Nhìn lại giá hồ tiêu những ngày gần đây (Kỳ 1)

, Thị trường hạt tiêu, 15

Giá hồ tiêu nửa sau tháng 5/2020 đột ngột tăng tốc, từ mức xấp xỉ 40.000 đ/kg vọt lên quá 60.000 đ/kg tiêu đen xô, tăng tới gần 60% chỉ sau 2 tuần là điều hiếm thấy. Để góp phần sáng tỏ điều này, trang Giatieu.com có loạt bài chia sẻ ý kiến của các giới sản xuất kinh doanh hồ tiêu, xin mời cộng đồng tham khảo. 

Một điểm thu mua hạt tiêu đen

Kỳ 1: Thử lý giải nguyên nhân làm giá hồ tiêu tăng“nóng”, qua góc nhìn của một thương nhân nội địa.

Thời gian cực ngắn gần đây, giá hồ tiêu tại thị trường nội địa Việt Nam có bước giá, tôi cho là vượt hết “mọi thời đại” , tăng 60% từ 37–38.000 đ/kg lên đến 60 – 62.000 đ/kg trong mấy hôm. Có lúc giá giao động tới 10.000 đ/kg trong 24 tiếng đồng hồ. Lý do nào thúc đẩy để xãy ra điều “ngoạn mục” này? Quan sát diễn biến từ ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đại dịch Covid-19 đến nay, có mấy thứ lướt qua mắt mình. Viết lại để chia sẻ với cộng đồng, vui hay buồn còn tùy vị thế.

Điều đầu tiên cần đề cập là “niềm tin giá lên” và niềm tin đó được lan toả nhanh nhờ vào mạng xã hội.

Ví dụ đơn giản cho dễ hình dung sự việc: Bình thường, thị trường hồ tiêu Việt Nam có 5 người mua, 5 người bán. Vừa rồi tất cả đều mua, không có người bán. Phía xuất khẩu ước cuối tháng có hơn 30.000 tấn giao xuống cảng. Giá nội địa được cho cao hơn giá nước ngoài, nhưng vì hợp đồng đã ký, hàng mua của nước ngoài chưa nhập về kịp thì bắt buộc phải “mua lén” theo giá của người có hàng nội địa “hét”. Nguồn cung nội địa có thiếu không mà giá tăng đột biến vậy? Tôi khẳng định là không!

Hôm 01/4, Chính phủ công bố giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Giá nội địa đã chạm 35.000 đ/kg trong tâm thế lo lắng, chờ đợi. Một lượng lớn hàng thực được đưa về các kho xuất khẩu gởi ứng tiền chưa chốt giá. Thị trường còn có thêm dữ liệu công bố của Tổng cục Hải quan , Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu tháng 4/2020 đạt hơn 40.000 tấn, nhiều nhất từ trước đến nay. Con số này nói lên điều gì?

Giá bắt đáy 34 – 35.000 đ/kg tại vùng nguyên liệu Đăk Lăk, Gia Lai trong đầu tháng 4/202 dưới mức giá thành sản xuất của nông dân Việt Nam khá xa, đã kích thích các giới tung tiền mua đầu cơ. Và hơn hết, giá nội địa xuống thấp lúc này còn do tài chính của người trong ngành hồ tiêu bị thiếu hụt, nông dân Tây nguyên vào thu chính vụ, nợ nần cần trang trải, nhu cầu bán hàng tăng cao trong khi thông tin dịch bệnh lây lan toàn cầu khiến dòng tiền bị tắt nghẽn cục bộ và giá nội địa tiếp tục suy yếu thêm. Lúc đó, chỉ cần các đơn vị KDXK mua tại kho Bình Dương – SG với giá đạt 36.000 đ/kg, số lượng bao nhiêu cũng được đáp ứng. Nhưng các hợp đồng đã ký trước đó, được thông báo chậm giao hàng vì giãn cách, dòng tiền cũng bị dừng đột ngột. Tuy nhiên, mấy ngày đầu tiên giãn cách, xã hội vận hành cơ bản ổn định.

“Làn sóng” mua đầu cơ nội địa bắt đầu nhen nhóm. Các đơn vị KDXK cũng bắt đầu quay lại mua cho đơn hàng tiếp theo. Trung Quốc mở cửa trở lại hoạt động bình thường và cũng tham gia thị trường khiến giá hồ tiêu rục rịch tăng nhẹ. Nhưng tăng đột biến như vừa rồi là niềm tin giá lên và các giới đầu cơ nội địa quyết định, đừng đổ thừa Trung Quốc làm giá. Liên tiếp hai tháng liền, người có hàng ôm cứng trong tay không muốn bán ra. Các giới đầu cơ thấy giá càng lên càng có niềm tin và càng tung tiền mua mạnh, bất chấp người có hàng nâng giá vượt mức.

Tôi muốn kể thêm một yếu tố quan trọng, là vai trò của “trùm”. Với tính toán xu hướng đúng, khi giá rục rịch tăng thì trong kho của “trùm” đã đầy kín hồ tiêu, con số không dưới 5.000 tấn, nhưng chủ yếu nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hoà đã góp phần đẩy giá tăng đột biến. Nhiều người nhìn cách “trùm” phát giá để thị trường chạy theo. Đầu cơ nhìn “trùm” mà mua theo, giá tăng nhảy cóc từ đầu cơ này sang tay đầu cơ kia, giá nào cũng mua, miễn người có hàng đồng ý bán.

Bên cạnh đó, còn có thêm yếu tố này cũng góp phần tăng giá: Một “đại gia” (xin không nêu tên) đã bán tiêu giấy lúc giá 37 – 38.000 đ/kg. Cứ đưa 30% tiền tươi, còn lại 70% chịu lãi suất ngân hàng là mua được hàng của họ, dù trong kho không có hàng thực. Khi giá tăng đột biến, khách thấy trong kho không có hàng nên quay lại “cắt giá”sang “trùm” mua lại kiểu đó. “Trùm” hét lên mấy ngàn cũng mua, góp phần tăng nóng luôn. Cứ mua bán lòng vòng như vậy, bất chấp các đơn vị KDXK ngao ngán lắc đầu, không mua được hàng để xuất. Nhưng các con số báo cáo của ngành Hải Quan vẫn thể hiện xuất khẩu đều. Vậy, lượng hàng mua bán lòng vòng đó cuối cùng sẽ về đâu? Tất nhiên, vẫn về với các đơn vị KDXK bằng cách, cuối tháng cần hàng xuất thì “mua lén” một hai mối lớn với giá lỗ te tua so với giá đã ký. Đỉnh điểm, giá đã dao động ở mức 61 – 62 – 63.000 đ/kg trong tích tắt mua đầu cơ. Qua ngày 29/5, “trùm” tắt điện thoại, ngừng mua. Thị trường nháo nhào bán. Tất cả đều bán, không có người mua, giá lao nhanh về trên dưới 50.000 đ/kg…

Xâu chuỗi các sự kiện ở trên tôi nhận thấy, tuy nguồn cung không thiếu, thậm chí vẫn dư cung, nhưng tình trạng khan hiếm hàng thật vì niềm tin giá lên khiến giới đầu cơ mua mạnh và các đại lý găm hàng không bán ra, đã khiến các đơn vị KDXK không có nguồn hàng cung ứng như kế hoạch. Một số đơn vị phải đền hợp đồng với các khách “thông cảm”. Việc này nếu kéo dài, vô hình chung sẽ làm mất uy tín của các đơn vị KDXK với khách nước ngoài. Nhưng thị trường vốn khốc liệt, đành phải chấp nhận.

Ai biết được, đến nửa cuối tháng tới, cảnh này lại xảy ra ?

Bài viết thể hiện cách nhìn của một thương nhân nội địa khá giàu kinh nghiệm, được giatieu.com ghi lại và chia sẻ với cộng đồng. Không bao hàm nhận định, đánh giá hay khuyến khích đầu cơ, kinh doanh.

Trân trọng !

Giatieu.com

Báo Giá cà phê qua điện thoại
15 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Lúc 36k/kg công ty nhập khẩu không chịu mua, không có tiền hoặc tính toán sai. để đại lý mua hết giờ mấy ông xuất nhập khẩu không có hàng giao lại đi la làng

    • Tiêu rẻ các nước khác bỏ hết rồi. Tăng ảo hay tăng thật? có “trùm” đầu cơ thổi giá hay không? thì hết năm tiêu cũng phải lên thôi. Đại lý ôm hết rồi còn đâu. Năm sau tiêu còn mất mùa nặng

  2. Phản hồi không hợp lệ !
    Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.

  3. Tôi không phải là người buôn và cũng không phải là người đầu cơ, tôi chỉ là người nông dân làm ra những hạt tiêu.
    Hiện nay tại khu vực của tôi chặt bỏ cây tiêu hết 90% chuyển đổi cây trồng khác, tại sao lại có cớ sự như vậy? Vì giá quá rẻ nhân công thì lại đắt, đầu tư gần như thâm vốn. Không những ở chỗ tôi mà nhiều chỗ khác cũng vậy. Điều này cho thấy cuối vụ 2020-2021 thị trường trong nước sẽ thiếu hạt tiêu, giá sẽ lên là điều chắc chắn. Vả lại 2020 dịch bệnh đã lan ra toàn cầu, điều này minh chứng rằng giá hạt tiêu sẽ ở một vị trí cao mới xứng đáng được. Vì làm được một tấn tiêu không phải dễ, bao nhiêu mồ hôi công sức + tiền bạc + thời tiết…
    Giá 70.000 đ/kg may ra người làm nông mới ngữa mặt được. Còn giá như hiện nay chỉ có lổ và lổ thôi !

  4. Nhà mình trồng 1 ít và mình có mua vào 4 tấn cất kho. Kế hoạch giữ trong 3 năm.
    Theo dự đoán ở Việt Nam thậm chí các nước khác, 1,2 năm tới diện tích sẽ giảm 1/2 lúc này cung sẽ cân bằng với cầu. -> giá lại tiếp tục ổn định trở lại. Người dân có tiền mà giữ kho cũng chẳng có gì xấu.
    Bản thân tôi khuyến khích ai có vốn nên giữ, chỉ có tiền mới mất giá -> chứ sản phẩm làm ra có giữ nó vẫn còn đó -> chẳng có gì phải ngại.
    Thị trường nào chạm đến đáy mà chẳng tăng trở lại -> vấn đề là thời gian chúng ta chịu được bao lâu thôi.

    • Bạn cất được giá bao nhiêu, minh cất 20 tấn giá 54k/kg lên được 62k mình chưa bán nay hạ nhiệt rồi bạn. Mình cũng có ý để đến 3 năm sau giống bạn ạ.

  5. Vụ thu năm 2019 mình thu được 480 kg, sang vụ 2020 mình chỉ thu được 150 kg thôi, dự kiến sang năm 2021 mình chỉ còn thu khoảng 30 kg.

  6. Mình cũng là ngươi làm hồ tiêu, hy vọng giá tiêu lên cho ngươi dân bớt khổ.
    Trồng hồ tiêu khó lắm, nhất là công chăm sóc tốn kém hay bị bệnh.

    • Xin chia sẻ nổi buồn cùng bạn. Cây tiêu rất mẫn cảm với các loại sâu bệnh. Chỉ cần lơ là việc phòng ngừa, bỏ bê chăm bón là xong ngay… Huống chi môi trường canh tác, xung quanh dịch bệnh tàn lan … bó tay thật !

  7. Giá tiêu có thể hồi phục đáng kể nếu bà con duy trì sức bán ra ổn định như hiện nay.
    Không rủ nhau bán ồ ạt như đầu vụ thu hoạch.
    Chỉ bán khi thật cần thiết để có tiền chi tiêu…

  8. Giá này không ai bán đâu ạ.
    Kỳ vọng 1 vài tháng nữa tệ lắm cũng bán được ở gía tầm 78k đến 95k.

Gửi phản hồi mới

(?)