Những hiểu biết cơ bản về phân hữu cơ
Chất hữu cơ trong đất được coi là một tiêu chí để đánh giá độ phì nhiêu của đất. Cho nên đất nào có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn thì đất đó sẽ được đánh giá tốt hơn.
Ví dụ, 2 loại đất có nguồn gốc phát sinh gần giống nhau nhưng kết quả phân tích cho thấy 1 loại đất có hàm lượng chất hữu cơ là 1,05% và 1 loại đất có hàm lượng chất hữu cơ là 5,3%, thì chưa cần xem các tiêu chí nông hóa hay vật lý khác, có thể nghĩ ngay là loại đất có hàm lượng chất hữu cơ 5,3% sẽ có độ phì nhiêu tốt hơn.
Tại sao lại nói như vậy? Vì đất có hàm lượng chất hữu cơ cao trước hết sẽ có tính chất vật lý tốt hơn, đất được trở nên tơi, xốp, hạt đất không bị rời rạc hay quá kết chặt.
Nếu là loại đất trồng màu, thì đất chứa nhiều không khí, vi sinh vật hoạt động mạnh, các loại giun đất cũng hoạt động mạnh làm đất càng thêm tơi xốp hơn.
Đất có khả năng giữ ẩm tốt hơn nên tránh được hạn tốt hơn. Chất hữu cơ lại có khả năng đệm tốt nên giữ cho độ pH của đất ít thay đổi, có khả năng giữ các chất khoáng do ta bón vào tốt hơn để rồi cung cấp dần dần lại cho rễ cây tốt hơn.
Chính vì vậy các nhà khoa học khuyên cần phải bón phân hữu cơ cho đất hay ít ra là bón trả lại một phần chất hữu cơ do cây đã lấy đi mỗi vụ.
Trong sản xuất, có nhiều loại phân hữu cơ, tạm thời phân ra các nhóm sau:
–Nhóm phân hữu cơ truyền thống, bao gồm các loại phân gia súc, gia cầm như chất thải của trâu, bò, lợn, gà, vịt, dê, cừu. Các loại chất thải này nếu sử dụng nguyên chất thì có hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Ví dụ, trong phân bò tươi có chứa chất đạm khoảng 0,341%, phân trâu có chứa 0,306% còn trong phân lợn có 0,669% chất N.
Nhưng trong phân chuồng, do cần có lượng phân nhiều nên thường cho thêm chất độn như rơm, rác, lá cây, cỏ… Hàm lượng dinh dưỡng trong phân chuồng có nhiều hay ít tùy theo lượng chất độn được cho thêm vào, nhưng chắc chắn là ít hơn phân nguyên chất rất nhiều.
Ngoài các chủng loại phân nói trên ta còn có phân bùn ao, phân bùn của nhà máy đường, phân xanh, phân rác các loại khác.
–Nhóm phân hữu cơ chế biến công nghiệp, bao gồm:
Phân hữu cơ: Có hàm lượng hữu cơ khoảng 20%, chứa chất đạm từ 2% trở lên, tỷ lệ C/N khoảng 12 (chất hữu cơ so với chất đạm).
Phân hữu cơ khoáng: Có hàm lượng hữu cơ phải chiếm từ 15% trở lên và tổng số N+P+K phải được 8% trở lên (8 – 18%).
Phân hữu cơ sinh học: Hàm lượng các axit Humic, Fulvic hay Humin hoặc tổng các axit amin, vitamin hay hợp chất sinh học khác phải đạt từ 5% trở lên.
Phân hữu cơ vi sinh: Chất hữu cơ trên 15%, có ít nhất 1 vi sinh vật hữu ích có mật số bào từ ít nhất là 1,5 x 106/gr hoặc ml.
Phân bón khoáng hữu cơ: Có chất hữu cơ chiếm từ 5 – 15%, chất khoáng khoảng 18% trở lên.
Phân vi sinh vật: Trong phân chứa ít nhất 1 chủng vi sinh hữu ích, có số bào tử sống tối thiểu 1,5 x 108.
Bón phân hữu cơ các loại cho cây trồng nói chung là rất tốt. Nhưng muốn biết phân hữu cơ có đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây trồng không trước hết ta cần biết rằng, cây nào cũng cần có ít nhất là 16 chất dinh dưỡng thiết yếu, đó là N,P,K Ca, Mg, S, Si và các chất vi lượng.
Các chất này đều có mặt trong các loại phân hữu cơ. Nhưng hàm lượng rất khác nhau.
Trong lúc đó, để có 3 tấn tiêu đen khô, cây lấy đi từ đất và từ các loại phân bón vào khoảng 400 kg N, 220 kg P và 350 kg K. Như vậy ta cần phải biết các loại phân đó có chứa bao nhiêu chất khoáng và hàm lượng bao nhiêu mới tính đủ, tính đúng cho cây.
Vì vậy nếu chỉ bón cho cây bằng phân hữu cơ các loại thì ta cần cung cấp đủ số lượng để có đủ các chất khoáng thiết yếu thì sẽ vẫn có năng suất cao. Và càng bón phân hữu cơ lâu dài thì làm cho tính chất của đất sẽ tốt hơn, chứ không phải nghèo đi.
Đọc thêm: >> Sự khác biệt giữa Phân Hóa Học và Phân Hữu Cơ
Giatieu.com (St)
56 phản hồi cho bài "Những hiểu biết cơ bản về phân hữu cơ"
Hay quá, trước giờ cháu nhầm tưởng phân chuồng ủ hoai mục sau đó bổ sung vi sinh vật thì sẽ là phân hữu cơ vi sinh. Giờ thì đã hiểu là không phải như vậy vì hàm lượng vi sinh vật ta bổ sung là thứ cấp nên không thể bằng phân hữu cơ vi sinh (1,5 x 106/gr)
Phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng phải là phân được chế biến theo qui trình công nghiệp, hàm lượng hữu cơ có từ 20 % trở lên. Đây cũng là một trong những thông số được dùng để xác định giá trị chất lượng phân, bên cạnh các thông số khác như đa-trung-vi lượng…
Xin chia sẻ.
Bạn@Nguyen Trung Truc có thể giải thích chi tiết con số 1,5 x 106/gr giúp mình với được không. Mình cảm thấy mình hiểu lơ mơ thế nào ấy! Cảm ơn bạn nhiều.
Chào bạn.
Theo mình hiểu là trong 1 gram sẽ chứa 10 mũ 6 x 1,5 bào tử, tức là 1 gram sản phẩm có tương đương 1.500.000 bào tử vi sinh.
Xin cộng đồng cho thêm ý kiến.
Chào các bác, các chú và các anh chị trên diễn đàn giatieu.com
Em hay lên đây đọc thảo luận để giúp ba em chăm sóc tiêu cho gia đình. Em thấy trang giatieu.com giúp đỡ cho bà con trồng tiêu nhiều lắm, nhất là phần thảo luận của cộng đồng có những kinh nghiệm rất hay, những kiến thức mà em khó tìm kiếm thấy ở các trang cộng đồng khác. Em vô cùng cám ơn giatieu.com và cám ơn tất cả mọi người.
Hôm nay là lần đầu tiên em viết phản hồi để bày tỏ ý kiến của mình nên có gì thiếu sót mong được mọi người lượng thứ.
-Em nghĩ là vi sinh vật tuy cực nhỏ những cũng phải có giới hạn nhất định nào đó như ý kiến của anh/chị @Tâm VT chẳng hạn, chứ không thể là vô cùng… Em đọc trên mạng thấy có sản phẩm lên đến 40.000 tỷ vi sinh vật thì chắc là sản phẩm tốt nên nói ba em mua sử dụng thử, nếu hiêu quả thì sẽ mua thường xuyên. Nhưng ba đã la em, còn bảo em là sắp thành “cô Tú, cậu Tú” đến nơi rồi mà còn “ngu ngơ như bò đội nón”.
Mãi hôm qua em mới hiểu phần nào nhưng cũng không chắc đúng nên em muốn cộng đồng chỉ bảo thêm giúp cho em.
– 1 gram ở đây là như thế nào? đó là 1 gram sản phẩm, bao gồm vi sinh vật và phụ gia như phân bón, bột, viên nén… Vậy thì cần bao nhiêu % phụ gia để nối kết chúng lại thành viên nén chẳng hạn… Em không biết được nhưng chắc là không nhỏ. Trừ chất phụ gia này đi thì còn bao nhiêu % là bào tử vi sinh vật trong 1 gram sản phẩm đó?
-Nếu cho là trong 1 gram sản phẩm này có 1.500.000 bào tử như ý kiến trên (mặc dù có sản phẩm ghi là 1 gram có 10 mũ 8, mũ 9 bào tử nhưng em tạm tính 1 tỷ bào tử cho dễ nhẫm) mà trong một sản phẩm họ quảng cáo tới 40.000 tỷ bào tử thì em phải hiểu như thế nào? Không lẽ tính số bào tử đó tương đương 40.000 gram, tức là 40 kg ! 40 kg bào tử (còn chưa tính chất phụ gia) trong 1 cái lọ nhỏ ? Em nhớ mình đã từng đọc ý kiến ở đâu đó nói rằng để chở được sản phẩm vi sinh vật mà họ quảng cáo phải cần có 1 đoàn xe tải !
Ý kiến của em dài dòng quá nên em xin mọi người thứ lỗi và mong sớm được phản hồi. Em xin cám ơn.
Xin chào Trần Nga! tôi đọc thấy em viết sự mơ hồ của em, đây là vấn đề mà không phải em và hầu như mọi người quan tâm đến đều hỏi. Hôm nay a xin mách nhỏ cho em biết để rõ hơn và có khi ai hỏi có thể trả lời giúp họ. Như thế này nha! Khi nhà sản xuất lên men lỏng sau đó chuyển qua môi trường lên men xốp để thu bào tử Trichoderma, sau khi lên men xốp xong họ bắt đầu giai đoạn kiểm tra bào tử bằng phương pháp đếm bào tử trên kính hiển vi quang học để xác định hàm lượng bào tử có trong 1g sản phẩm lên men. sau đó mới tiến hành công thức phối trộn phụ gia vào cho đủ hàm lượng đăng ký trên sản phẩm vậy đó. A ví dụ nha! Nếu kiểm tra trong 1g sản phẩm lên men có 10^10 bào tử nếu thành 10^9 sẽ phối trộn thêm 9 g hay 10 g phụ gia thành 1 g sản phẩm 10^9. Vậy đó !
Mình cũng mong chờ ý kiến trao đổi của cộng đồng, nhưng ý kiến của bạn @Tiến Nông càng mơ hồ hơn người hỏi nữa.
Tóm lại, đâu là giới hạn của số lượng bào tử trên 1 gam là điều bà con muốn biết?
Bạn Trọng GL thân mến!
Đây là ý kiến mà có lẽ bạn khó có thể tìm thấy được đâu vì bạn hỏi nhà sản xuất chưa chắc có sự xác thật như thế!
Mình là chuyên viên trong lĩnh vực sản xuất men vi sinh nên khi tham gia vào diễn đàn để mong cho mọi người hiểu rõ vấn đề mà mọi người còn mơ hồ. Có thể mình không giỏi việc nông nhưng vấn đề này bạn cần lắng nghe mình.
Sản phẩm mà ghi trên bao bì 10^bao nhiêu bào tử là trên 1g sản phẩm đó bạn. Đây là tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng dựa trên tiêu chuẩn kiểm nghiệm của phân bón vi sinh vật của BNN & PTNT. Thân chào bạn.
Em cũng không rõ nhà sản xuất ghi trên bao bì là 10 mũ 9 vi sinh vật như vậy là trên 1 gam sản phẩm hay trên 1 kg sản phẩm nữa !
Cộng đồng ơi cho em hỏi. Em đọc thấy nhiều loại phân bón được quảng cáo trừ nhiều loại bệnh cho cây trồng, nhất là cây hồ tiêu, đơn cử như phân…(đoạn này không được hiển thị do vi phạm nguyên tắc gửi phản hồi). Nhưng em tìm không thấy thành phần, tỷ lệ các chất được nhà sản xuất công bố thì em biết sử dụng theo cách nào đây?
Cộng đồng cho em xin ý kiến, em cám ơn.
Nhiều loại phân bán trên thị trường hiện nay rất mù mờ về chất lượng, nên tôi chỉ sử dụng phân của những hãng mình quen dùng, hay những hãng có công bố thành phần chất lượng rõ ràng. Lỡ xảy ra điều gì mình cũng không có căn cứ để khiếu nại, họ còn cho là tại người sử dụng như vụ phân bón mấy năm trước ở Đác Nông. Rẫy cà phê, tiêu của nhiều hộ cháy hết rồi, đến nay mà cơ quan chức năng vẫn không xử được, nên bà con mình phải chịu.
Bạn thân mến !
Không có loại phân bón nào là có tác dụng trừ được sâu hay bệnh cả. Chỉ có dùng các loại phân hữu cơ sạch – nguồn gốc hữu cơ sạch như tro mía, phân bò, lợn, dê, gà… đã qua ủ hoai hoặc sử lý bằng các công nghệ hiện đại thì có thể làm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây mà thôi.
Bạn cần đặc biệt lưu ý các loại phân bón, đặc biệt là phân bón dạng hữu cơ có nguồn gốc không rõ ràng (nguồn hữu cơ không tái tạo, bền vững và sạch), chẳng hạn như rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt. Đây là các nguồn hữu cơ có thể chứa các loại kim loại nặng hoặc các chất hóa học có hại cho cây trồng, đặc biệt là cây tiêu. Các nguồn hữu cơ không bền vững như than bùn chẳng hạn … Có một số loại phân bón hữu cơ một vài năm đầu chất lượng tốt nhưng càng về sau chất lượng càng giảm… Lý do là nguồn nguyên liệu khai thác càng ngày sẽ càng cạn kiệt đi và sẽ được thay thế vào là các nguồn hữu cơ không đảm bảo. Bón các loại phân bón này có khi còn chết cả cây trồng nữa.
Chào bạn thật sự là có đấy!
Phân hữu cơ vi sinh vật khi bổ sung nấm trichoderma sp, xạ khuẩn, hay vi khuẩn pseudomonas sp… khi bón xuống đất gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi nhiều hơn, trong quá trình này chúng tiết ra kháng sinh có khả năng tiêu diệt và ức chế nấm bệnh bảo vệ bộ rễ cây trồng. Khi nấm bệnh bị tiêu diệt hay ức chế rồi, các rễ con mới mọc ra không bị bệnh cộng với phân hữu cơ và vi chất khác giúp cho cây trồng hồi phục lại dần.
Ngoài ra nấm trichoderma sp còn có tác dụng diệt trứng tuyến trùng nữa.
Phân là phân mà thuốc là thuốc, xem phỏng vấn ở đây nè !
>> http://www.giatieu.com/tiep-tay-cho-thuoc-bao-ve-thuc-vat-gia/6507/
E đang cần tài liệu về “Giải pháp bón phân dựa vào độ phì nhiêu của đất và năng suất đạt được cho hồ tiêu” ai có thì cho em xin với ạ.
email : tinhyeuchuotbach@gmail.com
Độ phì của đất là mối quan hệ hữu cơ giữa đất cây trồng và con người, tức là khả năng cung cấp thức ăn cho cây tiêu của đất để đạt năng suất cao. Ý bạn muốn hồ tiêu đạt năng suất cao trên nền đất của bạn, muốn vậy bạn phải nhờ kỹ sư hướng dẫn lấy mẫu đất, sau đó gửi mẫu đất đến cơ quan chuyên môn phân tích, trên cơ sở số liệu đã phân tích kỹ sư sẽ hướng dẫn bạn cần bổ sung vào đất những gì mà đất thiếu, ví dụ đất có hàm lượng mùn nhỏ hơn 1% là nghèo thì bạn phải bỏ phân hữu cơ hay đất có pH = 5 thì bạn phải bón vôi. Đó chỉ là phần đất, yếu tố quan trọng nhất là con người, tức là bạn phải nắm vững kỹ thuật trồng tiêu để đạt năng suất cao
Xin chào diễn đàn, tôi có một thắc mắc muốn nhờ chuyên gia giúp đỡ. Có một số tài liệu hướng dẫn ủ nguyên liệu cần ủ như là vỏ cà phê … cộng với phân chuồng và kết hợp với nấm trichoderma để ủ và kết qủa là sau một thời gian nhiệt độ đống ủ có thể nên tới 70oc, vậy thì từ giai đoạn này trở đi nấm trichoderma còn hoạt động và phát triển được nữa không, nếu còn thì khả năng phát huy tác dụng có giảm đi nhiều không khi ta bón phân cho cây trồng ?
Rất mong được chuyên gia chỉ giúp. Chúc toàn thể gia đình diễn đàn luôn khỏe và thành đạt. Cám ơn chào thân ái
Chào @bùi tùng
Khi ủ phân hữu cơ với tricho thì tricho sẽ tiết ra enzyme để phân hũy các chất hữu cơ. Quá trình phân hũy sẽ làm đổng ủ tăng nhiệt rất cao (70-75 độ C). Một điều quan trọng nữa là cần phải có thời gian phân hũy. Chất ủ có nhiều silic, celulose… thì thời gian phân hũy cần phải dài hơn. Khi đống ủ tăng nhiệt sẽ đốt chết hầu hết các vi sinh vật, mầm mống sâu bệnh, các chất độc hại, hạt cỏ dại… và kể cả nấm tricho. Cho nên 3 ngày sau ủ, mở bạt che đậy ra kiểm tra nhiệt hay 7-10 ngày sau tiến hành đảo trộn là 1 thao tác của kỹ thuật ủ, góp phần giảm nhiệt giúp enzyme có đủ thời gian để phân hũy triệt để hơn.
Cho nên, khi đưa phân đã ủ hoai ra bón, bà con cần phải bổ sung lớp tricho mới để phòng bệnh vì lớp tricho trước bị tiêu hũy gần như sạch hết rồi. Nhiều bà con chủ quan, đinh ninh rằng trong phân ủ của của mình có tricho rồi mà không nhớ tricho là 1 cây nấm. Đã là cây thì đặt đâu nằm đó và chỉ làm theo chức năng. Phân hũy hữu cơ, đối kháng nấm bệnh, ăn thịt tuyến trùng, diệt côn trùng… mỗi dòng nấm tricho đảm nhiệm một công việc mà không thể thay đổi cho nhau được.
Tôi thường nói trên diễn đàn giatieu.com ngắn gọn để bà con dễ nhớ, dễ làm theo và hy vọng vào niềm tin bà con dành cho diễn đàn này sẽ đem lại lợi ích vì cộng đồng như tiêu chí của diễn đàn đã đặt ra. Cho nên mọi trao đổi, thảo luận cũng để nhằm sáng tỏ, đúc rút kinh nghiệm để cộng đồng chăm sóc tiêu có hiệu quả cao hơn.
Thân
Chào chú, như vậy là khi đưa phân ủ hoai ra bón là mình phải bổ sung nấm tricho lại do nấm cũ bị tiêu hao trong quá trình ủ nên không còn nữa.
Trước giờ cháu vẫn nghĩ là nấm tricho mình cho vào để ủ vẫn còn vì không bị môi trường hay các loại nấm bệnh đối kháng làm tiêu hao. Chính vì hiểu nhầm nên nhiều bà con chưa đặt niềm tin vào việc sử dụng nấm tricho để phòng bệnh cho tiêu chú ạ.
Chào các Anh Chị Em.
Hiện mình đang sản xuất thử nghiệm nguyên liệu sản xuất phân từ xác mắm cho 1 đối tác ở Nhật Bản. Sản phẩm khi kiểm tra chất lượng thì N+P>10 ( đạt) tuy nhiên với chỉ tiêu Organic matter thì sản phẩm mình chỉ đạt 47% trong khi đối tác yêu cầu 60%.
Cho mình hỏi nguyên liệu làm phân hữu cơ thì hàm lượng hữu cơ có phải đạt 60% theo yêu cầu của đối tác không? Mong nhận được góp ý tư vấn của mọi người, xin chân thành cảm ơn!
Một yêu cầu trên sự mập mờ, không theo một tiêu chí cụ thể nào cả nên tha hồ vẻ rắn thêm chân tùy thích. Nếu yêu cầu 60 % thì số % còn lại là cái thứ gì?
Chào bạn! Bạn làm kinh doanh con chúng tôi là nông dân làm sao mà biết làm kinh doanh mà bạn đặt câu hỏi cho những người chân cuốc đc. Theo tôi thì bạn nên làm theo yêu cầu đối tác thì tốṭ vì làm cho nông dân nước bạn sử dụng chứ đâu phải làm cho chúng tôi dùng đâu.
Anh chị cho em hỏi. Em làm dưa hấu mọi năm làm phân bò. Năm nay em làm phân trâu liệu có đảm bảo dinh dưỡng và có vấn đề gì không ?
Phân nào cuối cùng cũng là “phân chuồng ủ hoai”. Chất lượng phân còn phụ thuộc phần lớn vào cách ủ và các “chất phụ gia” mình cho thêm vào khi ủ…
Anh chị nào tư vấn dùm em về nhưng cây cổ thụ hơn 50 năm tuổi kém phát triển vì bị tác dộng bởi máy móc xe cộ và có hiện tượng chết dần dần một số cành. Giờ mình nên dùng thuốc gì phân gì hay có cách nào tốt để cho cây phục hồi lại…
Em cảm ơn anh chị đã chia sẻ những thông tin hữu ích cho em học tập. Em đang là sinh viên và cũng sắp ra trường. Hiện tại em đang học chuyên ngành môi trường và điều tuyệt vời của em là được học môn vi sinh và được nghiên cứu khoa học. Mong muốn của em là tìm hiểu nguồn phân hữu cơ nhờ vi sinh vật. Nó có thể giúp bảo vệ môi trường và môi trường sạch cho cây trồng, đất.
Em mong sẽ học hỏi từ anh chị, để giúp môi trường tốt hơn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Em xin chân thành cảm ơn!
Cho em hỏi tỉ lệ C/N biểu diễn cho cái gì ạ? em cảm ơn.
Trên bài báo tác giả đã viết rất rõ tỷ lệ C/N là gì. Bạn đọc lại cẩn thận hơn nhé !
C/N đó là tỉ lệ giữa hai thành phần của cacbon và nitơ nha bạn @ khuất linh.
Phân bón bây giờ giả nhiều hơn thật. Phân bón hữu cơ vi sinh gà toàn là trộn gì không, bón cho cây mà cỏ lạc dại gần bồn cháy hết vậy mà bảo của thương hiệu uy tín ta nên dùng.
Rất khó để chỉ thương hiệu nào cho bạn vì đơn giản là họ có phép sản xuất, có kiểm định chất lượng. Việc xác định bị gây hại do việc sử dụng phân bón đó cũng khá phức tạp. Bao nhiêu vụ đưa ra tòa rồi nhưng phần thua hầu hết thuộc về nông dân. Mình nói không có bằng chứng thì họ sẽ phản pháo, tranh cãi vô duyên lắm bạn ơi !
Chào – hùng kiến đức !
Tôi đang cố gắng tự sản xuất phân theo hướng sinh học hữu cơ – vừa rẻ lại thật, giảm bớt lệ thuộc vào phân thị trường đang láo nháo hiện nay.
Phân cháu dùng có thể là từ phân gà thật đấy- nhưng chắc chắn là không ủ – mà chỉ sấy, nghiền không loại trừ bị trộn chất thải công nghiệp độc hại. Hãy đến tận trại để mua – về tự ủ sẽ hiệu quả, an tâm khi dùng.
Có công ty phân bón sinh học ở Vĩnh Long mời đi hội thảo, tôi đang suy nghĩ vì mưa gió không làm gì nhưng cũng ớn lắm rồi…!
Thân chào !
Ở chỗ cháu cũng vừa có công ty tổ chức hội thảo phân bón, nhân viên của họ nói rằng sử dụng phân này tiêu sẽ không còn bị bệnh chết nhanh chết chậm…
Mong mọi người chia sẻ cách nào để biết chất lượng phân bón của công ty tổ chức hội thảo.
Vấn đề bạn nêu khá tế nhị. Tôi xin nêu mấy ý sau:
1. Về bệnh: bạn hỏi họ phân có chất gì giúp cho cây không bị bệnh ? Họ có cam đoan sử dụng phân này tiêu sẽ không bị bệnh và chịu trách nhiệm không ? Nói chung chung thì phân nào chẳng giúp cây khỏe, mà đã khỏe thì khả năng chống chịu sâu bệnh sẽ cao hơn…
2. Về phân: trong phân có những chất dinh dưỡng nào, đảm bảo đủ nhu cầu phát triển của cây chưa ? Quá trình chăm bón cần bổ sung thêm chất gì cho phù hợp ? căn cứ vào đâu để biết mà bổ sung…?
Cá nhân tôi không chấp nhận thông tin không minh bạch, đặc biệt là những loại phân bón không rõ thành phần chất lượng, không có căn cứ để mình có thể bổ sung theo nhu cầu của cây và đất trồng nhà mình.
Theo em, loại nào không rõ ràng, không biết có gì trong, thì khỏi xài. Do bà con mình dễ tin, nghe nói lọt tai là mua thôi. Mất cả đống tiền mà tiêu cũng không phát triển nổi.
Cho xin hỏi. Đất trồng rau và cây trên sân thương tầng 3 (tại Hà Nội) sau khi trộn với phân và tười nước có phân chim Bồ câu (nhà có nuôi Bồ câu) thì thấy hiện tượng cây trồng mới không phát triển rễ và bị chết. Đề nghị các anh, chị cho biết lý do và phương pháp sử lý đất để trông cây không bị chết và phát triển tốt. Xin cảm ơn.
Phân tươi chưa qua ủ hoai là môi trường thuận lợi cho các loại dịch bệnh, các vsv có hại phát triển, nên bị thối rễ là đúng rồi !
Không nên sử dụng phân tươi, chuyển qua dùng phân sinh học sẽ hiệu quả và thực phẩm an toàn hơn.
Tôi ủ phân vỏ cà phê với trichoderma được 2 tháng rồi. Khi mang đi bón cho cây có cần bón thêm trichoderma nữa không và cách trộn như thế nào. Cảm ơn.
Tôi có một số thắc mắc, xin cộng đồng góp ý :
-Một thầy giáo dạy môn hóa nói rằng bất cứ các loại dung dịch hóa chất nào khi pha chế với nhau đều gây ra phản ứng hóa học, vậy có nên pha thuốc BVTV với nhau hay pha với phân bón lá không?
-Nấm tricho sống trong môi trường ẩm, cần có thức ăn. Vậy có nên phun tricho lên lá cây không? Nếu có, thì ở đó nó sống bằng gì? Không lẽ nó gặm lá cây hay chích hút ?
-Ủ đạm cá sinh học, có nên lấy cá bị ươn để ủ không? Vì nhiều người ủ có mùi thối chịu không nổi, nhưng vẫn đem ra tưới cho cây…
-Tại sao có nhiều lời khuyên chia nhỏ lượng phân ra làm nhiều lần để bón, nhưng nhiều người vẫn bón một lần khá nhiều?
Mong được cộng đồng trao đổi, góp ý. Xin cám ơn
Sáng nay đọc lại các ý kiến cần tư vấn, thảo luận của cộng đồng, mình thấy đây là phản hồi khá thú vị nhưng ít ai quan tâm, vì sao ? Có lẽ mọi người đang tập trung vào vấn đề riêng tư nhiều hơn…
Mình có ý kiến về sử dụng nấm tricho hợp lý :
-Xịt lên cây để phòng bệnh hầu như không có hiệu quả. Bởi đơn giản tricho là 1 loại nấm nên cần có môi trường thích hợp để phát triển, tối thiểu cần 3 yếu tố nhiệt độ, ẩm độ và dinh dưỡng. Khi xịt lên cây gặp nắng, gió… và lấy dinh dưỡng ở đâu? Không lẽ nó “gặm” lá cây, chích hút nhựa cây và cạnh tranh dinh dưỡng với cây như các loại nấm bệnh. Nếu vậy thì nó có hại chứ không thể là vi nấm có lợi (EM – Effective Microoganism). Giả sử gặp mùa ẩm ướt, nắng không gay gắt, trong dung dịch xịt đã có đủ chất dinh dưỡng, có thể bào tử nấm bám vào cây và phát triển. Enzyme do tricho tiết ra sẽ gây độc cho đối phương (tính đối kháng) nhưng hiệu quả không cao, và quan trọng nữa là với môi trường đó khi kết thúc vòng đời (khoảng 10-14 ngày) tricho có để lại bào tử để sinh sôi và phòng ngừa lâu dài hay toi hết rồi ?
Tóm lại, có nên xịt tricho lên cây hay không, rất mong mọi người chia sẻ…
Bổ sung thêm ý kiến của Bác Nguyễn Vịnh ở bên trên (18/05/2015 lúc 11:28), tôi nghĩ vấn đề sử dụng nấm đối kháng trichoderma như vậy là rõ ràng. Chỉ mong bà con hiểu biết để sử dụng cho hợp lý, để khỏi vừa mất tiền vừa không đạt hiệu quả như mong muốn.
Nấm trico tốt nhất đem ủ với phân chuồng hoai rồi bón dưới đất. Vi nấm cũng sẽ phát triển lên trên nhưng không đáng kể. Tuy nhiên cây tiêu bộ rễ là quan trọng. Nấm hại trên thân và lá nếu có thì xịt thuốc trên thân lá. Hạn chế để rơi trên đất. Tăng bón thêm hữu cơ vi sinh tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển. Theo cách trồng vậy thì chỉ có một số cây bệnh nhưng không đáng kể…
Hầu như bạn không quan tâm đến ý kiến của cộng đồng về việc sử dụng vi nấm đối kháng trichoderma. Đây là dòng nấm hữu ích (EM) có hàng trăm ngàn dòng, enzyme do nấm tiết ra có những chức năng khác nhau tùy dòng. Ngành nông nghiệp chỉ mới sử dụng 1 số như đối kháng, ăn thịt, phân giải, phân hũy… Tất nhiên enzyme nào cũng hoạt động theo 1 chức năng cụ thể. Trên diễn đàn đã từng có ý kiến vui là đừng bắt thợ mộc may áo quần hay thợ hồ đóng bàn ghế nhằm chỉ bà con thường dùng tricho chưa hợp lý.
Khi ủ phân, enzyme do nấm tiết ra sẽ giúp đống ủ tăng nhiệt để phân hũy hữu cơ. Ai cũng biết khi nhiệt cao sẽ đốt cháy các hạt cỏ dại, diệt các mầm mống sâu bệnh. Thử hỏi, các loại nấm bệnh cũng bị đốt cháy thì tricho có còn không ? Cho nên khi đưa phân ủ hoai ra bón nhất thiết phải bổ sung tricho mới để có đủ khả năng phòng bệnh. Nhiều người không hiểu vì sao đã dùng nấm tricho để ủ rồi mà tiêu vẫn mắc bệnh, tưởng do mua nhầm tricho không đạt chất lượng…!
Nấm tricho phun lên lá không có tác dụng vậy còn nấm pseud phun phòng bệnh có tác dụng không các bác ?
-Tricho phun lên lá có tác dụng rất thấp vì cần có độ ẩm và một số điều kiện khác thích hợp.
-Pseudomonas là vi khuẩn thuộc loại “hung hăng”, chỉ giỏi đánh nhau, phun để trừ sẽ hiệu quả hơn là để phòng.
(do hay quen nghe ghép phòng trừ nên dễ lẫn lộn, chính xác là phòng ngừa khác với diệt trừ)
Anh chị cho em hỏi ạ. Em đang muốn tìm hiểu về phân hữu cơ, nguyên liệu từ các lá cây xanh và cành cây đô thị được nghiền nhỏ nhưng khi em ủ thì rất lâu và khó phân hũy, em có được khuyên chế phẩm Emic và trico. Vậy em muốn hỏi anh chị còn có cách nào và quy trình tạo phân hữu cơ từ những nguyên liệu lớn và nhiều hàm lượng cellulose không ạ? Em cám ơn anh chị ạ !
Nếu ủ phân hũy để chỉ lấy chất mùn thì dùng Emic. Ủ làm phân thì dùng tricho+biogel để bổ sung các vsv cố định đạm, phân giải lân… Càng nhiều cellulose thì càng cần nhiều tricho hơn. Có thể bạn ủ lâu là vì chất lượng chế phẩm hay ủ chưa đúng cách.
Ủ nhiều hay ít là quy mô ủ, còn quy trình, phương pháp chỉ là một. Tuy nhiên không áp dụng cứng nhắc, phải biết điều chỉnh một cách linh hoạt phù hợp theo điều kiện, với các chất phụ gia cần thiết mà mình có được.
@ Ngõk nói đúng. Phần nhiều các bạn ủ thất bại là do gói nấm tricho kém chất lượng.
Cho cháu hỏi, ba cháu mới mua 1 can phân nước 5 lít có ghi là Phân Hữu Cơ Đậm Đặc.
Cháu muốn biết chất lượng của phân để sử dụng thì phải làm thế nào. Xin giúp cháu !
Có nên ủ phân chuồng tại nhà không? Mặt dù thành phần đa trung vi lượng của phân tự ủ rất thấp nhưng hàm lượng hữu cơ khá cao mà lại rẻ tiền nữa.
Có 2 cách để bạn @vĩnh giải bài toán này:
1. Ủ phân chuồng xong, bổ sung khoảng 4-5% phân NPK sẽ thành phân hữu cơ khoáng.
2. Bổ sung thêm các gói trung vi lượng có bán sẵn, khoảng 2% nữa.
Hoặc có thể tự điều chỉnh tỷ lệ % bổ sung cho vừa nhu cầu thì sẽ được phân hữu cơ hết ý !
Cho em hỏi ngu 1 chút lả em có tỷ lệ C/N như bên dưới, tỷ lệ C/N thích hợp cho ủ phân hữu cơ là 25:1 -> 30:1. Làm thế nào để tính được nguyên liệu ủ cần thiết cho 100kg phân hữu cơ ạ. Em cứ lùng bùng khó hiểu cách phối trộn ở chỗ này
Phân bò: 20:1
Rơm 80: 1
Em xin chân thành cảm ơn
Nếu không tính được khối lượng thì bạn hãy tính theo trọng lượng, hoặc ngược lại.
Chỉ tương đối thôi !
Bây giờ em muốn ủ 100 kg phân hữu cơ ấy anh.
tỷ lệ C/N của 2 loại nguyên liệu trên là như vậy. Thì bây giờ mình tính khối lượng nguyên liệu ủ như thế nào để thỏa mãn tỷ lệ 30:1 ạ
Bạn tham khảo kỹ bài này để tiến hành ủ phân hữu cơ vi sinh theo hướng dẫn trong bài
>> http://www.giatieu.com/u-xac-ba-thuc-vat-phan-chuong-bang-che-pham-trichoderma/3792/
Với chừng đó nguyên liệu (20 kg phân chuồng và 0,5 khối rơm) bạn chỉ cần mua 1 kg men nấm trichoderma sp để ủ theo đúng quy trình là được rồi…