Lợi ích của việc sử dụng biện pháp sinh học trong nông nghiệp

, Khuyến cáo, 23

Nếu có thời gian, nếu các bạn không thấy chán, tôi rất vui khi được chia sẻ cùng các bạn những việc tôi đã làm, đang làm và nhớ lại những tài liệu khoa học tôi đã đọc được.

Các bạn thân mến!

Tôi chỉ mới có hai bài viết về cây tiêu với mục đích đóng góp, chia sẻ cùng cộng đồng giatieu.com. Nhưng khi đọc phản hồi của các bạn tôi vô cùng xúc động, ngỡ ngàng: “giờ mới biết, trước đây cứ cho phân chuồng mà không xử lý mầm bệnh”, hay có bạn lâu nay lạm dụng các sản phẩm hóa học mà không biết hậu quả của nó… Nghĩ mà thương…!

Có nhiều biện pháp canh tác trực tiếp hoặc gián tiếp tiêu diệt dịch hại, một số biện pháp canh tác tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao tính chống chịu của cây trồng đối với dịch hại, và khích lệ khả năng tự đền bù của cây trồng khi bị tác động gây hại từ phía dịch hại…

Có biện pháp canh tác làm cho điều kiện sinh thái trở nên bất lợi cho dịch hại nhưng thuận lợi cho thiên địch phát sinh và phát triển.

Những biện pháp canh tác như vậy rất có ý nghĩa trong phòng chống dịch hại và được gọi là biện pháp canh tác bảo vệ thực vật (BVTV).

Hiện nay tiêu là cây trồng hấp dẫn nhất trong các loại cây trồng vì lợi nhuận của nó mang lại cho người trồng. Tuy nhiên người trồng tiêu phải nắm bắt được kỹ thuật cơ bản để khỏi lâm vào cảnh trắng tay vì dịch bệnh, nhất là ở những vùng chuyên canh cây tiêu (độc canh).

Độc canh mang lại nguồn lợi lớn cho người trồng, nhưng độc canh cũng tạo điều kiên thuận lợi cho dịch hại tích lũy và phát triển. Đặc biệt những loại dịch có tính chuyên hóa cao, chỉ gây hại một loại cây trồng, thì sẽ phát triển thuận lợi trong điều kiện độc canh vì nguồn thức ăn của nó luôn dồi dào. Thí dụ như vườn chuyên canh cây tiêu, sau mỗi vụ, mật độ tuyến trùng tăng lên nhiều lần. Bà con mình ít quan tâm đến tuyến trùng, đúng hơn là không có biện pháp hữu hiệu để xử lý nó và từ vết thương của tuyến trùng gây nên là cơ hội cho các loại bệnh gây hại khác thâm nhập.

Để đạt được một quần thể gây hại lớn, các loài dịch hại phải có một thời gian nhất định để tích lũy số lượng cá thể của chúng. Sau mỗi thế hệ, số lượng cá thể của dịch hại trong quần thể được tăng lên gấp bội. Thời gian sinh trưởng của cây trồng càng lâu năm thì dịch hại sẽ hoàn thành được nhiều thế hệ trên cây trồng đó. Do đó số lượng cá thể trong quần thể của chúng càng tích lũy được nhiều, tạo nên quần thể có mật độ cao đủ để gây thiệt hại nặng với cây trồng. Tuy nhiên nếu quản lý dịch hại tốt thì những vườn tiêu độc canh vẫn tồn tại phát triển tốt trong thời gian dài. Sở dĩ tôi nói lên điều này để bà con cần quản lý dịch hại tốt hơn.

Vào thăm vườn của tôi nhiều bạn thường hỏi vì sao tôi không loại bỏ những cây trồng khác để trồng thêm tiêu. Tôi xin chia sẻ.

Xen canh cây trồng là một lối canh tác khá phổ biến ở vùng Đông Nam bộ, cho thu hoạch ổn định quanh năm, đồng thời sử dụng tối ưu các điều kiện đất, ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng trong đất, góp phần làm tăng thu nhập cho nhà nông. Về phương diện BVTV, xen canh cây trồng còn làm giảm các thiệt hại do các loài dịch hại gây ra. Nhiều loại dịch hại có tính chuyên hóa thức ăn, nghĩa là chúng chỉ có thể sử dụng những loại cây nhất định để làm thức ăn. Khi trên vườn có một loại cây, được trồng với diện tích liền nhau, sẽ tạo nên nguồn thức ăn thuận lợi cho các dịch hại chuyên tính. Xen canh cây trồng sẽ làm cản trở sự phát sinh lây lan của chúng, nhất là đối với những loài dịch hại chuyên tính không có khả năng tự phát tán đi xa và còn làm tăng tính đa dạng của hệ côn trùng,vi sinh vật trong các quần thể nông nghiệp, tức là làm tăng tính ổn định của hệ sinh thái. Người ta còn trồng các loại cây để bẫy các loại sâu hại, cây bẫy tôi sẽ trình bày trong bài “Rệp sáp tên vô lại”.

Hiện nay ta thấy trong tủ của các đại lý bán thuốc BVTV trưng bày đa số là các loại thuốc hóa học, riêng sản phẩm sinh học thì quá khiêm tốn. Bảo vệ thực vật ư, hay là tiêu diệt thực vật? Trong tương lai nếu cứ tiếp tục sử dụng hóa chất vô tôi vạ như thế này thì e rằng ngày nào đó chúng ta sẽ không còn nghe tiếng chim hót, dế gáy, ve kêu…vào những đêm đầu mùa mưa không còn nghe tiếng cóc, nhái, ễnh ương…và dàn đồng ca vĩ đại của côn trùng sẽ biến mất.

*Không nói lên những điều này tôi cảm thấy xấu hổ với anh bạn già, người mà thỉnh thoảng vẫn  alo cho tôi: “tiêu bà con bị chết nhiều quá, tôi cố gắng làm được điều gì đó cho bà con trong khả năng của mình” thế đấy, nên tôi đùa: “anh là gã bao đồng đáng yêu”…

 Tieuphong, Trảng Bom-Đồng Nai.

(Giatieu.com)

23 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Bài viết nói về quần thể làm tôi có một chút hồi tưởng về kiến thức sinh học hồi cấp 2. Hay đấy. Không phải tự nhiên cây phát bệnh liền đâu, ít nhất cũng phải có thời gian ủ bệnh. Ta nắm bắt được giai đoạn này thì phòng ngừa rất đơn giản mà hiệu quả.
    Đúng là xen canh thì cây hồ tiêu sẽ ít bị bệnh hơn. Điển hình như nhà tôi chẳng hạn. Làm bồn cà phê sâu nước rút xuống hết bồn cà phê chẳng ngập úng gốc tiêu là chẳng thấy bệnh gì. Cây tiêu hạt nào lỡ mọc dưới bồn cà phê thì hay bị thúi cổ rể chết lắm. Vậy mới nghiệm ra là làm mương thoát nước tốt thì cây sẽ ít bệnh tật. Thậm chí là không có bệnh.
    Cảm ơn Tiêu Phong và anh Phát nhé. Nhờ mấy anh mà bà con có chỗ dựa đáng tin cậy. Nói thật là tôi cũng nhẹ một vài phần.
    Thân!

  2. Tôi vừa biết đến web http://www.giatieu.com đêm hôm nay và cũng may mắn được đọc 2 bài viết của anh Tieuphong. Tôi còn trẻ và cũng là người mới bắt đầu trồng tiêu, ở Xuân Lộc – Đồng Nai. Mong anh TieuPhong có thể cho tôi xin sdt cùng địa chỉ (gửi qua email) để có dịp tôi đến tận nơi tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ anh. Địa chỉ email của tôi là: tranvietphong2002@yahoo.com
    Thân chào anh cùng bạn đọc!

  3. Cám ơn anh bạn già có một bài viết đáng trân trọng. Quan điểm của chúng ta cũng góp một phần kiến thức giúp bà con cải thiện lại các phương pháp mà bấy lâu nay đã vô tình chạy theo năng suất, chạy theo thị trường… nhưng vẫn còn kịp. Chưa muộn đâu các bạn ạ. Anh cố lên tí nữa!

  4. Chào anh Minh Vịnh. Anh gắn bó với cây tiêu nay đã lâu rồi đúc kết được nhiều kinh nghiệm như vậy. Anh cho hỏi: Anh đã mấy lần “Tiễn em lên đường”, cái mà “Trụ ơi ở lại tiêu đi đây. Chúc trụ yên vui mãnh đất này” ấy mà.
    Tôi thì mới làm kinh nghiệm còn hạn chế lắm nên tôi rất chi là lo.
    Nên anh cùng anh Phan Phát và anh Tiêuphong có nhưng kinh nghiệm gì hay thì chỉ giúp cho tôi với nhé. Chào tạm biệt.

    • Chào bạn!
      Năm nào mà tôi không nhỏ bỏ vài bụi tiêu suy yếu đem đi đốt. Cây yếu, giống yếu, hoặc là mưa nhiều chết bất khả kháng thì làm sao tránh khỏi. Có điều là tôi triệt nguồn lây lan ngay. Nên cũng chẳng sợ gì. Cộng với kỹ thuật nhân giống của tôi thì năm sau tiêu lại phủ trụ “Xử lý đất lại cho thật kỹ”. Thậm chí mình chọn giống nào phù hợp hơn cho vùng đất đó nữa. Bạn có chăn nuôi gia cầm thì sẽ biết. 2000 con thì có nuôi giỏi mấy cũng bị què quặt một vài con là chuyện bình thường. Cái quan trọng hơn là sản xuất bền vững.
      Thân!

  5. Anh Vịnh ơi cho em hỏi chút. Anh cũng có trồng cà phê chắc là anh biết. Vườn càphê của em tự nhiên có mấy cây rụng lá xanh năm ngoái cũng có mấy cây bị như vậy rồi cuối cùng là đất ơi ở lại cây đi nhé. Không biết nó bị làm sao anh Vịnh nhỉ, chỉ em với. Cà phê bị là cây 2 năm tuổi…

    • Chào bạn!
      Trước tiên bạn xem cây có bị ngập úng không? Tuy cây cà phê chịu nước rất tốt nhưng úng quá cây sẽ còi cọc kém phát triển. Sau đó bạn xem lại chế độ phân tro nhà mình. Xem có làm cháy rễ non không. Dư phân hoặc bón phân mà không gặp mưa, đạm dư thừa và thiếu kali cũng làm cây bị rụng lá như vậy. Cháy rễ non làm cây suy yếu và rụng lá ngay lập tức. Chỉ có 2 trường hợp đó xảy ra. Còn trường hợp bị mối sùng cắn rễ thì cây vàng vàng lá rồi nó mới chết từ từ. Cây cà phê năm 2 rất hay bị hiện tượng đó, hiện tượng này còn xảy ra với cà phê kinh doanh hay bị rụng trái non. Bạn nên chăm sóc tránh tổn thương bộ rễ thì cây sẽ không sao. Cũng có thể do bạn nạo vét bồn làm tổn thương rễ và nấm Phytophthora tấn công cây cũng bị bệnh chết y như hồ tiêu vậy. Loại nấm này không những tấn công hồ tiêu mà còn tấn công cao su, cà phê, cà chua, bầu, bí, mướp, cà pháo, ớt… Vì vậy với loại cây nhạy cảm như cây hồ tiêu người ta cũng khuyên không nên trồng xen với những cây trên.
      Thân!

  6. Anh TiêuPhong thân ! Cho em hỏi tí xíu : giữa hai loại vạn thọ, thân đứng (cao khoảng 70 cm) và thân bò, vậy loại nào có tính kháng “địch” mạnh? Hiện vườn em toàn thân bò (loại trồng làm bồn hoa ấy). Anh góp ý cho em với. Thân !

  7. Em loại trừ hết khả năng thì còn khả năng úng nước thôi. Khi em cào lá trong bồn ra thì thấy đất úng thật. Giờ mình xử lý sao ạ. Em thấy vài cây lá rũ rồi em sợ thối rễ thôi. Anh giúp với !

    • Chào bạn!
      Cũng dể thôi bạn à. Bạn làm một cái rãnh cho nước thoát ra là xong. Còn khi cây đã rụng lá tức rễ non và rễ tơ đã thối. Bạn nên dùng phân amino cho cây hồi phục rễ. Chủ yếu là mình ngừa cây khác chứ cây đã rụng lá rồi thì rất yếu. Bồn tiêu bạn làm quá sâu cây hay bị hiện tượng đó lắm. Nhưng với những cây phát triển được thì sẽ rất tốt. Trồng cà phê xen tiêu là mô hình bền vững đấy. Bạn có thể vào một vài website uy tín học hỏi thêm. Trang giatieu.com có liên kết với trang giacaphe.com đấy. Bạn vào đấy có nhiều thứ hay về cây cà phê lắm. Còn bên này thường thì thảo luận về cây hồ tiêu bạn ạ.

      @Trihai. Mạn phép anh Tieuphong tôi xin trả lời hộ cây thân đứng tốt hơn đấy bạn.
      Thân!

    • Chào bạn!
      Bạn nhầm tôi với anh admin đấy. Tôi còn rất trẻ.

  8. Xin chào Trần Việt Phong!
    Cám ơn bạn đã quan tâm tới bài viết, rất vui khi được đón tiếp bạn, nhưng vào một dịp khác, thời điểm này bản thân tôi cũng hạn chế đi lại trong vườn, mong bạn thông cảm cho sự khiếm nhã của tôi, tuy nhiên chúng ta có thể gặp nhau qua email tanpham134@yahoo.com, thân ái.

    Trihai và Minh Vịnh thân mến!
    Minh Vịnh đã trả lời Trihai rồi. Cám ơn MV đã giúp tôi đáp ứng những thắc mắc của các bạn. Thật lòng tôi rất ngại phải giải quyết vấn đề, trước khi đưa ra giải pháp nào đó bản thân phải cân nhắc, cẩn thận lắm, sơ ý một tí thôi thì vô tình làm hại các bạn. Khi hoàn thành một bài viết cũng thế, phải có thời gian thai nghén, nhớ lại những thành quả của mình, sưu tầm tài liệu cuối cùng hệ thống hóa, mệt mỏi lắm vì có “tí tuổi” rồi, tắc trách một tí có khi bị “ném đá”, hơn nữa tốc độ lướt trên bàn phím của tôi là tốc độ của …bọ rùa, có điều gì sơ suất xin các bạn bỏ qua cho.
    Nhân câu hỏi của Trihai về cúc vạn thọ, tôi vô tình đọc được bản tin đăng ngày 26-4-2012 (trích nguyên văn) “trái với nhiều kết quả trước đây, theo các kết quả mới đây ở đại học ÚC IRVINE CALIFORNIA, vạn thọ không thu hút nhiều tuyến trùng, như vậy trồng vạn thọ làm bẫy không hiệu quả mấy” (theo Vietnamgateway.org). Khoa học là vậy, lúc thế này khi thế khác là chuyện bình thường, các bạn có thông tin nào khác xin cho biết thêm. Nếu bản tin trên là nghiên cứu chính xác của các nhà khoa học thì nông dân mình khỏi phí công trồng vạn thọ. Chào thân ái!

    • Chào anh tieuphong!
      Nhà tôi có trồng nên tôi biết. Thật sự hiệu quả đấy anh ạ!
      Được tính nó nằm trong thân, hoa và lá nếu chỉ trồng không là không có tác dụng. Vào giai đoạn cây cho bông cây vẫn còn đẹp lá mơn mởn. Lấy cây đó băm nhỏ chôn vùi thì mới có tác dụng. Không phải làm là có tác dụng liền đâu. Sau nhiều năm nó mới hiệu quả bội phần.
      Thân!

  9. Anh Vịnh ơi, bà con ở Đạt lý BMT, tới bây giờ là cuối tháng 8 Âm rồi mà tiêu ra thêm 1 đợt bông hơi nhiều nhiều, phải làm sao anh? (hoa lứa đầu trái đã lớn rồi, cở sau tết là hái).

    • Chào dat ly!
      Từ tháng 4 tôi đã nói với nhiều bà con nông dân là tiêu sẽ ra 2 đợt bông. Một đợt vào tháng 4, 1 đợt vào tháng 8. Đó là do bạn làm bông không đúng cách. Nên cây sẽ ra bông 2 đợt thậm chí nhiều đợt. Tôi cũng gần hoàn thiện bài viết kỹ thuật làm bông cho bà con rồi. Nhưng thời điểm này có lẽ chưa nên đăng bài viết ấy (anh admin cũng có kế hoạch sử dụng đúng lúc nữa). Khi thu hoạch vụ chính chịu khó kêu nhân công hái luôn trái non đó đi hi sinh 1 năm “đừng tiếc”. Tránh tình trạng này kéo dài tiếp diễn nhiều năm mất năng suất và sản lượng cây trồng. Nếu chừa hái thì vô mưa trở lại mới hái như vậy rất cực năm nào cũng chịu cảnh đó. Bạn chịu khó tham gia diễn đàn thường xuyên. Nếu theo dõi những comment của tôi thì có lẽ đã không vất vả thế này rồi. Bạn có thể tham khảo kỹ thuật bón phân của tôi. Và sau này có bài viết kỹ thuật làm bông nữa là bảo đảm năng suất cao mà ổn định. Có lẽ do diễn đàn mới nên tôi nói cũng ít ai để ý.
      Thân!

    • Cảm ơn anh nhiều, tôi mới biết trang web này, từ đó đên nay ngày nào tôi cũng vào đây học hỏi, có các anh giúp đỡ, bà con được nhờ nhiều lắm.

  10. Anh Minh Vịnh ơi ! Anh cho em hỏi tí nhé : Gần nhà em có người trồng lạc dại trong vườn cây cảnh sau đó họ cuốc bỏ một đám lạc dại để trồng cây cảnh, nhưng trồng nhiều lần mà cây không phát triển nổi dù đã xử lý hố trồng tốt. Vậy là do đâu hả anh? Mọi người cho rằng rễ lạc dại phá đất. Nhờ anh tư vấn giúp. Cảm ơn anh nhiều.

    • Xin phép bác Vịnh cho phép tôi được nêu quan điểm của mình với bạn Lê Toàn tí:
      Cây lạc dại là họ gì chưa cần biết, tác dụng của nó cũng không cần biết. Nhưng họ hay trồng làm cảnh. Như một chậu cảnh, dưới gốc họ trồng lạc dại. Nếu cây lạc dại phá đất thì cây cảnh phải cằn cỗi, vàng vọt đi chứ. Đây thì ngược lại, sao lại nghĩ là cây lạc dại làm cằn đất? Chắc là do người trồng thôi bạn.
      Có những loại thực vật xâm hại mà người ta đã nghiên cứu, xếp hạng, ví dụ như cây xấu hổ, mai dương…, thực ra tôi nghĩ nó cũng không làm đất xấu đi mà nó xâm hại theo nghĩa khác !
      Trong thực tế, tôi hay nghĩ lẫn thẩn: Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng rất hay.
      So sánh của tôi có thể khập khiễng, tuy nhiên tôi thấy thế này: Trồng bắp, mì (sắn)… sẽ làm mất dinh dưỡng của đất trong điều kiện : anh không bù đắp cho nó lượng mà anh lấy đi (trái bắp, củ mì). Ai đi khai hoang trồng mới thì sẽ rõ một điều : đất mới khai hoang từ rừng nứa, tre, lồ ô cực tốt (rừng tự nhiên không khai thác). Ngược lại, sau khi trồng nứa, tre, lồ ô để khai thác thì đất sẽ cằn rất nhanh !
      Tôi đang nhân giống lạc dại để năm sau có thể phủ vườn tiêu. Học theo bác Vịnh, tầng cao là tiêu, tầng giữa bạt ngàn màu vàng của hoa vạn thọ, dưới là một thảm xanh rì điểm từng chấm hoa vàng li ti của lạc dại. Để cùng lắm là thành một anh nông dân thi sĩ.

    • Chào bạn!
      Cây đó rất dể sống bạn cắt từng khúc 15cm-20 xới nhẹ đất lên tầm 5cm lấp lại là tỉ lệ sống rất cao. Mục đích chính của nó là chống xói mòn giữ ẩm cho đất. Ngoài ra khi cây này phủ xanh đất rồi thì đỡ tốn công làm cỏ. Cây lạc dại mà sử dụng đúng cách thì nó mới tốt đất còn dùng không đúng cách thì nó cũng chỉ là cây cỏ. Nó tốt là nhờ vi khuẩn sống cộng sinh trong rễ. Tạo thành nốt sần. Cái đó gọi là nốt sần cây họ đậu. Vi khuẩn này sẽ cố định đạm trong đất. Những vi khuẩn này cần phải có thời gian tích lũy. Dùng phân thuốc hóa học nhiều thì cái gì mà chẳng chết.
      Rẫy nhà tôi cũng đầy cỏ mà hồ tiêu vẫn tốt. Trong gốc, ngoài tán sạch sẽ và bổ sung lượng phân chuồng hoai mục đầy đủ hằng năm thì cỏ chỉ là chuyện nhỏ.
      Tốt hay không tốt là do mình cả bạn ạ. Tôi thì thấy đẹp và đúng là chống xói mòn đất rất hiệu quả. Những bụi tiêu mà có lạc dại hay cỏ mọc thì tôi rất an tâm. Vùng đất nào mà cỏ mọc không nổi rất dể bị úng. Cây hay bị bệnh thúi rễ, chết nhanh.
      Thân!

  11. Có nhiều bạn, bạn nào cũng hỏi nên đã trả lời nhiều lần rồi bạn ạ. Bạn phải chịu khó mà đọc chứ, mấy bạn không chịu đọc cứ hỏi vậy trả lời tới khi nào.

  12. Ở vùng em có vườn tiêu khoảng 300 nọc khá đẹp, mùa vừa rồi thu gần 2 tấn khô. Không hiểu chăm bón kiểu gì bỗng nhiên lăn quay ra chết sạch cả vườn. Nghe hàng xóm nói chú ấy phun thuốc để kích bông mà không hiểu tại sao…

    • Có thể do chủ vườn đã dùng 1 loại phân thuốc kích bông bằng hóa học, vì cạnh tranh nên NSX đã pha chế hơi đậm nhằm đạt hiệu quả nổi trội so với sản phẩm cùng loại. Đồng thời, do thói quen sử dụng phân thuốc hóa học quá liều nên chủ vườn còn pha đậm hơn khuyến cáo, cả hai cái “hơi quá” cộng lại … trong khi hồ tiêu là loại cây khá mẫn cảm.
      Sử dụng sinh học để kích bông sẽ không bao giờ gây tác hại như vậy. Thật đáng tiếc !

Gửi phản hồi mới

(?)