Không nên nóng vội mở rộng diện tích thanh long ruột đỏ

, Nông nghiệp, Gửi phản hồi

Sau 3 năm thực hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 2ha theo hướng VietGAP tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho thấy trồng loại cây này đem lại lợi nhuận rất lớn.

Tuy nhiên, do chưa tổ chức tốt khâu tiêu thụ sản phẩm, cho nên bà con không nên nóng vội mở rộng diện tích trồng giống cây này.

Dự án xây dựng 5 mô hình thanh long ruột đỏ tại huyện Xuyên Mộc được thực hiện từ tháng 7- 2009 đến tháng 4 – 2012, tổng kinh phí thực hiện hơn 1,76 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của người dân tham gia chiếm 70,5%. Đây là dự án trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên tại Bà Rịa – Vũng Tàu do Hội Nông dân tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam.

Theo báo cáo kết quả thực hiện dự án, trong vụ thu hoạch đầu tiên trên diện tích 2 ha trong năm 2011 đã cho sản lượng đạt hơn 28,7 tấn, doanh thu đạt hơn 555 triệu đồng. Hiện tại, các hộ đang bước vào vụ thu hoạch năm thứ 2, ước sản lượng sẽ đạt 50 tấn, theo dự báo năng suất này sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. “Lợi nhuận thu được từ việc trồng loại cây này cao hơn hẳn các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện Xuyên Mộc như: quýt đường, cam sành, tiêu, cao su, điều…”, ông Phạm Tấn Phước, Chủ nhiệm dự án cho biết.

Theo đánh giá của của ban chủ nhiệm dự án, cây thanh long ruột đỏ có khả năng chịu hạn tốt, dễ trồng, dễ sống, ít bị gãy đổ do mưa, bão và có thể thu hoạch nhiều lần/năm. Đặc biệt, loài cây này phát triển tốt trên nhiều loại đất, nhất là đất đỏ bazan. Hiện nay, sản phẩm thanh long ruột đỏ này đã được phân tích bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của Bộ NN&PTNT, được thị trường chấp nhận với giá cao. Loại I (loại trái nặng trên 500g) giá bán dao động ở mức 20.000 – 38.000 đồng/kg, loại II dưới 500g/trái giá cũng ở mức 10.000 – 18.000 đồng/kg, mức giá cao hơn thanh long ruột trắng từ 2 – 5 lần, lợi nhuận cao nhất có thể lên tới 600 – 650 triệu đồng/năm.

Ông Mai Văn Tiết bên vườn thanh long ruột đỏ thu hoạch năm thứ hai

Nhật ký ghi chép của ông Mai Văn Tiết (ấp Trang Định, xã Bông Trang) một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án cho biết, với diện tích 4.000m2, năm 2011, gia đình ông thu hoạch khoảng gần 4,4 tấn, doanh thu gần 79 triệu đồng. Năm 2012, cũng với diện tích này sản lượng đạt gần 5,5 tấn, doanh thu hơn 115 triệu đồng. “Khi áp dụng kỹ thuật trồng theo hướng VietGAP năng suất và trọng lượng quả tăng lên 30%, chất lượng cũng cao hơn, đặc biệt mùi thơm và màu trái rất hấp dẫn”, ông Mai Văn Tiết cho biết.

Trước những hiệu quả thấy rõ. Ban chủ nhiệm dự án kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Xuyên Mộc để tăng diện tích và số hộ trồng loại trái cây này. Tuy nhiên, theo khuyến cáo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kế, Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội đồng nghiệm thu dự án, việc mở rộng diện tích cần được triển khai thận trọng, không nên nóng vội. Bởi nếu thấy hiệu quả mà nhân rộng ngay trong khi chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu, nhất là khâu tiêu thụ thì người trồng sẽ rơi vào cảnh được mùa mất giá, bế tắc đầu ra.

Theo kế hoạch, trong thời gian sắp tới, 5 hộ đã tham gia dự án sẽ tăng diện tích trồng thanh long ruột đỏ lên 20ha. Tuy nhiên, hiện nay chưa có công ty, doanh nghiệp nào đứng ra thu mua sản phẩm thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, người tiêu dùng chưa phân biệt được sản phẩm an toàn và không an toàn. “Muốn làm tốt khâu này rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước”, kỹ sư Trần Tinh Huy, thành viên của Hội đồng nghiệm thu nói.

Báo Giá cà phê qua điện thoại

Gửi phản hồi mới

(?)