Câu chuyện hồ tiêu

Hiện giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm và đang ở mức trên dưới 120.000 đồng/kg, giảm 30% so với thời điểm giữa năm 2016 và bằng mức giá của tháng 8/2011. Vì sao giá hồ tiêu lại giảm như vậy? Giá hồ tiêu sẽ giảm tới mức nào? Và, người trồng hồ tiêu đang suy nghĩ gì?

Cung đang vượt quá cầu?

Tháng 12/2016, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có một đoàn khảo sát sản lượng hồ tiêu tại các địa phương có trồng hồ tiêu để dự báo sản lượng hồ tiêu trong niên vụ 2016/2017. Từ những số liệu thu thập được, VPA dự báo sản lượng hồ tiêu của Việt Nam ước vào khoảng 180.000 tấn, tăng ít nhất 15% so với niên vụ trước.

Trong những năm qua, Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới khi chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu. Do vậy, chỉ cần Việt Nam tăng sản lượng, ngay sau đó, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới sẽ có xu hướng giảm. Giá hồ tiêu giảm trong thời gian qua, theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch VPA, do yếu cố cung vượt quá cầu.

Ngoài ra, giá giảm cũng một phần liên quan đến “yếu tố tâm lý”, khiến các doanh nghiệp ngại mua, trữ hồ tiêu mà nguyên nhân xuất phát từ những kiến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC).

Yếu tố tâm lý từ rào cản kỹ thuật

Theo VPA, dù Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua nhưng chất lượng hồ tiêu cũng đang trở thành một rào cản khi các thị trường lớn đang đưa thêm những “rào cản kỹ thuật” đối với mặt hàng hồ tiêu nhập khẩu, trong đó chủ yếu là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều này được thể hiện rõ nhất tại thị trường EU, thị trường quan trọng của hạt tiêu Việt Nam.

Cụ thể, trở ngại hiện nay đó là vấn đề dư lượng hoá chất Metalaxyl trên hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam. Trước đây, hồ tiêu xuất vào thị trường EU, lượng tối đa cho phép (MRLs) đối với hoá chất Metalaxyl là 0.1 ppm, nhưng năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đang kiến nghị áp dụng MRLs cho phép chỉ là 0,05 ppm. Nếu kiến nghị này được thông qua, hồ tiêu Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi xuất vào châu Âu.

Trong thư gửi VPA của Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) vào cuối tháng 1/2017, ESA cho biết, trong năm 2016, họ đã phân tích 799 mẫu tiêu đen Việt Nam nhập vào EU thì chỉ có 17% số mẫu có dư lượng tối đa dưới 0,05 ppm. Như vậy, nếu kiến nghị của EC áp dụng MRLs cho phép đối với hồ tiêu nhập khẩu được thông qua, hơn 80% lượng hồ tiêu xuất khẩu vào EU của Việt Nam sẽ khó khăn (năm 2016, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vào EU là 40.000 tấn, tương đương 23% lượng hồ tiêu xuất khẩu).

Nói như vậy mới thấy, chỉ cần một điều chỉnh trong lượng tối đa cho phép MRLs, hồ tiêu Việt Nam sẽ đối diện ngay khó khăn. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, việc EC muốn điều chỉnh lượng tối đa cho phép chất Metalaxyl là 0,1 ppm xuống còn 0,05 ppm là một hàng rào kỹ thuật hơn là lo ngại về vấn đề sức khỏe người tiêu dùng, vì với hàm lượng  Metalaxyl là 0,1 ppm được cho là bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng mà không cần phải xuống đến mức chỉ còn 0,05 ppm.

Tại một thị trường khác là Mỹ, nơi có lượng hồ tiêu xuất khẩu tương tự châu Âu, nhiều khả năng các nhà xuất khẩu cũng sẽ phải đón nhận những thông tin không vui. Theo VPA, cơ quan quản lý của Mỹ cũng cho biết đang chuẩn bị ban hành hàng loạt quy định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu trong đó có hồ tiêu.

Hiện các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu đang ở trong trạng thái chờ xem kiến nghị của EC có được thông qua hay không, mà như vậy, động thái của các nhà xuất khẩu trong nước là sẽ giảm lượng giao dịch. Điều này được thể hiện khi lượng hồ tiêu xuất khẩu trong tháng 1/2017 của Việt Nam chỉ đạt 8.000 tấn, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2016. Vì vậy, theo một số chuyên gia và doanh nghiệp, giá hồ tiêu giảm một phần do yếu tố tâm lý.

Có nên đầu cơ?

Hồ tiêu là một mặt hàng nông sản và giống như cà phê, hồ tiêu đã được giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa ở Ấn Độ và có thể tại Việt Nam trong thời gian tới, tức là hồ tiêu đang được mua bán ở hai dạng giao dịch hàng thật và giao dịch hàng giấy.

Nhiều doanh nghiệp và nông dân Việt Nam – thủ phủ của cây hồ tiêu thế giới, thường chọn giao dịch hàng thật. Câu hỏi đặt ra là với giá giảm như hiện nay, doanh nghiệp, các đại lý, người trồng hồ tiêu nên có động thái như thế nào?

Thông thường, quyết định bán của nông dân căn cứ trên dự báo giá hồ tiêu tăng hay giảm so với hiện tại. Trong trường hợp này, những bên liên quan dự báo là giá hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, và như vậy, theo quy luật, những người trồng sẽ bán hồ tiêu để không bị thua lỗ. Ngược lại, nếu dự báo giá hồ tiêu hồi phục, người trồng và nhất là các đại lý sẽ tranh thủ mua vào dự trữ, đầu cơ chờ giá lên bán kiếm lời.

Về lý thuyết là như vậy. Còn thực tế ở Việt Nam, thị trường hồ tiêu trong thời điểm này như thế nào? Đang có một đợt bán tháo hay có tâm lý giữ lại hàng chờ giá lên?

Bà Nguyễn Mai Oanh cho biết, hiện tại, người trồng hồ tiêu đang giữ hồ tiêu không bán ra nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu muốn mua nhưng không thể mua được. Như vậy, người trồng hồ tiêu vẫn cho rằng trong thời gian tới, giá hồ tiêu sẽ tăng trở lại. Trong khi phía VPA lại có dự báo ngược lại bởi những yếu tố như sản lượng trong nước và hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Theo VPA, việc nông dân giữ lại không bán khi giá đang giảm lúc này có thể là một quyết định “không khôn ngoan” vì chưa có những tín hiệu thị trường nào để bảo đảm giá tiêu sẽ tăng trở lại.

Ai sẽ đúng? Thời gian sẽ có câu trả lời tốt nhất.

Nguồn Vũ Hạ (baochinhphu.vn)

15 phản hồi cho bài "Câu chuyện hồ tiêu"

Châu Huế

Hiện nay Ấn Độ thu hoạch vụ mới chưa xong thì Việt Nam đã bắt tay vào thu hoạch.
Sức ép hàng vụ mới từ 2 nhà sản xuất tiêu thứ nhất và thứ nhì thế giới chắc chắn sẽ làm giá giảm.
Tôi nghĩ, qua tháng Tư, tháng Năm giá sẽ cao trở lại…

Nguyễn Toàn

Mọi người, mọi nhà ý thức về sản xuất để tự cứu lấy mình. Ngưng sử dụng thuốc trước hơn một tháng khi thu hoạch, có như vậy thì may ra giá tiêu sẽ cao trở lại. Hy vọng mọi người ý thức.

Châu Huế

Gía tiêu xuất khẩu nửa đầu tháng Hai này tệ quá, giảm gần 10% so với tháng trước.

VPA là tổ chức của những nhà kinh doanh, chủ yếu là ép giá nông dân để mua chứ có khi nào làm lợi cho nhà nông bao giờ đâu. Chẳng qua giờ các vị đang trữ tiêu nhiều quá nên lo sốt vó lên…

Huynh Tứ

Bạn nhà nông lưu ý : Tiêu đang thu hoạch mà bán ra ồ ạt thì tại ta tự giết ta.
Ví dụ : Tôi là nhà buôn, tôi mua với giá hiện tại là 110.000đ/kg nhưng hàng mua ko hết.
Tôi tự hạ giá xuống 105.000đ/kg hàng cũng vẫn dồi dào.
Tôi hạ tiếp còn 100.000đ/kg vẫn ko còn tiền để mua…
Theo tôi nên giữ hàng lại bán ít để xây xở, hoặc vay ngân hàng.
Có làm như vậy thì mới cùng nhau điều tiết và giữ giá tiêu đang đà tuột dốc.

Dan Viet

Phân tích kỹ thuật chỉ ra rằng mốc 110.000 VND/Kg là mức support. Nghĩa là khi tiêu giảm đến mức này thì người mua bắt đầu chấp nhận mua hàng. Giảm sâu hơn mức này thì sẽ có nhiều người giữ hàng lại không bán.

Dan Viet kêu gọi bà con tự cứu mình. Lúc này chỉ có nông dân mới tự cứu mình được mà thôi, đừng mong chờ ai khác nhé bà con.

Lưu anh quyên

Bài báo trên phân tích thị trường theo lý thuyết, không thực tế, nội dung như vậy vô tình làm người trồng tiêu hoang mang, tâm lý người dân sẽ bán ồ ạt, càng làm giá lao dốc. Bây giờ nông dân chúng ta hãy bình tĩnh không bán, nếu được vậy tôi hi vọng giá tiêu năm 2017 vẫn còn giữ giá.

Nguyễn Ngọc Cương

Theo tôi hiện tại đang trong mùa thu hoạch hồ tiêu, nên giá thu mua lúc nào cũng bị thấp cho tất cả mặt hàng nông sản. Vì người nông dân phải bán một lượng lớn nông sản để trang trải nợ nần…
Giá hồ tiêu sẽ tăng lại từ tháng 5 đến tháng 9 và kéo dài đến đầu vụ thu hoạch năm tới. Bà con nông dân nên tỉnh táo, hạn chế bán vào mùa đang thu hoạch.

Trịnh Văn Ba

Liên tục – các vị mua tiêu dạo – đến hỏi mua và rằng: “Bán đi, bán đi giá đang còn xuống thấp nữa”!
Tôi chỉ nói rằng : “Cảm ơn ! tiêu – tôi cũng coi như thóc trong bồ, ăn lúc nào xay lúc đó. Bây giờ chưa hết gạo – chưa bán”
Số người họ đang cố tình quậy cho thật đục nước, “đục nước béo cò” mà !
Hãy phát huy truyền thống nhiều năm nay của người trồng tiêu Việt – khi thật sự cần mới bán và bán nhỏ giọt !
Ta nhất định thắng !

Ngok

Cháu gặp nhiều người đi mua tiêu cũng nói vậy chú Ba !
Cháu hay hỏi vui : chị mua tiêu về nhập cho ai? đại lý nào ? sắp phá sản chưa ? tại sao họ biết giá còn xuống mà không đợi xuống thấp nữa rồi nhập ? Chắc họ sắp chuyển qua làm từ thiện hả ? Vậy là cháu được mấy cú nguýt dài dễ sợ luôn…

Dan Viet

Nhiều cty XNK đang chào mức giá này cho bạn hàng ngoại, họ đang lưỡng lự cân nhắc. Khả năng họ chấp nhận mua là 70%, khả năng họ chờ tiếp là 30%. Nếu bà con đồng lòng, giữ được giá này 3-5 ngày nữa thì sẽ có nhiều người mua chấp nhận mua mức này.

Dan Viet

Giá Ấn Độ giảm chỉ liên quan đến thị trường nội địa của họ.
Mỗi năm họ chỉ xuất 18-20.000 tấn, chỉ bằng 1/10 Việt Nam và giá của họ đang cao hơn VN nhiều. Họ đang đánh đòn tâm lý lên nông dân VN, mỗi ngày cái sàn giao dịch Cochin chỉ giao dịch vài tấn tiêu bà con đừng theo họ nhé. Họ không theo mình thì thôi chứ mình không có bất kỳ lý do gì để theo họ cả.

Thật vui khi bà con đã giữ vững được phòng tuyến thêm một ngày nữa dù đang lúc thu hoạch.
Hy vọng những đồng nghiệp khác cũng vào diễn đàn chia sẽ góc nhìn của mình để bà con vững lòng.

Bạn hàng ngoại có vẻ lung lay nhiều rồi, bà con cố lên nhé.

Châu Phong

Riêng tôi, tôi cám ơn Ấn Độ. Vì giá tiêu của họ cao ngất ngưởng nên đã góp phần lôi kéo giá tiêu Việt Nam lên. Nếu không có vị thế tiêu Ấn Độ, 8 năm qua giá tiêu thế giới sẽ ra sao. Tất nhiên giá tiêu còn nhiều yếu tố nữa. Nhưng Ấn Độ không giữ được giá 10.000 Usd thì tiêu VN có lên tới giá 7.500 Usd không ?
Năm nay Ân Độ thu hoạch không đủ cho nhu cầu nội địa, nhưng kế hoạch của họ vẫn xuất khẩu khoảng 20.000 tấn lấy đâu ra. Tôi nghĩ họ sẽ nhập tiêu 7.500$ về ăn và bán tiêu của mình 10.000$. Nếu các bạn, các bạn có làm như họ không ?

Dan Viet

Hàng ngày mở trang Giá Tiêu, các bác hay thấy một dòng chữ chạy ngang màn hình thông báo về khối lượng và giá trị đã xuất khẩu được. Có thể nhiều người “thấy” nhưng không phải ai cũng “đọc” được ý nghĩa của dòng đó.

Hôm nay Dan Viet xin trình bày những gì mình “đọc” được từ dòng đó với bà con nhé. Trích dẫn câu này: “Khối lượng xuất khẩu tiêu 2 tháng đầu năm 2017 ước đạt 16 nghìn tấn và 112 triệu USD, giảm 19,8% về khối lượng và giảm 36,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016….”

Đầu tiên là GIÁ GIẢM có trước hay KHỐI LƯỢNG XUẤT GIẢM có trước? Cái nào là nhân, cái nào là quả? (Cái nào là quả trứng, cái nào là con vịt?)
Theo Dan Viet thì GIÁ GIẢM có trước vì quá trình giảm giá tiêu đã diễn ra từ năm 2016 kéo dài sang đầu năm 2017 do thị trường dự báo là năm 2017 cung vượt cầu, thêm vào đó là những tin tức bất lợi về việc EU dự định giảm MRLs Metalaxyl từ 0.1ppm về mức 0.05ppm, nếu điều đó thực thi thì 80% tiêu VN không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu EU,(giờ thì điều đó đã được tạm hoãn)

KHỐI LƯỢNG XUẤT GIẢM là kết quả của GIÁ GIẢM. Có thể hình dung ra như vầy: khi giá giảm, bạn hàng nước ngoài có tâm lý chờ đợi vì càng đợi thì họ càng mua được giá thấp hơn do đó họ có xu hướng đợi đến khi không thể tiếp tục đợi thêm nữa thì mới mua.
Về phía nông dân thì khi giá giảm đến một mức nào đó thì người dân giữ hàng lại không bán.

Cả hai yếu tố trên cùng góp phần làm cho KHỐI LƯỢNG XUẤT GIẢM. Nó chứng tỏ là sức đề kháng (khả năng giữ hàng lại chờ giá) của nông dân khá mạnh mẽ.
Tại thời điểm này thì giá tiêu VN đang chào thấp nhất thị trường tiêu thế giới, do đó, nếu bạn hàng nước ngoài muốn mua tiêu thì chắc chắn họ sẽ ưu tiên mua tiêu VN. Họ chưa mua vì họ chờ (hy vọng) giá sẽ giảm tiếp. Do đó, nếu giá tiếp tục giảm thì họ sẽ tiếp tục chờ. Họ chỉ mua khi có dấu hiệu giá đứng hay chuẩn bị tăng.

BÀ CON HÃY GIỮ GIÁ ĐỨNG THÌ KHÁCH NGOẠI MỚI MUA HÀNG.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *