Giatieu.com tiếp tục giới thiệu chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc tiêu của anh Trịnh Văn Ba, một nông dân trồng tiêu giàu kinh nghiệm ở tại thị trấn Ea K’Nốp, huyện Ea Kar, Đăk Lăk. Bài viết đúc kết sau nhiều năm quan sát, tìm hiểu nguyên nhân làm hồ tiêu rụng bông, rụng quả và chia sẻ một số kinh nghiệm ngăn chặn hiệu quả để cộng đồng tham khảo.
Ba nguyên nhân gây rụng bông, rụng quả Hồ tiêu gây thiệt hại lớn – biện pháp phòng ngừa.
Chào cộng đồng Giatieu.com. Chào các bạn !
Nguyên nhân gây rụng bông, rụng quả ở cây hồ tiêu thì có rất nhiều. Nếu không xác định đúng nguyên nhân sẽ không có biện pháp phòng ngừa đúng, không có cách chữa trị hợp lý. Phòng trị vu vơ sẽ thiệt đơn hại kép. Do tài liệu về chuyên đề này đã có rất nhiều nên trong khuôn khổ từ bài viết này, tôi chỉ đề cập 3 nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề nhất mà tôi và rất nhiều bà con trồng tiêu đã từng gặp để cộng đồng tham khảo.
1.Gió phơn
Loại gió này thường xuất hiện vào khoảng cuối tháng Ba đến tháng Sáu âm lịch hàng năm.
Đặc điểm : rất khô ; gió đi tới đâu sẽ làm cho độ ẩm không khí nơi đó xuống thấp cực kì. Do đó, vườn tiêu nào đang trong thời kỳ nở hoa thụ phấn gặp đợt gió này coi như gặp tai họa lớn.
Khi nở hoa tiêu cần độ ẩm rất lớn để bung bao phấn ; khô quá bao phấn sẽ không bung nổi và tiến trình thụ phấn sẽ diễn ra rất khó khăn. Hậu quả là rất nhiều bông không kết hạt sẽ rụng ồ ạt ; số còn lại sẽ bị răng cưa. bồ cào nặng. Gió phơn rất dễ nhận diện ; đó là, sáng sớm ra vườn ta không thấy các loại lá cây “ướt sương”như thường gặp vào mỗi sáng sớm. Gió này chỉ gây hại ở thời kỳ tiêu nở hoa thụ phấn. Gặp trường hợp này những biện pháp chữa trị trở nên vô ích.
Biện pháp phòng ngừa :
– Chủ động cho tiêu nở bông sớm, với điều kiện : Chủ động tưới, đủ thời gian cắt nước.
– Bón xịt các loại phân có chất điều hòa sinh trưởng, giàu trung vi lượng. Kinh nghiệm của tôi là không thể thiếu can xi –bo khi tiêu đang giai đoạn cựa gà. Chú ý thực hiên 4 đúng.
– Duy trì độ ẩm cao cho toàn bộ bề mặt đất vườn.
– Không rong tỉa cành nhánh của cây trụ sống vào thời điểm này.
– Vườn có trồng cây tươi che phủ như lạc dại hay các loại rau cỏ hữu ích khác thì càng tốt.
2.Sử dụng thuốc trừ bệnh gốc đồng khi tiêu đang mang bông, mang trái
Thuốc gốc đồng phòng trị được nhiều loại vi nấm gây hại trên cây trồng là việc rất bình thường. Nhưng với hồ tiêu chỉ sử dụng được ở những giai đoạn nhất định, như dùng để rửa vườn sau khi thu hoạch sẽ có tác dụng tốt. Trái lại sử dụng thuốc gốc đồng trên cây hồ tiêu vào những thời điểm khác sẽ gây hại, đặc biệt là làm rụng bông, rụng quả.
Mức độ thiệt hại tùy vào từng thời điểm xịt, liều lượng, thời tiết,… mà có mức thiệt hại khác nhau. Nặng nề nhất là xịt thuốc gốc đồng khi hồ tiêu đang mang bông hoặc quả non. Vài tuần sau xịt thuốc tiêu sẽ ồ ạt rụng. Vì rụng sau khi xịt thuốc một thời gian khá dài nên ta không biết được nguyên nhân chính và cái kết là chữa trị vu vơ, hại đơn hại kép. Chưa hết, sau khi rụng ồ ạt, sẽ tiếp tục rụng lai rai cho tới khi không còn gì để rụng.
Số quả còn lại trên cây sau lần rụng đầu tiên rất chậm lớn, quả to quả nhỏ không đều. Người làm vườn nóng lòng – muốn tăng nhanh kích cỡ quả nên gia tăng chăm bón. Càng bón, càng xịt các dưỡng chất sẽ khiến cho quả càng rụng mạnh. Lúc thu hoạch sẽ chẳng còn được bao nhiêu. Quả bé, xấu mã, nhiều quả không có sọ… đó là cái kết chua xót.
Biện pháp phòng ngừa rất đơn giản: Không bao giờ sử dụng thuốc gốc đồng xịt cho tiêu khi đang mang bông mang trái.
3.Sốc nhiệt
Sẽ nhất nhiều bạn thấy lạ tai khi đọc 2 từ này với cây hồ tiêu. Vâng, tôi phải dùng 2 từ này mới phản ánh đúng.
Suốt thời kì mang bông mang trái – tiêu rất cần đủ nước để hòa tan khoáng chất các loại để nuôi cây nuôi trái và điều tiết nhiệt cho cây…. Để đáp ứng nhu cầu đó, ta phải thường xuyên tưới.
Vì nhiều lẽ, nên đa số chúng ta đang dùng biện pháp tưới dí. Không có gì đáng nói nếu như ta biết được mhu cầu của cây để tưới đúng lúc, đúng quy cách và đúng chỗ.
Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao, sẽ làm cây mất nước nhanh chóng. Buổi trưa và đầu giờ chiều nhiệt độ có thể lên tới 39 – 40 độ C hoặc hơn nữa, tiêu sẽ rũ lá. Xót quá, ta tưới cả lên trụ cho “mát”. Vài ngày sau, những trụ tiêu được tưới lúc này, kiểu này, quả sẽ thi nhau rụng.
Giống như một số nguyên nhân gây rụng khác, khi cây hồ tiêu bị tác động sẽ không rụng ngay lập tức mà phải có một thời gian nhất định bông mới chịu rời cành . Và rồi, do không rõ nguyên nhân nên chữa trị “vu vơ” thiệt đơn hại kép.
Tại sao ? Đơn giản là cây hồ tiêu bị sốc nhiệt ; bài học vật lý đơn giản ở bậc cơ sở : “….vật chất khi nóng thì nở ra, lạnh thì co lại…” Trong trường hợp này cây tiêu đang nóng, ta tưới nước làm lạnh đột ngột khiến cành co, bông co về tâm ; tầng rời giữa bông và cành coi như đã “xong”, chờ ngày rụng.
Biện pháp phòng ngừa : rất đơn giản – không tưới nước lúc nắng quá nóng.
Thưa cộng đồng, thưa các bạn !
Trong nội dung bài viết này, tôi nêu 3 nguyên nhân gây rụng bông, rụng quả, và chỉ nêu biện pháp phòng ngừa mà không nêu cách chữa trị ? Bởi vì hiện tại không có thuốc chữa và cách để trị, nếu mắc phải chịu hậu quả nặng nề.
Chút ít kinh nghiệm chia sẻ cùng cộng đồng và các bạn tham khảo.
Chúc các bạn tốt sức khỏe, tốt hồ tiêu, tốt mùa, tốt giá..!
Trịnh Văn Ba
Khối 11, thị trấn Ea K’Nốp, huyện Ea Kar, Đăk Lăk
Tác giả chia sẻ bài viết với cộng đồng giatieu.com, trích đăng lại vui lòng đừng quên ghi rõ nguồn gốc. Cảm ơn.
Nói thêm về thuốc trị nấm gốc đồng.
-Thuốc gốc đồng trị nấm rất hiệu quả, đã được sử dụng trong nông nghiệp hàng ngàn năm. Thuốc có tính kiềm nên tối kỵ phối trộn lung tung, tùy tiện. Đặc biệt, không được pha chung với phân bón lá có N cao hay các thuốc BVTV khác thường ở dạng acid nhẹ, sẽ làm thuốc bị trung hòa, mất chất.
-Sử dụng thuốc gốc đồng sẽ cung cấp vi lượng Cu liều cao cho tiêu, thúc đẩy quá trình già hóa, hình thành tầng rời, làm cho bông tiêu bị rụng. Tai hại hơn nữa là bà con thường phun thuốc quá liều.
-Sau thu hoạch, lựa chọn thuốc gốc đồng để rửa cây, xả lá, nhưng đó chỉ là phụ. Vi lượng đồng sẽ thúc cho cây ngủ sâu hơn để chuyển sang giai đoạn sinh thực, hình thành mầm hoa cho vụ sau mới là chính. Tất nhiên, có nhiều biện pháp khác nhau để làm tốt việc này.
-Pha boocdo cần loại sunfat đồng có chất lượng cao để làm thuốc diệt nấm. Loại chất lượng thấp hầu như chỉ làm tốt việc cung cấp vi lượng đồng cho cây mà thôi.
Đôi lời xin chia sẻ thêm cùng bà con.
Thân
Tiêu bị khuẩn lá thì phun thuốc gì được ạ
Bác không rõ khuẩn lá gì. Cháu chụp vài tấm hình gửi qua email bác xem nhé !
Không xác định được bệnh khuẩn gì thì dùng kháng khuẩn streptomyces là lựa chọn tối ưu.
Cám ơn kinh nghiệm đầy qúy báu của bác. Chúc gia đình bác luôn khỏe mạnh.
Tiêu ở xung quanh rẫy tôi (Chư Pưh – Gia lai) đã bắt đầu xuất hiện rụng trái non, nhìn mà thấy nóng mặt. Theo những gì tôi học được rụng trái có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân có lẽ là quan trọng nhất đó là nhu cầu dinh dưỡng ở cây. Tôi thường xịt phân bón lá định kỳ và thành phần loại phân đó phải có auxin và cytokinin. Tôi đã thử nghiệm và nhận thấy như vậy. Cảm ơn những tâm huyết của Chú Ba. Chúc Chú thật nhiều sức khỏe.
Tiêu xung quanh rụng trái non nhìn thấy chóng cả mặt, sao bạn không tư vấn giúp bà con với? Chỗ mình mùa này cũng rụng nhiều, mình nghĩ do mưa dầm làm ngộp rễ tơ, không hút được dinh dưỡng. Mình phun sinh học hữu cơ trợ sức liên tiếp 2-3 lần thì thấy không rụng nữa.
Đọc bài viết của bác cháu càng khâm phục bác rất nhiều. Ba ý kiến tuy thấy đơn giản nhưng rất nhiều người vướng phải trong đó có cả cháu. Cụ thể, vừa rồi vườn của cháu tiêu ra trái thấy cũng tạm nhưng do bị bệnh gỉ sắt, thán thư gì đó cháu mới hái một số lá ra đại lí bán thuốc nhờ họ tư vấn thuốc về xịt. Sau khi xịt một tuần theo chỉ dẫn của người bán thuốc thế là tiêu nhà cháu rụng trái ồ ạt, đến nay khoảng gần 2 tháng sau phun thuốc mà trái vẫn còn rụng lai rai, không biết đến khi hái còn được bao nhiêu. Buồn thối cả ruột nhưng không biết làm thế nào. Nay đọc bài viết của bác cháu mới vỡ lẻ. Một lần nữa xin cảm ơn bác đã chia sẻ kinh nghiệm cùng bà con. Chúc bác mạnh khỏe, thành công trong công việc và có thêm nhiều kinh nghiệm chia sẻ cùng bà con.
Chào cộng đồng giá tiêu. Cháu nhờ cộng đồng tư vấn giùm cháu câu hỏi này. Tiêu lươn cháu trồng lúc đầu lên khá đẹp, cao khoảng 50cm thì lá non bị thối đen sau đó thối đến lá bên dưới rồi rụng và rụng luôn cả đọt. Sau đó khoảng tháng rưỡi mà cây đó vẫn không phát triển. Cháu mong hồi âm của cộng đồng. Xin cảm ơn.
Cây bị thối hết rễ, không lấy được dinh dưỡng nên không phát triển.
Dùng thuốc BVTV xử lý sạch nấm bệnh. Có thể cây bị bệnh sớm là do thừa đạm. Đổ phân gốc sinh học biogel để giúp cây bung rễ mới, không cho thêm bất cứ thứ gì. Cần hạn chế các loại phân thuốc hóa học vào lúc này. Cây vẫn còn sống là nhờ khả năng tự dưỡng.
Trời mưa làm ngập úng, phân hóa học cứ đổ thì tiêu nào chẳng thối rễ mà chết !
Chào bác Ba và tất cả cộng đồng. Bác Ba và mọi người cho cháu hỏi xíu. Sau đợt mưa vừa rồi tiêu nhà cháu thấy có hiện tượng rụng trái. Theo bác thì có phải do mưa không ạ. Nhà cháu bón phân tổng hợp một tháng một lần nhưng đợt vừa rồi mưa nên giờ trễ khoảng tuần rồi chưa bón lại. Nhà cháu cung phun Bo 1 lần rồi. Mong được sự tư vấn của bác và cộng đồng… cháu xin cảm ơn
Chào cháu Thế Vũ !
Năm nay – do ảnh hưởng La Nina, mưa nhiều, mưa khủng khiếp quá ! Mưa liên tục nhiều ngày đêm không ngớt. Vườn nhà chú, nước dưới đất phụt lên nước trên trời vẫn sầm sập trút xuống. Kỳ La Nina trước, mưa cũng kiểu như thế này nhưng kém phần dữ dội so với lần này. Hậu quả là trên 90% tiêu trong vùng “Rũ váy áo ra đi”. Chú cũng đang rất lo. Tình hình này không chắc có bảo toàn được vườn tiêu như nhiều năm qua. Có thuốc trị sâu bệnh chứ không có thuốc trị úng nước. Hôm nay mưa đã tạnh nhưng nước ở rãnh vẫn đang chảy, vì vậy mà tiêu sẽ mắc một số loại sâu bệnh sau:
– Úng nước, thối mất nhiều rễ tơ.
– Các loại sâu bọ chích hút.
– Các loại nấm thủy sinh gây hại.
Hiện nay trời đang tạnh ráo tranh thủ xịt ngay các loại thuốc :
Kích thích ra rễ ; Canxi-bo
Diệt sâu bọ chích hút.
Diệt nấm gây hại.
Không bón gốc các loại phân hóa học.
Chuc cháu vạn sự như ý !
Cháu cám ơn bác nhiều. Chúc bác và gia đình nhiều sức khỏe.
Chúc cộng đồng những người làm tiêu “vượt úng” thành công ạ !
Những kinh nghiêm chia sẻ cùa bác Ba thật quý với cộng đồng. Nhân tiện cho cháu hỏi về cách trồng tiêu, mong bác và cộng đồng góp ý kiến giúp cháu. Hiện cháu đang trồng 1 hecta cà phê, tháng 4 năm sau cháu định trồng xen 200 trụ tiêu hiện cháu đã trồng được 100 trụ sống bằng cây gòn và 50 trụ đúc bê tông. Cháu không biết nên trồng tiêu bằng dây thân chinh (cành ác) hay trồng bằng dây lươn, loại nào tốt hơn. Mong bác cùng cộng đồng tư vấn giúp. Cháu xin cám ơn !
Trồng tiêu nào cũng được. Muốn nhanh thì trồng tiêu ác. Còn về cách trồng tiêu thì có rất nhiều tài liệu nói về vấn đề này rồi, bạn vào cửa sổ Trồng và chăm sóc tiêu để tìm hiểu thêm nhé.
Chúc bạn thành công
Chào cháu dilinh.caphe !
Chưa có nghiên cứu, khảo sát nào để khẳng định – trồng dây lươn hay dây ác tốt hơn. Ở vườn nhà bác trồng cả 2 loại, bác thấy năng suất, sức chống chịu, tuổi thọ… như nhau.
Trồng dây lươn vốn bỏ ra thấp nhưng công bỏ ra nhiều để đôn và bẻ ngọn, cũng vì thế mà cho quả chậm hơn so với tiêu ác.
Trồng tiêu xen cà phê ? Rất nhiều nông hộ đã trồng – đi thăm 1 số vườn bác cũng mê và làm theo. Nhưng vì hệ thống thoát nước không thể làm bài bản được, nên qua đợt mưa kéo dài vừa rồi có 1 số trụ lá tiêu thấy “buồn buồn” rồi. 100% số này là xen trong cà phê, còn vườn trồng riêng 100% bình an vô sự. Nếu đất nhà cháu thấm, thoát nước tốt thì hãy nên trồng. Đôi lời gửi cháu để tham khảo. Chúc cháu cung gia đình khỏe !
Cháu cám ơn bác nhiều. Chúc bác và gia đình nhiều sức khỏe!
Chúc cộng đồng một vụ mùa bội thu !
Cháu chào cộng đồng giatieu. Cháu cũng mới biết trang giatieu.com hơn 2 tháng, diễn đàn thật bổ ích. Cho cháu hỏi từ khi biết và nghe giới thiệu cháu có mua phân biogel đổ gốc và biosol xịt, hơn tháng nay cháu đổ 2 lần xịt 1 lần cho 250 gốc. Tiêu 250 gốc gồm 30 trụ 4 năm, 150 mới trồng, 70 trụ tiêu 2 năm cháu trồng xen trong cà phê. Không hiểu sao giờ lại ra bông giờ nên để hay bỏ số bông đó đi. Xin nói thêm là năm rồi cháu ko hãm được nên tiêu rất ít trái, cháu nghi do đổ phân biogel và xịt biosol nên mới ra như vậy. Giờ theo diễn đàn nên giữ hay để vậy kệ nó được trái nào thì được. Cám ơn diễn đàn.
Chào cháu @Tranloi cukuin
Vấn đề cháu hỏi rất hay !
Do cây được chăn bón đầy đủ nên sung sức, nhưng vì nuôi trái quá ít nên tiêu sẽ ra thêm bông trái vụ. Không sao cả, theo chú nên để chăm bón mà ăn.
Rất nhiều người không biết rằng tiêu thường ra bông mỗi năm 2 vụ, sau đợt hạn tháng 3 và hạn tháng 8. Đây cũng là thời vụ để phân biệt tiêu của Tây nguyên – Đông Nam bộ hay tiêu của vùng duyên hải miền Trung…
Ở Tây nguyên, muốn không ra bông trái vụ phải tập trung làm bông chính vụ cho thật đạt. Nếu tiêu nuôi ít trái thì mùa khô hạn trái vụ phải tưới nước giữ ẩm thường xuyên, đầy đủ. Để gốc bị khô, tiêu sẽ sinh ra acid absicic và chuyển hóa sinh trưởng sang sinh thực, nên tiêu sẽ bung bông vào tháng 10, 11.
Hy vọng trao đổi của chú giúp cháu rõ hơn.
Thân
Cháu chỉ sợ mùa tới làm bông có ảnh hưởng gì không chứ thu hoạch 2 đợt thì không sợ tốn công.
Cám ơn chú.
Chào Tranloi Cukuin !
Ở vùng chú đã rất nhiều năm nay nó vậy ! Rất nhiều người, kể cả chú đã dùng rất nhiều biện pháp, nhưng vô ích. Năm nay nó ra lứa 2 nhiều và đẹp hơn lứa đầu, phải để thu : “Rộn ràng cùng Phú Yên”.
Điều chắc chắn là sẽ ảnh hưởng rất nặng cho vụ sau cũng như ý cháu đã tính đến.
Biến đổi khí hậu tác động đến hồ tiêu như vậy đấy ! Thân chào cháu !
Chào mọi người! Mình có 2.000 trụ tiêu ở Xã Sơn Thành Tây – Phú yên. Vườn tiêu mình năm nay ít bông do mưa thường xuyên không hãm được nước. Giờ thì thấy bị rụng bông nhưng ít. Mình đã phun và tưới gốc Biogel và Biosol nhưng vẫn còn rụng. Giờ phải làm sao đây, mong mọi người giúp đỡ.
Có nhiều nguyên nhân làm rụng bông. Phun và đổ gốc biogel+biosol cần theo tư vấn sử dụng, nhưng mới chỉ cải thiện mặt dinh dưỡng. Bạn xem xét thêm dấu hiện côn trùng cắn phá hay nấm bệnh làm thối cuốn để dùng thuốc BVTV hợp lý hoặc tham khảo kỹ bài chia sẻ kinh nghiệm của chú TVBa. Chúc bạn thành công.
Xin bổ sung ý kiến anh @ Hoàng. Muốn ngăn chặn tiêu rụng chuỗi mon bằng phân bón lá sinh học biosol phải xịt liên tiếp 2-3 lần, mỗi lần cách 6-7 ngày mói có hiệu quả.
Chào chú Vịnh, chào mọi người. Cháu thường hay vào xem trang giatieu.com để học hỏi thêm nhiều về cách trồng tiêu. Mùa mưa vừa rồi đây, cháu mới sục tuyến trùng xong, phòng ngừa các bệnh thối rễ, rệp trắng, nhưng sau khi sục xong thì có nhiều cây tiêu tơ mới 2 năm thì bị bệnh thối rể chết, cây đang xanh nhưng chết khi lá còn xanh, cây không ngã vàng mà thối rễ chết ngay trong mấy ngày trời nắng. Cháu đang phân vân là mình đã mua đúng loại thuốc hay chưa, vì ở trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trị nấm bệnh cho tiêu. Nay cháu viết mấy dòng này lên mong mọi người và chú Vịnh cho cháu lời khuyên và những loại thuốc trị nấm bệnh tuyến trùng và phòng bệnh chết nhanh. Cháu xin cảm ơn nhiều.
Xin chào các chú, các bác trong cộng đồng. Em đang gặp khó khăn và rất rối chưa biết sử lý như thế nào với vườn tiêu nhà mình, cụ thể là: Tiêu nhà em trồng đến nay là năm thứ 3, đất hơi bằng, mấy tháng trước tiêu nhà em có hiện tượng vàng lá dưới gốc rồi làn dần lên khoảng 1m so với mặt đất. Em bới gốc ra không thấy có hiện tượng tuyến trùng, trước khi thấy bị vàng là đầu mùa mưa em đã xử lý rệp sáp và xịt phòng tuyến trùng. Và khi thấy hiện tượng vàng lá em rất lo nên đã ra cửa hàng thuốc BVTV hỏi tư vấn và mua thuốc về xịt nhưng đến giờ vẫn không đỡ mà còn có hiện tượng khô lá (thán thư) nhiều. Việc bón phân chủ yếu em bón phân vi sinh, phân hóa học rất ít. Hiện nay em rất bối rối, chưa biết làm như thế nào rất mong các chú, các bác trong cộng đồng tư vấn chỉ giúp em với. Xin cảm ơn các bác các chú nhiều ạ !
Chào cháu vũ văn chuyển!
Tiêu bị bệnh – có rất nhiều nguyên nhân ; không ai khác – chủ nhân mới biết đich xác :
– Thiên thời
– Địa lợi
– Nước
– Phân
Những gạch đầu dòng trên rất ít chữ – nhưng nói cho đủ thì cả 1 cuốn sách dầy !
Bác chỉ nói gọn với chaú 1 số điều kiện mà mình có quyền lựa chọn .
– thiên thời- chọn vùng có thời tiết – mùa khô mùa mưa rõ ràng
– Chọn nơi nước thấm , thoát tốt ; tuyệt đối không trồng nơi pha sét nặng ( có nơi gọi là đất thịt )
– Nước – Đủ quanh năm không thừa không thiếu
– Bón hợp lý ; đúng , đủ – đừng bao giờ đưa các loại phân vào chính gốc
Vài ý trên bác nêu để cháu đôi chiếu – biết chắc nguyên nhân mới có biện pháp chữa trị hiệu quả – thân chào cháu !
Chào cháu Phan Mộng hồng – Nguyễn An !
Năm nay đặc biệt thời tiết La Nina làm khó người trông tiêu, mưa khủng khiếp. Tiêu rụng bông rụng quả do mưa nhiều, độ ẩm cao điều kiện bất lợi cho tiêu nhưng có lợi cho sâu bệnh phát triển mạnh. Có 1 loại sâu bọ chích hút sinh trưởng và phát triển mạnh trong thời điểm hiện tại làm rụng quả khủng khiếp khi mật độ quá cao, đó là bọ chữ thập (có nơi gọi là bọ thánh giá).
Thuốc lưu dẫn hai chiều mà vẫn “xúi ta sục”, mâu thuẫn ! Mưa nhiều, nước lắm, rễ bị hỏng nhiều, chỉ còn ít rễ khỏe, quý lắm. Khi sục sẽ mất thêm rễ đang khỏe bị đứt; cho nên cháu sục xong nó nhanh chết là hợp lẽ !
Dùng thuốc diệt bọ chích hút. Kích thich ra rễ bằng thuốc dâm chiết cành sinh học, vừa tưới kết hợp xịt. Sau đó dùng phân sinh học có hiệu quả cao, chất lượng tin cậy. Chúc 2 cháu được như ý !
Chào chú Nguyễn Vịnh và bà con. Năm nay tôi có trong hơn 1000 trụ tiêu và tôi dùng cây keo dậu làm cây trụ sống. Hiện tại cây keo tôi trồng có vẻ không được phát triển cho lắm nhưng vườn tiêu thì lên rất đẹp. Có nhiều người tư vấn với tôi rằng cây keo phải hẵm ngọn tầm khoảng 3,5 mét và không được tỉa cành thì thân cây mới lớn được, nhưng tôi thấy 3,5 mét thì quá thấp trong khi tôi muốn nọc tiêu cao phải tầm 6 mét mới được. Họ nói từ từ rồi nó sẽ cao lên chứ không phải ở tầm đó được. Tôi cứ phân vân không biết có đúng không, mong chú Nguyễn Vịnh và bà con ai có kinh nghiệm trồng loại cây này rồi chia sẻ giúp tôi
Chào @ tô mạnh tiến !
Cây keo dậu phát triển cũng rất nhanh. Nhiều người đã tư vấn nếu thường xuyên rong cành ở thời điểm 2 năm đầu cây sẽ rất chậm lớn, tới khi cây đạt tới chiều cao đã dự định thì bấm ngọn cho cây phát triển tầng cành trên cùng. Theo chú, họ đã tư vấn đúng. Nhưng 6 m thì cao quá, khó thu hái, chăm sóc !
Chú ý: khi rong cành ở thân trụ thì phải cắt sát vào thân. Mục đích cho vỏ cây nhanh phủ kín vết cắt và tránh được cành mới mọc ở những điểm đó gây khó cho việc rong tỉa về sau.
Thân chào !
Xin cộng đồng cho tôi hỏi về cách làm bông cho tiêu: Nhà tôi có trồng khoảng 300 nọc tiêu, giống tiêu trâu, năm giang. Năm nào sau khi thu hoạch xong cũng cắt nước, đến đầu mùa mưa bón phân làm bông nhưng cây rất tốt nhưng bông ra không nhiều, chỉ lác đác còn toàn chí lá là lá. Sau đó tiếp tục ra bông kéo dài đến tháng 12 nên năm nào năng suất cũng rất thấp. không đủ bù chi phí đã bỏ ra. Vây xin cộng đồng giá tiêu chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn giúp tôi cách làm bông cho giống tiêu này để đạt năng suất cho vụ sau với ạ.
Xin chân thành cảm ơn.
Làm bông đã có nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm và nhiều thảo luận, trao đổi của cộng đồng. Bạn đọc kỹ những bài này để vận dụng, vướng mắc chỗ nào cần nêu từng việc cụ thể để cộng đồng trao đổi thêm.
Sau hãm nước (cắt nước), bạn đã bón những loại phân gì, cách bón như thế nào ? Tôi nghĩ có thể đây là nguyên nhân vì tôi cũng chia sẻ nhiều về việc bón phân để làm bông chưa phù hợp.
Có thể do bón phân không đúng nhu cầu, nhất là bón quá nhiều phân hóa học chứa lượng N cao và không chú ý nhu cầu trung vi lượng..
Mọi người cho mình hỏi 1 ti, do mình chưa có kinh nghiệm trồng tiêu giờ gặp phải vấn đề này không biết bệnh gì. Mình có 1000 trụ vào kinh doanh, tiêu thì xanh tốt bình thường.nhưng ở các lá già thi bị hiện tượng thủng lỗ hình tròn, có lá thì bị hai ba lỗ luôn, bị cả vườn. Có đi hỏi vài nơi thì có người nói bị côn trùng cắn, người thì bảo dư phân. Mong mọi người cho ý kiến giúp mình. Xin cảm ơn.
Có thể do bọ xít lưới cắn phá.
Để thấy rõ cụ thể và chính xác hơn, bạn chụp vài tấm hình gửi về cho diễn đàn để cộng đồng dễ dàng góp ý giúp bạn.
Cảm ơn Trung Anh, Hoàng đã góp ý. Sau khi thu hoạch mình ngưng tưới nước đến đầu mùa mưa mưa được máy trận mình bón phân NPK Humix chuyên dùng cho cây tiêu, mỗi gốc khoảng 03 lạng, sau đó một tuần mình xịt phân bón lá 3 lá xanh của cty BVTV An Giang chung với thuốc trừ sâu. một tháng sau mình đồ phân bò đã ủ trichodema, mỗi gốc khoảng 10kg. khi thấy tiêu ra bông không đạt mính mua chai thuốc kích thích ra bông về xịt nhưng vẫn không hiệu quả. Xin moi người góp ý thêm cho mình với.
Xin cảm ơn !
Thời gian hãm nước sẽ diễn ra sự phân hóa mầm hoa, nôm na là chửa. Chửa nhiều hay ít cần có sự tác động, hỗ trợ. Khi mưa xuống thì cây chỉ việc đẻ, bón phân lúc này sẽ giúp cây khỏe, để bông dài, tăng khả năng thụ phấn… Bà con mình thường hay gộp việc phân hóa mầm với việc cây ra bông làm một nên tác động, hỗ trợ, chưa hợp lý.
Bạn đọc bài viết, và nhất là đọc phần thảo luận trao đổi của cộng đồng, để rút ra những điểm riêng ứng dụng cho phù hợp với cây tiêu nhà mình. Nói chung chung về phân thuốc khó có hiệu quả, nhất là bạn sử dụng phân hóa học, chất kích là chủ yếu thì không phù hợp với diễn đàn này vì cộng đồng giatieu.com hướng chăm sóc theo lối hữu cơ sinh học, hạn chế dùng các phân thuốc hóa học. Bạn cần bón phân phù hợp theo từng bước của tiến trình làm bông.
Hình như bạn muốn nói giống tiêu Nam Vang, nhập về từ Kampot Campuchia, đọc chệch là tiêu Năm Giang ?
.
Cảm ơn chú Ba, bạn Hoàng và Thanh Hà. Tiêu mình thường phun thuốc mùng (thuốc diệt muỗi) nên không bị côn trùng cắn. Mình nghĩ chắc là do mưa to quá nên bị rụng chuỗi. Tuần trước đã phun bo nhưng vãn còn rụng. Mình sẽ làm theo cách bạn Thanh Hà vậy.
Quan trọng là phải sử dụng đúng loại như diễn đàn giới thiệu để đạt hiệu quả mong muốn…
Chào cộng đồng mình thì không hiểu gì về thuốc hóa lắm. Mấy năm về trước mình đã dùng thuốc nhúng mùng để nhúng tum cao su và hom mì. Kết quả là sáu tháng sau. Tum cao su và hom mì có chết khô thì mối cũng không dám đụng tới. Chứng tỏ thuốc lưu lại rất lâu, vậy mà các bạn lại đem thuốc xịt lên trái tiêu thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đó. Mong các bạn hãy xem xét lại
Chào chú. Chú coi giúp vườn tiêu của anh bạn.
Từ hôm làm bông tới giờ chưa bón phân hay phun xịt gì hết. Nhưng 3 hôm nay xuất hiện hiện tượng như trong hình. Vườn không bị úng. Mong chú kiểm tra giùm.
http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2016/12/phuyen1.jpg
http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2016/12/phuyen2.jpg
http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2016/12/phuyen3.jpg
Khẩn cấp, tiêu bị chết nhanh.
Sử dụng thuốc mancozeb+melataxyl theo phác đồ đã trao đổi trên diễn đàn.
Có thể liên lạc với chú Ri phân phối biogel+biosol để mua được thuốc có chất lượng hơn.
Nấm bệnh đã tấn công lên toàn thân làm lá xanh rụng ồ ạt, phải nhanh chóng xử lý ngay.
Để muộn sẽ không chắc cứu kịp mà càng thêm tốn kém…
Chào cộng đồng giatieu.com
Cho cháu hỏi, cháu có 500 trụ tiêu 3 năm tuổi vì thời tiết ở Hoài Nhơn Bình Định mưa rất nhiều nên chuỗi tiêu rụng rất nhiều và có 1 trụ rụng lá xanh, chuỗi, rớt khớp, chết nhanh trong vòng 1 ngày. Khi cháu đào lên thấy nhiều ổ mối, rễ thối rửa đó có phải là bệnh chết nhanh hay là mối cắn rễ xin cộng đồng tư vấn cách phòng trừ. Xin chân thành cảm ơn !
Tiêu đã bị bệnh chết nhanh như bạn đã thấy. Tham khảo các thảo luận trao đổi trên diễn đàn để tìm biện pháp chữa trị kịp thời, hiệu quả, phù hợp cho mình.
Lo mua thuốc chữa trị nhanh lên chứ lúc này còn phòng làm gì nữa.
Chào @ Bùi Trung Việt !
Hơn 1 tháng nay, mưa lớn kéo dài ảnh hưởng rất tiêu cực đến cây hồ tiêu. Vậy mà cháu bị có 1 trụ là quá giỏi. Tiêu rụng nhiều do những lông hút của tiêu bị thối nhiều không cung cấp đủ dưỡng chất nuôi cây , nuôi quả.
Mùa này là mùa của các loại sâu bọ chích hút. Tranh thủ trời đang tạnh mưa, cung cấp dưỡng chất qua lá = phân sinh học tổng hợp. Ưu tiên kích rễ, tiêu diệt các loại bọ chích hút.
Thân chào !
Cảm ơn chú Ba và cộng đồng giatieu.com
Cháu đã đọc được câu trả lời của chú. Cho cháu hỏi với 1 cái trụ bị bệnh đó cháu có thể dùng thuốc hay cách ly xung quanh trụ hay là có thể đổ thuốc cả vườn luôn.
Cháu rất chân thành cảm ơn !
Chào Bùi Trung Việt !
Cả vườn bị 1 trụ – không hẳn là nó bị bệnh mà chỉ có thể bị 1 trong 2 nguyên nhân sau:
– Trụ này trồng trên đất ụ mối cũ. Đất này chủ yếu là đất sét, mưa nhiều tiêu nhanh thối rễ
– Dưới có mạch nước ngầm khi mưa nhiều.
Để an tâm, cháu nhổ bỏ cả gốc rễ lẫn cây mang đi tiêu hủy. Đổ thuốc đặc trị nấm bệnh vào khu vực trụ đó, nhớ đổ rộng ra 1 chút. Đừng bón vôi – hỏng thuốc. Có thể phun kỹ cho cả vườn, không cần đổ vì tốn công hao tiền , nên dùng các loại thuốc lưu dẫn sẽ tốt hơn.
Thân chào cháu !
Chân thành cảm ơn chú Ba đã hướng dẫn và giải trình giúp cháu. Vì điều kiện của cháu ở vùng sâu vùng xa nên không có kỹ thuật và cháu làm vùng này là đầu tiên nên không có kinh nghiệm cho lắm nên cháu đã nhờ chú và cộng đồng giá tiêu giúp đỡ.
Chào diễn đàn ! Cho tôi hỏi chút về lĩnh vực không phải cây tiêu. Vườn điều nhà tôi hiện giờ có cây bông ra hết chuẩn bị xả nhị, cây thì mới ra, cây đang rụng lá… Tôi tính mua biosol về xịt để bông ra nhiều, hạn chế rụng bông được không hoặc khi bông đang nở xịt có ảnh hưởng gì vì trên diễn đàn chưa thấy nói ai sử đụng cho cây điều. Vậy ai biết xin chỉ giùm. Cám ơn nhiều !
Nhiều bà con trồng điều đã trao đổi, thảo luận việc dùng biosol làm bông trên diễn đàn này rồi nhưng bạn không thấy là do chưa tìm đọc kỹ và đúng chỗ. Bạn vào trang giới thiệu phân bón sinh học biosol+biogel sẽ rõ.
http://www.giatieu.com/phan-bon-huu-cocua-tap-doan-synergy-an-do/5629/
Chú Vịnh Chú Ba với cộng đống cho cháu hỏi cách diệt trừ ốc sên hiệu quả cho cây tiêu với ạ. Nhà cháu mới xuống 200trụ tiêu mà ốc no cắn ngọn non nhiều lắm ạ. Ai có cách gì hiệu quả chia sẻ cho cháu với. Nếu liên quan đên tên thuốc hay vấn đề tế nhị thì gửi mail cho cháu cũng được ạ. Thevueakar@gmail.com
Mong được sự giúp đỡ của cộng đồng
Dùng loại thuốc bả để rải, hoặc thuốc bột hòa tan để xịt, có hoạt chất Metaldehyde.
Ra BVTV nói rõ thuốc trừ ốc sên mà mua.
Chào Thế Vũ !
Năm nay vùng chú cũng lắm ốc sên, mới có 2 năm nay, năm ngoái thì chỉ vài con năm nay nhiều quá !
Có lẽ năm nay chú không thả gà ra vườn nên nó tự do phát triển nhanh đến vậy. Gần nhà có anh hàng xóm đã dùng đủ loại thuốc rồi mà nó vẫn không hết. Bây giờ vẫn phải đội đèn đi bắt hằng đêm.
Đừng dùng thuốc, vô ích. Thả gà vịt vào vườn, gà thì nhặt kỹ hơn bởi nó bươi được nhưng nó lại phá quá ! Đội đèn bắt con to, gà vịt bắt con nhỏ… Sên ăn phàm lắm, phải diệt !
Chào cháu !
Chào anh Ba. Hiện nay đại lý thuốc BVTV có bán loại bả diệt ốc sên và con giời rất hiệu quả. Anh mua về rải vùng ốc nhiều, đêm đến ốc tìm đến ăn theo mùi dẫn dụ của bả sẽ chết sạch. Bả có mùi thơm nên ốc rất thích. Mấy năm nay ốc sinh sôi nhiều lắm, bắt không hết !
Thân chào PhucDo !
Vườn nhà tôi gọi là nhiều so với nhưng năm trước, chắc chắn là do tôi không thả gà tự do ra vườn ; còn vườn hàng xóm không có gà bởi vậy nên nhiều năm nay rất nhiều. Anh ấy đã nhiều lần đánh bả, phun thuôc nhưng sên không thể chết đành phải dùng phương pháp thủ công.
Tôi sẽ thả gà ra vườn – mặc dù nó bới móc để tìm thức ăn- nhìn vườn rất khó chịu nhưng đành chấp nhận.
Thân !
Năm ngoái ở trong thôn cháu cũng có ốc sên nhiều lắm, bà con rải thuốc mấy lần cũng không hết. Cháu ghé xin bác Nguyễn Vịnh tư vấn. Bác bảo cháu về nuôi thả mấy con ngan, nhưng phải chú ý khâu phòng bệnh vì gia cầm sẽ mang bào tử nấm đi lung tung khắp vườn, khó kiểm soát.
Chào Ngok
Giải pháp nào cũng có mặt trái !
Thả gia cầm ra vườn cho nó ăn ốc sên như anh Vịnh nói là giải pháp tối ưu !
– Sên nó bò khắp vườn, ăn lá tiêu, sẽ tăng khả năng nhiễm bệnh cho tiêu lên rất nhiều lần. Hại rất nhiều so với thả gia cầm trong vườn. Từ khi chú trồng tiêu tơi giờ chuyên thả gà ngoài vườn tiêu vẫn chẳng sao. Năm nay do hàng xóm có mấy con chó chuyên bắt gà nên đành nhốt để bảo toàn, sên lại phát triển mạnh. Ngan vịt không biết bới như gà nên hiệu quả diệt sên sẽ kém hơn.
Thân !
Cháu chào chú Vịnh. Cháu đã đọc được bài viết thử nấm Phytophthora palmivora của chú thấy rất hay cho cháu hỏi cách lấy đất ở cây bị bệnh hay đất ở cây không bệnh và độ sâu bao nhiêu. Hái lá già hay lá non thời gian ngâm là bao nhiêu cho đúng. Cháu rất mong sự hồi âm của chú. Chân thành cảm ơn chú!
-Lấy lá bình thường, không già quá. Thời gian cấy lá tối đa khoảng 1 tuần.
-Đất mặt gần gốc, chỗ cây chưa có biểu hiện bệnh mới cần kiểm tra.
Cám ơn chú Ba. Cám ơn mọi người. Cháu sẽ thử mấy cách đó xem thế nào. Theo cháu muốn diệt được nó chắc phải kết hợp thôi. Chứ cái bọn ốc sên này nó trốn kỹ lắm. Nhiều khi thấy phân của nó quanh trụ tiêu mà không thấy mặt mũi nó đâu cả.
Chúc cộng đồng sức khỏe ạ
Mưa nhiều quá nên tiêu nhà em bị nấm làm khá nhiều ngọn lá bị thối một phần, nhất là những lá ở nửa dưới trụ, kèm theo hiện tượng rụng bông rải rác. Xin các bác chỉ cho em hướng khắc phục kịp thời. Em xin cám ơn !
Trường hợp của bạn tương tự như của bạn @Bathong ở đây : http://www.giatieu.com/binh-thuan-ho-tieu-nhiem-benh-chet-hang-loat/8083/#comment-28351
Bạn cần xử lý nấm bệnh trước, có thể phun bón lá sinh học để trợ sức sau cách ly 4-5 ngày. Lúc này tuyệt đối không sử dụng phân hóa học bất kỳ, thận trọng với các loại phân núp dưới mác sinh học. Bạn phải thật cẩn thận mới hồi phục tiêu có kết quả tốt được, tránh để nấm bệnh dai dẳng kéo dài…
Cám ơn bác Ba đã chia sẻ những kinh nghiệm hay cho cộng đồng. Đọc bài viết của bác mà cháu thấy mình vẫn còn may. Chẳng là nhà cháu có ít trụ tiêu xen cà phê. Năm vừa rồi hạn quá chắc cây tiêu nó phân hóa mầm hoa đủ nên khi mùa mưa xuống cháu xịt cho nó 2 lần kích thích ra bông với đổ gốc 3 lần phân. Nó ra bông đặc luôn. Cách đây 3 tháng cháu hỏi mua sunfat đồng về pha boocđo xịt cà. Nó cho gói bột kêu là boocdo công nghiệp về chỉ việc xit, cháu xịt cả vào tiêu mà ko thấy rụng trái. Chắc nó bán thuốc dởm rồi.
Liều nhẹ sẽ không rụng nhưng có thể làm trái bị chai, không lớn được nữa…
Chào Bác Ba, chào diễn đàn. Cháu ở Eaknốp mấy tháng này mưa nhiều quá không tốt cho cây tiêu. Cháu nhờ diễn đàn hướng dẫn cho cháu cách chăm sóc tiêu sau mưa như hiện nay. Vì cháu thấy trời nắng lên ở một số nhà vườn tiêu chết rất nhiều. Cháu rất lo. Vườn tiêu nhà cháu đã xẻ rãnh sâu từ trước mưa rồi. Cháu xin chân thành cắt ơn.
Chào Nguyễn Nữ Hồng Tuyến !
Lần này là lần thứ 2 Ea Knốp đại nạn ! Cho dù đã có kinh nghiệm của lần La Nina trước, nhưng mưa lần này là bất khả kháng. Nhà nào cũng có tiêu chết, chết vì úng nước do mưa quá nhiều. Riêng nhà chú, đã 12 năm không có tiêu chết ! Năm nay “thủng lưới”
Mấy hôm nay vẫn có mưa ; tới đây sẽ có mưa lớn. Bây giờ đừng bón các loại phân gốc, ưu tiên kích rễ, phân sinh học bón lá. Dùng thuốc lưu dẫn đặc trị để trị nấm bệnh và các loài sâu bọ chich hút. Dùng phân hóa học bây giờ sẽ kích thích cho tiêu chóng chết và chết nhiều hơn !
Thân !
Bác Ba ơi! Ở khu vực 722 và 714, 717 tiêu chết rất nhiều cả vườn vàng ươm, héo rủ. Vườn nhà cháu được 450 trụ mà cũng tử trận 10 trụ rồi. Trời nắng càng to tiêu chết càng nhiều.
Hỏi mấy nhà có tiêu chết sao không đổ nấm đối kháng trichoderma để hạn chế nấm bệnh cơ hội mùa mưa.. Họ chỉ ậm, ừ… cũng có nghe nói nhưng chưa sử dụng. Hỏi tiếp, không hay chưa? thì…là…
Xin chào cộng đồng giatieu.com
Nhà em có vườn tiêu đang vào thu hoạch, lá tiêu có hiện tượng bị đốm lá. Nhìn kĩ nhũ nấm màu đen và có hiện tượng rụng trái, hầu như cây nào cũng bị. Xin diễn đàn hướng dẫn em cách trị được không ạ. Xin chân thành cảm ơn.
Chắc chắn bị nhiều loại nấm tấn công vào lúc mưa dầm. Tạm thời ngưng bón các loại phân thuốc, nhất là phân hóa học. Chụp vài tấm hình thật rõ gửi về email nguyenvinh@giatieu.com để xem xét cụ thể và có kế hoạch hỗ trợ giúp cho bạn.
Chào Nguyễn Tiến !
Tiêu đang vào thu hoạch rồi thì đừng dùng TBVTV nữa ; lãng phí công , tiền thuốc và còn để đảm bảo ATVSTP. Chờ khi thu hoạch xong xử lý bằng cách dùng thuốc gốc đồng rửa vườn – Thân !
Vùng Gio Linh Quảng Trị em cũng do mưa quá nhiều tiêu úng nước và nấm bệnh đã xuất hiện khá nhiều. Vườn em bị thối lá và rụng chuỗi, một vài dây bị chết, em đã xử lí Ridomil gold, còn một số người dùng phân bón Ong Biển nghe họ nói bón phân này không cần dùng thuốc trị bệnh nữa. Các anh chị có ai đã dùng phân bón này tư vấn dùm em…
Phân bón là thức ăn của cây nên chữa được nhiều bệnh, nhất là bệnh… đói !
Có lẽ bạn nên tham khảo những phản hồi này là đủ http://www.giatieu.com/gia-lai-phan-bon-thuoc-bao-ve-thuc-vatlap-lo-danh-lan-con-den/7980/#comment-27476
Chào @ ducquqangtri !
Đã xác định đúng là bị mưa nhiều úng nước – lông hút của rễ tiêu bị hỏng nhiều ; phân bón gốc có hay có tốt mấy đi chăng nữa thì dùng lúc này cũng trở nên độc hại. Chỉ dùng bón lá, kích rễ qua lá giống như ta bị bệnh nặng phải truyền dịch qua tĩnh mạch vậy ! Nhất là bệnh nặng về đường tiêu hóa !
Cảm ơn bác Ba và @ Ngok nhiều, khi trời ấm lên cháu có thể dùng biosol hòa với Agrifos400 phun lại lần nữa được không, bình phun 16 lít thì phối trộn thế nào cho hợp lý.
Chào cháu !
Liều lượng pha như hướng dẫn ghi trên bao bì ; đừng thừa, không thiếu – pha riêng các loại rồi đổ lẫn vào xịt ngay, nhớ xịt thật kỹ !
Cả nhà cho tôi hỏi có thể dùng chung thuốc Ridominl Gold với thuốc trị rệp được không vậy. Cám ơn cả nhà.
Còn tùy vào loại thuốc gì nữa, thường có ghi rõ trên bao bì… Nói chung, thuốc trị nấm nên sử dụng riêng mới đạt hiệu quả cao.
Các tiền bối cho mình hỏi năm ngoái mình trồng mấy chục trụ tiêu vô cây điều năm nay mùa mưa mới đôn 1 số trụ cũng lên đươc tầm 3m rồi nhưng có 4-5 dây tiêu thôi. Mà nhìn trụ nó ko được to mà nó cứ leo lên cao thôi. Giờ mình tính cắt đi để nó đẻ ra nhiều nhánh hơn, vậy mình cắt vào mùa khô này được ko? Xin các tiền bối chỉ giúp mình với.
Cấm ngọn để tiêu bung nhiều thân và nhánh ác hơn. Mùa khô cũng được, nhưng cần cung cấp đủ độ ẩm và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây sinh trưởng.
Xin chào cộng đồng !
Xin cho tôi hỏi tiêu non mới trồng bón phân gì cho mau phát triển. Tiêu nhà tôi trồng dặm những bụi bị chết ở vườn tiêu lớn nhưng khi trồng xuống tiêu con không phát triển được, cứ trồng được 5 tháng là tự lụi đi rồi chết.
Xin chân thành cám ơn !
Có thể do bạn xử lý những hố trồng lại chưa bảo đảm đúng kỹ thuật. Hình như bạn đã dùng nhiều phân hóa học làm tiêu con hư bộ rễ và cứ lụi dần. Bạn đã sử dụng phân sinh học biogel+biosol chưa vậy?
Chào @ thành phạm !
Căn bản là chưa xử lý đất đúng cách. Hãy tham khảo cách sử lý đất ở đây :
http://www.giatieu.com/chia-se-kinh-nghiem-phong-tranh-benh-tieu-dien-khi-cat-giong/6807/
Chào cộng đồng giá tiêu. Tôi mua giống ở vườn ươm về trồng, lá tiêu to, dày, ngọn màu xanh đọt chuối, xin hỏi cộng đồng đó là giống tiêu gì. Xin cảm ơn.
Thấy gì mà trả lời đây..?
Bạn cần gửi vài tấm hình để xem cụ thể hơn.
Xin diễn đàn tư vấn là khi tiêu chín bao nhiêu thì mình nên thu hoạch, ở đây chỉ nói đến tiêu đen tiêu xô thôi thôi nhé. Mong diễn đàn giúp đỡ, xin cám ơn.
Nếu không làm tiêu sọ chín đỏ thì chỉ cần thấy tiêu bắt đầu chuyển sang ửng vàng hoặc thấy chín lác đác là hái rộ được rồi… Để chín nhiều thì tiêu sẽ thơm hơn nhưng thường hại cây.
Xin chào chú Trịnh Văn Ba. Cháu ở ngoài Hà Nội muốn mua 50kg tiêu sạch mà khó quá, không biết làm thế nào, chú giúp cháu với.
Quảng Trị thiếu gì ! Sao phải vào tận Tây nguyên chỉ để mua vài chục kg ?
Nếu có người nhà ở trong này mua rồi gửi xe ra cũng được.
Chào bà con cộng đồng. Tôi có 500 trụ tiêu từ năm 3 bước qua năm 4. Tôi đã đổ tervigo theo định kì đầu giữa cuối mùa mưa nhưng tuyến trùng và mối cũng phát triển mạnh trong mùa khô, bà con nào biết cách điều trị hay xin giúp đỡ để tôi điều trị tốt hơn. Xin chân thành cảm ơn !
Tervigo là thuốc sâu hoạt chất abamectin gốc sinh học có phổ tác dụng diệt côn trùng khá rộng, nhưng khuyến cáo không được dùng sản xuất rau an toàn. Khi phối hợp với phân thuốc khác cần tham khảo ý kiến chuyên môn.
Kinh nghiệm của tôi chỉ dùng abamectin riêng lẽ mới có hiệu quả cao hơn.
Bạn lưu ý thuốc dùng trị sâu bệnh chứ không dùng để phòng !
Phần lớn sẽ giảm hiệu lực, giảm chất lượng, do các phản ứng hóa học xảy ra khi trộn chung. Cách tốt nhất là sử dụng riêng lẽ, có đủ thời gian cách ly cần thiết !
Thân chào Bùi trung Việt !
Tôi có thể diệt được rệp sáp, diệt được tuyến trùng – nhưng mối tôi chịu thua !
Vừa rồi – xử lý những trụ tiêu bị úng nước chết – khi cuốc nội trong tán trụ ; nhiều mối quá. Những tổ mối to thì bằng quả bưởi da xanh, nhỏ thì bằng trái ổi – nhiều quá ! Có những trụ có tới hơn 20 tổ to nhỏ như vậy ! Đó là giống mối nhỏ con. Còn loại mối lớn – thứ này hung dữ hơn, nó đùn lù lù lên nhanh hàng ngày trên nhiều trụ tiêu mà không làm gì được nó ! Thuốc chống, trị mối – Vô ích !
Tuyến trùng dễ trị hơn các loại sâu bọ khác – bạn hãy dùng loại thuốc có hoạt chất Carbosulfan vừa xịt vừa tưới, lần 2 cách lần 1 từ 5 ->7 ngày. Với cách này bạn có thể loại trừ được cả rệp sáp trên, dưới… các loại sâu , bọ chích hút, sâu ăn tạp khác. Thứ này tôi dùng đã nhiều năm chưa thấy “bị nhờn”.
Thân !
Chào diễn dàn!
Mọi người cho em hỏi: tiêu nhà em mới bung cựa ra lá non nhưng bị cháy đầu lá, lá trắng bạch, đọt bé tí là bệnh gì ạ?
Bác Ba ơi bác cho con hỏi, khi mình trồng tiêu đang thời kì ra trái thì làm cách nào để trái đậu và cách nào để chăm sóc cây trong thời kì này một cách tốt nhất ạ. Con cảm ơn bác và cộng đồng.
Bón phân các loại theo nhu cầu từng giai đoạn của cây, phòng ngừa sâu bệnh theo định kỳ hoặc khi thấy sâu bệnh xuất hiện. Ưu tiên dùng sản phẩm sinh học, hạn chế không lạm dụng hóa học để khỏi trả giá… thế thôi !
Nội dung bạn hỏi rất dài dòng. Không thể nói hết qua vài phản hồi…
Vả lại, cần biết bạn đã chăm bón cụ thể như thế nào mới tư vấn phù hợp. Bạn có thể trao đổi chi tiết hơn qua email với bác Nguyễn Vịnh theo địa chỉ nguyenvinh@giatieu.com
Tiêu vùng cháu rụng bông nhiều lắm, hầu như vườn nào cũng rụng, của nhà cháu cũng không tránh khỏi.
Cháu đang tìm hiểu nguyên nhân thì gặp bài này của bác Trịnh Văn Ba.
Cháu nghiền ngẫm kỹ, chí có dùng thuốc gốc đồng không hợp lý và bị sốc nhiệt là có thể.
Vùng cháu đợt rồi khá khô nóng, một số vườn có dấu hiệu héo rũ tính tưới nhưng lại dừng vì trên điện thoại dự báo có khả năng mưa, cuối cùng chả thấy mưa làm cây càng héo.
Thế là nóng ruột, bà con tưới đuổi bất kể thời gian…
Bà con có cách xử lý rụng bông non, chuỗi non vui lòng chia sẻ với cộng đồng. Cháu cám ơn ạ.
Tôi cũng đang bị rụng bông non tá lả nè!
Chưa tìm ra nguyên nhân, vì có cây rụng nhiều cây rụng ít, không bị đồng loạt…
Theo tôi, do thiếu các trung vi lượng và thiếu các sinh chất hỗ trợ. Trong các loại phân sinh học hữu cơ uy tín trên thị trường đều có đầy đủ các chất này !
Không hẳn đâu @Thanh Hà ơi.
Đầu vụ làm bông, tôi đã phun Combi vi lượng đầy đủ.
Hổng lẽ rụng bông vì ngộ độc hóa chất trong phân thuốc kém chất lượng…!
Vụ này khó đây. Ngộ độc phân thuốc làm cây rụng bông khá nhiều, rụng liên tục khiến sản lượng giảm tới 70-80%. Một số trường hợp rụng cho tới khi không còn gì để rụng !
Phát hiện sớm có thể giúp giảm thiểu phần nào, khó mà chữa hết được.
Thân chào Admin và cộng đồng hồ tiêu.
Rụng bông hồ tiêu phải nói là có vô số nguyên nhân.
Theo kinh nghiệm của mình trong 7 năm, tôi xin chia sẻ một số vấn đề:
Rụng bông do tiêu ra bông nhiều quá. Khi hãm nước làm cho cây suy kiệt dinh dưỡng, vào vụ bón phân thiếu cân đối, thiếu trung lượng, vi lượng, thừa đạm. Cứ thấy bông trổ nhiều là mừng, chủ quan không phun thêm phân bón lá.
Loại thứ hai là do côn trùng chích hút.
Loại thứ ba là “có lẽ chiều mưa”. Khi tiêu ra bông phải tưới liên tục, hai ngày tưới một lần. Nên tưới đêm càng tốt. Phần tưới nước có bác Ba đã nói rõ.
Loại thứ tư là do tán cây trụ rợp quá. Làm chồi rát quá thì cây trụ sống dễ bị chết. Nên chọn để tán cho phù hợp.
Theo kinh nghiệm của mình thì trong giai đoạn ra bông cũng có thể phun phân, thuốc bình thường, thực hiện 4 đúng. Nhớ bổ sung các axit amin nhé.
Vài dòng chia sẻ cùng cộng đồng.