Kết quả khảo sát Hồ tiêu 2022 tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai.
Thực hiện nghị quyết của BCH, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức khảo sát Hồ tiêu trên diện rộng diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 từ 15-16/02/2022 trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đợt 2 từ ngày 22-25/02/2022 tại Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Đây là hai vùng trọng điểm có diện tích trồng tiêu chiếm hơn 90% diện tích Hồ tiêu cả nước.
1. Mục đích
Đánh giá sơ bộ năng suất, diện tích, sản lượng Hồ tiêu và các yếu tố khác ảnh hưởng đến sản xuất Hồ tiêu tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên từ đó giúp cho các doanh nghiệp có thêm thông tin hỗ trợ cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác, xây dựng mạng lưới liên kết giữa nhà xuất khẩu với nông dân, đại lý cung ứng.
2. Thành phần đoàn công tác
– Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và đại diện của 16 đơn vị tham gia, tổng số 34 người.
3. Phương pháp khảo sát
– Gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn nông dân, các Hội nông dân, HTX, đại lý cung ứng, công ty xuất khẩu Hồ tiêu.
– Quan sát thực tế vườn trồng và các khu vực trồng tại các tỉnh.
– Đánh giá, quan sát của đoàn.
4. Kết quả khảo sát
Trên cơ sở thông tin thu nhận được qua các buổi phỏng vấn một số nông hộ, Hội Nông dân, HTX, đại lý, công ty xuất khẩu và trực tiếp khảo sát các vườn trồng tiêu, một số kết quả đánh giá sơ bộ tình hình khảo sát mùa vụ trên các địa bàn được trình bày như sau:
4.1. Đợt 1: Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu: 15-16/02/2022
4.1.1. Đồng Nai
Thành phần được phỏng vấn gồm 4 nông hộ, 1 đại lý, 1 Hội Nông dân, 2 HTX và 1 công ty XNK.
Các vườn tiêu đang trong giai đoạn thu hoạch, một số đã có thu từ trước Tết. Dự kiến kết thúc thu hoạch khoảng giữa tháng 3. Tình trạng thiếu công hái diễn ra phổ biến và giá nhân công cao trên toàn bộ khu vực, dao động ở mức trung bình 250.000 đồng/công/ngày.
Xuân Lộc: Sản lượng vụ 2022 ước giảm do diện tích trồng giảm. Tuy nhiên, các vườn tiêu còn lại được khảo sát hiện đang được chăm sóc tốt và năng suất vụ 2022 tốt hơn năm 2021 nhờ vào thời tiết thuận lợi và áp dụng biện pháp canh tác bền vững như sử dụng chủ yếu phân chuồng và đậu nành, tạo độ mùn cho đất, hạn chế phân và thuốc hóa học. Phương pháp canh tác này đã giúp chi phí chăm sóc giảm đáng kể. Theo đại lý, lượng tiêu trữ trong dân vẫn còn vì đại lý hiện chỉ mua được tiêu cũ và số lượng mua được ít hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Trên địa bàn trồng tiêu có HTX Xuân Thọ nhưng nơi đây đất nghèo khoáng và trung vi lượng nên khó phát triển cây tiêu.
Cẩm Mỹ: Bên cạnh các yếu tố tương đồng với Xuân Lộc như sản lượng giảm do diện tích giảm, thiếu công hái và chi phí nhân công cao, huyện Cẩm Mỹ có sự khác biệt là thời tiết bất thuận năm 2021 khiến bông rụng và ra hoa không đồng loạt. Do đó, sản lượng năm 2022 dự kiến giảm không chỉ do diện tích giảm mà năng suất cũng giảm. Ngoài ra một yếu tố bất lợi nữa là hầu hết các vườn tiêu trong vùng đang trong giai đoạn cuối chu kỳ khai thác, trên 15 tuổi.
4.1.2 Bà Rịa – Vũng Tàu
Đoàn đã phỏng vấn và khảo sát thực địa 5 hộ trồng tiêu tại 2 huyện Xuyên Mộc và Châu Đức.
Tiến độ thu hoạch không diễn ra đồng loạt, Châu Đức đang thu hoạch trong khi một số hộ ở Xuyên Mộc cho biết vụ mới sẽ bắt đầu vào tuần từ 21/2. Sản lượng vụ 2022 dự báo tiếp tục giảm khi phần lớn diện tích là vườn tiêu già, có vườn hơn 20 năm và hiện tượng mưa không đều năm 2021 khiến tiêu không ra bông. Một số ít vườn ghi nhận sản lượng vụ 2022 tăng là do năm trước mất mùa. 3 trong 5 hộ được khảo sát cho biết lượng hàng tồn năm trước vẫn còn. Hái khoán (tính theo cân) được áp dụng phổ biến, còn hái theo công bình quân 250.000 đồng/công/ngày. Các vườn tiêu nhìn chung còn trong chu kỳ khai thác, được canh tác theo hướng bền vững.
4.2. Đợt 2: Đắk Nông – Đắk Lắk – Gia Lai: 22-25/02/2022
4.2.1. Đắk Nông
Đoàn đã phỏng vấn và khảo sát thực địa của 7 nông hộ, 1 đại lý thu mua, 1 Hội Nông dân và 4 HTX trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, Đắk Song và Đắk Mil.
Đắk R’lấp: Phần lớn các hộ trên địa bàn khảo sát đã hái trên 50% trong khi một số khác đã thu hoạch xong. Vụ mới đã bán ra để đầu tư năm tiếp theo. Mặc dù sát nhau nhưng 2 huyện Đăk Wer và Nhân Cơ có sự khác biệt rõ rệt. Đắk Wer vụ 2022 được mùa nhờ vào thời tiết thuận lợi năm 2021 cũng như bị mất mùa trong năm đó. Năm 2022 khả năng nông dân tăng cường đầu tư. Lượng tồn hiện còn nhưng không nhiều. Mặc dù phương thức canh tác cải thiện theo hướng sử dụng phân hữu cơ nhiều hơn nhưng vẫn còn hạn chế, chủ yếu canh tác theo kinh nghiêm, không theo tiêu chuẩn và bón phân không đúng cách khi một số hộ bón phân chuồng nhưng chưa ủ hoai mục, tạo điều kiên nấm và vi trùng phát triển, ảnh hưởng đến đất và bộ rễ của cây.
Trong khi đó, Nhân Cơ có khả năng không được mùa như Đắk Wer do mưa sớm vào thời điểm sau khi hái vụ năm 2021, ảnh hưởng đến việc tạo mầm hoa, sau này sẽ làm cho bông rụng và chuỗi thưa. Lượng tồn hầu như không còn. Đại lý lớn nhất vùng đã thu mua tiêu mới. Các hộ được khảo sát canh tác Hồ tiêu theo hướng hữu cơ. HTX Hồ tiêu Hữu cơ Đồng Thuận quy mô khoảng 16 thành viên, hoạt động kết nối nông dân tích cực.
Đắk Song: Dự kiến tháng 3 âm lịch sẽ thu hoạch xong. So với các vùng khác của Đắk Song, khu vực Nâm N’Jang có sự khác biệt. Vụ Hồ tiêu 2022 ở Nâm N’Jang dự kiến tăng do thời tiết thuận năm 2021 và theo chu kỳ năm được năm mất. Tuy nhiên, phương thức canh tác nơi đây còn nhiều hạn chế, thiếu bền vững như sử dụng chủ yếu phân bón hóa học và bón phân chuồng trực tiếp. Ngược lại, các hộ ở các huyện Thuận Hà, Nam Bình và Đắk Hòa cho biết sản lượng vụ 2022 giảm khoảng 25-30% do mưa sớm vào năm 2021. Tiêu được canh tác theo hướng hữu cơ, cây tiêu khỏe, xanh, tốt, ít bệnh nhưng thưa trái. Tình hình tại Khu vực Đắk Mil cũng tương tự.
Công lao động khu vực Đắk Nông dao động từ mức 200.000-250.000 đồng/công nếu tính theo ngày, trên 3.000 đồng/kg tươi nếu tính theo cân. Do thiếu công nên chủ vườn sử dụng bạt phủ, hái 1 lần. Do đó, dung trọng Hồ tiêu được đại lý đánh giá thấp hơn năm trước, do lượng tiêu bị hái xanh nhiều.
4.2.2. Đắk Lắk
Đoàn đã phỏng vấn và khảo sát thực địa của 3 nông hộ, 2 đại lý thu mua, 1 Hội Nông dân và 2 HTX trên địa bàn huyện Cư Kuin và Cư M’Gar.
Cư Kuin: Dự kiến hết tháng 1 âm lịch thu rộ và kết thúc thu hoạch vào tháng 2 âm lịch. Các hộ được khảo sát sơ bộ đánh giá sản lượng vụ 2022 giảm, có khu vực giảm hơn 40%, nguyên nhân chính là do mưa sớm năm 2021. Một số hộ được mùa nhưng tỉ lệ không nhiều. Quan sát các vườn tiêu cho thấy cây phát triển tốt, lá xanh nhưng thưa trái và chuỗi ngắn. Phần lớn vườn tiêu ở giai đoạn cuối chu kỳ khai thác, trên 10 tuổi. Lượng tồn những năm trước vẫn còn, thậm chí có hộ tồn 20 tấn (6 tấn thu hoạch của nhà và mua thêm 14 tấn để trữ). Tiêu tơ có nhưng tỉ lệ không đáng kể. Khả năng tái canh thấp, các vườn còn lại đang chuyển dần sang phương thức canh tác bền vững.
Cư M’Gar: Thu hoạch chỉ mới bắt đầu. Vụ 2022 dự báo mất mùa với mức giảm tương tự Cư Kuin. Phần lớn tiêu trong vùng được canh tác trên 10 năm, trồng xen với cà phê và các loại cây ăn trái khác. Theo quan sát, các cây tiêu đang phát triển tốt, lá xanh nhưng ít trái và chuỗi thưa. Có đại lý thu mua thông tin từ đầu năm 2022 lượng thu mua tiêu cũ từ dân vẫn còn. Khả năng tái canh thấp do xác suất khi tái canh chỉ đậu khoảng 50%. Trồng mới bị hạn chế do diện tích đất trồng mới không còn, đó là chưa kể đến các yếu tố sốt đất trên thị trường bất động sản gần đây đã chi phối rất lớn đến quyết định canh tác, chuyển đổi mục đích cây trồng.
4.2.3. Gia Lai
Thành phần được phỏng vấn gồm 3 nông dân, 1 đại lý thu mua và 2 HTX.
Chư Sê: Mặc dù diện tích tiêu kinh doanh không còn nhiều so với thời kỳ đỉnh điểm nhưng các vườn tiêu còn lại hiện đang được chăm sóc tốt và năng suất vụ 2022 dự kiến tăng. Bài học đắt giá từ việc lạm dụng phân và thuốc trước đây đã giúp người dân ý thức hơn và quyết định chuyển đổi sang hướng canh tác theo hướng bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ tiêu chết do dịch bệnh giảm hẳn. Lượng tồn được khảo sát vẫn còn và tập trung các hộ có tiềm lực tài chính tốt.
Đắk Đoa: Chuẩn bị vào vụ hái, khoảng đầu tháng 3. Sản lượng vụ 2022 dự kiến giảm so với năm trước. Nguyên nhân do phần lớn các vườn trong giai đoạn cuối chu kỳ khai thác và mưa sớm vào thời điểm cây ra bông, khiến chuỗi ngắn và thưa. Diện tích trồng mới không đáng kể so với diện tích tiêu chết do già cỗi. Mô hình canh tác hữu cơ trở nên phổ biến và ngày càng được mở rộng. Phần lớn các hộ được khảo sát đều có liên kết với công ty xuất khẩu hoặc HTX để được tập huấn sản xuất trong đó có khuyến nghị tái canh theo phương thức trồng xen được khuyến khích để hạn chế rủi ro cho nông dân.
Mang Yang: Đại diện một HTX cho biết dự kiến đầu tháng 3 sẽ thu hoạch với năng suất ước giảm khoảng 20-25% do vụ 2021 được mùa và ảnh hưởng của thời tiết bất thuận năm ngoái. Sản lượng thu hoạch của HTX tăng 25% do tăng số lượng thành viên tăng từ 5 lên 8 thành viên với diện tích tăng thêm từ 19ha lên 27ha. Lượng tiêu trữ năm ngoái còn ít. HTX có liên kết với công ty xuất khẩu, canh tác theo hướng tiêu sạch. Diện tích tiêu trong vùng chết chủ yếu do tiêu già cỗi, ít sâu bệnh.
5. Đánh giá chung
Qua chuyến đi khảo sát, một số đánh giá chung như sau:
5.1. Đợt 1: Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu
Mức giảm sản lượng 30-40% vụ 2022 theo đánh giá của nông dân là quá cao khi vụ thu hoạch vẫn chưa kết thúc, chưa có cơ sở để đánh giá và không loại trừ khả năng nông dân đưa ra con số này với kỳ vọng mức giá tốt hơn bên cạnh việc đoàn cũng bị hạn chế về số địa điểm khảo sát. Có thể con số giảm từ 20-25% trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và BR-VT có thể hợp lý hơn.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng mức giảm có thể lên đến 30% khi diện tích trồng tiêu thực tế không còn nhiều, đặc biệt vùng Xuân Lộc và Châu Đức. Các vườn được khảo sát là những vườn còn lại được chăm sóc tốt, chưa kể phần lớn các vườn tiêu ở 2 tỉnh này đều ở giai đoạn cuối chu kỳ khai thác. Thêm vào đó, mưa sớm bất thường năm 2021 dẫn đến tiêu bị rụng bông, ít trái. Các vườn tiêu đã chết phần lớn đã chuyển đổi cây trồng, khả năng tái canh rất thấp. Một số vườn tiêu đang bị chết chậm bởi nấm Fusarium gây ra.
Những đánh giá này sẽ được tổng hợp chung sau khi tiến hành khảo sát tại Tây Nguyên từ ngày 22-25/02/2022.
5.2. Đợt 2: Đắk Nông – Đắk Lắk – Gia Lai
Sự thay đổi diện tích không quá lớn, chỉ giảm khoảng 10%. Việc chuyển đổi cây trồng hoặc trồng xen được thực hiện do tiêu đã chết từ các năm trước. Do đó, việc so sánh sẽ không đảm bảo tính chính xác nếu chỉ tính diện tích tiêu chết cho năm ngoái. Nhiều địa bàn trồng trọng điểm vẫn chưa được khảo sát do hạn chế về giao thông và phương tiện đi lại.
Thời tiết không quá cực đoan gây ra sự sụt giảm sản lượng vụ 2022. Với đặc tính năm được năm mất của cây Hồ tiêu, sự sụt giảm sản lượng năm nay cần xem xét đến yếu tố được mùa từ vụ 2021.
Đắk Nông là vùng cho sản lượng lớn nhất, cho thấy sản lượng vụ 2022 nhiều vùng tăng hẳn, một số vùng tương đương năm trước nhưng cũng có một số vùng giảm so với năm ngoái, bình quân cả tỉnh dự báo tăng khoảng 10%. Trong khi đó, Đắk Lắk và Gia Lai đều ghi nhận giảm vụ 2022 do thời tiết bất thuận từ năm 2021 cũng như cây tiêu đã qua nhiều năm canh tác, bước vào giai đoạn giảm năng suất.
5.3. Tổng kết
Vụ Hồ tiêu 2022 ở các tỉnh đang bước vào đợt thu rộ. Dự kiến cuối tháng 3/đầu tháng 4 cơ bản sẽ kết thúc.
Chi phí nhân công tính theo ngày dao động ở mức cao trung bình 220.000-250.000 đồng/ngày/công, tính theo khoán từ 3.000-4.000 đồng/kg tiêu tươi. Việc lựa chọn phương thức tính công cũng trở thành bài toán đau đầu đối với nhiều nông dân vì nếu tính theo ngày thì năng suất hái không đạt, còn tính theo cân thì khả năng ảnh hưởng đến sản lượng vụ tiêu năm sau do nhân công hái cả cành và lá. Mặc dù giá công cao và cao hơn năm ngoái nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu công. Điều này khiến nông dân lo lắng khi lượng tiêu đã chín nhưng không được thu hái kịp sẽ ảnh hưởng đến vụ tiêu năm sau.
Mặc dù giá Hồ tiêu đã được cải thiện nhưng giá nguyên liệu đầu vào cũng đang tăng mạnh khiến nông dân lo lắng. Với mức giá hiện tại, nông dân chỉ có lợi nhuận khi sử dụng lao động gia đình.
Về tiêu hữu cơ, nông dân và HTX sản xuất Hồ tiêu hữu cơ cho rằng mức giá tiêu hữu cơ thấp, chưa tương xứng với chi phí bỏ ra và chất lượng mang lại, không đủ động lực để nông dân tiếp tục duy trì lâu dài và ổn định. Trong khi đó, đầu ra đối với Hồ tiêu hữu cơ vẫn còn nhiều hạn chế nên rất mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các doanh nghiệp bằng cách tăng cường thu mua với mức giá tốt hơn, chế biến sâu để có thể chia sẻ lại lợi nhuận cho người nông dân tái đầu tư và phát triển bền vững.
Chu kỳ tăng giá từ năm 2020 đang khuyến khích nông dân tiếp tục duy trì và chăm sóc tốt các vườn tiêu hiện tại. Các nông dân cũng đã tự nhận thức được xu hướng chuyển đổi canh tác theo hướng sạch và bền vững. Đây là điểm sáng cho chất lượng Hồ tiêu Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một số hộ canh tác nhỏ lẻ, chưa liên kết với các tổ chức HTX, doanh nghiệp và công ty thu mua cho biết sẽ tiếp tục đầu tư phân và thuốc hóa học để kích thích năng suất khi giá lên trên 100.000 đồng/kg.
Trong giai đoạn tới, khả năng diện tích trồng mới không nhiều do tâm lý sợ sau đợt khủng hoảng giá cùng với tác động do sâu bệnh và thời tiết trong khi đất trồng mới cũng không còn để mở rộng canh tác. Các vườn tiêu chết hiện đã được trồng xen hoặc chuyển đổi sang cây ăn trái, phổ biến là sầu riêng, bơ, mít. Cũng cần lưu ý thêm là diện tích các vườn tiêu già đang gia tăng đi kèm là cơn sốt bất động sản, dự án điện gió nên việc giảm diện tích vườn tiêu tại một số vùng là thực tế.
Một số đại lý cho biết hiện vẫn còn mua được tiêu cũ kể từ đầu năm nay 2022. Khảo sát cho thấy tồn kho của các năm trước hiện vẫn còn nhiều, tập trung ở các hộ và đại lý có tiềm lực kinh tế mạnh. Lực lượng này có thể tăng cường lượng hàng trữ trong trong bối cảnh Hồ tiêu đang trong chu kỳ tăng giá và hạn chế bán ra thị trường. Phần lớn các hộ được khảo sát cho rằng sẽ trữ tiêu vụ mới, chỉ bán ra khi có nhu cầu chi tiêu và có kỳ vọng giá tăng. Thực tế này có thể xảy ra nguy cơ tăng giá ảo như năm trước. Có thể nói rằng lượng tiêu trong dân từ các mùa trước vẫn còn tương đối, đó là chưa kể lượng dự trữ tại các đại lý, công ty lớn, có tiềm lực tài chính đã thu mua tích trữ từ các vụ trước.
Theo ảnh hưởng thời tiết, nhất là thời điểm mưa sát ngay sau khi thu hoạch, bà con cho rằng khả năng vụ tiêu năm tới sẽ mất mùa do mưa sớm khi tiêu ở hầu hết các khu vực đang vào chính vụ, khó có thể thúc cây ra bông cho mùa vụ năm sau. Tuy nhiên, nhận định này cần được kiểm chứng thêm trong thời gian tới.
Mặc dù khảo sát chưa mang tính toàn diện, thời gian khảo sát còn hạn chế nhưng có thể nhận định vùng Đắk Nông có yếu tố thuận lợi tăng khoảng 10%, các vùng khác giảm, tính chung cả nước trước mắt có thể ghi nhận sụt giảm khoảng trên dưới 10%. Tuy nhiên, trong tình hình vụ thu hoạch vẫn chưa kết thúc nên cần cân nhắc thêm sau khi vụ 2022 chính thức kết thúc vào tháng 4. Bên cạnh việc đánh giá mùa vụ 2022, chuyến đi khảo sát cũng ghi nhận tình hình chung vụ mùa năm 2021 được mùa hơn so với dự báo trước đó, nên đánh giá tổng thể vụ 2021 cũng có thể phải điều chỉnh lại so với dự báo trước đây.
5.4. Đề xuất/Kiến nghị
HIệp hội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin giá cả thị trường, cập nhật quy định kiểm soát chất lượng tại thị trường nhập khẩu, tăng cường kết nối, quảng bá, giới thiệu tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới, trong đó có tiêu hữu cơ, chất lượng cao. Cần tiếp tục công tác tuyên truyền, marketing, làm phim giới thiệu quảng bá đến thị trường nhập khẩu để tăng được giá trị tiêu hữu cơ, có mức giá phù hợp với công sức và chi phí chăm bón trong bối cảnh chi phí nhân công và vật tư đầu vào đều tăng cao.
Để tiếp tục sát cánh đồng hành cùng nông dân từng bước cải thiện chất lượng tiêu Việt Nam, vấn đề tuyên truyền, phổ biến và định hướng canh tác bền vững cần được thực hiện định kỳ tại vùng nguyên liệu.
Trước tình trạng một số nông dân vẫn còn tâm lý canh tác chạy theo sản lượng, kích thích năng suất bằng việc tăng cường phân và thuốc hóa học khi tiêu được giá, thay mặt doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu tiêu, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam rất mong nhận được sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các Sở Nông nghiệp và HTX địa phương, các tổ chức, đối tác, công ty xuất khẩu, liên kết tại vùng nguyên liệu để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn canh tác cho nông dân, đồng hành với nông dân trong quá trình canh tác từ khâu trồng đến khâu thu hoạch. Trước mắt dự kiến chương trình tập huấn sẽ được tổ chức vào quý II (khoảng tháng 5/2022) khi tiêu bắt đầu vào vụ mới.
Thực tế là tại các địa phương có một số HTX hoạt động tốt nhưng chưa có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà xuất khẩu để tìm đầu ra. Sắp tới có thể xem xét mời các HTX tham gia vào Hiệp hội để tăng cường trao đổi thông tin và kết nối với nhà xuất khẩu.
Để có cơ sở thực tế và thông tin sát với tình hình đánh giá mùa vụ tại địa phương, có thể mời các cơ quan chức năng tại địa phương và của Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng tham gia khảo sát trong những năm tới.
Như vậy qua việc khảo sát sản lượng hồ tiêu 2022 của VPA chưa thống kê được con số tổng sản lượng của 2022 là bao nhiêu ngàn tấn.
Hoặc VPA có thể đưa ra con số ước báo chứ lấy đâu ra mà thống kê !
VPA mặc dù đã đi khảo sát, nhưng vừa dự báo vừa lo ngại số liệu đưa ra không chính xác. Khi phân tích thì thấy chỉ Đắc Nông được mùa tăng khoảng 10%, còn lại là mất mùa từ 20 – 30%, mà tổng kết vụ 2022 sản lượng chỉ sụt giảm khoảng 10% ?
Tôi có cùng suy nghĩ như vậy.
Mẫu khảo sát quá ít nên VPA chưa đủ cơ sở để đưa ra bất kỳ dữ liệu nào…
Theo quan sát, lực lượng tham gia khảo sát năm nay ngoài chú Bính ở Chư Sê là chuyên gia kỳ cựu còn lại là lớp trẻ, chắc cũng chẳng có ai đưa ra ý kiến nhận định gì.
Bà con nông tiêu cần trao đổi thêm mới có cái nhìn xác đáng hơn !
Bà con nông tiêu đọc báo cáo khảo sát vụ mùa 2022 của VPA để tham khảo.
Lăn tăn làm gì cho mệt người mà chẳng được ích gì…!
Kết quả khảo sát cho dù VPA đưa ra con số cụ thể cũng chỉ là tương đối. Kể cả tổng kết xuất khẩu cả năm cũng không thể coi là con số chính xác !
Tôi biết có nhiều đầu cơ lớn trữ tiêu 3-4 năm nay vẫn còn ôm…
Theo tôi, bài viết này của VPA quá dài dòng không cần thiết !
Tôi có tham gia đợt khảo sát vừa rồi của VPA, theo tôi sản lượng giảm tầm 10% trung bình cả nước. VPA sẽ có đợt đánh giá lại vào cuối tháng 4 khi thu hoạch xong, họ cũng sẽ có con số cụ thể hơn.
Đồng Nai khảo sát gì có 2 huyện mà thấy chả có thông tin gì cả. Ở ĐN tiêu dân trữ 3 năm rồi còn rất rất nhiều tiêu ở nhà dân luôn á trời. Có bán được đâu mà không trữ.
Khảo sát gì chả thấy mang lại thông tin gì cả. Những cái dân còn thiếu hay cần được hỗ trợ. Tại sao lượng tiêu trồng giảm cũng không thấy???
Báo cáo khảo sát được viết dài nhất từ trước đến nay mà kêu không có thông tin gì cả, hay là không đọc ?