Lâm Đồng khẳng định mô hình ca cao dưới tán điều

, Nông nghiệp, Gửi phản hồi

Vườn ca cao 18 tháng tuổi của hộ ông Võ Thí ở Cát Tiên.

Ca cao là loại cây trồng mới đang được ngành nông nghiệp cả nước khuyến khích nông dân phát triển với quy mô hàng hóa do có hiệu quả kinh tế cao nhờ thị trường tiêu thụ còn nhiều tiềm năng, phù hợp với điều kiện thỗ nhưỡng, khí hậu và không chiếm nhiều diện tích đất của các giống cây truyền thống khác.

Ở Lâm Đồng, cây ca cao được Sở NN&PTNT khuyến cáo và hỗ trợ nông dân trồng xen trong vườn cây lâu năm (chủ yếu là vườn cây điều) từ năm 2008; trong những năm gần đây được tài trợ của Tổ chức ACDI/VOCA Việt Nam và Chương trình WWF Greater Mê Kông việc đưa cây ca cao vào trồng xen với cây dài ngày như điều, cây ăn quả… đã trở thành phong trào tại nhiều địa phương, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho hàng ngàn hộ nông dân.

Đã có mặt tại hầu hết các huyện, thành, nhưng diện tích ca cao của Lâm Đồng tập trung chủ yếu tại 3 huyện phía Nam gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên và huyện cực Bắc Đam Rông, là nơi có tới 15.246 ha điều, 24.811 ha cây công nghiệp dài ngày và 3.541 ha cây ăn quả đang có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu giống do già cỗi, năng suất thấp (với cây điều hạt), hiệu quả kinh tế thấp (với vườn tạp trồng cây ăn quả). Việc đưa cây ca cao vào trồng xen trên diện tích cây điều, cây công nghiệp và cây ăn quả vừa giúp nông dân giảm được chi phí chăm sóc vườn cây đã có, vừa cho “thu nhập kép” mà không cần có thêm diện tích đất canh tác. Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng (Sở NN-PTNT) cho biết, từ những gốc ca cao đầu tiên do Trung tâm trồng thử nghiệm tại Đạ Huoai từ những năm trước, tới cuối năm 2008 toàn tỉnh đã có 100 ha ca cao được nông dân trồng xen dưới tán điều. Nhờ phát triển tốt và giá bán hạt ca cao khá cao và tương đối ổn định so với một số loại cây trồng tại địa phương lại được hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, chương trình nông nghiệp quốc tế, hiện nay diện tích ca cao của tỉnh đã lên tới 1.700 ha. Tuy phần lớn diện tích đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhưng qua khảo sát 150 ha ca cao được trồng trước năm 2009 nay đã cho thu hoạch, Trung tâm Khuyến nông cho biết năng suất trái ca cao tươi đã đạt từ 8-10 tấn/ha/năm. Năng suất này chắc chắn sẽ cao hơn nếu nông dân trồng xen cây ca cao trong vườn cây lâu năm với mật độ 550-600 cây/ha, tăng cường chăm sóc và làm tốt công tác phòng trừ dịch hại theo đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Huyện Cát Tiên sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình phát triển ca cao đã có trên 300 ha ca cao được trồng xen dưới tán điều và trồng thuần, nhiều diện tích đã cho quả bói; những hộ trồng ca cao dưới tán vườn điều đầu tiên tại huyện như ông Đinh Quang Thủy, Võ Thí (xã Phước Cát 2) sau 3 năm thâm canh, đã cho thu hoạch với năng suất khá cao. Tại huyện Đạ Huoai, cây ca cao đã có chỗ đứng khá bền vững trong cơ cấu cây trồng, nhiều nông hộ bắt đầu đầu tư thâm canh ca cao theo hướng nông nghiệp công nghệ cao – mà điển hình là việc đầu tư áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có châm phân hóa lỏng. Qua khảo sát của ngành nông nghiệp các huyện phía Nam tỉnh, thì ca cao trồng xen dưới tán điều đã cho khoảng 50-70 quả/cây (25-35 kg/cây) cho thu nhập 120-168.000 đ/cây; và nếu trồng xen với mật độ 400 cây/ha như bà con nông dân đang thực hiện cũng đã cho thu nhập từ ca cao không dưới 50 triệu đồng/ha, chưa kể năng suất điều còn tăng thêm gần 20% so với vườn điều không trồng xen ca cao.

Hiệu quả kinh tế của việc trồng ca cao dưới tán điều, cây ăn quả, cây công nghiệp và cả dưới tán rừng thưa đã được nông dân thừa nhận. Vì vậy, 1.600 hộ nông dân (trong đó có 660 hộ là đồng bào DTTS) có quan tâm và có trồng ca cao ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên đã tự nguyện tập hợp nhau lại thành lập 42 câu lạc bộ ca cao. Các câu lạc bộ này là nơi để ngành nông nghiệp chuyển giao các nguồn hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng – chăm sóc – thu hoạch… ca cao cho nông dân; đồng thời cũng là địa điểm để các thành viên câu lạc bộ học hỏi, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển loại cây mới này. Mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng là sẽ phấn đấu có 5.000 ha ca cao vào năm 2020, và để đạt mục tiêu này, Chương trình “Phát triển ca cao bền vững tại nông hộ” đang tiếp tục được ngành nông nghiệp quan tâm bằng việc xác lập và triển khai các quy trình sản xuất cây ca cao giống và các vườn ươm cây ca cao giống đầu dòng, các biện pháp phòng trừ dịch hại (nhất là phòng trừ sùng trắng), xây dựng các mô hình lên men hạt ca cao… và xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm ca cao hàng hóa…

Gửi phản hồi mới

(?)