Gia Lai: Sau nợ nần chồng chất, nông dân trồng lại hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 2

Tây Nguyên đang vào vụ mùa xuống giống trồng cây hồ tiêu, một loại nông sản chủ lực. Sau làn sóng đổ bể, phá sản, bán cửa nhà vì hồ tiêu rớt giá thê thảm vào giữa năm 2020, người nông dân Tây Nguyên cần tính toán gì cho niên vụ hồ tiêu năm nay?

Trụ gỗ bán để trồng hồ tiêu ở huyện Chư Sê. Ảnh T.Tuấn

Huyện Chư Sê là “thủ phủ” trồng hồ tiêu của tỉnh Gia Lai với tổng diện tích gần 3.000ha, sản lượng trên 11.000 tấn/năm. Những ngày này, đi dọc Quốc lộ 14, dễ dàng thấy cảnh thương lái bày bán cột trồng tiêu, giống tiêu khắp nơi.

Anh Nguyễn Văn Lành – người dân xã Dun, huyện Chư Sê cho biết: “Từ tháng 4-6 năm nay, giá tiêu tăng liên tục, hiện giá 70.000/kg đã thôi thúc người nông dân gầy dựng lại cây hồ tiêu. Vụ mùa thu hoạch năm nay hầu như các chủ vườn tiêu đều có lời. Nay người dân muốn đầu tư trồng lại vườn tiêu sau nhiều năm bỏ bê, treo bảng bán đất đai vì tiêu rớt giá”.

Chị Hồ Thị Tình, người dân xã Hbông, huyện Chư Sê cho hay, điều đáng buồn hiện nay là thực trạng một diện tích lớn đất đai trồng tiêu đang bị ô nhiễm. Đất nhiễm độc sau thời gian dài người dân dùng thuốc sâu, phân bón không hợp lý. Và tình trạng sâu bệnh hại, nhiễm nấm…khiến hồ tiêu bị chết.

Nguồn tài chính của người nông dân vốn đã kiệt quệ sau thời gian tiêu mất mùa, rớt giá. Tình cảnh đổ nợ, trả tiền vay vốn ngân hàng cũng khiến nhiều nông dân còn dè chừng, lo ngại để bắt tay trồng lại hồ tiêu.

“Nhưng không biết trồng lại cây tiêu thì đất bỏ hoang hóa, nông dân chỉ biết đi làm thuê miền Nam. Giá tiêu tăng trở lại sẽ khiến người dân nỗ lực trồng lại tiêu theo hướng bền vững, hữu cơ hơn”, chị Tình chia sẻ.

Người dân đi mua tiêu giống ở “thủ phủ” tiêu Chư Sê. Ảnh T.Tuấn

Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, do mấy năm vừa qua, giá hồ tiêu rất thấp cho nên càng đầu tư vào vườn tiêu thì càng bị lỗ. Khi đầu tư trồng mới lại vườn, các chủ vườn lưu ý không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết, chọn đất phù hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu.

Người dân cần chọn giống tiêu tốt, nên trồng xen canh hơn là trồng thuần. Nên trồng tiêu trên cây trụ sống, để cỏ trong vườn tiêu, không nên làm sạch cỏ. Chăm bón vườn tiêu theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu phát triển bền vững và ít bị sâu bệnh hại.

“Người dân không nên dùng các cột tiêu cũ đã bị nhiễm nấm bệnh, nếu dùng thì nhất thiết phải vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ mới trồng”, ông Bính nói.

Thực tế, lượng lớn sản phẩm hồ tiêu thời gian qua không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (AVFTA). Bởi còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, theo ông Bính, người nông dân trồng hồ tiêu cần theo hướng sản xuất bền vững hữu cơ để phát triển lâu dài.

Vài hộ dân ở huyện Chư Sê đã trồng theo mô hình hữu cơ, tuy nhiên hiện chưa có cơ quan chức năng nào có thẩm quyền đi thẩm định, kiểm tra, khảo sát để cấp giấy phép chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn.

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho rằng, có thể khẳng định trong vài ba tháng tới cho đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá cả sẽ tốt dần lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, lịch sử thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều chu kỳ lên xuống giá. Chu kỳ gần nhất từ năm 2001- 2006 là chu kỳ giá xuống, chạm đáy vào năm 2006. Từ đó, giá bắt đầu đi lên cho đến năm 2015, giá đạt đỉnh là trên 200 ngàn/kg hồ tiêu.

Từ năm 2016 giá tiêu bắt đầu đi xuống cho đến năm 2020 thì giá chạm đáy, đỉnh điểm là vào tháng 4.2020 giá tiêu chỉ còn 34.000/kg. Từ khoảng tháng 4.2021 đến nay, giá tiêu bắt đầu chu kỳ tăng giá, hiện tại lên 70.000 đồng/kg, dự báo tiêu tiếp tục tăng lên 100.000/kg đến cuối năm, giá sẽ tăng theo chu kỳ.

2 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Phản hồi không hợp lệ !
    Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.

Gửi phản hồi mới

(?)