TTO – Đậu, gừng, tỏi, hạt sen… bỗng dưng bị Bộ Y tế đưa vào nhóm dược liệu và quản lý như kinh doanh thuốc khiến việc xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp bị đảo lộn, thậm chí tạm ngưng.
Hơn một tháng qua, ông Nguyễn Thanh Minh, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu và logistics tại quận 7 (TP.HCM), phải chạy xuôi ngược liên hệ nhiều nơi tìm cách lấy các đơn hàng thực phẩm đã về đến cảng nhưng vướng quy định mới của Bộ Y tế.
Bộ Y tế làm khó doanh nghiệp thực phẩm
Các sản phẩm như óc chó, bạch quả, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh; thực phẩm bổ dưỡng: táo tàu, kỷ tử, táo mèo, ý dĩ, hạt sen, long nhãn, nấm linh chi, thảo quả… bị giữ tại cảng từ cuối tháng 10-2020.
Mới đây, hải quan linh động giải quyết cho một số mặt hàng, số khác vẫn nằm trong danh sách chờ hoặc đợi đến khi Bộ Y tế sửa đổi quy định mới được thông quan.
Ông Minh cho biết trước đây công ty vẫn nhập các loại thực phẩm này bình thường và hàng về cảng do Bộ NN&PTNT kiểm tra rồi đưa về kho. Nhưng gần đây Bộ NN&PTNT không kiểm tra nữa vì theo quy định mới, các mặt hàng nói trên thuộc kiểm tra của Bộ Y tế.
“Thực sự tôi không hiểu sao các sản phẩm thực phẩm thông thường như trên đã nhập khẩu bao nhiêu năm lại bị đưa vào quản lý như dược liệu. Mà nếu quản lý như dược liệu thì các công ty xuất nhập khẩu thực phẩm sẽ nghỉ hết do không đủ điều kiện.
Chúng tôi làm thực phẩm thì xây dựng nhà máy, kho hàng theo chuẩn an toàn thực phẩm của Bộ NN&PTNT, nay sản phẩm bị chuyển sang Bộ Y tế quản lý thì mọi thứ lại phải thay đổi với các điều kiện của nhà máy và kho hàng của nhà thuốc. Như thế là quá lãng phí”, ông Minh nói.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) ở Bình Định cũng bức xúc vì nhập khẩu một số loại nguyên liệu về chế biến nước giặt tẩy và làm hương xuất khẩu cũng bị xếp vào nhóm dược liệu nên công việc bị đình trệ.
Trước đây DN này thường nhập khẩu trái bồ hòn khô, vỏ quế khô, rễ hương bài khô, hương nhu tía… từ Ấn Độ, Nepal về sản xuất hàng không liên quan đến thực phẩm hay dược liệu. Trong đó trái bồ hòn, hương nhu tía dùng để làm chất giặt tẩy tự nhiên không hóa chất đang được người tiêu dùng trong nước khá ưa chuộng.
“Ngay khi nhận được thông tin từ đơn vị lo xuất nhập khẩu về quy định của Bộ Y tế, chúng tôi đã phải chuyển sang mua nguyên liệu trong nước với giá cao hơn nhiều. Một số nguyên liệu trong nước không có hoặc không đủ nên chúng tôi đã phải hủy một số đơn hàng xuất khẩu cuối năm”, đại diện công ty này cho biết.
Theo tìm hiểu, có hàng trăm DN nhập khẩu thực phẩm và nguyên liệu đang bị vướng bởi quy định tại thông tư số 48/2018 ngày 28-12-2018 của Bộ Y tế. Thông tư này ban hành danh mục dược liệu, các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu…
Rất nhiều mặt hàng người dân vẫn sử dụng hằng ngày biến thành dược phẩm. Trong khi đó, theo thông tư 03/2016 của Bộ Y tế, cơ sở xuất nhập khẩu dược liệu phải có đủ các điều kiện “đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu”, đạt các nguyên tắc “thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra…
Tổng cục Hải quan: cần sửa !
Để tránh việc một mặt hàng hai chính sách quản lý và tránh tình trạng hàng hóa ùn ứ tại cảng nhiều tháng qua, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Bộ Y tế sớm có ý kiến trả lời để tháo gỡ khó khăn cho DN, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Trong đó vào ngày 28-10-2020, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Bộ Y tế về vướng mắc liên quan đến chính sách nhập khẩu mặt hàng có nguồn gốc thực vật và đề nghị sớm cho ý kiến. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa trả lời.
Trong thời gian chờ ý kiến thống nhất, Tổng cục Hải quan đề xuất tạm thời giải quyết linh động theo quy định của cả Luật an toàn thực phẩm và Luật dược. Cụ thể, trường hợp DN khai báo nhập khẩu hàng hóa dùng làm thực phẩm thì thực hiện theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm và nghị định hướng dẫn luật này.
Nếu DN khai báo nhập khẩu hàng dùng làm dược liệu thì thực hiện theo quy định tại Luật dược và nghị định hướng dẫn Luật dược. Trường hợp khai báo nhập khẩu hàng hóa khác (không dùng làm thực phẩm, không dùng làm dược liệu) thì DN tạm thời chọn một trong hai phương án trên.
Tổng cục Hải quan cho biết trong thời gian chờ ý kiến từ các bộ, đối với sản phẩm nhập khẩu được DN khai báo chủ yếu để làm thực phẩm như: đậu xanh, đậu đen, đậu nành, táo tàu, táo mèo, bạch quả, gừng, tỏi, sả, Tổng cục Hải quan chỉ đạo đơn vị hải quan địa phương giải quyết thủ tục nhập khẩu cho DN theo nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Về lâu dài, theo Tổng cục Hải quan, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi thông tư số 48/2018 theo hướng chỉ đưa vào danh mục dược liệu những sản phẩm chỉ có mục đích sử dụng làm dược liệu…
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thời gian qua đơn vị này nhận được rất nhiều phản ánh khó khăn của DN nhập khẩu thực phẩm do vướng thông tư số 48 của Bộ Y tế. Nguyên nhân cốt lõi vẫn là việc cơ quan soạn thảo là Bộ Y tế không phân định rõ sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ Y tế, sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT.
Trước đó, nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm do Bộ Y tế chấp bút thì có 3 bộ chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương. Nhưng sau đó có thông tư 48 do Bộ Y tế soạn thảo thì lại gom các mặt hàng về cho Bộ Y tế làm hết!
Do đó muốn giải quyết dứt điểm khó khăn cho DN thì phải đợi Bộ Y tế sửa đổi thông tư.
Hàng loạt mặt hàng bỗng thành dược phẩm. Điều gây bất ngờ với các DN là trong danh mục của Bộ Y tế có đến hàng trăm loại thực phẩm rất phổ biến được dùng trong đời sống hằng ngày lại đưa vào danh mục dược liệu: các loại đậu hạt (đậu ván trắng, hạt bí ngô, óc chó, bạch quả, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh…); các loại rau thơm (bạc hà, húng chanh, húng quế, ngải cứu, kinh giới, lá lốt, diếp cá, đinh lăng…); các loại gia vị (riềng, gừng, nghệ, hồ tiêu, quế, sả, gấc, tỏi…); các loại nước mát (atisô, bồ công anh, cam thảo, sắn dây, chè vằng, nhân trần, rau má, râu bắp, hoa cúc…); thực phẩm bổ dưỡng (táo tàu, kỷ tử, táo mèo, ý dĩ, hạt sen, long nhãn, nấm linh chi, thảo quả…) và nguyên liệu như rễ cỏ tranh, hạt cau, lá khế, lá xoài, bồ kết.
Với quy định mới của Bộ Y tế, các loại trên là dược liệu và phải được quản lý theo quy định về sản xuất và kinh doanh dược liệu. Điều này sẽ đẩy tất cả các DN xuất nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm có liên quan đến các mặt hàng nói trên vào thế không thể kinh doanh.
Tuần sau sẽ có hướng dẫn mới. Trao đổi với Tuổi Trẻ về những vướng mắc này, đại diện Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết hiện cục đã nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và đang cùng 2 bộ này tháo gỡ vướng mắc.
“Trước đây việc nhập khẩu các sản phẩm này thực hiện theo thông tư 15 của Bộ NN&PTNT, không có vướng mắc nào phát sinh. Gần đây những sản phẩm này lại nằm trong danh mục dược liệu theo thông tư 48 và nghị định 54, từ đó nảy sinh những vướng mắc” – đại diện cục xác nhận.
Cũng theo vị này, trong số sản phẩm đang gặp vướng mắc có sản phẩm “giao thoa”, vừa là thực phẩm vừa là dược liệu, trong khi nhập khẩu dược liệu đang có những vấn đề cần chấn chỉnh.
“Như gừng thì vừa là thực phẩm vừa là dược liệu, trong nước trồng rất nhiều gừng không bán được, nhưng nhập khẩu gừng vẫn rất nhiều” – Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết.
Cục Quản lý y dược cổ truyền đã có kế hoạch họp bàn với Tổng cục Hải quan và đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT trong tuần tới nhằm tách danh mục này theo hướng sản phẩm hướng thực phẩm nhiều hơn sẽ ứng xử như với thực phẩm, sản phẩm nào là dược liệu sẽ trả về cho dược liệu.
“Ngay sau cuộc họp 3 bộ vào tuần tới sẽ ban hành ngay quy định để giải quyết vướng mắc hiện nay” – lãnh đạo cục nói.
Bán hành tỏi ngoài chợ phải có trình độ dược tá? Nếu Bộ Y tế đưa các loại thực phẩm hằng ngày vào danh sách dược liệu thì việc một người bán lẻ ngoài chợ các loại hành, tỏi, gừng, quế, hồi, táo tàu, kỷ tử, hương nhu… cũng phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu.
Trong khi đó, điều 7 thông tư 03/BYT quy định điều kiện đối với cơ sở bán lẻ dược liệu về cơ sở vật chất phải có địa điểm cố định, diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, tối thiểu là 25m2, riêng biệt; bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm, bảo đảm phòng chống cháy nổ; phải có khu vực trưng bày, khu vực bảo quản dược liệu.
Về nhân sự phải có đủ nhân viên trình độ phù hợp với công việc được giao, trong đó có ít nhất một người trình độ từ dược tá trở lên. Tất cả nhân viên phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn chuyên môn, cập nhật những quy định mới của Nhà nước về bảo quản, quản lý dược liệu.
Tích cực lo lắng sức khỏe của dân như vậy là quá tốt !
Những thứ dùng trong chế biến thực phẩm thường gọi là gia vị.
Những thứ dùng trong sản xuất thuốc trị bệnh thường gọi là dược liệu.
Khó tin các Bộ còn nhầm lẫn để ra thông tư như vậy !
Hải Quan áp dụng rất hay. Khai dược liệu thì áp dụng theo thuốc của bộ Y tế. Khai thực phẩm thì áp dụng theo nông sản của bộ Nông nghiệp.
Sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng.
Lo chi, sai thì sửa mấy hồi…
Rất nhiều TT của các Bộ Ngành khi công bố để góp ý thì không thấy ai phản hồi. Khi đi vào áp dụng mới bộc lộ những chồng chéo, thiếu sót hay nhầm lẫn nên sẽ có sự điều chỉnh !
Không có biên giới rõ ràng giữa thuốc, thực phẩm và chất độc, chỉ khác nhau ở liều dùng mà thôi. Mỗi loại thực phẩm đều có dược tính, dùng đúng liều lượng thì có tác dụng chữa bệnh, dùng lố liều thì bị phản tác dụng như chất độc. Ngược lại, có một số loại thuốc có tính chất bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể (đạm truyền, gluco truyền, vitamin A,B, C,D…) nên có thể xem là thực phẩm cũng không sai và dùng lố liều cũng sẽ gây hại…. ngược lại, có một số chất độc nhưng nếu dùng đúng liều và đúng cách thì cũng có tác dụng chữa bệnh. Ở Mỹ, việc quản lý thực phẩm và thuốc được giao cho một cơ quan duy nhất là FDA (Food and Drug Administration) tạm dịch là cục quản lý thực phẩm và dược phẩm.
Mình nghĩ Việt Nam nên áp dụng mô hình của Mỹ, nhập chức năng quản lý thực phẩm của của bộ NN&PTNN và chức năng quản lý dược phẩm của bộ y tế lại thành một và do bộ Y tế quản lý.
Sẽ vô cùng khó, khi nhận thức của đại đa số người dân là theo thói quen.
Nhập 2 cục của 2 bộ lại với nhau, chỉ là ảo tưởng bởi miếng bánh không dễ trao…
Khi rạch ròi về quản lý như vậy sẽ tránh được chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi trong việc cấp phép lưu hành thuốc BVTV.
Bộ Y tế có chức năng kiểm tra ATVSTP trên nông sản, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ sức khỏe con người, và là đơn vị kiểm tra, xử lý các vi phạm ATVSTP.
Trong khi đó, bộ NNVPTNN có chức năng cấp phép lưu hành thuốc BVTV, và phải chịu trách nhiệm về việc các hoạt chất được cấp phép lưu hành phù hợp với chuẩn mực bảo vệ sức khỏe con người do bộ y tế quy định. Mặt khác, bộ NN&PTNN phải đảm bảo các hoạt chất được cấp phép phải có hiệu quả trong việc bảo vệ cây trồng.
Phân chia như vậy sẽ có kiểm tra chéo giữa hai bộ chức năng, vừa đảm bảo hiệu quả trong bảo vệ cây trồng, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh lợi ích nhóm.
Việc cua cua máy, việc cáy cáy đào.
Hơi sức đâu để họ kiểm tra chéo nhau vì ai đó mà không vì lợi ích cục bộ !
Người nông dân sản xuất ra các sản phẩm như hạt tiêu, hạt đậu… rất khó khăn vất vả mà vẫn còn nghèo lắm. Đề nghị các bộ ngành liên quan điều chỉnh lại các văn bản pháp luật gấp, nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắt của nông dân và doanh nghiệp để phát triển đất nước…