Người trồng tiêu nghĩ về Hành Tinh Xanh

, Khuyến cáo, 18

Chăm sóc vườn hồ tiêu tươi xanh cũng là góp phần bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta…

Hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta lúc nào cũng bắt gặp những thông tin thiên tai, động đất, sóng thần, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu… Liên Hiệp Quốc đã xác định Việt Nam là một trong mười quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do thiên tai gây ra.

Môi trường xanh đem lại hơi thở tự nhiên tốt lành cho mọi sinh vật trên trái đất. Cây xanh có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hấp thụ khí CO2 giảm hiệu ứng nhà kính, chắn gió bão… Ngoài ra còn làm đẹp cho cảnh quan đô thị. Lợi ích của cây xanh có lẽ ai cũng biết. Đối với những người sống ở thành phố, việc làm thiết thực của họ là bảo vệ môi trường, giảm khí thải, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất để tiết kiệm năng lượng… Còn với bà con nông dân thì việc thiết thực nhất là chăm sóc vườn hồ tiêu phát triển bền vững theo hướng hữu cơ sinh học, thiên địch, đối kháng. Vừa có lợi cho kinh tế gia đình, vừa có ích cho xã hội và môi trường, cũng là góp phần bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Hồ tiêu là cây rất mẫn cảm với bệnh hại, có thể biết rõ nó mắc bệnh gì. Nào là tuyến trùng vàng lá, thán thư, rệp sáp, chết nhanh, thối rễ, địa y, nấm hồng rỉ sắt, chết dây, tiêu điên, virus… Ôi, mới nghĩ tới thôi mà đã đau đầu rồi chứ chưa nói đến chi tiết từng loại bệnh. Hàng tá loại bệnh và cũng hàng chục tá loại thuốc đặc trị. Mặc dù đã chạy chữa đủ cách, và làm mọi biện pháp nhưng rốt cục cây tiêu vẫn “âu sầu”. Muốn thành công với cây hồ tiêu thì chỉ đam mê là chưa đủ. Phải xem anh bạn “khó tính” này như tri kỷ thì mới hiểu hết được “anh chàng đa sầu đa cảm” này.

Hồ tiêu là cây dây leo hoang dại trong rừng được con người mang về thuần dưỡng. Về mặt bản chất, đã là cây hoang dại thì có sức sống vô cùng mãnh liệt. Có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi: Tại sao những cây tiêu cho năng suất thấp như cây tiêu rừng, hay tiêu trâu, tiêu hạt mọc lang, mọc dại thì rất ít bệnh tật? Còn những cây hồ tiêu được chúng ta chăm sóc kỹ phân tro, thuốc men tử tế vẫn thay phiên nhau chết và có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh? Trả lời được câu hỏi đó cũng chính là tìm ra đáp án cho việc trồng và chăm sóc tiêu theo hướng bền vững.

Vườn hồ tiêu non tơ rất ít khi bị chết bệnh. Chỉ khi hồ tiêu vào kinh doanh năm thứ 4 trở đi thì mới thấy xuất hiện nhiều loại bệnh. Cây sẽ không chết vào những thời điểm bình thường mà hay chết vào thời điểm ra trái non, đang nuôi trái, mưa nhiều.

Cây hồ tiêu đã bị tổn thương rễ từ đầu mùa, lại thêm sâu hại hay nấm bệnh tấn công, cho tới thời điểm nuôi trái cây sẽ kiệt sức mà chết. Bà con ta thường đổ lỗi cho nấm bệnh, sâu hại tấn công. Nhưng nguyên nhân chính là do ta không phòng ngừa bệnh trước. (Nói một cách đơn giản như chăn nuôi là không tiêm vác xin ngừa bệnh. Để cho ổ dịch bùng phát). Do chăm sóc không đúng cách. Lạm dụng phân và thuốc hóa học lâu năm làm cho cây mất hẳn sức đề kháng. Cái gì mà “bạo phát” thì cũng sẽ “bạo tàn” là qui luật tất yếu. Cơ chế hoạt động của cây hồ tiêu là cây công nghiệp đa niên. Bộ máy hoạt động của nó phải cần có tính ổn định cao. Việc xử lý phân và thuốc hóa học chỉ mang tính chất nhất thời, không đảm bảo sự ổn định lâu dài. Hữu cơ, sinh học thì mang tính chất ổn định hơn và ít ảnh hưởng đến môi trường. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa cực đoan là tẩy chay sản phẩm hóa học. Mà phải biết dùng đúng cách và đúng thời điểm. Dùng biện pháp kết hợp hỗ trợ cho nhau. Trong kỹ thuật trồng hồ tiêu kỹ thuật khó nhất chính là làm cho cây hồ tiêu cho năng suất cao, phát triển bền vững và không ảnh hướng tới môi trường. Để đạt được điều đó thì cần phải làm theo hướng ngược lại. Là không ảnh hưởng tới môi trường như thế mới phát triển bền và cho năng suất cao được. Nói một cách đơn giản như thế này. Chúng ta đang tự hủy hoại môi trường từng ngày từng giờ bằng hàng trăm loại thuốc hóa học. Như xịt thuốc cỏ diệt được cỏ, diệt luôn môi trường sống của nhiều loài sinh vật kể cả sinh vật có lợi lẫn có hại. Không còn chỗ cư trú và nguồn dinh dưỡng từ cỏ thì sinh vật có hại sẽ tấn công vào gốc tiêu của chúng ta. Vô tình chính bản thân ta là tác nhân gieo rắc mầm bệnh cho vườn hồ tiêu. Việc xịt thuốc cỏ có thể làm cháy một vài rễ non trên mặt đất. Gặp mưa nhiều và thêm nấm tấn công vết thương phát triển dần ra và cây cũng từ từ chết. Việc chăm sóc hồ tiêu quan trọng nhất là phải bảo vệ bộ rễ. Giun đất cũng là sinh vật có lợi, giúp đất tơi xốp hơn. Phân giun đất thãi ra là một dạng phân bón sinh học hoàn hảo nhất mà thiên nhiên ban tặng. Chỗ ở của nó tạo ra những lỗ khí làm cho đất thông thoáng, cung cấp ôxy và dưỡng khí cho những lông mao của rễ cây. Cây không bị nghẹt rễ sẽ không có hiện tượng vàng vàng lá, và giảm hẳn bệnh thúi rễ. Việc dùng thuốc hóa học lâu dài chính là hủy hoại môi trường sống của sinh vật có lợi này. Dễ thấy mỗi khi dùng thuốc hóa học trị tuyến trùng thì giun đất ngoi lên chết, thúi cả rẫy. Vài năm sau thì cây cứ vàng vàng lá do nghẹt rễ. Vì không còn một con giun con dế nào để làm thoáng đất. Khi đi làm, có một con bọ rùa hay bọ ngựa nào bám vào cánh tay tôi. Tôi cũng nhẹ nhàng thả nó qua chiếc lá tiêu bên cạnh. Chúng chính là những sinh vật thiên địch chuyên ăn thịt sống các loại côn trùng có hại khác. Chỗ tôi cũng có nhiều người có thú vui bẫy chim về nhốt trong lồng. Nhưng với tôi con chim đẹp là con chim nhảy nhót trên cành cây, bay lượn quanh ngọn cỏ hay ríu rít trên những cành cao. Chúng cũng là những sinh vật chuyên diệt trừ sâu bọ. Chúng ta dùng thuốc trừ sâu thì sâu bọ sẽ chết sạch. Một mắt trong lưới thức ăn bị bẻ gãy sẽ dẫn đến những côn trùng, chim chóc hay sinh vật ăn các loại sâu bọ đó chết theo. Nhưng cũng có một vài con sâu bệnh kháng thuốc, và bùng phát một cách mạnh mẽ. Lúc này những sinh vật có ích, nhưng không có lợi thế sinh sản như sinh vật có hại, không còn. Kết quả là thuốc xịt vẫn không chết mà sâu hại cứ phát triển mạnh. Hậu quả chỉ mới nghĩ tới thôi tôi còn rùng mình. Điển hình như dịch cào cào,…

Bà mẹ thiên nhiên đã tạo ra sinh vật thì mỗi loài đều có thiên chức và nhiệm vụ riêng. Chỉ có con người là phá bỏ mọi qui luật của tự nhiên. Hậu quả có thể chúng ta chưa thấy tức thì. Nhưng thế hệ mai sau chắc chắn phải gánh chịu.

Để chăm sóc cho vườn hồ tiêu phát triển bền vững ta cần phải kết hợp nhiều yếu tố. Từ khâu chuẩn bị giống, nhân giống, chăm bón cho tới thu hoạch…Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác như thiên thời địa lợi nhân hòa. Chăm sóc tốt mà giá rẻ như bèo cũng như không, hay chất đất không phù hợp với việc trồng hồ tiêu thì cố gắng cũng như công dã tràng. Trồng lên mà không giữ được của cũng rất đau đầu.

Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm chăm sóc vườn hồ tiêu khi vào thời kỳ kinh doanh. Để vườn hồ tiêu ít bệnh tật trước tiên phải hiểu rõ các nguyên nhân gây bệnh. Thường thì tiêu diệt mầm bệnh dễ hơn chữa bệnh. Để phòng trừ các loại bệnh, yêu cầu thiết yếu là phải tiêu diệt môi trường tạo ra mầm bệnh. Có vô số nguyên nhân gây bệnh cho hồ tiêu. Dựa theo cách chăm sóc để phân chia các loại bệnh.

Để hạn chế các loại bệnh như bệnh thúi cổ rễ, thúi rễ, nghẹt rễ vàng lá, chết nhanh… các bệnh về rễ thì việc quan trọng đầu tiên chính là phải đảm bảo hệ thống mương thoát nước cho vườn hồ tiêu. Cây hồ tiêu ưa khí hậu nhiệt đới ẩm nhưng rất sợ bị úng. Vườn hồ tiêu có hệ thống mương rãnh tốt thì sẽ rất ít bị bệnh tật. Điều này nhiều người biết nhưng không dễ thực hiện được. Đối với vườn mới trồng hay chuẩn bị trồng thì việc tạo hệ thống mương thoát nước là vô cùng đơn giản. Nhưng  với vườn hồ tiêu lâu năm, đã vào kinh doanh thì việc tạo mương này không hề đơn giản chút nào. Vì cây cối chằng chịt, có khi trước đây là xen canh nay mới chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Các lão nông ở chỗ tôi có truyền lại một vài kinh nghiệm rất quí báu, tôi đã thực hiện và thấy hiệu quả rõ rệt. Đó là tạo hố rút nước, mỗi hố sâu chừng 2m. Khi mưa lớn ta khơi mương cho nước tràn trong vườn vào hố đó. 1 ha làm chừng 10 hố là đảm bảo rút nước được hết cả vườn. Xung quanh hố rút nước trồng vạn thọ ngừa tuyến trùng. Sau cơn mưa lớn ra rắc ít vôi bột xuống hố để tiêu diệt mầm bệnh.

Sau khi thu hoạch ta phải làm chồi trụ sống, làm sạch tiêu lươn gốc, rửa cây, sau đó những lá già lá bệnh gom lại thành đống và đốt. Việc đốt lá rất hữu ích. Ngoài việc triệt tiêu mầm nấm bệnh còn diệt luôn cả môi trường sinh sôi phát triển của nấm bệnh. Đất thông thoáng còn giúp cho việc phân hóa mầm hoa đạt hiệu quả cao hơn. Giúp cây ra hoa nhiều và tập trung. Lượng tro của những đống lá mà ta đốt chính là Kali trả lại cho đất. Khói của những đống lá đốt đó có tác dụng xua đuổi côn trùng có hại. Một năm nên cào đốt 2 lần vào thời điểm sau khi thu hoạch để phân hóa nhủ hoa và sau thời gian mưa nhiều mục đích triệt tiêu nơi trú ẩn của nấm bệnh. Phải đảm bảo trong gốc hồ tiêu lúc nào cũng thông thoáng thì cây sẽ ít bệnh tật cho năng suất cao. Những cây tiêu bị bệnh không chữa được cũng đốt triệt luôn nguồn bệnh tránh lây lan. Xử lý đất kỹ trước khi trồng lại. Việc cây trồng yếu sức đề kháng chết là lẽ thường tình. Chủ yếu là ta triệt nguồn gây bệnh và ngăn chặn lây lan.

Vào đầu mùa mưa lúc giai đoạn làm bông bà con bổ sung lượng phân chuồng hoai mục có ủ Trechoderma (Trecho) từ 5-15kg, tùy vào nhu cầu của mỗi cây. Bỏ định kỳ hằng năm thì cây lúc nào cũng có nấm đối kháng tiêu diệt các mầm bệnh. Mỗi lần bón phân, nấm Trecho có thể tồn tại trong đất 18 tháng. Phải tạo điều kiện cho nấm Trecho phát triển trước những nấm có hại. Khi đó trong đất hay trong rễ cây thậm chí lưu dẫn trong thân cây lúc nào cũng có Trecho bảo vệ. Về vi nấm Trecho trên giatieu.com đã có bài viết nói về lợi ích của loại vi nấm đối kháng này. Các bạn có thể bỏ thêm sinh khối khi nào cảm thấy cần thiết. Việc tiêm ngừa vác xin muốn đảm bảo thì bao giờ cũng cần một liều nhắc. Giatieu.com cũng đã có bài viết rất chi tiết về cách nhân sinh khối bào tử nấm này.

Việc sử dụng phân vô cơ nên hạn chế. Chuyển dần sang bón những loại phân hữu cơ chuyên dùng, những loại phân Amino dễ hấp thu và cũng dễ phân hủy cho hồ tiêu. Phân vô cơ tác động nhanh hiệu quả tức thì còn phân hữu cơ thì tác động chậm. Nhưng như tôi đã nói “bạo phát thì bạo tàn”, đó là qui luật. Khi dùng phân vô cơ quá liều, ngoài tác động diệt vi sinh vật có lợi, cây trồng hấp thu không kịp hoặc hấp thu quá tải, làm cho lượng phân tồn trong cơ thể của cây hồ tiêu không thoát kịp qua các lỗ khí khổng, dẫn đến hiện tượng cây bị chết y như luộc. Với phân hữu cơ thì khác, “cơm không ăn thì gạo còn đó”.

Bón phân tro phải lưu ý bón xa gốc tiêu ra. Nếu để ý sẽ thấy, trời mưa trong gốc không hề bị ướt mà chỉ ướt ngoài tán lá. Nên bón phân tro cũng cần phải bón ngoài tán lá. Rễ cây kiếm ăn rất xa. Cho nên cũng hạn chế cuốc đào xới, phạm rễ là xong phim.

Ngoài ra trong vườn hồ tiêu nên trồng nhiều hoa vạn thọ để ngừa tuyến trùng. Phủ xanh bằng cây lạc dại để cố định đạm trong đất. Chống rửa trôi màu. Vừa đỡ tốn công xịt thuốc cỏ, vừa có màu xanh của lá, màu vàng của hoa rất đẹp. Không những tác dụng tốt cho hồ tiêu mà còn có lợi cho môi trường. Chúng ta tuy là nông dân nhưng một lúc nào đó cần có một không gian lãng mạn chứ.

Với vườn hồ tiêu xanh mơn mởn, trái lủng lẳng. Đó là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của những nông dân như chúng ta phải không bà con? Màu xanh của vườn tiêu gợi những cảm xúc, khiến tôi càng yêu cuộc sống của nông dân với những vườn tiêu xanh mướt và yêu luôn hành tinh xanh của mình.

Có những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng để đạt được điều mình muốn thì phải nổ lực hơn và hơn thế nữa. Thật hạnh phúc khi chinh phục được mục tiêu mà mình đề ra. Vì một hành tinh xanh chúng ta hãy bắt đầu chăm sóc hồ tiêu theo hướng hữu cơ sinh học bền vững. Như vậy cũng góp phần xây dựng hành tinh xanh cho chính chúng ta, cho thế hệ mai sau. Mãi mãi và mãi mãi…

Bài viết của Nguyễn Minh Vịnh gửi cho Giatieu.com

18 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Lời đầu tiên tôi chúc anh cùng gia đình sức khoẻ, hạnh phúc. Tôi rất tâm đắc kính phục anh từ bài viết ngày hôm nay. Bài viết rất khoa học dựa trên nguyên lý của cây trồng, gần gủi, thực tế đầy thuyết phục, câu văn gãy gọn mạch lạc vừa là lời tâm tình, khuyến cáo vận động mỗi người dân chúng ta cần phải thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình nhằm làm gương cho thế hại mai sau. Chào anh. Hẹn gặp anh!

  2. Hay quá. Cám ơn anh!
    Bài viết nhiều ý nghĩa sâu xa lắm. Việc bảo vệ hành tinh xanh là bảo vệ chính chúng ta mà.

  3. Anh Vịnh ơi ! Bài viết hay quá ! Tràn đầy cảm xúc và đậm chất nghệ sĩ. Chúc mừng anh nhé! Đọc xong bài viết như được uống một ly sinh tố mát lạnh giữa trời nắng gắt.
    Cảm ơn người tri kỷ của ” anh chàng đa sầu đa cảm”.
    Xin bà con hết lòng ủng hộ để hành tinh của chúng ta luôn mãi xanh.

  4. Mặc dù rất bận tôi cũng đã đọc một mạch hết bài. Mọi nhiệt tâm và nhiệt huyết anh đã chân thành gửi đến bà con nông dân chúng ta. Có nên chần chờ nữa không các bạn nhỉ? Hãy vì hành tinh xanh của chúng ta.
    Cảm ơn anh chàng đa tài nhé.

    • Bài viết rất hay, rất tuyệt vời, đúng như bác Nam Giao nói : Như một ly sinh tố giữa trời nắng gắt. Cảm ơn bác Vịnh.

  5. Cám ơn anh Vịnh. Tôi học tập được rất nhiều từ các bài viết của anh. Anh hiểu biết và tốt bụng quá, một lần nữa xin cám ơn.

  6. Em cũng mong một ngày nào đó sẽ được thăm mô hình của các anh để học hỏi, để các anh truyền đạt những kinh nghiệm… Tuy em năm nay mới 18 thôi nhưng rất ham trồng tiêu. Có những lúc mưa gió điện thoại hết tiền cũng cố gắng đạp xe qua quán nét để theo dõi những thông tin mới nhất… Tuy những thông tin của các anh là đơn giản nhưng với những người chưa trồng tiêu như em đây quả là khó mà hiểu hết được. Có gì không biết mong các anh các chị đi trước chỉ dạy thêm.
    Xin cám ơn!

  7. Chào anh
    Tôi hiểu. Và tôi biết anh cũng là người đầy nhiệt huyết với cây hồ tiêu.
    Đôi lúc những điều đơn giản nhưng diễn đạt mạch lạc cũng rất khó khăn. Ngoài kỹ năng giao tiếp còn có một chút năng khiếu văn chương chữ nghĩa nữa. Nhưng với nông dân, những ý kiến phản hồi mộc mạc lại dễ dàng tiếp thu hơn. Đơn giản mà hiệu quả như ý kiến phản hồi của anh vậy. Tôi rất ham học hỏi, thấy anh chỉ ủ phân vi sinh là về mày mò làm ngay. Trước nay tôi vẫn ủ với cả tấn phân chuồng và phải để rất lâu. Cũng không có đường cát đỏ. Anh có thể cho tôi biết tại sao phải bỏ thêm đường cát đỏ không? Vì có nhiều loại Tricho nó có bỏ theo cả bịch phân nuôi cấy nữa. Thật sự mà nói bài viết đó của anh mới là bài thực dụng và đầy ý nghĩa cho bà con trồng tiêu. Tôi cảm nhận được nó xuất phát từ “tâm”. Tôi rất trân trọng. Một lần nữa cảm ơn anh nhiều. Đây sẽ là bửu bối của tôi và của cả cộng đồng hồ tiêu đấy.
    Thân!

    • Mạn phép anh Phát, tôi xin trả lời câu hỏi của anh Minh Vịnh : Nấm Trichoderma thích nghi và phát triển mạnh trong môi trường PD : Potatoes – Dextrose (dịch Khoai tây 200 gram, Dextrose 20 gram, nước 1 lít), Dextrose chính là đường thực vật : mật mía, đường thốt nốt, đường củ cải, … Anh Phát đã thay khoai tây bằng cám gạo, đây là 2 chất dinh dưỡng nuôi nấm, giống chúng ta bón đạm cho cây vậy, thấy các anh có tâm huyết với cây tiêu quá, tôi đang thử nghiệm nhân sinh khối nấm trong môi trường lỏng, khi có kết quả sẽ cập nhật để bà con tham khảo. (Nước phải có độ pH = 6 – 7)

      P/S : hôm trước có bà con hỏi tồn trữ nấm Trichoderma ra sao, theo tôi được biết như sinh khối sau khi ủ theo cách của anh Phát, đậy kín (cho vào hũ hoặc bịch, … ) có thể tồn trữ ở nhiệt độ mát (30oC) được 6 tháng (nấm hết thức ăn thì nằm đó chứ không chết) – nhưng chưa thử. Vậy bà con nên thử, trích giữ lại 1 ít để thay vì mua ủ cho lần sau, nếu thành công chúng ta chỉ mua 1 lần và có thể xài dài dài, quan trọng là chủ động và gia tăng lượng nấm với chi phí thấp

      Chúc bà con khỏe !

    • Cảm ơn bạn.
      Chúc bạn và gia đình sức khỏe.
      Nghe đâu bạn chưa trồng tiêu mà tìm hiểu kỹ thế này.
      Chúc bạn thành công nhé!

  8. Bài viết như lời nhắn nhủ… ngọt ngào. Như lời mẹ ru …tha thiết. Hãy chiêm nghiệm. Hãy vì hành tinh xanh. Hãy vì một ngày mai tươi sáng các bạn nhé!
    Cảm ơn Minh Vịnh, người bạn tốt của chúng tôi.

  9. Cảm ơn giatieu.com, cảm ơn anh Vịnh, chỉ 1 bài viết mà gói trọn biết bao kiến thức, kỹ năng trồng và chăm sóc tiêu và đặc biệt ôm trọn cảm tình cảm đi sâu vào lòng người… Thật may mắn cho tôi biết, học và làm theo các bài viết này, cảm ơn, cảm ơn và… cảm ơn!

  10. Anh Minh Vịnh ơi cho tôi hỏi ngoài lề một chút nha, cái thang hái tiêu của anh cao 6-7m, vậy chắc là nặng lắm, thấy trên hình có lẻ là sắt ống nước, hai người khiêng nổi kg? Ở tôi người ta chỉ bán thang làm sẵn mà làm bằng sắt vuông không hà, xài vài mùa là đã mục.

    • Chào Huyền!
      Cái thang đó thì một người chắc chắn không thể khiêng nổi. Nhưng vẫn có cách di chuyển mà phụ nữ yếu cũng có thể di chuyển được. Đó là bước và xoay. Yêu cầu lúc nào cũng cần phải có 2 người. Cũng khá đơn giản thôi bạn à. Sự dụng để hái tiêu đám rất tiện. Vì chỉ cần bước tới, bước tới là xong. Vì mặt chân đế của nó lớn hái tiêu mới an tâm. Mà khi thu hạch không như thang tre phải dựa vào cây tiêu làm gãy tay. Gãy tay sẽ làm giảm năng suất cho mùa sau. Thường thì dùng vật gì muốn bền thì mình phải bảo dưỡng nó chứ bạn. Cuối mùa mình mua sơn về sơn lại toàn bộ cây thang và cất lại thì rất bền. Bỏ 1kg tiêu là mua được cà mấy hộp sơn đó chứ.
      Thân!

  11. Thưa với cả nhà trong diễn đàn !
    Cháu tên Dưỡng ở Chư Sê, rời quân ngũ ở tuổi 24 nhà tập tành làm tiêu 3 năm nay nhưng thất bại tiếp nối thất bại. Cơ bản là không biết trình tự phân tro, thuốc men, không thể nhận rõ triệu chứng bệnh để chữa cuối cùng vẫn không thoát khỏi cái câu “tiền mất tật mang”.
    Cháu cũng đọc rất nhiều trang mạng nhưng hầu như chỉ kiến thức phổ thông khi áp dụng thì không phù hợp với thổ nhưỡng của vùng mình. Ngoài ra trên thị trường thuốc BVTV giống như chợ rau không biết đau mà lần. Nhiều khi hàng tốt, hàng chất lượng nằm ngay trước mắt cũng như bị phù phép. Như sáng nay cũng vậy đi mua trichoderma họ cũng đua ra 3, 4 loại. Hỏi nhiều thì bảo khó tinh, nhưng không hỏi chắc tiêu thiệt quá.
    Nay gặp được mấy chú trong diễn đàn giống như gặp được phao cứu sinh, không cùng độ tuổi với các chú nhưng cùng quan điểm, cùng suy nghĩ, cùng vì cây hồ tiêu … cùng vì thế giới xanh.
    Trước là có vài lời tâm sự với các chú sau cháu cũng có đôi điều mong được lĩnh hội.
    Năm nay mưa nhiều, tiêu nhà cháu có hiện tượng dưới mặt lá nổi màu nâu, trên ngọn thì nổi chấm và đốm vàng, lá non bi quăn cháu định phun đồng đỏ rắc vôi, sau khoảng 1 tuần sẽ bón vi sinh + tricho, như vậy có hơp lý không? Mong được chỉ giáo. Chúc các chú thật nhiều sức khỏe.

  12. @Tiến Dưỡng thân!
    Nếu thời tiết ở khu vực Chư Sê lúc này mưa nhiều nắng ít bạn có thể mua Tricho về xịt cả trên thân và dưới đất vườn tiêu thử xem sao. Chúc bạn thành công.
    Thân chào!
    *Bạn xem lại bài :Nhân sinh khối bào tử và các phản hồi.
    *Còn vấn đề nào không rõ thì yahoo với mình

Gửi phản hồi mới

(?)