Indonesia – Việt Nam “bắt tay” nhằm ổn định thị trường hồ tiêu

, Giao Thương, Thị trường hạt tiêu, 17

Indonesia và Việt Nam vừa nhất trí hợp tác tìm cách ổn định giá hồ tiêu trên thị trường quốc tế, từ đó nâng vị thế lên trở thành hai quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất thế giới.

Hai bên đạt được thỏa thuận trong buổi làm việc giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 23/8/2017. Buổi làm việc này nằm trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày tại thủ đô Jakarta của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Jokowi phát biểu trong buổi gặp mặt: “Là nước sản xuất hồ tiêu và cao su lớn của thế giới, chúng tôi nhất trí thực hiện các biện pháp cứng rắn để kiểm soát và duy trì sự ổn định của giá cả hàng hóa, cũng như cải thiện chất lượng hàng hóa của hai nước”.

Trong vài tháng gần đây, hồ tiêu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam, Indonesia nói riêng liên tục giảm giá và hiện đang giao dịch ở mức giá khá thấp so với những tháng đầu năm nay.

Theo Công ty Gia vị Nedspice Sourcing, gần đây, giá tiêu giảm mạnh nhưng không quá mạnh như thời kỳ lao dốc lịch sử trước đó của hồ tiêu và cả các hàng hóa khác. Trong thời kỳ khủng hoảng nhất của thị trường hồ tiêu, giá mặt hàng này đã giảm trung bình 78%.

Hiện tại, tiêu đen và tiêu trắng trên thị trường có giá lần lượt là 4.000 và 7.500 USD/tấn, giảm khoảng một nửa so với mức giá ghi nhận được vào năm 2015. Nguyên nhân là, Việt Nam và Brazil cũng tăng mạnh sản lượng hồ tiêu.

Theo số liệu của Nedspice, Việt Nam, chiếm khoảng 40% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, dự kiến sản xuất được 210.000 tấn tiêu trong năm nay, tăng 27% so với năm ngoái.

Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu của Indonesia, nước sản xuất hồ tiêu lớn thứ hai thế giới, cũng dự báo tăng 4,6% so với năm ngoái lên 68.000 tấn trong năm nay

17 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Có sự nhầm lẫn ở đây thì phải, theo bài viết đăng ngày 21 tháng 8 thì nói sản lượng hồ tiêu của Indonesia năm nay sẽ sụt giảm đáng kể; đến bài viết này dự báo tăng 4,6% là sao ta.

    • – Bài này viết theo dự báo tăng của Nedspice đưa ra từ hồi đầu năm mới.
      – Bài ngày 21/8 tôi viết theo đợt đi tham quan thực tế thu hái giữa tháng 7 và nghe nông dân Indonesia phản ánh.
      Dự báo hay kể cả báo cáo, về sau thường điều chỉnh khi có số liệu chính thức.
      Chuyện này cũng rất bình thường, đừng quá ngạc nhiên.
      Cũng như báo cáo mới nhất của bộ NN&PTNT, xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 165 ngàn tấn tiêu. Còn 4 tháng cuối năm sẽ xuất thêm bao nhiêu nữa ? Không ngạc nhiên chứ !

    • Em ước Trung Quốc mua qua đường tiểu ngạch khoảng 20.000 tấn nữa nên lượng tiêu trong dân không còn nhiều. Bà con nông dân còn trữ hàng cũng không bán ra theo mức giá hiện nay, chắc giá tiêu sẽ tăng từ đây cho tới khi thu vụ mới.
      Triển vọng vụ mùa tới cũng tệ lắm vì bông quá ít, trụ tiêu nào cũng chỉ thấy toàn lá…

  2. Họ sẽ thực sự làm gì để giữ giá tiêu ổn định? Ổn định ở mức nào? Lấy đâu ra tiền để làm điều đó, với các mặt hàng nông sản khác thì sao?

    Nói chung là tác động cũng không đến đâu và cũng sẽ không bền vững. Mỗi nông dân, mỗi người, mỗi đại lý, cty tự lo cho mình vẫn là tốt nhất, đừng kỳ vọng gì cả rồi lại thất vọng.

  3. Ở đây họ nói là “bền vững” chứ không phải là giá sẽ tăng cao. Đối với Indo, sự bền vững đã có từ lâu rồi, kinh tế ổn định, đồng tiền không mất giá và ít lạm phát, nên họ giữ ổn định để tiếp tục đi lên là phát triển bền vững. Còn Ta, giá cả nay trồi mai trụt người nông dân không biết đâu để mà lần, chỉ làm theo phong trào như nước lũ miền tây, đôi khi chờ hoài không thấy, mà khi thấy thì trở tay không kịp. Ai điều tiết thị trường, ai tăng giá sốc và rồi khi nông dân đầu tư hàng loạt thì giá cũng giảm sốc. Nhà nước không can thiệp, người nông dân không có hướng đi căn cơ. Trước đây, cụ thể năm 2012, giá tiêu khoảng 60 ngàn, sau mỗi năm tăng đều và nhẹ. đến 2014, 2015, tăng vọt lên, có lúc tới 240 ngàn / 1kg. Bây giờ hạ xuống 100 ngàn. Mọi thứ đều hụt hẫng…
    Đối với dầu lửa, hiệp hội OPEC còn không can thiệp được hiệu quả khi khủng hoảng hoặc có biến cố chứ nói gì là Hạt tiêu.
    Vài dòng suy nghĩ góp thêm tiếng nói khi cùng bà con nông dân nghỉ giải lao uống trà.

  4. @Cáp Tuấn chưa biết về nông dân trồng tiêu Indonesia rồi.

    Họ khổ hơn mình, chi phí sản xuất cao hơn mình, đất đai của họ để trồng tiêu chỉ 0.42 ha/hộ bình quân.
    Giá này thì dân mình còn cầm cự được chứ dân họ sắp đói đến nơi rồi. Dan Viet sang đó nghe tiếng than vãn khắp nơi.
    Họ cầu cạnh mình giữ giá (vì mình là cường quốc trồng tiêu) để cứu dân họ thì đúng hơn.

    Nếu là nhà chiến lược, nên để giá như vầy hoặc rớt thêm chút nữa nhằm tiêu diệt họ luôn (trong khi dân mình vẫn còn chịu đựng được). Khi thị trường phục hồi mình sẽ được xơi miếng bánh lớn hơn nữa.

  5. Đất vốn đã ít, họ lại rất vô tư dùng tiền bán tiêu giá cao mấy năm qua để cúng thánh Ala. Tiền dư bán tiêu chuyển hoá rất nhiều thành đền thờ Hồi giáo. Khắp nơi trên đảo Lampung hễ nơi nào có đền thờ Hồi giáo lớn đẹp là y như rằng đó là vùng trồng tiêu.
    Giờ giá tiêu rớt, cầu mong thánh Ala phù hộ họ.

    • Nhìn chung ở nông thôn Indo, nông dân trồng tiêu của họ sống bình dị, có vẻ “nghèo” hơn dân trồng tiêu của mình… Nhưng họ đóng góp xây dựng đền thờ Hồi Giáo hoành tráng thật !

  6. Thị trường tiêu Việt Nam khá ổn định 2 tháng này, mong rằng sẽ tiếp tục ổn định đến cuối năm.
    Tuy nhiên mọi người cũng lưu ý thông tin thế giới sau:
    – Hàng indonesia đã bắt đầu chào cho Châu Âu và Mỹ, thậm chí họ chủ động ship hàng sang 2 thị trường này rồi chốt giá bán sau, giá Lasta chào rẻ hơn hàng Vasta 50-100 usd/mt.
    – Hàng Brasil (Basta) chào giao đi New York đang rẻ hơn hàng Vietnam (Vasta) chào hiện tại 550 – 600 usd/mt. Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã ký mua từ Brasil về để cạnh tranh với Indonesia và chính Brasil.
    – Cả Indonesia và Brasil đều thu hoạch hết vào tháng 9 này.

  7. @ Quach Dang. Cầu mong dân mình tự lực tự cường, có chiến lược, với tinh thần chịu khó tiết kiệm (vì đã trải qua chiến tranh triền miên rồi) sẽ trụ vững và vượt qua được khủng hoảng, đến khi quay lại trở về thời hoàn kim với vị thế vững vàng hơn nữa.

    Cạnh tranh nó giống như trận đấu quyền anh vậy, người chiến thắng cũng te tua tơi tả chứ cũng không lành lặn gì, nhưng vinh quang. Có muốn né tránh cạnh tranh cũng không được, cuộc sống nó vốn vậy mà, cứ bình tĩnh đón nhận nó và cố gắng vượt qua thôi. Sau cơn mưa trời lại sáng.

  8. Xu hướng giảm là khó cưỡng, e là tốc độ giảm sẽ gia tăng dần.
    Brazil rất trúng mùa.
    Ấn Độ rất trúng mùa.
    Việt Nam và Cam mất mùa nhưng sản lượng vẫn tăng do lượng trồng mới quá nhiều.

  9. Mọi người cứ làm ầm lên vì tiêu rớt giá. Nhưng năm nay diện tích trồng mới còn lớn hơn nhiều vì được mùa dây rẻ, cứ như thế thì bao giờ giá tiêu sẽ phục hồi mức 150.000/kg … Mình chỉ mong giá sẽ ổn định ở mức hiện tại chứ đừng rớt nữa.

  10. Một công ty của Indonesia có tên là Ama…. đã nghe lời tổng thống của họ ôm vô 7.000-8.000 tấn tiêu Lampung giá cao trong vụ, giờ đang chào bán số tiêu này trong hội nghị của Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới. Có vẻ họ đuối hung rồi…

  11. Giá hồ tiêu sẽ từ từ bình ổn 3 – 4 năm sau, hoặc lâu hơn nữa. Chờ tới tiêu thật là sạch thì giá tiêu mới ổn định.

Gửi phản hồi mới

(?)