Hồ tiêu và thách thức giã từ cuộc đua gia tăng diện tích

Cũng nằm trong nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô” và ở vị trí “thống lĩnh” thị trường thế giới về sản lượng, nhưng ngành hồ tiêu lại đang đối mặt với nguy cơ cung vượt cầu do gia tăng diện tích tự phát.

Đọc thêm: >> Ngành hồ tiêu: Khi thủ lĩnh không có “thực tài”

>> Giảm diện tích để phát triển hồ tiêu bền vững

Khi “thống lĩnh” sản lượng cũng gặp khó

Không thể phủ nhận sự phát triển của ngành hồ tiêu Việt Nam thời gian qua là khá ấn tượng, với sự thay da đổi thịt của hàng loạt vùng nông thôn nhờ vào trồng tiêu. Thế nhưng, dường như sự phát triển quá nóng về diện tích (tăng gấp 3 lần chỉ từ 2010-2017), mà thiếu quan tâm, đầu tư cần thiết cho chất lượng sản phẩm… đang khiến cả doanh nghiệp (DN) lẫn người trồng hồ tiêu đối mặt với nhiều rủi ro.

Riêng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, báo cáo tại hội nghị ngành hồ tiêu mới diễn ra cho thấy, diện tích trồng tiêu cả tỉnh đã gần gấp đôi so với quy hoạch. Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 7.000 ha hồ tiêu, nhưng ước tính cho thấy diện tích trồng tiêu có thể chạm mốc 13.200 ha trong vòng 2 năm tới.

Thực vậy, diện tích hồ tiêu Việt Nam năm 2017 đã là 152.000 ha, tăng 22,5% so với 2016. Ở nhiều vùng trồng tiêu khác trên thế giới, hiện tượng trên cũng diễn ra tương tự. Cán cân nghiêng về bên cầu khiến cho giá tiêu năm 2017 giảm mạnh từ khoảng 200.000 đồng/kg về còn hơn 60.000 đồng/kg.

Cú sốc giảm giá kỷ lục khiến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tuy tăng 20% về sản lượng, nhưng kim ngạch lại giảm tới 22%.

Theo Tổng cục Hải quan, quý I/2018, cả nước xuất khẩu được hơn 60.000 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch đạt hơn 222 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2017, sản lượng xuất khẩu tuy tăng 18%, nhưng kim ngạch lại giảm mất 31% do giá tiêu lao dốc mạnh suốt một năm qua.

May mắn là dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho hay, giá tiêu năm nay tuy khó hồi phục, nhưng cũng sẽ không giảm mạnh như năm 2017 do nhiều nước không còn thấy hiệu quả kinh tế lớn từ hồ tiêu ở mức giá hiện nay nên cũng không khuyến khích đầu tư, phát triển.

Năm 2018, Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu xuất khẩu, tương đương như 2017, với khoảng 180.000-200.000 tấn. Riêng ước tính về kim ngạch vẫn còn là ẩn số để ngỏ…

Dự báo tình hình năm nay cho nông dân và nhà sản xuất hồ tiêu tuy mang màu sắc lạc quan hơn năm ngoái, nhưng theo các DN và phân tích chung của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cú sốc giảm giá kỷ lục của năm 2017 là những dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy một nền sản xuất tự phát đã thực sự mấp mé ngưỡng cửa rủi ro khi cung vượt cầu. Và hơn hết hồ tiêu lại là mặt hàng gia vị, không phải hàng tiêu dùng thiết yếu hay lương thực thực phẩm, nên những cuộc “giải cứu” nông sản sẽ khó phát huy hiệu quả như với nhiều mặt hàng khác trước nay…

Nguy cơ “mất bò”, phải lo “làm chuồng”

Cũng theo Hội Hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện mối liên kết giữa chính quyền, người dân và DN chưa chặt chẽ, dẫn đến các vùng trồng hồ tiêu phát triển tự phát; chưa có hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại rõ ràng cho hồ tiêu, quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý hồ tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chưa được khai thác, chưa gắn liền với thương hiệu hồ tiêu quốc gia… Cùng với đó, giá giảm mạnh khiến nông dân lại chuyển sang găm hàng chờ giá lên. Công tác thu mua của nhiều DN vì thế gặp khó khăn.

Nhưng “ánh sáng cuối đường hầm” đã xuất hiện khi những vùng hồ tiêu được liên kết chặt với nông dân, có chất lượng đạt chứng nhận quốc tế, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính đang dần hình thành. Dù mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh, nhưng rõ ràng, cả DN và một bộ phận nông dân đang ý thức rõ hơn lúc nào hết đã tới lúc phải thay đổi tập quán trồng trọt, giã từ cuộc đua tăng trưởng diện tích và sản lượng.

Bà Trần Phước Hậu, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ XNK Trân Châu cho biết, năm qua DN này liên tục bị bên mua ép giá, hàng rào kỹ thuật tại các thị trường lớn của hồ tiêu Việt Nam cũng bị nâng lên. Một phần nguyên nhân khó khăn của xuất khẩu hồ tiêu nằm ở nguy cơ cung vượt cầu. “Để tập trung nâng cao chất lượng hồ tiêu nên từ năm 2017, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch sản xuất hồ tiêu bền vững và tìm thêm thị trường mới ở Đông Âu”, bà Hậu chia sẻ.

Trong cuộc dịch chuyển ấy, dường như các DN FDI đã nhanh hơn một bước. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice (DN Hà Lan), ông Willem Van Walt Meijer thông tin: Đã hợp tác liên kết với 1.600 nông dân ở Bình Phước suốt gần 7 năm qua với mục tiêu đầu tiên là bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đến từng nông hộ. Nơi nào chưa có sản phẩm chất lượng thì DN sẽ có đội ngũ khuyến nông hỗ trợ điều chỉnh quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản; thậm chí có cả chính sách thưởng cho những nông hộ có sản phẩm tốt.

“Giải pháp duy nhất cho hồ tiêu Việt Nam lúc này là phải cải thiện chất lượng. Ngày càng nhiều khách hàng Nhật Bản tìm tới chúng tôi và sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm đạt yêu cầu của họ”, ông Willem Van Walt Meijer cho biết.

Năm 2017 vừa qua cũng là năm mà hiện tượng lạm dụng thuốc BVTV trên hồ tiêu có lẽ đã giảm đáng kể khi các nước nhập khẩu không lần nào phải ra cảnh báo về tồn dư của thuốc BVTV đối với hồ tiêu từ Việt Nam.

Bên cạnh nguyên nhân giá thấp nên nông dân không muốn tốn thêm chi phí cho phân-thuốc, một phần có lẽ cũng nhờ người trồng tiêu đã nắm được kỹ thuật tốt hơn, đồng thời hiểu biết nhiều hơn về xu thế thị trường toàn cầu khi hội nhập.

Nguồn Phương Hiền (chinhphu.vn)

12 phản hồi cho bài "Hồ tiêu và thách thức giã từ cuộc đua gia tăng diện tích"

Hoàng Văn Lập

Buồn cho giá hồ tiêu, nhưng lại xót xa hơn khi mỗi sáng lại nghe tiếng máy cưa o o vọng lại !
Vì giá tiêu giảm nên bà con cưa bỏ tiêu và trồng chuối vì chuối có lúc lên tới 19000$/1kg như vậy 1ha chuối đánh bay 1ha tiêu 3tấn giá 65000$ (nhưng hiện tại còn 3800$/1kg chuối) thương lái Trung Quốc mua chuối : rất ê chề và thê thảm!!!
Có lẽ khu vực nơi mình đã cưa bỏ cả chục ha rồi. Buồn quá !

Nguyễn Vịnh

Chào anh !
Chuyển đổi cây trồng, thanh lý bớt diện tích hồ tiêu là điều tất yếu. Nhất là những vùng đất có chi phí đầu tư cao đem lại lợi nhuận thấp.
Hạt tiêu là thực phẩm gia vị chứ không là thực phẩm quan trọng, lại không dễ trồng mà diện tích cả nước đã hơn 150 ngàn ha thì không tưởng tượng nổi… Buồn nhưng phải chấp nhận. Để số diện tích còn lại phải tính kỹ lợi suất đầu tư khi chọn trồng cây gì.
Thân.

Dan Viet

Năm nay mất mùa mà đầu năm đến hết tháng 4 xuất khẩu được 88.000 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ.

Giá giảm nhưng SL xuất tăng cho thấy sản lượng không hề ít hơn năm ngoái nhé.

Hơi sớm để kết luận nhưng sau mấy cơn mua đầu mùa rất thuận, bông khu vực Dak Nong bung rất nhiều, hứa hẹn năm tới được vụ mùa bội thu.

Senca

Bạn có thông tin về số lượng hạt tiêu nhập vào VN trong 1 năm bao nhiêu không?
Mình tìm không thấy dữ liệu thống kê nào cả ! Cám ơn bạn trước nhé !

Dan Viet

Năm 2017 nhập về 28.000 tấn
Tháng 1 đến 4 nhập khoảng 9.000 tấn
Tương đương cùng kỳ
Số trên đã được làm tròn

Thắng Lợi

Bữa nay nhhìn kỹ tấm hình minh họa trên bài mới thấy có mấy trụ tiêu đã bị bệnh vàng lá chết chậm tấn công. Một trụ đã có hiện tượng rụng bớt lá, chỉ còn trơ tay phần nửa dưới của trụ…
Nếu không xử lý kịp thời, mua mưa này sẽ ra đi ít nhất cũng khoảng 30% !

Ngok

Chú @ Thắng Lợi nhận xét chính xác.
Nghe chú nói cháu mới xem xét kỹ nên cũng thấy rõ hiện tượng bệnh vàng lá chết chậm bắt đầu tấn công lên vườn tiêu này… Hiện nay chỉ mới bắt đầu vào mùa mưa, vườn chưa đủ ẩm nên bệnh còn chậm…
Khi mưa nhiều sẽ bị vàng hàng loạt rõ rệt hơn nếu không ngăn chặn kịp thời.
Không rõ tác giả bài báo lấy tấm hình ở đâu hay chụp tại vùng nào ?
Mong chủ vườn sớm ra tay ngăn chặn.

Senca

Không cần ai phải hô hào kêu gọi…
Giá cả thế này mà không chuyển đổi thì chỉ có chết, nhất là với những ai đã quen lạm dụng phân thuốc !

nhàn đắc

Có lẽ đây là thử thách khó khăn về giá lâu dài với hồ tiêu, có thể năm tới giá còn thấp thì chắc diên tích sẽ giảm mới lớn. Không thấy khả quan cho lắm, cũng hơi buồn cho vàng đen một thời.

Tran Tu

Hình như chỉ có nước ta nêu vấn đề giảm bớt diện tích trồng tiêu.
Các nước khác thì ngược lại, họ vẫn tiếp tục trồng thêm…

Hoàng nam

Năm nay tiêu chỗ tôi có khả năng được mùa, không biết giá cả thế nào. Nhìn vào triển vọng chắc phải đợi đến 3 năm sau giá mới tốt lên được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *