Gia Lai: Xót xa thủ phủ “vàng đen” !

Vài năm trước, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên tăng cao chóng mặt, người nông dân như “say nắng”, tài sản có bao nhiêu, mang hết ra thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư. Khi diện tích hồ tiêu vượt tầm kiểm soát, cũng là lúc hàng loạt vườn tiêu chết trắng, không có cách gì ngăn cản nổi. 

Đọc thêm: >> Đăk Lăk : Nông dân lo lắng vì hồ tiêu chết

Và ngay thời điểm này, hậu quả để lại đã quá lớn: Nông dân trắng tay, lâm cảnh khốn cùng, nợ ngân hàng lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.

Cách đây 5 năm, đến xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai, ai cũng xuýt xoa vì không khí tấp nập, xe hơi, xe tải của thương lái đến mua hồ tiêu dập dìu, người dân hồ hởi, nét mặt tươi rói vì tiêu giá “khủng”. Khung cảnh ấy bây giờ không còn, thay vào đó là cảnh đìu hiu, vắng vẻ, hoang tàn, là những ngôi nhà khóa trái cửa, nằm im lìm giữa vườn trụ tiêu lạnh lùng chĩa thẳng lên trời.

Hầu hết các vườn tiêu ở Ia Blứ nói riêng, huyện Chư Pứh và cả tỉnh Gia Lai nói chung, trong tình trạng như thế này

Chết nhanh như bị dội nước sôi

Cách QL14, con đường đẹp nhất Tây Nguyên, chỉ vài cây số, xã Ia BLứ, không chỉ có giao thông thuận tiện, mà còn được thiên nhiên ban cho dải đất bazan màu mỡ, rất phù hợp cho cây hồ tiêu phát triển mạnh. Thời hoàng kim của cây hồ tiêu, Ia BLứ được coi là thủ phủ hồ tiêu của huyện Chư Pứh, mà Chư Pứh là huyện nhiều hồ tiêu nhất tỉnh. Nhờ cây hồ tiêu mà Ia Blứ từng là một trong những xã giàu nhất huyện, tỉnh. Nhưng nay, thay vào sự giàu sang xưa là cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

Từ QL14 rẽ vào con đường liên xã Blứ, chúng tôi thấy rất nhiều biệt thự, nhà tầng xen lẫn vườn tiêu, nhưng đóng cửa im ỉm. Hầu hết những vườn tiêu đã chết sạch, nhiều vườn đã nhổ hết trụ, chất đống, còn vườn để đất trống, nhưng không ít vườn, chủ nhân vẫn để nguyên trụ, chẳng buồn nhổ bỏ, nhìn như một bãi chông chĩa thẳng lên trời.

Theo chân ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch xã Ia BLứ, chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Hải, 58 tuổi, ở thôn Phú Hà. Một căn nhà xây khá to, nhưng cửa đóng then cài, cỏ mọc um tùm trước sân, anh Ngọc, cán bộ nông nghiệp xã Ia Blứ, cho biết, vợ chồng ông Hải là một trong số những hộ sản xuất rất giỏi, nhưng bây giờ cũng trắng tay. Ngồi trước căn nhà đóng cửa im ỉm chừng 20 phút thì ông Hải về, đất đỏ dính từ đầu, mặt, quần áo ông mặc đến chiếc xe cào cào.

Lời đầu tiên của ông sau khi gật đầu chào chúng tôi là: “Vợ chồng tôi nợ ngân hàng 1,6 tỷ rồi mấy chú à. Nhà này bây giờ của ngân hàng, họ muốn lấy lúc nào thì chúng tôi giao lúc đó”. Tôi hỏi: “Ngân hàng đến lấy nhà thì anh chị ở đâu?”. Anh đáp: “Thì vợ chồng tôi giao nhà, rồi dọn đồ ra ngoài kiếm cái chòi nào ở tạm thôi chứ biết ở đâu giờ”.

Trầm ngâm giây lát, ông Hải kể: “Vườn tiêu của tôi hồi trước, có thể nói là đẹp nhất vùng này, ai thấy cũng xuýt xoa. Nhiều người đến chụp hình lắm. Vậy mà trong vòng có 1 tháng thôi, nó chết sạch sẽ, không còn trụ nào. Chúng tôi làm đủ cách, mà không ngăn được nó chết. Chẳng khác gì tưới nước sôi. Đành buông tay!”.

Những căn nhà bị siết nợ, đập bỏ như thế này không thiếu

“Gục” theo tiêu

Ở thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Pứh, vườn tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Tám vài năm trước là niềm mơ ước của nhiều người. Chỉ trên một khoảnh đất nhỏ, gần 2.000 trụ tiêu được hai vợ chồng trẻ dày công chăm bón, trĩu quả nhưng giờ đây phải chứng kiến cảnh tiêu từng ngày chết rụi. “Nhiều cây chết nhanh đến nỗi lá khô vẫn dính sum suê trên trụ y hệt như bị chất độc hóa học”, anh Tám nói.

Anh Tám cho biết: “Cách đây 4 năm, bình quân mỗi năm vợ chồng tôi thu về hơn 1 tỷ tiền tiêu, lãi ngân hàng trả đúng kỳ, đáo hạn đúng hạn. Nên vay vốn dễ lắm. Còn 3 năm nay, cứ năm này khó khăn nhiều hơn năm trước, đến giờ thì chúng tôi “gục” thật sự rồi. Anh Tám cho biết, nghe đâu ngoài thị trấn đã có 4 người vì chịu không nổi áp lực nợ trong nợ ngoài nên đã uống thuốc độc tự tử.

Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Hồ Thị Hạnh (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã từng bước tạo lập được một cơ ngơi vững vàng nhờ cần mẫn trồng hồ tiêu. Song đáng buồn thay, việc chăm chỉ lao động, không ngừng mở rộng sản xuất lên đến con số 8.000 trụ tiêu đã để lại cho gia đình chị số nợ ngân hàng hơn 4 tỷ đồng.

Theo chị Hạnh, cứ năm nào làm có lãi là vợ chồng lại mua thêm đất để trồng thêm tiêu với hy vọng cuộc sống sau này đỡ cực, 5 đứa con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Không ngờ, sướng đâu chưa thấy, chỉ sau 3 mùa tiêu bệnh, gia đình phải suốt ngày bở hơi tai chạy đôn chạy đáo, chầu chực vay nóng đảo nợ ngân hàng, vay nguội trả nợ vay nóng, vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng kia. Và đến giờ, gia đình chị đã bất lực trước món lãi hơn 30 triệu đồng/tháng.

Nói về “thảm cảnh” của dân trồng tiêu, ông Văn Viết Sỹ, năm nay 69 tuổi, xã Ia Pal, thở dài: “Đàn ông trong độ tuổi lao động, bỏ đi các nơi làm thuê hết rồi. Đó chỉ là mới trả lãi, chứ tiền gốc nợ hàng tỷ đồng thì không trả nổi nữa”.

Ông Sỹ trồng 4.000 trụ tiêu, chết hơn 90%, số còn lại đang ngắc ngoải, khó sống. Thời thịnh vượng, nhà ông lúc nào cũng thuê hơn chục nhân công hái tiêu làm suốt mấy tháng liền. Nhìn sang căn nhà người em trai tên Văn Viết Nhân bên cạnh, ông Sỹ buồn rầu: “Vợ chồng nó, xây xong căn nhà thì đúng đỉnh điểm tiêu chết. Hết cách, nó dắt díu vợ con vào Bình Dương làm công nhân. Căn nhà ngân hàng siết nợ. Chỉ những thanh niên mới cưới vợ, ra ở riêng, chưa có sổ đỏ, không cầm cố được là không nợ. Còn 90% dân số của xã là nợ ngân hàng, ít thì 200 triệu, nhiều thì cỡ 2 tỉ đồng, 8-10 ngân hàng trên địa bàn vây quanh kê biên, phát mãi”. Nhiều hộ dân vay nợ tứ tung, dốc tất cả các biện pháp cứu sống cây tiêu. Có hộ bỏ hàng trăm triệu thuê cả kỹ sư nông nghiệp, rồi cũng chịu thua. Hồ tiêu vẫn không thể sống dậy.

Rất nhiều biệt thự, nhà to ở xã Ia Blứ cửa đóng then cài vì tiêu

Nói về hành trình cứu tiêu, ông Phan Hồng Sơn kể, thấy tiêu chết không có cách cứu vãn, ông dốc hết vốn liếng, mua một vạt đất sát bìa rừng, nơi rất ít người đặt chân đến và cách xa những vườn tiêu chết, để… trồng tiêu. Thời gian đầu, vườn tiêu lớn nhanh, xanh mướt… nhiều lãnh đạo huyện, tỉnh vào tham quan, hy vọng có cách cứu tiêu chết… “Nhưng khi tiêu sắp hái thì đổ ra chết hàng loạt”, ông Sơn kể, nét mặt rộ rõ sự xót xa. Bây giờ ở huyện Chư Pưh, nhan nhản các tấm bảng treo biển bán nhà. Trẻ con nheo nhóc, thất học vì gia đình đổ nợ.

“Người dân xã này xưa giờ chủ yếu trồng tiêu, giàu lên nhờ tiêu, và bây giờ trắng tay cũng do cây tiêu. Hiện nay, tiền dân nợ ngân hàng cả trăm tỷ. Đây là nợ khó đòi, vì dân họ vay đầu tư cây tiêu, mà tiêu thì chết sạch rồi, còn người dân họ buông xuôi, sẵn sàng giao tài sản cho ngân hàng, bỏ xứ đi làm thuê. Chúng tôi cũng đã báo cáo tình hình lên cấp trên để xin chỉ đạo…” Theo ông Lê Quang Vang, Phó chủ tịch xã Ia BLứ, huyện Chư Pứh, Gia Lai.

Đọc thêm: >> Phòng trừ dịch bệnh gây hại hồ tiêu khi thời tiết thay đổi

>> Ứng dụng xạ khuẩn Streptomyces sp trong nông nghiệp

Nguồn Báo Nong nghiep Viet Nam

21 phản hồi cho bài "Gia Lai: Xót xa thủ phủ “vàng đen” !"

Senca

Xót xa cho bà con quá !
Hiện nay cây tiêu ở Chư Pưh vẫn còn diện tích khá đáng kể. Nhưng bà con đã quen sử dụng phân thuốc hóa học, bất chấpt lời khuyên của nhiều người có thiện chí !

nhàn đắc

Vàng đen bây giờ thành vận đen năm nay ở Gia lai, ai có diện tích tiêu càng nhiều thì càng khổ.
Thời tiết mưa nhiều làm dịch bệnh bùng phát, cây tiêu không chịu nổi do mưa dài ngày. Khi nắng lên nhiều diện tích tiêu chết hàng loạt, nếu độc canh cây tiêu thì có bỏ nhà mà đi kiếm sống thôi vì khi thấy cây bị bệnh lại mất tiền cứu chữa nhưng chẵng ăn thua đành thêm cục nợ. Xin chia buồn với những ngưu phu săn vàng đen…

Hoàng Văn Lập

Thật lạ – thế những năm giá tiêu cao – lại trúng mùa – tiền thu nhập “vất” đâu hết ???
Tôi với trên 1700 trụ – chết lai rai, cũng còn trên 1000 gốc – năm 2017 thu 3 tấn, bán 50.000đ – lởi khiêm nhường 50 triệu – Ô HÔ ! Còn vụ này chắc 2 tấn (?)- tiêu 20 năm rồi già như tuổi tôi (1946) tương lai không biết ra sao ?

Loay bakdash

Tiêu chết vì lây nhiễm bệnh và nợ tích lũy. Điều này có nghĩa mùa tiếp theo sẽ là tồi tệ nhất trong vài năm…

Viet Bac

Mình thấy tìm kiếm các loại thuốc bvtv phòng chống sâu bệnh hiệu quả đâu phải quá khó… tuy rằng thị trường tràn lan thuốc nhái, thuốc kém chất lượng !
Có thể do quá trình chăm sóc đã lạm dụng “phân thuốc nổ” làm cây mất sức đề kháng, không chống chịu nổi khi gặp thêm thời tiết bất lợi nữa.

Ngoc Anh

Thực tế không đơn giản như bạn nói đâu…
Tiêu nhà mình bị bệnh, mình hỏi mua thuốc bvtv mà mỗi cửa hàng bán cho vài loại, chẳng ai giống ai cả. Mình rất hoang mang, đưa hình tiêu lên Phây hỏi thì nhiều ý kiến có vẻ càng trái khoáy hơn nữa. May mà có anh bạn của chị mình đến chơi, bảo mình vào tìm đọc ở trang giatieu.com nên mình mới biết và dùng xạ khuẩn xử lý bệnh hơn 1 tháng nay. Kết quả dùng sản phẩm Forge SP làm mình thực sự yên tâm !
Mong bà con trồng tiêu đã vào trang web này chia sẻ cho nhiều người cùng biết.

Dan Viet

Giờ mong rằng cả xã hội chung tay trữ tiêu để chặn đà giảm giá tiêu. Nông dân đuối rồi.

Nguyễn Thanh Tuấn

Bà con hãy bình tỉnh, theo tôi giá tiêu sẽ sớm khởi sắc trở lại thôi.
Chúc bà con năm 2019 sẽ được mùa, được giá trong đó có cả tôi nữa.
Hãy lạc quan lên bà con ơi, thua keo này ta bày keo khác…

ChuanVu

Giá tiêu thế giới đang suy yếu như giá cà phê.
Hy vọng qua tháng có hợp đồng mới sẽ đỡ hơn !

Xuân thanh

Chung quy lại là do bà con nông dân chết vì quá tham lam. Dầu tiên có 3ha thì lại muốn mở rộng diện tích lên 10ha, và cứ thế tiếp tục lên 20ha… Thiếu vốn thì đi vay, không đề phòng chuyện giá cả xuống thấp. Rồi dịch bệnh tràn lan. Nên cuối cùng chết là phải thôi. Nếu không tham mà chỉ làm 2 – 3ha thôi, rồi tiêu được giá có tí vốn góp lại cũng đâu đến nỗi phải phá sản như vậy.

Xuân thanh

Nhưng năm trúng mùa, trúng giá. Sao họ ko nghĩ đến chuyện tích lũy nhỉ. Mà cứ muốn vay thêm mở rộng diện tích… Rồi có người con mua xe hơi. Xây nhà to để khoe khoang, khoác lác là mình giàu. Bây giờ tiêu chết còn kêu ca gì nữa….

Tam Binh

Tham vọng thì vô bờ. Ai cũng muốn mình hơn người khác… lại còn có thêm thông tin kích động, đại loại như: trồng tiêu thu tiền tỷ, ngu gì mà không trồng… bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Tiền trong túi chưa có, phải đi cầm cố vay mượn nhưng lại thi đua nhau xây nhà, mua sắm xe cộ…
Được mùa thì lo trả tiền lãi vay mượn, mất mùa thì ra rệ đê là chuyện thường ngày…
Nông dân vẫn muôn đời khổ với lối tư duy cũ kỹ mà không thay đổi thì chịu thôi.

Senca

Tâm lý tiểu nông mà bạn. Thấy tiền ai chẳng ham muốn, nóng vội…

LongHoang

Giá tiêu rẻ vì bây giờ tiêu không hiếm, nhà nào làm vườn ít cũng vài ba bụi là có dùng và đem cho người thân rồi. Tiêu ác trồng lúc nào cũng có, không hiếm như 5 năm trước kiếm tiêu ác trồng phải đặt. Nói chung diện tích trồng tiêu quá mở rộng, trồng tiêu giờ cũng không quá khó và năng suất tăng gấp ba nên tiêu rẻ là chuyện bình thường và giá như vậy trong vòng 10 năm cũng là điều tất yếu.

Loay bakdash

Giá giảm như thế nào ?
Tất cả các báo cáo nói về sự tàn phá của vườn tiêu, cái chết của nó và sự bất lực của thuốc.

Nguyễn Hai

Bây giờ chỉ có cách giá tiêu phục hồi như trước đây mới cứu vãn cho nhà nông gỡ gạc lại chút ít. Nói thật, thấy cảnh này mà thương tâm cho bà con nông dân.

phan dương

Mấy bác thánh nổ mấy năm trước bảo chữa được bệnh hồ tiêu đâu rồi… Đi chữa dùm bà con ở Gia Lai và Đăk Nông cái.

Nguyễn Vịnh

Chào bạn.
Vấn đề tiêu bị nhiễm bệnh ra đi hàng loạt còn có rất nhiều điều để bàn…
Tiêu của một bạn nào đó bị chết không đáng kể, bạn ấy chia sẻ, ta không có cơ sở để cho rằng bạn ấy “nổ”.
Tôi chứng kiến một đại gia tiêu có hàng chục ha ra đi đồng loạt để phải tuyên bố “thề không trồng tiêu nữa”. Không có căn cứ để cho rằng đại gia đó chăm sóc kém vì tài lực vật lực vẫn dư thừa, không phải vay mượn. Trong khi gần đó, một nông dân chăm sóc bình thường chưa tới 1 ha mà vẫn không chết cây nào… Bạn thử nghĩ nguyên nhân xem !
Điều đáng nói nữa là bà con thường để bệnh đã quá muộn mới tìm cách xử lý.
Chỉ cứu khi cây mới bộc phát dấu hiệu bệnh chứ không ai cứu cây đã thối hết rễ, lá bắt đầu héo, sắp chết… Quan trọng là thường xuyên theo dõi diễn biến của cây để xử lý kịp thời. Đừng để quá muộn, tốn kém vô ích.
Lưu ý là, cho đến nay, nhà nước vẫn chưa công bố dịch bệnh cây hồ tiêu bạn nhé !
Thân

Dan Viet

@Chú Lập: Cháu thấy bây giờ là lúc nên tái canh, khi tiêu bắt đầu vào kinh doanh thì giá cao trở lại là vừa. Các bậc tiền bối đều tính như thế.
Trừ khi chú định nghỉ hưu tận hưởng cuộc sống.

quanghai

Bác Nguyễn Vịnh nói chí phải, ở chỗ cháu bà con thường chờ đợi hiện tượng dịch bệnh gây hại rõ ràng, thậm chí để chết một số cây rồi mới tìm cách xử lý.
Vả lại, do hiện nay giá tiêu thấp nên bà con lo ngại đầu tư tốn kém, không bỏ tiền ra mua phân thuốc xử lý diện rộng như trước đây nữa. Cháu thấy chính điều này đã làm khó bà con như bác nói… Lỡ muộn thì đành bó tay, có tiếc cũng không cứu vãn được !

miendong

Tôi thấy vùng nào bà con lạm dụng phân thuốc quá mức thì vùng đó tiêu rủ nhau ra đi ồ ạt, không có cách gì cứu chữa nổi.
Rất ngạc nhiên khi hỏi thăm mới biết nhiều bà con vẫn không quan tâm vi nấm đối kháng trichoderma là thứ gì mà…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *