Kinh tế trang trại phát triển ở Đăk Mil

Trang trại của ông Dương Quang Đào cho thu nhập trên 700 triệu đồng/năm

Gia đình ông Dương Quang Đào, ở thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An hiện có trang trại nông nghiệp với trên 4 ha cà phê và hơn 2 ha tiêu, mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 700 triệu đồng.

Ông Đào cho biết: “Để có được nguồn thu nhập ổn định như hiện nay, hàng năm, gia đình tôi thường xuyên tìm hiểu qua sách báo, mạng Internet và luôn tham gia vào các lớp tập huấn mà huyện tổ chức. Thông qua đó, tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, cũng như nắm vững được kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, đầu tư cho các loại cây. Đặc biệt, nhờ những kiến thức tiếp thu được, tôi đã biết cách ghép cà phê, chủ động diệt trừ các loại bệnh trên cây tiêu nên mô hình trang trại của gia đình luôn phát triển tốt và cho năng suất rất cao”.

Còn trang trại nuôi heo của gia đình bà Lê Thị Hoàn, ở xã Đăk Săk, mỗi năm cũng mang lại nguồn thu nhập trên 600 triệu đồng. Hiện tại, trang trại của gia đình bà có 26 ô chuồng và luôn duy trì gần 400 con heo thịt và trên 40 con heo sinh sản.

Theo ông Đỗ Văn Niêm, Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì địa phương hiện có trên 210 trang trại, với nhiều mô hình kinh tế rất đa dạng, phong phú và hoạt động rất hiệu quả. Thu nhập bình quân hàng năm của mỗi trang trại đạt từ 350 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng.

Để các mô hình kinh tế trang trại dần được người dân định hình và áp dụng, bước đầu, huyện đã đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, cũng như vận dụng các mô hình sản xuất mới vào từng địa phương.

Thông qua đó, những người nông dân ở địa bàn đã chủ động học hỏi được kinh nghiệm để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sản xuất của gia đình mình. Hàng năm, Phòng cũng đã phối hợp với các cấp hội nông dân thành lập danh sách các cá nhân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp để họ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay từ các chương trình.

Phòng cũng đã phối hợp với các trạm thú y, trạm khuyến nông thường xuyên hướng dẫn, tư vấn về cách trồng, chăm sóc, vệ sinh chồng trại cho các mô hình cây, con của các hộ gia đình. Nhờ đó, các chủ trang trại đều nắm bắt được các biện pháp khoa học kỹ thuật, cũng như có hướng mở rộng, đầu tư mô hình bài bản, góp phần hạn chế được nhiều rủi ro trong quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp hiện nay.

Nguồn Nguyễn Lương (Báo Đăk Nông điện tử)
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *