“Chết” vì tranh mua, tranh bán

, Nông sản, 5

Tình trạng tranh mua, tranh bán của các doanh nghiệp xuất khẩu khiến nông dân bị ép giá, lợi ích của cả ngành hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực độc quyền của Việt Nam; còn mặt hàng gạo xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới… nhưng lại luôn bị ép giá. “Tôi chưa thấy mặt hàng nào độc quyền mà bị ép giá cả” – ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, bức xúc.

Độc quyền mà bị làm giá

Theo ông Toại, các doanh nghiệp (DN) trong ngành thủy sản đang cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nhiều trường hợp không có vốn vẫn lập DN, kinh doanh rồi chiếm dụng vốn của nông dân. Chẳng hạn, DN mua chịu hàng của người nuôi trồng thủy sản từ 30 đến 60 ngày, trong khi nông dân vẫn phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng, thành ra họ phải chịu lãi kép.

Thấy vậy, đối tác nhập khẩu cũng quay sang mua chịu hàng của DN xuất khẩu trong nước tạo thành vòng luẩn quẩn thiếu nợ đổ dồn lên nông dân. “Việc buông lỏng quản lý giá của cơ quan chức năng còn khiến các DN muốn bán giá nào cũng được. Lên máy bay, DN thỏa thuận với nhau bán giá 3 USD nhưng khi đến nơi, gặp đối tác nước ngoài, DN thản nhiên phá giá, chỉ bán 2,5 USD rồi quay về nước… ép nông dân hạ giá bán” – ông Toại bức xúc.

Điều cũng là mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu lâu nay nhưng ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, phải thốt lên: Ngành điều chưa bao giờ đau thương như thế này.

Hiện 50% điều nhập thô từ các nước châu Phi. Lúc điều có giá cao thì không sao nhưng giá giảm, chúng ta liền bị ép giá. Không ít DN vừa và nhỏ trong ngành phải phá sản vì nợ ngân hàng, bị ép giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đồng thời, DN ngành điều còn bị cạnh tranh gay gắt bởi DN Trung Quốc. Thương nhân Trung Quốc xông vào tận kho nhỏ nhất thu mua điều.

Tương tự, dù Việt Nam xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng cũng không tránh khỏi cảnh tranh mua, tranh bán. Quá nhiều đầu mối xuất khẩu, trong đó DN vừa và nhỏ thiếu vốn, yếu năng lực quản trị nên chấp nhận xuất bằng mọi giá gây khó khăn cho DN khác. “DN lớn xuất khẩu 150.000 tấn cà phê sẽ bán được giá cao nhưng với DN nhỏ chỉ xuất 20.000 tấn cà phê thì giá nào cũng xuất” – ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cafecontrol, nhận xét…

Khổ vì đối tác “giở trò”

Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam nhưng theo ông Đỗ Hà Nam, giao dịch hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này rất phức tạp. Trước đây, DN xuất theo đường tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro nên chuyển sang chính ngạch. Đến khi xuất chính ngạch, DN trong nước lại đau đầu vì phương thức thanh toán “đủ trò” của đối tác.

Từ yêu cầu đối tác trả tiền trước hoặc mở L/C qua ngân hàng cũng có thể bị đối tác gài tạo ra chất lượng hàng kém để DN trong nước không thanh toán được… Ở thị trường châu Phi, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng gạo Pakistan, Ấn Độ, Myanmar nhưng giá cước vận tải liên tục thay đổi làm DN trong nước khó cạnh tranh. Không ít lần DN trong nước bị ép giá, hợp đồng ký rồi nhưng đối tác vẫn đòi giảm giá…

Để giải quyết dứt điểm cảnh tranh mua, tranh bán trong ngành cà phê, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng phải có sự thống nhất, hợp tác giữa các DN. Hiện có khoảng 150 DN đầu mối tham gia xuất khẩu cà phê nhưng thị phần tập trung chủ yếu vào 10 DN lớn (chiếm 70% – 80% sản lượng xuất khẩu của ngành).

“Chỉ cần 10 DN này ngồi lại với nhau, đưa ra kế hoạch chung như xuất bán thời điểm nào, giá cả ra sao, kỳ hạn hợp đồng, kiên quyết không bán giá thấp… sẽ không bị ép giá” – ông Hải nói.

Hiện nay, xuất khẩu cà phê trên thế giới chủ yếu là cà phê Robusta, trong khi đây là mặt hàng chủ lực của Việt Nam, chiếm 60% sản lượng thế giới. Với thế mạnh này, DN trong nước có thể điều hành được giá thế giới nhưng đã không làm được vì tình trạng tranh mua, tranh bán.

Với ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị cần gom lại đầu mối xuất khẩu cá tra thay vì để 114 DN đầu mối xuất khẩu hiện nay. Trong số này, có khoảng 70 DN (chiếm tỉ trọng 80%) có nhà máy chế biến, nếu gom lại có thể giúp ổn định ngành cá tra…

Đua bán phá giá sẽ bị đào thải.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhận xét tình trạng DN tranh mua, tranh bán vẫn tồn tại, nhất là những DN vừa và nhỏ ít vốn liếng, vay vốn nhiều gây áp lực về tài chính. Đến khi DN khó khăn phải xuất khẩu bằng mọi giá, kể cả bán dưới giá thành, phá giá… đã đánh thẳng vào lợi ích của cả ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo thời gian, những DN nào làm ăn manh mún, chụp giật sẽ tự bị đào thải theo quy luật thị trường.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
5 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nhỏ thì lo chạy trường chạy lớp, lớn thì chạy chức chạy ghế, ra làm ăn thì tranh giành, chụp giật, tranh mua tranh bán để rồi ép giá bà con nông dân… Ôi, người mình giờ thế sao !

  2. Ở VN cũng thành lập hiệp hội DN này hiệp hội DN nọ để cho DN ra giá với nông dân chứ thực ra cũng tranh mua tranh bán, chụp giật vì lợi ích của riêng mình chứ có kể gì lợi ích của quốc gia, dân tộc,… là những khái niệm mơ hồ,… nói mãi cũng không hết!

  3. Bạn Châu Huế nhận xét sao mà hay thế. Thực trạng của XH là thế nói một đường làm một nẻo, giải pháp thì nhiều thực thi thì ít. Doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận nông dân kêu ca khóc lóc nằm đó chờ. Kể làm sao hết đươc bạn. Thôi đành chấp nhận. Ai bảo kiếp này làm nông dân. Phấn đấu kiếp sau làm sếp…hì ..hì. Thân chào đoàn kết.

  4. Bớ các DN VN ơi! Sống có tình nghĩa xíu cho dân nhờ với. Phải biết đoàn kết chứ kiểu này là chết nông dân rồi.

Gửi phản hồi mới

(?)