Giá tiêu có dấu hiệu khởi sắc

Tháng lễ hội của Hồi giáo vừa kết thúc, đã có nhiều khách mua đến nước ta tìm kiếm nguồn hàng.

Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm 23/8, giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX tại thị trường Kochi Ấn Độ tiếp tục xu hướng suy yếu. Giá các kỳ hạn giao tháng 9, 10, 11 lần lượt lần lượt đóng cửa ở mức 41.785 Rupi/tạ, 42.395 Rupi/tạ và 42.755 Rupi/tạ, tương đương 7.512 USD/tấn, 7.621 USD/tấn và 7.690 USD/tấn, giảm xấp xỉ 2,6 % trong vòng 30 ngày qua.

Nguyên nhân giảm là do giá hạt tiêu kỳ hạn Ấn Độ đã bị đầu cơ đẩy giá lên quá cao khiến nhiều lần Ủy ban thị trường kỳ hạn Ấn Độ (FMC) phải lên tiếng chấn chỉnh để giá trở lại mức hợp lí hơn.

Giá hạt tiêu giao ngay của Ấn Độ song song với thị trường kỳ hạn giảm xuống mức 38.900 Rupi/tạ, tương đương 6.993 USD/tấn cho loại tiêu xô và 40.400 Rupi/tạ, tương đương 7.263 USD/tấn cho loại tiêu chọn, tức giảm xấp xỉ 4,6% trong cùng kỳ. Tuy nhiên nguồn cung cũng rất hạn chế, gần như chỉ nhỏ giọt. ( 1 USD = 55,6278 Rupi )

Các thương nhân buôn tiêu trên thế giới cũng rời thị trường Ấn Độ đi tìm nguồn hàng giá thấp từ các quốc gia sản xuất khác vì cho rằng giá tiêu của nước này đang quá cao.

Trong khi các quốc gia Hồi giáo vào tháng lễ Ramadan nên gần như không tham gia thị trường thì tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế thế giới lên các thị trường còn lại khiến sức tiêu thụ hạt tiêu nói riêng và các hàng hóa nông sản khác cũng giảm mạnh.

Đồng thời sức ép của nguồn cung cũng sụt giảm khi Brazil và Indonesia, hai quốc gia sản xuất tiêu lớn của thế giới thu hoạch và đưa hàng vụ mới ra tham gia thị trường.

Thị trường hạt tiêu nước ta trong thời gian qua cũng trầm lắng, sức thu mua của các nhà kinh doanh xuất khẩu gần như không có nên giá cả chỉ xao động nhẹ không đáng kể.

Tháng lễ hội của Hồi giáo vừa kết thúc, đã có nhiều khách mua đến nước ta tìm kiếm nguồn hàng. Một số thương nhân đến từ Ấn Độ và Thái Lan cho biết, nghe lượng cung của ta còn dồi dào nên họ hy vọng có được mức giá phải chăng trong khi cước phí vận chuyển hàng hóa ngày càng đắt đỏ.

Giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500g Gr/l-FAQ được chào giá 6.400-6.450 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ chào giá 6.700-6.750 USD/tấn, (FOB), tăng 350-400 USD so với tháng trước.

Trong khi tiêu trắng loại 630Gr/l-FAQ chào giá 9.050-9.100 USD/tấn và tiêu trắng loại DW 630Gr/l chào giá 9.200-9.250 USD/tấn, (FOB), tăng 100-150 USD so với tháng trước.

Tiêu đặc chủng Ấn Độ trên thị trường quốc tế vẫn ở mức 7.800 USD/tấn đối với châu Âu (C&F) và 8.100 USD/tấn đối với Mỹ (C&F), giảm 300 USD nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với tiêu của các nguồn gốc xuất xứ khác.

Trong khi đó, giá tiêu kỳ hạn trên sàn Singapore Mercantile Exchange (SMX) được ghi nhận bắt đầu có hiện tượng nóng dần lên. Chốt phiên hôm qua 23/8, kỳ hạn giao tháng 9 đứng ở mức 6.187 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 10 ở mức 6.210 USD/tấn, có tăng nhẹ nhưng vẫn chưa hợp lí so với tiêu kỳ hạn trên sàn Ấn Độ.

Trưa hôm nay 24/8, giá tiêu xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu có giá 123-124 ngàn đồng/kg, Bình Phước 122 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 119-120 ngàn đồng/kg, tăng bình quân 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Thị trường có dấu hiệu bắt đầu ấm lại.

Khu vực trồng tiêu vùng Duyên hải Trung bộ thu hoạch vụ tiêu năm 2012 gần hoàn tất, nhưng sản lượng không đạt như dự kiến vì dịch hại làm khá nhiều diện tích tiêu bị mất trắng.

Nguồn Anh Văn (TTVN/CafeF)

10 phản hồi cho bài "Giá tiêu có dấu hiệu khởi sắc"

nguyễn trung thành

Khi giá cả hợp lý thì người dân sẽ bán ra. Hiện tại nếu giá như thế này thì bà con vẫn chưa bán ra đâu. Hy vọng thời gian tới giá lên 140.000đ/kg thì người dân sẽ bán nhiều.

DUC MINH

Từ nay đến cuối năm nguồn cung ngày càng hạn hẹp hơn, trong khi nhu cầu ngày càng lớn từ nhiều nước. Theo mình dự đoán giá tiêu sẽ lên đỉnh vào cuối tháng 10. Mong cho mong ước thành hiện thực, đến đó bà con mình bán tiêu mặc sức mà gom tiền.

QUỐC TRUNG

Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn DUC MINH là giá đỉnh sẽ ở vào khoảng cuối tháng 10. Trong kho nhà tôi có 12 tấn tiêu, chờ giá lên nữa tôi mới bán.

huyền khuê

Chào cả nhà giá tiêu.com, tôi thấy cây bơ có giá trị kinh tế cao lắm đó, nếu trồng những loại giống bơ sáp trái dài bán vào khoảng tháng giêng âm lịch thì giá 25-30k, đó là trồng xen cà phê. Còn trồng chung với tiêu thì xem lại, cây này có độ che phủ diện tích rất nhiều, mùa mưa gió cộng độ ẩm làm cho vườn tiêu không thoáng dễ làm cho tiêu bị thúi cổ rễ. Đó là trồng mật độ dày, còn trồng khoảng 50m cây thì không phải bàn cãi gì cả.
Nói về kinh tế là thế, còn thân cây rong lên cao trồng bụi tiêu vào là khỏi chê. 4 năm sau một trụ bơ là kiếm 10 kg tiêu là cái chắc.

QUỐC TRUNG

Lúc đầu vụ giá đã 130.000đ/kg rồi, giữ tiêu đến bây giờ mà giá thấp hơn làm sao bà con bán được. Hy vọng thời gian tới giá sẽ lên cao. Nếu như giá không chấp nhận được thì để sang năm bán luôn./.

Cường

Giá tiêu đang lên rồi đó! Hôm nay thương lái tới nhà 2-3 lần để hỏi hàng theo nhu cầu của công ty.

DUC MINH

Trước tiên xin cám ơn bạn CƯỜNG đã cung cấp thông tin cho bà con! Sau là đề nghị bà con mình lên diễn đàn đông đông cho vui và đừng quên cung cấp thông tin là địa phương mình thương lái hỏi mua tiêu giá bao nhiêu ! Xin cám ơn./.

nguyễn thanh hiền

Xin chào các bạn! Mình ở Đồng Nai, sao ở đây giá tiêu vẫn chưa thấy dấu hiệu tăng giá gì cả? Năm nay nhà mình dựa tiêu…, ko biết tiêu có được như giá năm ngoái ko đây. Hiện giờ giá tiêu ở đây là 125-130 ngàn, nhưng hiện giờ tính luôn chi phí tất cả thì tiêu của mình phải đạt 140 ngàn mới đủ vốn đó. Mình đồng ý với bạn QUỐC TRUNG và gởi lời cám ơn bạn Cường. Nghe tin từ bạn mình cũng đỡ lo rồi. Chúc mọi người may mắn.

Nguyễn Hà

Cháu mới 19 tuổi, hiện đang học đại học, phải xa nhà nên không biết rõ tình hình năng suất tiêu năm nay ở các tỉnh thành khác có trúng mùa không? Cô bác cho cháu biết rõ hơn, để phần nào dự đoán được giá tiêu ạ. Vì nhà cháu cũng tích lũy tiêu. Gửi lời cám ơn đến cô bác!

DUC MINH

Gía tiêu sàn Ấn gần đây có giảm nhưng vẫn còn cao hơn giá nội địa nhiều. Còn giá sàn Sing 3 ngày nay tăng cực mạnh nhưng giá trong nước thì tăng quá yếu chưa tương xứng với nhau. Vì vậy bà con nông dân làm sao bán ra được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *