Đăk Lăk: Tan hoang vùng hồ tiêu ở Cư Kuin vì mưa lớn

, Nông nghiệp, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 12

(VOV- 03/11) Cơn bão số 12 kèm theo mưa lớn đang tiến vào gần bờ khiến người trồng hồ tiêu huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk đang hoang mang lo lắng.

Đợt mưa vừa qua, nước từ đồi cao su của Nông trường Cao su 19/8 Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk đổ về khu Trung tâm hành chính huyện, tràn qua Quốc lộ 27 và Tỉnh lộ 10 gây ngập úng khoảng 60 ha hồ tiêu và nhiều diện tích hoa màu của 3 xã Dray Bhăng, Hòa Hiệp và Ea Bhôk.

Tình trạng này đã diễn ra liên tục trong 3 năm qua, từ khi Nông trường Cao su 19/8 tiến hành tái canh hơn 700 ha cao su trên đồi cao, cùng với đó là việc xây dựng khu Trung tâm hành chính huyện Cư Kuin chưa có hệ thống thoát nước vẫn chưa được khắc phục.

Những gốc tiêu thối mục được nhổ lên.

Trái hồ tiêu xanh và rụng thành thảm dưới gốc.

Người dân xót xa nhặt nhạnh từng nắm tiêu non nhưng cũng chẳng để làm gì.

Dù đào hào sâu và be bờ nhưng không ngăn được ngập úng, vườn hồ tiêu này đã bị xóa sổ.

Nông dân đã đào hào sâu lút đầu người xung quanh để thoát nước nhưng vườn hồ tiêu vẫn không thoát chết.

Vườn hồ tiêu cho thu nhập hàng tỷ đồng giờ thành vườn hoang.

Dù cố gắng trồng lại, nhưng hồ tiêu vẫn tiếp tục chết.

UBND tỉnh Đăk Lăk đã phê duyệt phương án xây dựng hệ thống thoát nước khu vực trung tâm hành chính huyện Cư Kuin, với số vốn hơn 30 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được khởi công.

12 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Sự thực là mình thấy cây hồ tiêu bây giờ rất khó trồng, cho dù bạn có chăm sóc như nào, bằng hữu cơ hay dùng nấm đối kháng thường xuyên, tiêu vẫn chết. Vẫn chỉ là kinh nghiệm qua thời gian, chưa chắc chắn. Việt Nam xuất khẩu tiêu nhất thế giới mà không biết có các nhà khoa học nghiên cứu cụ thể về cây tiêu không nữa, không như nước ngoài họ phát triển gì là họ nghiên cứu về nó rất sâu. Cái gì cũng giải thích 1 cách khoa học.

    • Theo lý luận, bất kì việc gì xảy ra đều phải có nguyên nhân.
      Mọi sự việc ta biết, phải phân biệt được đâu là hiện tượng đâu là bản chất…
      Dùng nấm đối kháng tricho mà tiêu vẫn chết là do bệnh thâm nhập vào cây trước rồi. Đổ tricho không đủ cơ số, không đủ lực lượng để đánh bại được bệnh. Hoặc mua nhằm tricho đểu, chất lượng kém nên phải thua dịch bệnh là chuyện đương nhiên…
      Tại sao nông dân ở An Giang đắp đất ruộng lên thành luống, trên luống trồng tiêu dưới luống nuôi cá mà vẫn tốt ? Trong nước không tiềm ẩn, không chứa bào tử nấm bệnh để tấn công lên cây tiêu thì lấy gì gây bệnh ?
      Trên bài báo có tấm hình tiêu nhỏ mới trồng lại mà vẫn chết. Không biết bà con đã xử lý đất sạch sẽ chưa mà vội trồng lại ? Khi trồng đã phòng ngừa ra sao ? …
      Hay bên cạnh nhưng trụ đã chết vẫn còn những trụ rất sum suê.
      Nói như bạn @ trung thì ngay cả người đang sống cũng chưa chắc chắn là mình sống.

  2. Chưa có ý thức thu gom cành lá đem tiêu hũy trước rồi mới dùng thuốc xử lý sau thì không thể nào diệt sạch được bệnh. Sao lại còn vội vàng trồng mới làm gì, chỉ càng thêm tốn kém.
    Mầm bệnh, bào tử nấm bệnh ở trong cành lá các cây chết trên vườn mình đó chứ ở đâu ra nữa !

  3. Khổ cho bà con quanh khu vực Trung tâm Cư Kuin. Không thể trồng tiêu lại được nữa khi hễ có mưa là ngập. Tiêu không lây nhiễm mầm bệnh do nước mang tới thì cũng úng nước, ngộp thở mà chết…

  4. Tôi trồng hồ tiêu 17 năm rồi mà có chết đâu. 1 năm chỉ có xác suất chết 6 nọc tiêu trên 2 hecta. Nhưng phải đầu tư bai bản cho kỹ là không bị chết. Muốn trồng tiêu phải am hiểu và phải làm đúng cách bảo vệ bộ rễ. Không phải thấy người ta ăn tiêu mà mình đi làm càng, hậu quả khó lường…

  5. Trước năm 2016 tôi thu hoạch cũng 6 tấn nhưng đầu tư phân thuốc rất nhiều. Nhiều người chung quanh nói tại sao tiêu tôi trúng mùa, tại sao quanh cả làng không ai trúng tiêu như tôi. Rồi họ cũng ganh ghét, họ nói trời cho ông Thế trúng tiêu làm gì. Mà sao trời không cho làng xóm trúng… Họ hỏi thuốc men thì mình cũng chỉ. Nhưng họ trả lời nhà tôi nghèo không có tiền để đầu tư, chỉ chờ trời cho mà ăn thôi. Năm sau cả làng tiêu đều bị chết lai rai. Thậm chí có nhà chết sạch chỉ còn vài cây mà thôi.

  6. Bạn có kinh nghiệm làm tiêu không chết và trúng mùa thì chia sẻ cho bà con làm với. Nhìn thấy cảnh này xót lòng lắm bạn ơi…

  7. Hiện nay ở vùng tôi đã dứt mưa, nhưng nhìn tiêu có vẻ hơi vàng chắc là cần cho ăn. Giờ tôi nên chăm bón các loại phân thuốc gì, mong cộng đồng cho xin ý kiến. Cám ơn mọi người nhiều.

    • Thời điểm hiện tại là rất nhạy cảm với cây tiêu. Các bạn cần phải lưu ý !
      Khả năng cây hơi vàng do 2 nguyên nhân chính, bạn nên quan sát kỹ.
      1. Nếu sau vài hôm không thấy gì khác lạ nữa, bạn có thể đổ phân gốc và phun phân bón lá. Ưu tiên sử dụng phân sinh học, sinh học hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học vì hệ rễ còn tổn thương sau mưa dầm. Phân hóa học nên pha loãng để tưới với liều lượng thấp, chọn loại phân hỗn hợp có lượng N thấp.
      2. Nếu có hiện tượng vàng thêm, cần bươi nhẹ rễ ra để kiểm tra, vì có khả năng rễ đã bị nấm tấn công. Nếu xác định được, dùng thuốc trừ nấm xử lý ngay không để bệnh nặng thêm. Dùng thuốc hỗn hợp mancozeb+melataxyl, nên tham vấn kỹ để đạt hiệu quả.
      Các bạn cũng cần chú ý bổ sung, tăng cường nấm đối kháng tricho để phòng bệnh cho tiêu trước khi chuyển sang mùa khô.
      Có gì thắc mắc, chưa rõ, cần trao đổi kịp thời. Đừng để cái sảy nảy cái ung.

Gửi phản hồi mới

(?)