Chăm sóc cây sầu riêng giai đoạn ra hoa đậu trái

, Chăm sóc Sầu riêng, 3

Hiện nay, tại một số tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng đang trong giai đoạn ra hoa, xả nhụy và đậu trái rất quan trọng.

Đọc thêm: >> Nhận biết cây sầu riêng đủ điều kiên làm bông

Cây sầu riêng cần tỉa bông hợp lý

Quá trình quản lý chăm sóc cây sầu riêng từ giai đoạn nhú mắt cua đến xả nhụy, đậu trái này sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng trái và đảm bảo cây sầu riêng đủ sức nuôi trái, không bị suy kiệt sau thu hoạch. Một số lưu ý bà con cần quan tâm theo dõi thường xuyên để có biện pháp xử lý thích hợp kịp thời.

Quản lý nước 

Để giúp cây sầu riêng phân hóa mầm hoa cần phải có một thời gian khô hạn cục bộ (ẩm độ đất thấp) trong khoảng ít nhất 3-4 tuần khiến cho sự sinh trưởng bị ức chế và cây tự phân hóa mầm. Nếu thời gian khô hạn ngắn quá sẽ làm cây sầu riêng ra hoa ít hoặc ra hoa rải rác, không đồng loạt.

Do đó, để cây sầu riêng ra hoa bà con cần phải cắt nước (ngưng tưới) cho đến khi thấy hiện tượng lá héo rũ (xào lá), nứt mục trên thân cành chính. Giai đoạn này bà con lưu ý không nên tưới sớm và thừa nước. Khi thấy cây quá héo rũ, bà con có thể tưới nhắp với lượng nước chỉ bằng 1/3 –  1/4 bình thường.

Khi cây nhú mắt cua, tăng lượng nước lên 1/3 bình thường để giúp mắt cua sáng rõ và duy trì lượng nước tưới kéo dài cho đến khi xổ nhụy. Sử dụng máy đo độ ẩm để quản lý việc này cho đến khi đậu trái mới tăng dần lượng nước.

Nếu tưới nước sớm và thừa nước, các hoa ở đầu cành sẽ phát triển mạnh (hoa không mong muốn), khiến các mầm hoa ở vùng mang trái bị rơi vào trạng thái ngủ (đui bông). Thừa nước sẽ khiến  cây đi đọt và phát triển lá trên mỗi chùm bông. Lúc này các chất dinh dưỡng sẽ tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến khả năng đậu trái, nuôi trái non. Nếu còn gặp trời mưa, cây có thể hút thêm nước nên xảy ra tình trạng sốc nước gây rụng bông non và giảm bớt đậu trái do hạt phấn sẽ chết khi có nhiều nước.

Hoa sầu riêng khi mới hình thành những chấm nhỏ có thể chuyển sang miên trạng (trạng thái ngủ, đen bông) nếu gặp thời tiết bất lợi như có lượng mưa lớn từ 10 mm/ngày. 

Đi đọt

Sinh lý tự nhiên của sầu riêng là cây đi đọt khoảng 3 – 4 tháng/lần và sau khi bón phân nuôi hoa, tưới nhiều nước hoặc gặp mưa nhiều làm cho cây đi đọt bị trùng với thời gian xả nhụy và đậu trái non. Đặc biệt ở giai đoạn xả nhụy, nếu không chủ động xử lý chặn đọt hoặc kéo đọt thì tỷ lệ rụng hoa, rụng trái non rất cao do có sự cạnh tranh dinh dưỡng với hoa và trái non khiến cây xảy ra tình trạng rụng hoa, rụng trái non ồ ạt làm giảm năng suất. Giai đoạn ra hoa đậu trái bà con nên bón phân (NPK) 3 số cân đối và hạn chế sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm (N) cao hoặc giàu acid amino. 

Bón phân hiệu quả

Tăng cường bón phân cân đối, chú trọng đầy đủ các chất trung vi lượng, hạn chế việc sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm (N) cao, ưu tiên các loại phân tổng hợp có chất lượng được bà con tin dùng. Việc bón phân nuôi hoa và hạn chế hiện tượng đi đọt non trong thời gian mang hoa, đậu trái sẽ quyết định năng suất của sầu riêng.

Giai đoạn này cây rất cần các nguyên tố trung vi lượng để hình thành hạt phấn, tăng khả năng thụ phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa. Khuyến cáo bà con lựa chọn phân bón lá phù hợp để bổ sung dinh dưỡng cho cây khi nụ hoa đã sang rõ, phun định kỳ 7-10 ngày/lần cho tới khi hoàn tất giai đoạn nuôi trái non. Có thể kết hợp với các thuốc phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ bông non, trái non. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá non và quả non.

Trong trường hợp trước khi hoa xả nhụy mà cây ra đọt non thì phải phun các loại phân thuốc để kéo đọt là việc phải làm ngay để hạn chế đọt non, lá non phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả non gây rụng quả non.

Tỉa hoa

Tỉa hoa nhằm loại bỏ bớt hoa mọc ở những vị trí không cần thiết, qua đó cây sẽ tập trung dinh dưỡng để nuôi dưỡng hoa còn lại tốt hơn. Về việc tỉa chùm hoa, khi chùm hoa sầu riêng hình thành được 3 – 5cm (khoảng 25 – 30 ngày).

Đối với cành cấp 1, vị trí để chùm hoa đầu tiên cách thân từ 0,5 – 1,8 m tùy tuổi cây. Cây càng lớn, cành ở dưới thấp thì vị trí để chùm hoa đầu tiên càng cách xa thân. Nếu để hoa, quả gần thân thì hoa, quả ở vị trí này sẽ phát triển rất kém.

Đối với cành cấp 2, giữ lại những chùm hoa ở vị trí cành to, khỏe, ở nách cành cấp 2. Không để hoa ở đầu cành, vì nếu đậu quả dễ bị gió giật gây tổn thương các cành lân cận và khó thu hoạch. Chọn các chùm hoa khỏe hướng xuống dưới (không để các chùm hoa hướng ngang hoặc mọc sai vị trí). Khoảng cách giữa các chùm bông cách nhau 20 – 25 cm. Nếu để dày sẽ làm cho hoa nhỏ, thụ phấn kém.

Tỉa bớt hoa trong một chùm, khi hoa dài khoảng 8 – 10 cm (khoảng 40 – 45 ngày). Ưu tiên giữ lại những nụ hoa ra cùng đợt và những hoa tròn, mập, cuống hoa khỏe, hoa không bị dị dạng, không bị sâu bệnh. Để không quá 10 bông/chùm.

Cành sầu riêng sau khi tỉa bông

Theo Nông nghiệp Việt Nam

3 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nhiều vườn sầu riêng ở Đăk Lăk vụ năm nay thất thu trầm trọng, khi những cơn mưa sớm đầu mùa làm bông non, trái non rụng ồ ạt, do xảy ra hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng…

  2. Thời điểm này cháu muốn bỏ phân nở cho sầu riêng được không?
    Nếu được thì liều lượng bao nhiêu mới hợp lý? Cháu cám ơn !

    • Bạn có thể bón cho mỗi cây 3-4 kg, nhớ bổ sung EM giúp cây dễ hấp thụ. Tốt nhất là kết hợp các loại Trichoderma hoặc phân vi sinh Prise. Quan trọng nữa là cần bổ sung các dưỡng chất trung vi lượng hoặc phân sinh học hữu cơ tổng hợp nhiều thành phần như biogel để bắt đầu quy trình làm bông vụ mới.

Gửi phản hồi mới

(?)