa cũng trồng cây lồng mức và thấy rất tốt. Ở em thì người ta không đi bứng gốc về trồng mà là tự ươm bằng hạt. Mình cũng không cần trồng lồng mức trước chỉ cần trồng trước tiêu khoảng 2 tháng, còn tiêu thì cho bò vào trụ giả, nếu mình chăm sóc tốt thì chỉ sau 1 năm khi cắt dây tiêu thì mình đã có thể cho tiêu bò lên cây lồng mức. Nếu có anh nào hay chú bác nào muốn quan tâm thì em sẽ gửi ảnh qua cho coi.

    • Chào bạn cho mình hỏi bón phân nào là tốt cho cây lồng mức con. Còn bứng cây ở rừng về trồng thì cách trồng như thế nào vậy. Xin cảm ơn trước nha

  17. Chào chú Vịnh. Cháu hỏi chú là mùa nắng này mình có cần phun thuốc trị bệnh thán thư không chú? Tiêu nhà cháu đang thu hoạch mà thán thư nhiều quá? Cháu cảm ơn.

    • Chào cháu @chinh xuân phú
      Không việc gì mà vội vàng. Thu hoạch xong cháu kết hợp phun thuốc trị nấm gốc đồng để rửa cây, hãm nước luôn…
      Thân

  18. Theo tìm hiểu của tôi, xét thấy rằng trồng cây dậu dại (lạc) phủ đất chống xói mòn này rất hợp lí nhưng không biết anh Vịnh thấy thế nào khi tiêu rụng trái hay quá trình thu hoạch nếu tiêu rớt (đỗ) ra làm sao lượm (nhặt) lại?
    Còn cây sầu đâu trồng với số lượng ít trong vườn (bờ ranh) thì còn được còn trồng nguyên đám nên xem lại. Sầu đâu ăn xấu đất, lá nhiều ở mùa mưa, rụng lá trong mùa khô có hiện tượng xì mủ mà mủ dính vào dây tiêu là xong dây tiêu luôn.
    Ở Vũng Tàu có hiện tượng rệp sáp ăn ở rễ và gốc tiêu khó diệt lắm. Anh có thuốc gì đặc trị xin chia sẻ.
    Kính chúc gia đính anh và mọi thành viên làm vườn hạnh phúc và thành đạt.

  19. Chào chú Vịnh. Năm nay cháu tính xuốg ít tiêu không biết cây lồng mức nếu muốn mua thì ở đâu có ạ, và nên trồng tiêu ghép hay tiêu luơn dâm bình thuờng.

    • Chào @thanh.
      -Mua cây làm trụ sống tại các vựa bán giống cây lâm nghiệp.
      -Tôi cũng nghe nói nhiều về tiêu ghép nhưng chưa thấy có đánh giá một cách khoa học, cụ thể, mà chỉ mới nghe quảng cáo từ các trại giống. Bạn có thể trồng thử nghiệm một số cây để tự mình kết luận. Trồng tiêu lươn lâu bị già cỗi hơn.
      Thân

  20. Bác Vịnh nói đúng, cây lồng mứt là ok nhất. Nhà cháu trồng lồng mứt nhiều nhất, thấy được lắm.

  21. Chào Đông Triệu
    Cây lồng mức tuy là tiêu leo được nhưng mỗi lần đến mùa mưa rong càng mệt xỉu. Nếu trồng trên diện tích rộng thì chắc không có chỗ cho tiêu quang hợp. Là cây thân gỗ bộ rễ cũng khá nhiều đặc biệt rễ cám. Lợi bất cập hại, riêng mình không chọn cây này.
    Vài lời chia sẻ !

    • Thế bạn chọn cây gì làm trụ sống vậy tư vấn cho mình xíu

  22. Trong tất cả cây trụ sống cho tiêu leo mình thấy lồng mứt ít tốn công rong tỉa cành nhất.
    Hay là bạn @duongtam nhầm lẫn với cây nào khác?

  23. Anh Châu Phong nói cây luồng mức mà ít rong tỉa cành nhất thì em cũng không biết nói sao. Theo anh cây gì rong tỉa cành nhiều nhất !
    Thưa bà con, xin bà con chia sẻ để cùng nhau học tập

  24. Em không nhầm lẫn đâu anh Châu Phong !
    Trên em trồng Vông sau này vông bị ấu trùng xâm nhập lá non, gần như tuyệt chủng, cây keo lai (keo dậu), goòng, lồng mức, anh đào, bẹ thuyền, cóc rừng, bình linh giấy, ngoài ra còn có mít, cao su, cây trôm…
    Em đã kiểm chứng thực tế, so sánh ưu và nhược điểm của chúng chứ không đưa ra ý kiến bậy. Em còn biết nhiều loại cây khác nữa không chỉ bấy nhiêu đây thôi đâu.

  25. Theo tôi thì cây gòn là rong mệt nhất nhưng được cái là lấy cho dê ăn, cũng lợi. Còn riêng cây lồng mức thì rất ít rong, tiêu lại tự leo, khỏi cột. Quan điểm của tôi thì lồng mức làm trụ sống cho tiêu là số 1, nhược điểm là chậm lớn thôi, mùa mưa này ai trồng lồng mức thì cao gối mà ngủ khỏi lo gì bão.

  26. Xin kính chào bà con xa gần và chú Vịnh.
    Ở nơi em cây lồng mức có nhiều to nhỏ, lớn bé có đủ nhưng em không biết đào trụ cỡ nào là hợp lý nhất vì cây cỡ nào cũng có và kỹ thuật ươm sau khi đào về làm sao cho tỷ lệ sống cao nhất. Mong được chú Vịnh và mọi người giúp đỡ, xin chân thành cám ơn.
    Xin nhắc lại là cây to cao cỡ nào cũng có.

  27. Xin chào các bác. Vườn tiêu nhà em dùng cây gió bầu (trầm hương) làm nọc sống. Bà con có ai có kinh nghiệm lâu năm cho em biết ưu nhược điểm của loài cây này. Xin cám ơn!
    Em ở Bình Phước. Trồng xen canh trong vườn càfê, không trồng đại trà.

    • Mình có tham quan 1 vườn cây gió bầu làm trụ tiêu (gió bầu 6 năm tuổi, tiêu 3 năm tuổi). Mô hình vừa có tiêu ăn và bán được gió bầu. Nhưng mình thấy những vấn đề sau:

      01- Gió bầu chết rất nhiều, vườn có 3000 trụ nhưng chết còn khoảng 2000 trụ (trụ chết được thay thế bằng trụ gòn). Trước tết người ta trả 3 triệu 1 cây gió bầu nhưng chủ vườn không bán (tất nhiên trong vườn có cây lớn, cây nhỏ nhưng nếu bán hết gió bầu thì số tiền không phải nhỏ).

      02- Do mục đích cũng lấy gió bầu nên không rong cành để cho cây gió bầu lớn. Vì vậy mà tán tiêu nhỏ hơn bình thường cho nên năng suất cũng thấp hơn bình thường.

      Bạn cân nhắc mục đích của mình như thế nào (dự đoán cung cầu về cây gió bầu trong vài năm tới). Nếu gió bầu có thể bán được rồi thì bán luôn lấy tiền trồng tiêu thuần 100% hoặc vừa trồng gió bầu vừa trồng tiêu.

  28. Có bác nào trồng cây lồng mức lai cho cây tiêu chưa, em đang tính trồng nhưng không biết cây lồng mức lai có lớn nhanh hơn cây lồng mức thường không vậy. Bác nào dùng rồi chia sẻ cho em với, em đang tính trồng tiêu nhưng chưa biết trồng cây trụ sống nào là tốt nhất. Mong được các bác chia sẻ và tư vấn.

  29. Chào Chú Vịnh, cháu thấy cây lồng mức để trồng cho tiêu bò là số 1. Nhà cháu có trồng 1 vườn thấy rất tốt.

  30. Xin hỏi các bác. Vườn tiêu nhà em mới trồng tháng 6 năm nay nhưng nhìn rất còi cọc không phát đọt. Với tình trạng này em cần phải bón loại phân gì, hay xịt thuốc gì, để tiêu phát đọt và ra rể mạnh. Xin các bác chia sẻ cho em ít kinh nghiệm với. Em cảm ơn nhiều.

    • Sử dụng phân gì thuốc gì cũng tốt cho cây tiêu cả, miễn là tìm kiếm được phân thật, thuốc có chất lượng. Gặp phải phân đểu, thuốc dỏm thì botay.com.

Gửi phản hồi mới

(?)