Kịch bản nào cho hồ tiêu Việt Nam?

, Nông nghiệp, Thị trường hạt tiêu, 22

Hotieuthuonghieucopy13 năm liên tục ở “ngôi hậu” trong “làng xuất khẩu hồ tiêu thế giới”, hạt tiêu Việt Nam đang ở thời kỳ huy hoàng nhất. Quy hoạch phát triển cho ngành này vừa được ban hành cuối tháng 6, nay đã bộc lộ tính thiếu thực tế…

 Các nhà hoạch định chiến lược hoàn toàn có lý khi khẳng định quy hoạch phát triển phải dựa trên nhu cầu thị trường, khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững… Nhưng, dường như các nhà hoạch định lại đang tự mâu thuẫn với chính mình trong mục tiêu phát triển và định hướng quy hoạch.

Giữ kỷ luật hay giả làm ngơ?

Hồ tiêu của Việt Nam là cây trồng có sức cạnh tranh đặc biệt lớn, thị trường thế giới lại rất hút hàng, giá hồ tiêu xuất khẩu đang cao kỷ lục khiến nông dân trồng tiêu lãi to. Cho nên không chỉ nông dân, mà có lẽ ngay cả các cơ quan quản lý địa phương cũng đang làm ngơ trước mệnh lệnh xóa bỏ hơn 20% diện tích hồ tiêu nằm ngoài quy hoạch.

Trước hết, nếu diện tích trồng hồ tiêu năm 2013 tăng theo diện tích cho thu hoạch như đã được công bố thì tổng diện tích đã đạt hơn 62.000ha, tức là tăng khoảng 12.000ha (23,8%) trong vòng bốn năm gần đây. So với quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích hồ tiêu duy trì và ổn định ở mức 50.000ha, thì con số tăng nói trên phải xử sao đây?

Tại sao diện tích hồ tiêu lại tăng nóng chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng do giá hồ tiêu xuất khẩu những năm gần đây đã hai lần tăng đột biến. Nếu như giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2006 chỉ đạt 1.632 USD/tấn thì năm 2007 tăng gấp đôi lên 3.269 USD/tấn, nửa đầu năm nay đã là 7.156 USD/tấn. Đây chính là nguồn động lực cực lớn thúc đẩy nông dân dồn sức phát triển cây tiêu.

Doanh thu từ hồ tiêu cao hơn bất kỳ loại cây công nghiệp lâu năm nào khác, mỗi hecta hồ tiêu đạt hơn 14.200 USD, cao gấp 5,2 lần so với cà phê, 5,6 lần so với cao su và 8 lần so với chè và điều. Rõ ràng với doanh thu như vậy, chắc chắn “phán quyết” giảm mạnh diện tích đang lãi “khủng” hiện nay để chuyển sang các loại cây cho doanh thu thấp hơn là điều quá khó để nông dân chấp nhận, nếu không muốn nói là không thể.

Giá có thể tăng mãi được không?

Giá hồ tiêu tăng nóng như vậy có phải nhờ ngành hồ tiêu nước ta đã điều tiết được giá thế giới, trong đó công đầu thuộc về nông dân, như nhiều ý kiến đã khẳng định? Các số liệu thống kê hoàn toàn đủ để cho phép khẳng định rằng đây chỉ là điều kiện đủ, khi điều kiện cần đã xuất hiện.

Trước hết, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), diện tích hồ tiêu thế giới năm 2012 đã giảm xuống 540.000ha (từ 640.000ha năm 2006), tức là đã giảm tới 15,7%. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2012 chỉ đạt 461.000 tấn, vẫn giảm 5.000 tấn so với kỷ lục 466.000 tấn trước đó sáu năm, do năng suất trong cùng kỳ tăng khá.

Theo ước tính của IPC, sản lượng hồ tiêu thế giới năm nay lại giảm do mất mùa và gần như sẽ trở lại như mức đã đạt được năm 2006. Như vậy, sản lượng hồ tiêu thế giới bảy năm gần đây hầu như “giậm chân tại chỗ”. Nghĩa là nguồn cung khan hiếm làm giá liên tục sốt nóng.

Trong điều kiện cán cân cung – cầu nghiêng về phía các quốc gia xuất khẩu như vậy, với tỉ trọng thị phần xấp xỉ 39% trong những năm gần đây, việc nông dân trồng hồ tiêu nước ta không ồ ạt bán ra ở những thời điểm nhất định, họ đã tận dụng được cơ hội mà thị trường mang lại.

Bởi lẽ, nếu như diện tích và sản lượng hồ tiêu thế giới tăng mạnh như những năm trước đây, giá hồ tiêu liên tục đứng ở mức thấp thì cho dù điều tiết được lượng xuất khẩu, chắc chắn họ cũng không có phép mầu nào để đẩy giá xuất khẩu nhúc nhích.

Theo quy luật thị trường hàng hóa thế giới, sau một thời gian tăng nóng đủ dài, giá cả sẽ thúc đẩy sản xuất tăng mạnh, dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ giảm mạnh cũng trong một thời gian đủ dài, một chu kỳ gồm hai pha nóng, lạnh tương tự sẽ được lặp lại. Điều đó đã được chứng minh trong ba thập kỷ gần đây. Thị trường hồ tiêu đã trải qua hai chu kỳ sốt nóng – lạnh 1985-1993 và 1994-2005, từ năm 2006 đến nay là giai đoạn sốt nóng.

Trong khi đó, với tổng sản lượng ổn định ở mức 140.000 tấn theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỉ USD, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta ít nhất phải đạt khoảng 8.600-9.300 USD/tấn, tức là sẽ tăng khoảng 30-40% so với năm 2013.

Cho dù mục tiêu này còn được hỗ trợ bởi việc nâng cao chất lượng và tái cơ cấu, nhưng sau pha sốt nóng đã bước sang năm thứ tám hiện nay, không ai dám đoán chắc giá hồ tiêu thế giới sẽ còn liên tục tăng mạnh như hiện nay. Và nếu giá tiếp tục tăng nóng như vậy, chắc chắn nông dân nước ta sẽ còn dồn sức hơn nữa để phát triển hồ tiêu, cho nên mục tiêu giảm diện tích sẽ càng xa vời hơn nữa.

Hướng đi nào?

Như đã nói ở trên, cho dù giá hồ tiêu năm nay đã bước sang năm thứ tám sốt nóng, mà theo quy luật sau “nóng” sẽ là “lạnh”. Nhưng cũng lại có những dự đoán rằng nhiều khả năng chu kỳ “nóng” còn kéo dài khoảng ba bốn năm nữa và sẽ đạt kỷ lục về thời gian sốt nóng kể từ thập niên 1960 trở lại đây.

Lý do chủ yếu để suy đoán như vậy là do châu Á chiếm gần 90% diện tích và 84% sản lượng hồ tiêu thế giới đang đối mặt với nguy cơ El Nino, cho nên rất khó để khôi phục nhanh diện tích trong ngắn hạn.

Trong đó, như các số liệu thống kê của FAO cho thấy, trong khi diện tích hồ tiêu của “người khổng lồ” Ấn Độ đạt kỷ lục hơn 260.000ha năm 2006, chiếm 40,7% tổng diện tích thế giới, nhưng năm 2012 vẫn ở sát mức đáy 185.000ha.

Bên cạnh đó, một “đại gia” khác về diện tích hồ tiêu là Indonesia với gần 179.000ha (năm 2012) cũng chỉ có năng suất khiêm tốn ở mức 58% năng suất bình quân của thế giới, cho nên khả năng nhanh chóng phục hồi diện tích bị giảm rất lớn cũng không hề dễ dàng.

Trong điều kiện như vậy, với ưu thế vượt trội gấp 2,34 lần năng suất bình quân của thế giới và gấp 4 lần của Indonesia, thậm chí gấp 6,9 lần của Ấn Độ…, rõ ràng sức cạnh tranh của hồ tiêu nước ta là đặc biệt lớn.

Thực tế đó có lẽ cho phép khẳng định rằng việc nông dân nước ta tăng rất mạnh diện tích hồ tiêu kể từ cuối thập niên 1990, thậm chí tăng ồ ạt ngay cả trong những năm sốt lạnh giá hồ tiêu thế giới đầu thế kỷ này và giành luôn “ngôi hậu” trong “làng xuất khẩu hồ tiêu thế giới” để hưởng lợi giá hồ tiêu thế giới sốt nóng từ năm 2006 đến nay là lựa chọn đúng.

Trong bối cảnh như vậy, ép nông dân giảm mạnh diện tích là một việc khó. Chấp nhận diện tích hiện có, hay thậm chí tăng thêm, làm tăng vọt năng suất lên gấp rưỡi như mục tiêu đã đề ra cần phải dựa trên cơ sở tính toán và năng lực dự báo thị trường giỏi của đội ngũ chuyên môn có nghiệp vụ vững vàng.

Giảm diện tích và sản lượng trong lúc sốt nóng giá cả thế giới vẫn còn ở phía trước là một quyết định không dễ dàng. Nhưng rõ ràng, trong tư thế dẫn đầu hiện nay, một nỗ lực cần làm tốt bên cạnh năng suất và tái cơ cấu mặt hàng là việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho “tiêu Việt Nam”, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bạt ngàn hồ tiêu Tây nguyên

Bạt ngàn hồ tiêu Tây nguyên

Vỡ quy hoạch

Giá hồ tiêu thực tế tại vườn ở Gia Lai dao động ở mức 190.000-200.000 đồng/kg đang tiếp tục kéo dài cơn sốt hồ tiêu nơi có diện tích trồng tiêu lớn nhất nước này. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020 diện tích hồ tiêu trên toàn tỉnh ở mức 6.000ha nhưng chỉ mới đến giữa năm nay đã vượt lên 10.000ha.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Lê Văn Lịnh phó giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai nói: “Còn năm năm nữa mới tới thời điểm chốt của quy hoạch hồ tiêu toàn tỉnh nhưng đến giờ đã có tới gần 10.000ha hồ tiêu rồi. Chúng tôi cố gắng khống chế, khuyến cáo người dân nhưng không thể kiểm soát được”.

Ông Lịnh cũng nói hiện nay Gia Lai chưa có một nhà máy chế biến hồ tiêu tập trung nào, đầu ra cho sản phẩm lẫn các công tác hỗ trợ khuyến nông đi kèm (bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh, tìm kiếm thị trường…) chưa thật sự mạnh nên việc hồ tiêu vỡ quy hoạch đang tạo ra những nguy cơ trước mắt: được mùa rớt giá, mất mùa được giá.

Gia Lai có vùng chuyên canh hồ tiêu nổi tiếng, đã tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu hồ tiêu Chư Sê. Ở địa phương này, cây tiêu đã giúp nông dân đổi đời, nhiều hộ gia đình thu nhập tiền tỉ từ các vườn hồ tiêu. Ông Hồ Phước Bính – đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (huyện Chư Sê) – cho biết hiện diện tích hồ tiêu của riêng Chư Sê đã lên tới gần 2.500ha.

Theo tính toán của người dân ở đây, trung bình 1ha tiêu thụ được từ 700-800 triệu đồng, trừ chi phí nắm chắc trong tay 400-500 triệu đồng. Hấp lực này khiến rất nhiều hộ nông dân tại các huyện Chư Sê, Chư Prông, Đắk Đoa, Đức Cơ… của tỉnh Gia Lai đã chặt bỏ các vườn cây khác chuyển qua trồng hồ tiêu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ dân nếm trái đắng từ việc chuyển qua trồng loại cây này. Ông Lê Đình Hân, nông dân ở thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, cho biết trước đây trồng 900 trụ tiêu, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Đến năm 2009, gia đình tăng thêm gần 1,5ha trồng hồ tiêu. Nhưng rồi “quả đắng” hồ tiêu bắt đầu ập đến. “Gần 900 trụ tiêu của tôi đã bị nhiễm bệnh chết, bao nhiêu tiền của, công sức ra đi” – ông Hân nói.

Thống kê của Sở NN&PTNT Gia Lai cho thấy năm 2012 và 2013 toàn tỉnh có gần 500ha tiêu bị chết do nhiễm bệnh nấm, chỉ riêng năm 2014 diện tích tiêu chết đã lên trên 600ha và đang có xu hướng tăng.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
22 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Tiêu trồng nhiều, chết cũng lắm, nhưng sản lượng vẫn cao nhất, thật tự hào người trồng tiêu Việt. Vài năm tới, khi mô hình trồng tiêu công nghiệp phát triển rộng thì sẽ ra sao nhỉ? Hiện mô hình này mới có ở huyện Krông Năng tỉnh Đăk Lăk, với đúng nghĩa của nó, tuổi khoảng 30 tháng cho thu 5kg/trụ. Khi nghe tin này tôi giật mình kinh hãi, và choáng. Vài hôm nữa tôi sẽ đến thăm mô hình theo lời mời của chủ nhân. Các loại vật nuôi thì quá quen, hoa và rau thì chưa phổ biến lắm, tiêu thì sao ? xin ý kiến của các bạn và cộng đồng.

  2. Xin chào cộng đồng.
    Đọc bài viết trên tôi thấy có mấy điều cần chia sẻ với mọi người.
    1.Trong tình trạng giá cà phê đang thấp thế này thì người dân làm có đủ đầu tư không? như vậy lấy gì mà sinh sống đây?
    2.Quy hoạch trên giấy là như vậy nhưng hỏi câc cơ quan chức năng hướng dẫn dân ở đâu chứ chỗ tôi từ trước đến nay có ai chỉ dẫn cho dân biết để làm.
    3.Vẫn biết trồng tiêu bây giờ là đi buôn đuổi đắt sẽ có hậu quả tất yếu xảy ra theo quy luật nhưng thử hỏi người dân Tây nguyên và Đông Nam bộ biết làm gì để mò mẫm trong tình trạng hiện nay
    4.Người trồng tiêu vô cùng vất vả, biết bao khó khăn về vốn, kỹ thuật. Trong chăm sóc thì đại đa số bà con còn yếu kém, chủ yếu trống theo người trước để rồi mò mẫm đi tìm cái may và rủi.
    Mong các anh, chị phóng viên nên đi sâu hơn nữa để tìm hiểu những nỗi khổ của người dân trồng tiêu hiện nay mà từ đó có những tác động đến các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp dân trồng tiêu.
    Các nhà khoa học cố gắng vào cuộc càng nhanh càng tốt để nghiên cứu về cách phòng, trừ bệnh trên cây tiêu. Hiện nay người dân trồng tiêu đang mong chờ sự cứu tinh của các vị.
    Một vài suy nghĩ bày tỏ với cộng đồng để chia sẻ cùng nhau trong bối cảnh hiện nay. Cảm ơn.

  3. Vẫn sẽ là kịch bản như với cây cao su, trồng khi đang sốt giá nên vốn đầu tư cao từ giống tới chi phí công và phân bón. Hồ tiêu sẽ vẫn giữ trạng thái sốt nóng như hai năm nay tới khoảng tháng 9 năm 2015, sau đó sẽ hạ nhiệt dần. Nói gì thì nói nông dân vẫn là người đứng mũi chịu trận thôi. Đua nhau trồng tiêu thúc đẩy tình trạng phân giả thuốc giả, giống không phù hợp với thổ nhưỡng nên dẫn tới hiện tượng chết hàng loạt. Hi vọng nhà nước nói chung và bộ Nông nghiệp nói riêng có một hình thức quy hoạch và phát triển những loại cây trồng tiềm năng trong tương lai.

  4. Tiến sĩ, Pts, Thạc sĩ nhiều nhất châu Á, họ đi đâu ở đâu, đang trùm mền chờ cho thối rữa. Con tôm bị bệnh phải thuê chuyên gia nước ngoài về. Tự bơi thôi ! trông chờ gì ở tiến sĩ giấy, thứ này các cụ ta ngày xưa chỉ để đốt. Cứ nghĩ người lao động vô học, nhưng không phải đâu, họ đang học rất nghiêm túc không phải vì cái bằng hay học vị học hàm mà là vì công việc. Ông Lũy thần đèn chẳng có cái bằng nào cả mà nổi tiếng cả thế giới. 1 chú nông dân chỉ gắn 1 cái rọ vào máy phát cỏ thành công cụ cắt lúa thật hữu ích, đã nhiều năm trôi qua vẫn phát huy tác dụng. Tôi đã giật mình kinh hãi choáng mất nhiều ngày chỉ mỗi một câu: “trồng tiêu công nghiệp”. Tại sao lại không thể. Chỉ có nông dân trực tiếp làm chứ chẳng có tiến sĩ nào cả, vui nhưng thật buồn.
    Đôi điều tâm sự, chia sẻ cùng cộng đồng !

    • Anh Ba một đời trồng tiêu mà sao lại còn dễ nghe mấy anh nói khoác rồi để cò mồi phân thuốc vậy nè!
      Làm gì trên đất nước mình có mô hình “trồng tiêu công nghiệp” chỉ mới 30 tháng thu 5kg/trụ, (chắc lại anh chàng ở Ea Hồ, Krông Năng chứ gì?).
      Ơi nhà báo, có mô hình nè mà các nhà báo ở đâu?

  5. Chào @tiêu lép !
    Đúng là ở Ea Hồ, Krông năng. Anh ấy nói: vườn nhà anh ấy có vài nghìn trụ, năm ngoái chết 1000, năm nay đang chết, nhưng số còn lại đến bây giờ dự kiến 5kg/1trụ. Hay thì tôi sẽ học, dở thì tôi xem. Bởi thế khi mới nghe, tôi chết lặng thì đúng hơn. Từ xưa đến nay 3 – 5 năm mới đạt năng suất đó, nếu mới 30 tháng thì riêng lượng phân bón phải tăng gấp nhiều lần chưa nói những chất kích thích khác.
    Tôi choáng vì nghe: “trồng tiêu công nghiệp”, nhưng dù sao tôi cũng phải đi tới nơi, bởi vì tôi đang phải học hỏi mà.
    Thân chào !

  6. Thân chào anh Dân Việt ! Chỉ một câu nói vì sự hiểu nhầm mà anh buồn lâu thế sao ? Mặc dù nghề của anh là NHỮNG CON SỐ, NHỮNG BIỂU ĐỒ… Anh có đời sống nội tâm lớn hơn đời sống thực ! Người tên Q ở Chư Sê Gia Lai (ai ai cũng biết).
    Chưa tới nơi tôi chưa dám nói gì, nhưng tôi tin lời @tiêu lép. Có dịp tới Đăk Lăk mời anh ghé qua nhà tôi. Cả nhà rất mến mộ ! Thân chào và chúc anh cùng gia đình mạnh khỏe vui vẻ hạnh phúc !

  7. Chào các bác. Cháu thì chả biết trồng tiêu, nhưng gia đình cháu có khoảng 1000 trụ đang thu hoạch. Tiêu nhà cháu có năm thu hoạch trung bình 6 – 7kg/1 trụ. Năm sau lại khoảng 3 – 3,5kg. Trồng giống tiêu Vĩnh Linh. Bên cạnh nhà cháu có 1 chú trồng tiêu Lộc Nính. Năm nào cũng thu hoạch 3-4kg/trụ đều đều. 1 vườn tiêu thì năm nào cũng phải trồng lại vài chục trụ. (Phú nhơn -Chư pưh Gia Lai)

  8. Chào chú @Trịnh Văn Ba, đợt tới, nhất định cháu sẽ rất vui được đến thăm chú.
    Cháu cũng như chú, có tâm với đất nước, với bà con, tiếc là chưa có đủ tầm để làm được gì. Đợt TQ mang giàn khoan vô biển đông, cháu cũng là một trong những thanh niên (trung niên thì đúng hơn) sôi sục. Cháu nghĩ mình cần làm gì đó cho đất nước, không làm được gì to tác, thôi thì chia sẻ những gì mình biết để giảm thiệt hại cho bà con. Chú nói đúng, cháu sống nội tâm dù làm việc với những yếu tố vô tri vô giác.
    Kính chào chú!

  9. Cháu chào cộng đồng, cho cháu hỏi. Vùng đất ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận thì cháu nên chọn giống tiêu gì và thân trụ gì thì tốt ạ. Cháu chưa từng trồng tiêu bao giờ. Cháu xin hỏi cộng đồng, rất mong nhận được những lời khuyên của các bác, các chú! Cháu xin chân thành cảm ơn ạ.

    • Chào @Thành Phạm Duy
      Theo tôi mạo muội nói bạn thế này bạn xem có tham khảo được không nhé
      Ở vùng của bạn thì về thổ nhưỡng và khí hậu đều khác so với mọi vùng miền khác trong cả nước, vì vậy bạn hỏi trồng giống tiêu nào hợp lý nhất thì cũng rất có thể chia sẻ cho bạn được. Vì vậy bạn nên tham khảo ở thực địa trên chính vùng đất bạn đang muốn trồng tiêu vì như thế sẽ tốt hơn la bạn hỏi ở diễn đàm nay. Ví dụ tiêu ở địa bàn tỉnh này trồng tiêu Lộc Ninh rất phát triển, ít sâu bệnh nấm và cho năng xuất cao, nhưng chuyển tiêu Lộc Ninh về vùng Bình Thuận của bạn lại ko hợp mọi yếu tố khí hậu và chất đất như vậy tiêu sẽ phát triển chậm và hay bị một số loại bênh khó chữa trị khác.
      Nên tôi khuyên bạn nên tìm hiểu thật kĩ về mọi cái và khâu của tiêu ở địa phương bạn từ đó sẽ đúc rút ra được loại tiêu nào hợp va tốt nhất cho mảnh đất bạn sắp trồng tiêu
      Chúc bạn sẽ thành công trong bước đầu khởi ngiệp trồng tiêu

  10. Chào @Trịnh Văn Ba. @tiêu lép
    Tôi cũng sống và làm việc ở Krông Năng nên thấy mọi người nói về tiêu thì tôi cũng bổ sung cho mọi người biết là tiêu ở Ea Hồ thi tôi không khẳng định, nhưng ở Ea Tó và Bãi Bằng của huyện Krông Năng thì tiêu rất đẹp và rất năng suất, không phải là trồng tiêu công nghiệp mà là thổ nhưỡng đất đẹp và hợp với tiêu.
    Bên cạnh đó thi cũng phải xem xét là trụ của họ làm to và xây cao nên mật độ thân tiêu nhiều thì thu hoạch sẽ cao là đúng, vì thế chuyện tiêu trồng 18 tháng tuổi cho thu hoạch trên 5kg/1trụ cũng không có gì là lạ.
    Nhưng không phải hộ gia đình nào của Ea Tó va Bãi Bằng cũng đạt năng suất như vậy.

    • Trồng tháng năm nào , thu hái tháng năm nào mà bạn bảo là 18 tháng được 5 kg/1trụ?
      Bạn đang nói điều không tưởng !

  11. Tôi cũng muốn chia sẻ với diễn đàn này là, những hộ trồng tiêu thì cứ yên tâm canh tác và chăm sóc vườn tiêu cho tốt, còn giá cả thì không ai biết trước điều gì cả. Cao giá thì người trồng tiêu có lợi, còn thấp thi mọi người đều biết rồi.
    Vì vậy trong cái may cũng sẽ có cái rủi, nên mỗi hộ trồng tiêu cũng sẽ phải có cách tính và hướng đi mới nếu giá tiêu bất ổn xẩy ra. Tốt nhất bà con chúng ta cũng nên chủ động khi điều ấy xẩy ra. Có thể kết hợp trồng xen canh tiêu với một số cây trồng. Được với tiêu mà vẫn cho thu nhập được các vụ.
    Tôi thấy nhiều mô hinh như vậy của người dân Đak Nông như trồng chanh giây, gừng, khoai sọ,…
    Kết hợp như vậy vừa lấy được kinh tế của cả cây ngắn và dài ngày mà còn giúp tiêu tránh được một số bênh chết nhanh chậm và tiêu điên hiện nay. Và cũng là yên tâm cho bà con trồng tiêu không sợ nếu giá tiêu giảm mạnh thì vẫn có cây trồng khác thay thế nhanh mà lại khong mất thời gian chuyển đổi giống cây trồng.
    Hi vọng giá tiêu vẫn sẽ bình ổn để bà con nông dân chúng ta yên tâm canh tác tiêu và phát triển hộ kinh tế gia đình cao.
    Thân ái

  12. Bác @ Nguyễn Anh Vũ nói rất hợp ý Dan Viet.
    Ngoài trồng trọt ra thì bà con mấy năm qua đã có thu nhập tốt từ cây tiêu thiết nghĩ cũng nên cân nhắc, tự “trích lập dự phòng rủi ro” trích ra một khoản mua vàng, USD hay gửi ngân hàng…giá tiêu không cao mãi đâu bà con, không nên dồn hết vốn liếng vào cây tiêu hay xây nhà, mua xe đến mức không còn nguồn dự phòng. Có bác Thường ở Đồng Nai kết hợp với nuôi dê, một số nuôi ong mật, bà con có thể cân nhắc nuôi thêm bò sữa…trồng xen canh cách cây ngắn ngày khác như bác Vũ nói. Xin tặng bà con hai câu ca dao của ông bà ta ngày xưa:
    “Được mùa chớ phụ ngô khoai
    Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”

  13. Chào bạn @Thắng Lợi
    Hiện nay mô hình trồng tiêu rất nhiều và có rất nhiều phương pháp trồng khác nhau tùy vao từng vùng miền và loại đất canh tác.
    Hiện tại một số bà con ở trong huyện Krông Năng thì có những cách trồng cho đến khi thu hoạch cây tiêu như sau:
    1. Làm đất tốt, đúng kỹ thuật và đặc điểm của đất cho cây tiêu.
    2. Làm trụ cao 3,8m và rộng 1,2m từ gốc và 60cm trên ngọn.
    3. Tiêu giống đã được chiết khi dây và nọc tiêu đã bám và phát triển cao trên trụ, đến thời điểm thích hợp cả về thời tiết và chất lượng dây tiêu thì cắt ra dặm vào trụ và mỗi trụ trồng từ 4-5 nọc tiêu chiết ấy.
    Với những đặc diểm này đã giúp nông dân rút ngắn nhiều thời gian chăm sóc và dây tiêu phát triển được tối đa, đồng thời bón phân đủ về lượng và chất cho cây tiêu thì sau 30 tháng tiêu cho thu hoạch được 5kg trên 1 trụ. (xin lỗi ở trên nói nhầm 18 tháng)
    Bạn cũng nên áp dụng mô hình như vậy để có 1 vườn tiêu chất lượng.

  14. Bạn @anh vũ nói đúng đó, tiêu nhà cháu 30 tháng thu không phải 5kg mà là 7kg/trụ bê tông. Cháu ở Bãi Bằng.

  15. Chúng ta cứ nói đến năng suất mà quên đi chất lượng hay không dám nói đến nó. Năng suất cao để bán cho TQ và Châu Phi…ah. Nếu như vậy người nông dân sẽ mai với kiếp nghèo. Dẫu sau này giá tiêu có hạ nhưng tiêu sinh hoc+hữu cơ giá vẫn cao vì các nước Âu, Mỹ, Nhật… vẫn đang cần và đón nhân. Tự thân học hỏi để cứu mình đi bà con nông dân. Thay đổi tập tính canh tác, trả cây tiêu về lối sống tự nhiên, hoang dã của nó thì bà con sẽ đở lo tiêu chết mà lại bán được giá tiêu sạch, chất lượng cao nữa. Thân chào.

  16. Một lời khuyên chân thành cho bà con là: giữa lúc thật-giả, vàng-thau lẫn lộn, những bà con nào canh tác sạch, theo hướng hữu cơ bền vững nên liên kết với nhau hoặc gia nhập các tổ chức có uy tín, có thương hiệu để bán sản phẩm của mình với giá tốt hơn.
    Dan Viet đang tìm những tổ chức nông dân như vậy, bà con nào biết xin chỉ giùm.
    Các bác nào thuộc tổ chức như vậy và quan tâm, xin để lại thông tin liên hệ, đảm bảo sẽ có chương trình hợp tác hấp dẫn cho các bác.
    Dấu hiệu rất rõ là thị trường sẽ dìm sâu hàng không đạt chất lượng.

    Không phải toàn bộ tiêu trên thị trường đều kém chất lượng, vấn đề là gạn đục khơi trong như thế nào.

  17. Bà con có thể liên kết thành tổ, nhóm chăm sóc, sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ sinh học.
    Giatieu.com sẽ hỗ trợ, tư vấn chăm sóc và giới thiệu đơn vị kinh doanh thu mua hợp lý, giúp bảo vệ quyền lời của người trồng tiêu.

  18. Tôi và bà con khu vực đang sống rất mong có người hay đơn vị nào hướng dẫn để sản xuất tiêu sạch và đứng ra thu mua! Tôi có 1000 trụ trồng được gần 3 năm và dự tính mùa mưa này trồng thêm 500 trụ nữa nên rất mong nhận được phản hồi! sđt của tôi là 0979.384.387. mail: quocpham.ce@gmail.com. Tôi tên Quốc, ở xã Eatar, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk.
    Rất mong sớm nhận được phản hồi và xin được giao lưu với tất cả mọi người có cùng niềm đam mê và khát vọng làm giàu từ nghề nông.
    Thân mến!

Gửi phản hồi mới

(?)